Nhà thuốc Hưng Thịnh

Khàn tiếng có đờm là những dấu hiệu cho biết bạn đang gặp các vấn đề về đường hô hấp. Nếu tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của người bệnh. Vậy nguyên nhân gây khàn tiếng có đờm là gì và cách xử lý như thế nào, mời quý vị tìm hiểu cùng Nhà thuốc Hưng Thịnh nhé!

Khàn tiếng có đờm là những triệu chứng bệnh bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, có thể do tổn thương cổ họng và dây thanh quản. Bên cạnh đó cũng có thể hình thành từ các cơ quan khác của đường hô hấp như xoang mũi, vòm họng, ống dẫn khí, phế nang…

Khàn tiếng có đờm: Nguyên nhân và cách xử lý 1 Khàn tiếng có đờm có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý

Nguyên nhân gây khàn tiếng có đờm

Khàn tiếng và có đờm là những triệu chứng chủ yếu do tổn thương cổ họng và dây thanh quản. Tuy nhiên, dấu hiệu này cũng có thể cảnh báo một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. 

Ho khàn tiếng có đờm là triệu chứng của nhiều bệnh lý sau: 

Viêm thanh quản

Viêm thanh quản là tình trạng dây thanh quản bị sưng viêm, xảy ra do sự xâm nhập của virus hoặc các nguyên nhân khác như hút thuốc lá, uống nhiều nước đá, la hét quá mức, hít phải hóa chất độc hại…

Tình trạng sưng viêm ở dây thanh khiến chất lượng không khí đi qua bị biến dạng và thay đổi, vì vậy gây ra tình trạng khàn tiếng hay mất giọng. Ngoài ra, trong trường hợp dây thanh quản bị nhiễm trùng còn khiến cổ họng tăng tiết dịch nhầy và ứ đờm.

Viêm thanh quản thường không nguy hiểm, được kiểm soát và cải thiện sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, một số trường hợp khàn tiếng kéo dài có thể báo hiệu tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng khác.

Viêm xoang

Viêm xoang xảy ra do viêm các xoang cạnh mũi, dẫn đến phù nề gây tăng tiết nhầy và tắc lỗ thông xoang. Chính vì thế, lượng dịch nhầy tiết ra có xu hướng đọng lại ở mũi và cổ họng, lâu dần khiến họng bị đau, khàn tiếng và có đờm.

Khàn tiếng có đờm: Nguyên nhân và cách xử lý 2 Viêm xoang gây ứ đọng dịch nhầy ở cổ họng và mũi, làm xuất hiện các triệu chứng khàn tiếng và có đờm

Viêm xoang có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như dị ứng, người có khối u trong mũi và xoang gây tắc nghẽn đường dẫn lưu trong xoang hoặc do chấn thương mũi, hệ thống lông chuyển trong xoang hoạt động kém, suy giảm hệ miễn dịch… Người bệnh viêm xoang có khả năng được điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu tình trạng viêm kéo dài có thể chuyển sang giai đoạn mãn tính.

Trào ngược dạ dày – thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch dạ dày trào ngược từng lúc hay thường xuyên lên thực quản, làm cho dịch vị tiếp xúc với dây thanh quản và niêm mạc hầu họng gây nên các triệu chứng khàn tiếng, có đờm.

Theo thời gian, trào ngược dạ dày thực quản không chỉ gây khó chịu cho người bệnh mà còn có thể dẫn tới những biến chứng nặng nề như vùng họng bị tổn thương, viêm thực quản thậm chí là ung thư thực quản.

Lõm dây thanh

Lõm dây thanh (rãnh dây thanh), là bệnh lý hình thành do thiếu hụt hoặc mất lớp mô phủ trên dây thanh. Lớp mô này có vai trò phát ra âm thanh khi rung, tình trạng này có thể khiến bạn gặp khó khăn khi giao tiếp.

Hiện nay, nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh lý này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lõm dây thanh có thể là hệ quả do rối loạn phát triển ở tuổi vị thành niên.

Đặc trưng của bệnh lý này là tình trạng khàn tiếng đi kèm với dấu hiệu có đờm ở cổ họng, nói khó nghe và thường phải cố gắng rất nhiều khi nói, do đó khiến thanh quản dễ bị viêm và sưng.

Báo hiệu ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng là hiện tượng tế bào ở vòm họng tăng sinh bất thường và mất kiểm soát. Đây là một trong những bệnh lý nguy hiểm ở đường hô hấp trên, có biểu hiện tại họng khiến người bệnh chủ quan.

Bệnh lý này thường có mức độ nghiêm trọng ở các giai đoạn muộn nhưng lại không có những biểu hiện đặc trưng trong giai đoạn sớm, khiến người bệnh nhầm lẫn với những bệnh lý đường hô hấp thông thường như viêm họng, cảm cúm.

