Nhà thuốc Hưng Thịnh

Hạ đường huyết vốn rất nguy hiểm nhất là khi có các triệu chứng hạ đường huyết quá mức như ảo giác, kích động, mất nhận thức, hôn mê sâu…Ngay khi có các triệu chứng hạ đường huyết nhẹ, người bệnh nên tìm cách tăng đường trước khi lượng đường hạ quá mức cho phép.

Hạ đường huyết là gì?

Hạ đường huyết là tình trạng glucose trong máu giảm bất thường dưới 50mg/dl (2,7mmol/l). Trong máu, đường glucoza được đưa đi khắp cơ thể như nguồn năng lượng chính quan trọng và cần thiết cho hệ thần kinh và các tế bào hoạt động. Khi đường huyết hạ thấp hơn mức bình thường sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến các chức năng và hoạt động của cơ thể.

triệu chứng hạ đường huyết quá mức 01Hạ đường huyết ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động của cơ thể

Việc điều hòa lượng đường trong máu được phụ trách bởi 2 loại hormon insulin và glucagon do tuyến tụy tiết ra. Hai loại hormon làm việc rất nhịp nhàng để đảm bảo đường huyết luôn ổn định.

Sau bữa ăn tụy tiết ra chất insulin để giúp tế bào thu nạp glucoza. Khi các tế bào đã có đủ lượng đường cần thiết, glucoza bắt đầu thừa trong máu thì sẽ được sử dụng như nhiên liệu của các cơ hoặc được tích lũy lại trong gan. Trường hợp lượng glucoza thấp không đủ cho cơ thể thì ngay tức khắc tụy sẽ tiết ra glucagon giúp cho gan giải phóng glucoza dự trữ.

Ở cơ thể người có bệnh tiểu đường hoặc người thường xuyên hạ đường huyết, có sự rối loạn điều tiết giữa 2 hormon này, chính vì thế lượng đường trong máu không ổn định.

Khi cơ thể không đủ lượng đường sẽ báo động với các triệu chứng hạ đường huyết. Các triệu chứng hạ đường huyết mức độ nhẹ có thể khắc phục bằng cách bổ sung đường. Riêng các triệu chứng hạ đường huyết quá mức cần đưa người bệnh đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời, tránh các tình huống nguy hiểm.

Các triệu chứng hạ đường huyết nhẹ

Để nhận biết hạ đường huyết, bản thân người bệnh có thể cảm nhận một số triệu chứng sau khi lượng đường trong cơ thể bắt đầu hạ.

  • Dấu hiệu toàn thân: mệt mỏi, buồn ngủ, chóng mặt, vã mồ hôi.

  • Ở hệ tiêu hóa: đói bụng, đói cồn cào dù vừa ăn, nóng bụng hoặc có thể buồn nôn.

  • Trên hệ tim mạch: cảm giác hồi hộp, tim đập nhanh, khó thở, có thể nhói ở tim.

  • Ở hệ thần kinh: nhức đầu, thiếu tập trung, lo lắng, dễ cáu gắt.  

Nếu ở giai đoạn hạ đường huyết nhẹ có thể phát hiện kịp thời, bạn chỉ cần xử trí đơn giản bằng cách uống nước đường hoặc dùng các thức uống, thức ăn ngọt để tăng lượng đường trong máu. Nghỉ ngơi để các dấu hiệu hạ đường huyết qua đi rồi có thể tiếp tục làm việc.

triệu chứng hạ đường huyết quá mức 02Mệt mỏi, chóng mặt là một trong những triệu chứng hạ đường huyết

Thận trọng với triệu chứng hạ đường huyết quá mức

Nhiều trường hợp hạ đường huyết khi có các triệu chứng nhẹ lại bị lầm tưởng với các loại bệnh khác nên dễ bỏ qua việc nạp đường vào cơ thể. Điều này dẫn đến cơ thể bị hạ đường quá mức. Các triệu chứng hạ đường huyết quá mức sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể, nếu không xử lý kịp có thể nguy hiểm.

Một số triệu chứng hạ đường huyết quá mức được biểu hiện như sau:

  • Rối loạn về nhận thức: sững sờ, đờ đẫn, kích động, hoang tưởng, ảo giác, mất ý thức thoáng qua. Nhiều trường hợp có thể bị cứng hàm, liệt nửa người, khu trú, rối loạn tiền đình…Giai đoạn này sử dụng glucose ưu trương đường tĩnh mạch trực tiếp hơn là cho đường uống bệnh nhân sẽ hồi phục nhanh.

  • Hôn mê hạ đường máu: co cơ, co giật, co đồng tử, cứng hàm, bất tỉnh, hôn mê. Nếu tình trạng kéo dài có thể gây tổn thương não.

triệu chứng hạ đường huyết quá mức 03Hạ đường huyết quá mức có thể gây ngất, bất tỉnh và hôn mê sâu

Đường huyết hạ quá mức có thể nguy hiểm đến tính mạng, ngay khi người bệnh có các triệu chứng hạ đường huyết quá mức cần sơ cứu bằng cách cho uống đường và đưa ngay đến bệnh viện để được tiêm glucose kịp thời, để phòng trường hợp xấu.

Phan Ngọc Ánh

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)