Nhà thuốc Hưng Thịnh

Hội chứng vùi lấp hay crush syndrome là tình trạng chấn thương toàn thân hay cục bộ mà bệnh nhân gặp phải sau các vụ thiên tai, chiến tranh hay tai nạn nghiêm trọng. Hẳn nhiều người thắc mắc rằng hội chứng vùi lấp biểu hiện như thế nào? Hay cách xử trí và điều trị bệnh nhân bị chứng vùi lấp là gì? Hãy cùng Nhà Thuốc Hưng Thịnh tìm hiểu về chủ đề này trong bài viết dưới đây nhé!

Vậy hội chứng vùi lấp là gì? Trong các vụ thiên tai, sạt lở hay sập hầm chiến tranh, nạn nhân thường chịu sức ép lớn từ đất đá vào một phần hay toàn bộ cơ thể. Điều này sẽ gây chấn thương, dập nát mô mềm cũng như gây tình trạng thiếu máu cục bộ chi. Những thương tích này sẽ gây nên hội chứng vùi lấp. Khi đó, nạn nhân cần được phát hiện sớm, xử trí ban đầu nhanh chóng và đưa tới cơ sở y tế gần nhất để tiếp nhận điều trị thực thụ.

Hội chứng vùi lấp là gì?

Hội chứng vùi lấp (crush syndrome) là tổn thương và các biến chứng của nạn nhân từ những vụ động đất, tấn công khủng bố, vụ nổ cũng như tai nạn khác. Hội chứng vùi lấp được đặt trong nhiều bối cảnh tai nạn, có thể là thảm họa thiên nhiên, chiến tranh giữa các nước hay tai nạn công nghiệp.

Theo thống kê toàn cầu, tỷ lệ nạn nhân mắc phải hội chứng vùi lấp từ 2% tới 15% ở chiến tranh, chấn thương. Thậm chí, tỷ lệ này lên tới 30% ở người gặp thiên tai như động đất.

Về mô tả khái quát, hội chứng vùi lấp biểu hiện tổn thương nghiêm trọng toàn thân hoặc cục bộ tại từng vùng cơ thể. Đó có thể là chấn thương hoặc thiếu máu cục bộ mô cơ quan do bị nghiền nát, chèn ép trong một thời gian dài.

Điều này dẫn tới hiện tượng tăng tính thấm màng tế bào, giải phóng chất bên trong như myoglobin, kali hay các loại enzym. Đồng thời, tình trạng thiếu máu cục bộ sẽ làm rối loạn chức năng lọc máu của thận, hạ huyết áp và dẫn tới chứng tăng ure máu.

Hội chứng vùi lấp là gì? Biểu hiện và xử trí ban đầu nạn nhân bị hội chứng vùi lấp 1Hội chứng vùi lấp là gì?

Cơ chế của hội chứng vùi lấp

Hội chứng vùi lấp bao gồm chấn thương do chèn ép liên tục kéo dài và tổn thương thứ phát mô cơ thể. Hai cơ chế chính dẫn tới triệu chứng của hội chứng bao gồm tổn thương mô mềm và tái tưới máu vùng mô thiếu máu. 

Cụ thể, mô cơ quan bị dập náp khiến một lượng lớn các chất như kali, myoglobin, creatine kinase, urate và phosphate đi vào tuần hoàn máu. Thông thường, lượng myoglobin trong máu rất thấp. Đồng thời, nếu lượng myoglobin dư thừa sẽ được lọc bỏ bởi thận. Tuy nhiên, nếu lượng myoglobin quá nhiều có thể gây tắc nghẽn ống thận và gây độc cho thận.

Bên cạnh đó, hiện tượng tái tưới máu vùng mô bị thiếu máu cục bộ sau khi được giải phóng khỏi áp lực đè ép là cơ chế chính của chấn thương cơ xương trong hội chứng dập nát.

Tình trạng suy giảm thể tích tuần hoàn kết hợp giảm tưới máu cho thận và myoglobin niệu sẽ gây rối loạn chức năng của thận. Chính vì vậy, hội chứng vùi lấp đặc trưng bởi hai hiện tượng sau: Bệnh nhân bị sốc giảm thể tích và tăng kali huyết.

Biến chứng có thể gây nên tình trạng nhiễm toan chuyển hóa cơ thể, tổn thương thận cấp và hội chứng đông máu nội mạch lan tỏa (DIC).

Hội chứng vùi lấp là gì? Biểu hiện và xử trí ban đầu nạn nhân bị hội chứng vùi lấp 2Người bệnh có thể bị rối loạn chức năng thận

Biểu hiện của chứng vùi lấp

Hội chứng vùi lấp có nhiều biểu hiện lâm sàng đa dạng, bao gồm:

  • Dập nát, chèn ép nhiều vùng cơ xương.

  • Rối loạn vận động và mất cảm giác của vùng chi bị đè ép, chi có thể bị căng cứng và sưng nề.

