Nhà thuốc Hưng Thịnh

Người dân đã tiêm vắc xin mũi 2 có nên tiêm vắc xin mũi 3 không? Vai trò của mũi 3 vắc xin giúp ích như thế nào cho cơ thể chống lại sự tấn công của virus SARS-CoV-2?

Theo như kế hoạch dự kiến của Sở Y tế TP. HCM, tiêm vắc xin mũi 3 cho người dân sẽ được bắt đầu triển khai từ ngày 10/12/2021. Các đối tượng được tiêm liều bổ sung vắc xin có độ tuổi từ 18 trở lên. Việc tiêm vắc xin mũi 3 có phải là điều cần thiết ở thời điểm hiện tại không? Thời gian tiêm vaccine mũi 3 cách mũi 2 bao lâu? Cùng tìm hiểu qua các thông tin nội dung trong bài sau.

Tiêm vắc xin mũi 3 có quan trọng không?

Theo PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP HCM, việc tiêm ngừa vắc xin sẽ giúp giảm tỷ lệ bệnh nặng, tỷ lệ tử vong thấp sau khi tiêm ít nhất trong 6 tháng. Sau thời gian này, kháng thể sẽ giảm đi, người bệnh vẫn có thể phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2. Tuy rằng không bệnh nặng nhưng các virus tồn tại và phát triển trong cơ thể sẽ có khả năng lây nhiễm cho người khác khi tiếp xúc. Chính vì thế, việc tiêm vắc xin mũi 3 là vô cùng quan trọng và thiết thực.

Tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin mũi 3 ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 1 Việc tiêm vắc xin mũi 3 ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 là điều cần thiết và quan trọng

Đối tượng nào được ưu tiên tiêm vắc xin mũi 3?

Theo dự kiến của Bộ y tế, từ ngày 10/12 sẽ bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm mũi bổ sung thứ 3 cho các tượng từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ngừa 2 mũi trước đó. Trong đó, ưu tiên tiêm ngừa trước cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền hoặc đối tượng làm việc trong môi trường có khả năng lây nhiễm SARS-CoV-2 cao như tình nguyện viên tuyến đầu chống dịch, đội ngũ y-bác sĩ, nhân viên y tế,…

Các đối tượng được ưu tiên như người lớn tuổi, người bệnh nền, người suy giảm miễn dịch,… đều là nhóm có nguy cơ dễ nhiễm bệnh cao nhất vì có sức đề kháng kém, khả năng sinh miễn dịch của vắc xin cũng kém hơn người khỏe mạnh hoặc nhóm trẻ tuổi. Những đối tượng này khi nhiễm bệnh Covid-19 sẽ có tỷ lệ trở bệnh nặng cao. Họ cũng có nguy cơ tử vong cao hơn nếu nhiễm phải các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Thời gian tiêm vắc xin mũi 3 cách mũi 2 bao lâu?

Theo kế hoạch, vắc xin tiêm mũi 3 bổ sung sẽ là vắc xin cùng loại với 2 liều cơ bản, hoặc tiêm vắc xin mRNA là Pfizer và Moderna. Ví dụ đơn giản để bạn dễ hình dung hơn, nếu mũi 1 và 2 bạn đã tiêm vắc xin Sinopharm, thì tiêm vắc xin mũi 3 sẽ là Sinopharm, hoặc vắc xin mRNA Pfizer và Moderna đều được. Tương tự, nếu trước đó mũi 1 và 2 là vắc xin AstraZeneca, thì mũi 3 sẽ là AstraZeneca hoặc thay thế bằng Pfizer và Moderna.

Vậy thời gian tiêm vaccine mũi 3 cách mũi 2 bao lâu? Trong trường hợp đã tiêm 2 liều cơ bản vắc xin ngừa virus SARS-CoV-2 trước đó, thì thời gian tiếp tục tiêm mũi 3 bổ sung là sau mũi 2 khoảng 28 ngày (4 tuần). Vắc xin tiêm mũi 3 bổ sung sẽ do Bộ y tế cấp phép phê duyệt. Liều lượng vắc xin mũi 3 hoặc mũi nhắc lại cũng phải tuân thủ đúng theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất đã được Bộ y tế cho phép.

Tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin mũi 3 ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 2 Thời gian tiêm vắc xin mũi 3 cách mũi cơ bản thứ 2 là sau 28 ngày

Giống như 2 mũi vắc xin cơ bản trước, tiêm vắc xin mũi 3 bạn cũng có thể gặp các phản ứng phụ như đau nhức ở vị trí tiêm, sốt, mệt mỏi, đau cơ, nhức đầu,…Đây đều là các phản ứng bình thường và không có gì đáng lo ngại.

Tuy nhiên, nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường khác như sốc phản vệ, viêm cơ tim, khó thở, co giật,… thì bạn nên báo ngay với nhân viên y tế hoặc đến ngay bệnh viện gần mình nhất để kịp thời xử lý.

Người bệnh Covid-19 đã khỏi có cần tiêm vắc xin mũi 3 không?

Đây là thắc mắc chung của nhiều F0 đã khỏi bệnh. Theo TS Nguyễn Huy Luân – Trưởng Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược (TP HCM) cho biết, các bệnh nhân đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2 và đã khỏi bệnh đáp ứng miễn dịch không giống với người chỉ được tiêm vắc xin. Tính miễn dịch này được sản sinh ra trong quá trình cơ thể bị bệnh và tự phục hồi. Về lý thuyết, F0 đã khỏi bệnh sẽ không cần phải tiêm mũi 3.

Thế nhưng, khi tiêm vắc xin, mỗi liều thuốc đưa vào cơ thể sẽ được tính toán số lượng kháng nguyên phù hợp cần dùng. Đối với các người nhiễm Covid-19 đã hết bệnh thì khó có thể xác định được số lượng kháng nguyên ít hay nhiều, có đủ để kháng lại sự tấn công của virus SARS-CoV-2 không? Chính vì thế, để đảm bảo an toàn, nhóm đối tượng như người lớn tuổi, bệnh nền, bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch,… vẫn nên tiêm vắc xin mũi 3.

Tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin mũi 3 ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 3 Nhóm đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, bệnh nền, suy giảm miễn dịch,… vẫn nên tiêm vắc xin mũi 3 dù là F0 đã khỏi bệnh.

Nhiều nước trên thế giới đã triển khai tiêm vắc xin mũi 3 cho toàn thể người dân. Đây là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe của mọi người trước sự tấn công của các biến thể virus SARS-CoV-2 mới. Bên cạnh việc tuân thủ tiêm chủng vắc xin đầy đủ, bạn vẫn nên tiếp tục thực hiện tốt các hướng dẫn phòng chống dịch bệnh Covid-19 do Bộ y tế chỉ thị như thường xuyên xịt khuẩn tay, đeo khẩu trang y tế ở nơi công cộng,… Hy vọng rằng đại dịch sẽ sớm bị đẩy lùi,  trong tương lai gần Covid-19 sẽ không còn là “cơn ác mộng” của cả thế giới.

Bảo Vân

Nguồn: Người Lao Động

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)