Nhà thuốc Hưng Thịnh

Hội chứng sợ gia cầm là một trong những nỗi sợ hãi của con người. Nó xảy ra không phổ biến nhưng vẫn khiến nhiều người sống trong nỗi sợ hãi dai dẳng. Tìm hiểu thêm về hội chứng này tại đây.

Con người của chúng ta có rất nhiều nỗi sợ phi lý. Trong đó có nỗi sợ với gà hay những loài có lông và đẻ trứng khác, gọi chung là hội chứng sợ gia cầm. Hội chứng sợ gia cầm là gì, nó ảnh hưởng như thế nào và làm cách nào để điều trị? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những vấn đề này.

Hội chứng sợ gia cầm là gì?

Hội chứng sợ gia cầm: Nguyên nhân và cách điều trị 1 Hội chứng sợ gia cầm là một trong những rối loạn tâm lí của con người

Hội chứng sợ gia cầm hay cụ thể là sợ gà và các loài vật có lông, đẻ trứng (Alektorophobia) là dạng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi ít gặp. Người mắc hội chứng này có nỗi sợ mãnh liệt, vô lý và dai dẳng khi nhìn thấy gà hoặc các món ăn được chế biến từ thịt gà. Ngoài ra, cơ thể của họ cũng có nhiều thay đổi khi nhìn thấy gà. Đôi khi chỉ cần hình vẽ hoặc ảnh chụp của gà cũng đủ để họ cảm thấy kích động.

Chúng ta đều biết gà là loài động vật vô hại và xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống của chúng ta. Người mắc hội chứng sợ gà thường vẫn ý thức được nỗi sợ của bản thân là quá mức, nhưng họ không thể nào kiểm soát được điều này. Hội chứng sợ gia cầm tuy không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng ít nhiều nó tạo ra không ít hạn chế và phiền toái trong cuộc sống.

Biểu hiện của hội chứng sợ gia cầm

Hội chứng sợ gà biểu hiện ở mỗi mức độ một khác nhau. Một số trường hợp người bệnh chỉ cảm thấy khó chịu và lo lắng, nhưng cũng có những bệnh nhân biểu hiện sợ hãi tột độ và hoảng loạn. Một số biểu hiện cụ thể của hội chứng sợ gia cầm có thể kể đến như:

  • Luôn luôn có cảm giác sợ hãi, lo lắng về việc sẽ nhìn thấy gà và các món ăn từ thịt gà.

  • Né tránh dùng các món ăn từ gà, không đến nông trại, siêu thị và né tránh những hình ảnh về gà.

  • Luôn có nỗi sợ về việc sẽ gặp phải thảm họa nếu dùng món ăn từ gà hoặc nhìn thấy gà (chẳng hạn như bị gà mổ, nhiễm bệnh,…).

  • Hội chứng sợ gia cầm còn tác dụng với các loài có lông khác như chim, vịt, ngan, thiên nga…

  • Bệnh nhân có thể hình thành cảm xúc xấu hổ và bất lực vì không thể kiểm soát nỗi sợ vô lý của bản thân.

Khi trực tiếp nhìn thấy gà hay các loài gia cầm, người mắc có thể tăng hormone cortisol và adrenalin, gây ra nhiều biểu hiện nghiêm trọng hơn như: Hoảng loạn, mất kiểm soát, ớn lạnh, choáng váng, chóng mặt, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, run rẩy, khó thở, thở nông, đau thắt ngực, bồn chồn, đau bụng, khó tiêu…

Hội chứng sợ gia cầm: Nguyên nhân và cách điều trị 2 Người mắc hội chứng sợ gia cầm có thể khó thở khi nhìn thấy gà hoặc các loài vật có lông

Nguyên nhân gây nên hội chứng sợ gia cầm

Cũng như nhiều rối loạn tâm lý khác, hội chứng sợ gia cầm bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Có thể kể đến một số tác động như:

  • Những trải nghiệm tiêu cực, tai nạn, ám ảnh từ nhỏ của người mắc bệnh với các loài gia cầm.

  • Người từng bị gà mổ, các bệnh dịch liên quan đến gia cầm cũng sẽ hình thành tâm lý sợ gà khi gặp lại chúng.

  • Trẻ nhỏ dưới 10 tuổi.

  • Người lớn lên ở vùng nông thôn.

  • Gia đình có người bị hội chứng sợ gà hoặc bị các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác.

Điều trị cho người mắc hội chứng sợ gia cầm như thế nào?

Hội chứng sợ gia cầm: Nguyên nhân và cách điều trị 3 Trị liệu tâm lý là phương pháp hiệu quả để điều trị hội chứng sợ gia cầm

Hội chứng sợ gia cầm được điều trị kết hợp bởi nhiều liệu pháp. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà phác đồ điều trị sẽ khác nhau. Trong đó, những phương pháp dưới đây được cho là mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị tâm lý cho người mắc hội chứng này.

Điều trị tâm lý

Tâm lý trị liệu là phương pháp được đánh giá cao trong điều trị hội chứng sợ gia cầm. Theo nhiều thống kê cho thấy, đa phần bệnh nhân bị hội chứng sợ gia cầm đều có phản ứng tốt khi can thiệp trị liệu. Nhiều trường hợp bệnh nhân thoát li hoàn toàn khỏi nỗi sợ và có thể thoải mái khi ăn uống và có thể tự chế biến thịt gà. Theo đó, có hai liệu pháp điều trị tâm lý là liệu pháp phơi nhiễm và liệu pháp nhận thức hành vi. Đây cũng là những phương pháp mang lại hiệu quả cao trong điều trị các rối loạn khác như hội chứng sợ sấm sét, hội chứng sợ lỗ, hội chứng sợ biển, hội chứng sợ đàn ông,…

Dùng thuốc

Đối với những trường hợp nặng, bác sĩ có thể kê đơn để người bệnh sử dụng thêm các loại thuốc hỗ trợ như thuốc an thần, thuốc chẹn beta. 

Xây dựng lối sống lành mạnh

Người bị mắc các hội chứng tâm lý thường trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi. Do đó, xây dựng lối sống lành mạnh, kết hợp ăn uống khoa học và tập thể dục thể thao sẽ giúp người bệnh nhanh chóng ổn định hơn. Một số hoạt động có thể áp dụng như: Tập yoga, thiền; ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya; tránh dùng nhiều caffeine, kiêng tuyệt đối rượu bia, thuốc lá và không sử dụng chất gây nghiện; nói chuyện với mọi người nhiều hơn; tham gia các hội nhóm dành cho người bị rối loạn tâm lý để được chia sẻ…

Hội chứng sợ gia cầm không chỉ đơn thuần là nỗi sợ thông thường mà là một rối loạn tâm lý. Do đó, bạn cần điều trị sớm để hạn chế những tác động không mong muốn của nó tới cuộc sống thường ngày.

Nhật Lệ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)