  • Mạch chi bắt kém hoặc không sờ được.

  • Nước tiểu màu nâu đỏ do tăng nồng độ myoglobin niệu và hemoglobin niệu.

  • Buồn nôn, nôn.

  • Kích động, lú lẫn, thao cuồng.

  • Chuột rút.

  • Sốt cao, môi nứt nẻ, lưỡi bẩn.

Khi bệnh nhân nghi ngờ hội chứng vùi lấp cần được xử trí sớm và điều trị kịp thời, nếu không thì nguy cơ tử vong rất cao. Đồng thời, người bệnh cần được theo dõi thường xuyên để đảm bảo dấu hiệu sinh tồn và chức năng của các cơ quan.

Trong đó, cần đề phòng biến chứng nguy hiểm của hội chứng vùi lấp như:

  • Tình trạng tăng kali máu, gây rối loạn nhịp tim hay ngừng tim.

  • Nhiễm trùng là nguyên nhân chính gây tử vong nếu bệnh nhân không được xử trí kịp thời.

  • Suy thận cấp tính, hoại tử ống thận không hồi phục.

Hội chứng vùi lấp là gì? Biểu hiện và xử trí ban đầu nạn nhân bị hội chứng vùi lấp 3Người bệnh có thể bị rối loạn nhịp tim

Xử trí ban đầu và điều trị

Xử trí cấp cứu ban đầu bệnh nhân là yếu tố quan trọng, giúp giảm tỷ lệ thương vong cũng như tăng khả năng bảo tồn chức năng cơ quan. Trong tình huống này, người bệnh cần được xử trí và điều trị càng sớm càng tốt.

Mặt khác, bệnh nhân cần được đánh giá và phân loại mức độ nghiêm trọng. Đồng thời, cần đánh giá tuần hoàn, hô hấp của bệnh nhân đầu tiên, sau đó theo dõi các dấu hiệu sinh tồn bao gồm: Mạch, nhiệt độ, huyết áp và nhịp thở, theo dõi độ bão hòa oxy máu ngoại vi nếu có điều kiện.

Bước đầu tiên khi xử trí ban đầu cho bệnh nhân đó là cung cấp oxy, đảm bảo nguồn không khí cung cấp liên tục cho cơ thể. Tiếp theo, quan sát và đánh giá toàn bộ cơ thể người bệnh. Phát hiện tình trạng thiếu máu chi cục bộ với các biểu hiện: Đau chi, loạn cảm, tái nhợt, liệt để đánh giá mức độ tổn thương.

Quan sát người bệnh có vết thương lớn, nguy hiểm tới tính mạng cần xử trí ngay. Sau đó, cần chuẩn bị để giải phóng vùng chi bị chèn ép. Cân nhắc không nên garo mạch nếu chi bị ép dưới 30 phút. Ngược lại, nếu chi chịu sức ép quá 30 phút cần đắp garo.

Để tránh tổn thương thận cấp, cần cung cấp đầy đủ nước cho người bệnh với hình thức truyền nước muối hay uống nước. Sử dụng thuốc giảm đau khi cần thiết.

Tiếp theo, cần nhanh chóng đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để bệnh nhân tiếp nhận điều trị thực thụ và theo dõi tình trạng sức khỏe. Người bệnh sẽ cần làm một số xét nghiệm cận lâm sàng để đánh giá toàn trạng, bao gồm:

  • Xét nghiệm đánh giá chức năng gan với chỉ số AST, ALT.

  • Xét nghiệm chỉ số ure, creatinine nhằm đánh giá chức năng thận.

  • Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi.

  • Chỉ số creatinin kinase (CK).

  • Điện giải đồ.

  • Chỉ số axit uric.

  • Khí máu động mạch.

  • Myoglobin niệu.

Kết quả cận lâm sàng sẽ giúp bác sĩ đánh giá toàn trạng bệnh nhân, từ đó đưa ra những phương án điều trị phù hợp giúp bệnh nhân hồi phục, giảm tỷ lệ tử vong và di chứng về sau.

Hội chứng vùi lấp là gì? Biểu hiện và xử trí ban đầu nạn nhân bị hội chứng vùi lấp 4Người bệnh cần được tiếp nhận điều trị càng sớm càng tốt

Trên đây là bài viết của Nhà Thuốc Hưng Thịnh về hội chứng vùi lấp cũng như cách xử trí và điều trị bệnh nhân bị hội chứng vùi lấp. Hy vọng với bài viết, bạn có thể biết được những thông tin cơ bản về chủ đề này. Bệnh nhân gặp phải hội chứng vùi lấp sau tai nạn nghiêm trọng, chiến tranh hoặc thiên tai, động đất. Hội chứng này có thể gây tổn thương toàn cơ thể hoặc chấn thương cục bộ. Trong tình huống này, xử trí ban đầu bệnh nhân và điều trị sớm là yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân hồi phục, giảm tỷ lệ tử vong và giảm di chứng về sau.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Vinmec.com 

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)