Khàn tiếng có đờm: Nguyên nhân và cách xử lý 3 Khàn tiếng có đờm là những triệu chứng khởi phát của ung thư vòm họng

Giai đoạn đầu, khối u ở vòm họng phát sinh một cách âm thầm, làm xuất hiện các triệu chứng như đau rát họng, khàn tiếng, ho có đờm, ngạt mũi… Theo thời gian, khối u có thể tăng sinh và gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như ho ra đờm có lẫn máu, chảy máu hoặc mủ ở mũi, mất giọng, chán ăn, mệt mỏi, sụt cân nhanh…

Lao phổi

Lao phổi là một bệnh truyền nhiễm chủ yếu do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Vi khuẩn này có khả năng lây nhiễm khi người bệnh nói, ho, khạc nhổ, hắt hơi…

Dấu hiệu quan trọng nhất của bệnh lao phổi là ho kéo dài liên tục hơn 2 tuần, có thể là ho khàn, ho có đờm, thậm chí là ho ra máu. Bên cạnh đó, người bệnh còn có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, đau tức ngực, khó thở, ra mồ hôi vào ban đêm và có thể sốt nhẹ về chiều

Bệnh lao phổi có thể gặp ở lứa tuổi và giới tính, đặc biệt với những người thường xuyên phải tiếp xúc với người bị lao phổi nhưng không có các biện pháp phòng tránh dẫn tới khả năng nhiễm bệnh cao.

Cảm lạnh và cảm cúm

Cảm lạnh và cảm cúm là những bệnh ở đường hô hấp trên khá phổ biến, nguyên nhân chủ yếu là do sự xâm nhập của virus cúm hoặc rhinovirus. Bệnh có thể gây ra các triệu chứng như sốt, chảy nước mũi, ngứa mũi, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, đau họng, ho, khàn tiếng, có đờm…

Khàn tiếng có đờm: Nguyên nhân và cách xử lý 4 Cảm lạnh, cảm cúm có thể khiến cổ họng tiết nhiều dịch nhầy

Cảm cúm, cảm lạnh là những bệnh lý thường gặp, nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách sẽ thuyên giảm sau 7 – 10 ngày mà không gây ra ảnh hưởng xấu nào.

Viêm phổi

Viêm phổi là tình trạng bệnh lý xảy ra khi các phế nang bị tổn thương. Nguyên nhân làm bệnh phát sinh là hiện tượng nhiễm trùng do các tác nhân như nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn và virus.

Triệu chứng đặc trưng của viêm phổi là tình trạng khó thở, thở nhanh và nông. Ngoài ra, người bệnh còn gặp các biểu hiện như uể oải, chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy, ho khàn, ho có đờm vàng…

Bệnh viêm phổi có thể lây truyền trực tiếp do tiếp xúc với người bị bệnh hoặc gián tiếp thông qua các vật dụng, đồ dùng cá nhân của người bệnh bởi virus có thể tồn tại trong không khí lên đến vài giờ.

Bệnh hen suyễn

Hen suyễn là bệnh lý mãn tính, không lây và xuất hiện phổ bố ở trẻ em. Bệnh lý hình thành do đường hô hấp bị hẹp có hồi phục với những triệu chứng đặc trưng là tình trạng khó thở, thở khò khè, ho và nặng ngực. Do vậy, người bệnh có thể bị mất giọng hoặc khàn tiếng khi cơn hen bùng phát.

Đối với những trường hợp hen suyễn tái phát nhiều lần, cơ quan hô hấp có thể bị kích thích và sản sinh dịch nhầy, ứ đọng trong cổ họng.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là dạng bệnh lý tắc nghẽn thông khí phổi, thường là hậu quả do hút thuốc lá liên tục trong thời gian dài. Các triệu chứng chính của bệnh là khó thở, ho, tiết dịch nhầy (đờm), thở khò khè.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gồm viêm phế quản mãn tính và khí phế thũng. Theo thời gian, các vấn đề về đường hô hấp của người bệnh sẽ càng trở nên tồi tệ và hạn chế trong cuộc sống sinh hoạt hàng hàng ngày, mặc dù điều trị có thể giúp kiểm soát tình trạng này.

Viêm phế quản

Viêm phế quản là tình trạng viêm ống dẫn khí vào phổi. Có nhiều nguyên nhân gây viêm phế quản nhưng phổ biến nhất là do virus (virus cúm A và B , RSV, adenovirus, rhinovirus).

Khàn tiếng có đờm: Nguyên nhân và cách xử lý 5 Viêm phế quản gây ho, khàn tiếng, khó thở và ứ dịch đờm tại cổ họng

Bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm và tăng tiết dịch tại ống phế quản, từ đó gây ra các triệu chứng như ho có đờm, thở khó, thở nhanh, khàn tiếng, mệt mỏi, sốt…

Ung thư phổi

Ung thư phổi hình thành do các tế bào tăng sinh mất kiểm soát và làm phát sinh khối u ác tính. Ung thư phổi là bệnh lý có mức độ nghiêm trọng hơn hẳn các bệnh về đường hô hấp khác và gây ra những triệu chứng nặng nề như ho ra máu, đau ngực, khó thở, ứ đờm, khàn tiếng, mất giọng, sụt cân nhanh chóng…

Cách xử lý khi bị khàn tiếng có đờm

Khàn tiếng, có đờm có thể là những triệu chứng của các bệnh lý thông thường như cảm cúm, viêm xoang, viêm họng… Tuy nhiên, đây cũng có thể là biểu hiện của những bệnh lý nguy hiểm như lao phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính, ung thư phổi…

Đối với những nguyên nhân thông thường, triệu chứng sẽ nhanh chóng giảm sau khoảng 7 – 10 ngày nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, trong các trường hợp triệu chứng kéo dài và có xu hướng tăng lên thì bạn cần tìm gặp bác sĩ để được tiến hành thăm khám.

Bài viết trên đây, Nhà thuốc Hưng Thịnh đã cùng các bạn giải đáp được những nguyên nhân cũng như cách xử lý khi gặp tình trạng khàn tiếng có đờm. Chúc các bạn có thật nhiều sức khỏe!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)