Nhà thuốc Hưng Thịnh

U sọ hầu ở trẻ em là một loại u hệ thần kinh trung ương cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Vậy dấu hiệu của bệnh là gì? Có những phương pháp chẩn đoán nào?

U sọ hầu thường nằm chèn ở vùng não bộ ngay trên hố chứa tuyến yên. Tuyến yên là một tuyến quan trọng trong não bộ vì nó sản sinh ra nhiều hormone khác nhau để chi phối các hoạt động chức năng của cơ thể. Ngay trên khu vực này là các dây thần kinh thị giác và vùng dưới đồi – một tuyến có khả năng kiểm soát cơn đói, nhiệt độ cơ thể, sự khát nước, sự mệt mỏi, giấc ngủ và các hành vi khác. U sọ hầu là một khối u phát triển chậm, có thể trong khoảng thời gian dài trước khi được chẩn đoán. Khối u có thể ở dạng rắn hoặc dạng nang hoặc cả hai. U dạng nang có bản chất như một cái túi chứa chất lỏng được tạo ra bởi chính khối u. Phần rắn của khối u là các vùng chứa canxi có thể dễ dàng nhìn thấy khi chụp CT. Phần nang của khối u thường có chứa lượng protein rất cao.

Dấu hiệu và phương pháp chẩn đoán u sọ hầu ở trẻ em 1 U sọ hầu nằm chèn ở vùng não bộ ngay trên hố chứa tuyến yên

Dấu hiệu của bệnh u sọ hầu ở trẻ em

Nguyên nhân gây ra các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh u sọ hầu có thể do thay đổi nội tiết tố, áp lực tăng lên dần dần trong não thất, hoặc do khối u chèn ép dây thần kinh và mạch máu làm những vùng não ở khu vực đó không thể hoạt động bình thường. U sọ hầu thường chỉ được bác sĩ chẩn đoán khi trẻ đã có triệu chứng. Trẻ bị bệnh u sọ hầu có thể gặp các triệu chứng hoặc dấu hiệu sau.

Các triệu chứng chung thường bao gồm:

  • Nhức đầu, cơn nhức có thể tăng lên và trầm trọng hơn vào buổi sáng.

  • Buồn nôn và nôn.

  • Mất thăng bằng.

  • Buồn ngủ hoặc mệt mỏi kéo dài.

  • Thay đổi tâm trạng hoặc hành vi đột ngột.

Các triệu chứng cụ thể trên từng cơ quan bao gồm:

  • Béo phì hoặc tăng cân quá mức.

  • Khát nước và tiểu nhiều.

  • Thay đổi thị lực, nhìn mờ hoặc mất thị giác ngoại vi.

  • Tăng trưởng chậm hoặc ngừng tăng trưởng.

  • Dậy thì sớm hoặc dậy thì muộn.

U sọ hầu thường nằm chèn ở vùng não bộ ngay trên hố chứa tuyến yên 2 Thay đổi thị lực, nhìn mờ hoặc mất thị giác ngoại vi là dấu hiệu của u sọ hầu

Nếu bạn lo lắng về bất kỳ thay đổi nào ở trên mà con bạn đang gặp phải, hãy trao đổi với bác sĩ. Bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân và tiến hành chẩn đoán bệnh.

Phương pháp chẩn đoán bệnh u sọ hầu ở trẻ

Các bác sĩ sử dụng nhiều xét nghiệm để phát hiện hoặc chẩn đoán khối u sọ hầu. Bác sĩ còn thực hiện xét nghiệm để tìm ra những phương pháp điều trị tốt nhất.

Đối với hầu hết các bệnh liên quan đến khối u, sinh thiết là cách duy nhất để xác định chắc chắn rằng một vùng cơ thể có khối u hay không. Trong sinh thiết, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ để xét nghiệm. Nếu không thể sinh thiết, bác sĩ có thể đề xuất những xét nghiệm khác để giúp ích cho quá trình chẩn đoán.

Bác sĩ có thể xem xét các yếu tố sau đây khi lựa chọn phương pháp để xét nghiệm chẩn đoán:

  • Loại khối u nghi ngờ.

  • Dấu hiệu và triệu chứng.

  • Tuổi và tình trạng sức khỏe.

  • Kết quả xét nghiệm trước đó.

Các xét nghiệm được liệt kê dưới đây có thể và thường xuyên được sử dụng để chẩn đoán u sọ hầu. Danh sách dưới đây mô tả chi tiết từng xét nghiệm và không phải tất cả các xét nghiệm đều được sử dụng cho mọi trẻ mắc bệnh này.

Thăm khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám đầu và thân của trẻ, hỏi về các dấu hiệu, triệu chứng hiện tại và tiền sử. Thăm khám lâm sàng có thể bao gồm đánh giá thị lực, sự tăng trưởng, phát triển và chức năng não.

Xét nghiệm máu và nước tiểu

Bác sĩ có thể đề nghị trẻ thực hiện các xét nghiệm máu khác nhau, bao gồm xét nghiệm đo nồng độ của một số hormone nhất định. Nếu trẻ có triệu chứng khát nước và đi tiểu nhiều, có thể làm thêm các xét nghiệm để đánh giá chức năng thận.

Sinh thiết

Sinh thiết là phương pháp lấy ra và đánh giá một phần nhỏ của khối u. Đối với u sọ hầu, bác sĩ phẫu thuật thần kinh sẽ thực hiện loại bỏ một mẫu của khối u hoặc toàn bộ khối u. Sau đó, bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ xem xét mẫu mô dưới kính hiển vi để chẩn đoán. Bác sĩ giải phẫu bệnh là bác sĩ phiên giải các xét nghiệm máu, đánh giá tế bào, mô và cơ quan để chẩn đoán bệnh. Bác sĩ giải phẫu bệnh thần kinh là bác sĩ phẫu thuật chuyên về mô và bệnh lý của hệ thần kinh trung ương. Thông thường, các bác sĩ phẫu thuật thần kinh sẽ cố gắng loại bỏ khối u một cách an toàn nhất có thể trong khi hạn chế làm tổn thương não.

Dấu hiệu và phương pháp chẩn đoán u sọ hầu ở trẻ em 3 Sinh thiết là một trong những phương pháp chẩn đoán bệnh u sọ hầu ở trẻ em

Chẩn đoán hình ảnh

Các kết quả thăm khám và xét nghiệm máu có thể gợi ý cần làm thêm xét nghiệm hình ảnh để phát hiện khối u sọ hầu. Các xét nghiệm hình ảnh sẽ cho thấy hình ảnh bên trong cơ thể. Có 2 loại xét nghiệm hình ảnh thường được sử dụng để phát hiện u sọ hầu.

Chụp cắt lớp vi tính (CT hoặc CAT)

Chụp CT ghi lại hình ảnh của não bộ bằng tia X được chụp từ nhiều góc độ khác nhau. Máy tính kết hợp những hình ảnh này thành hình ảnh 3 chiều chi tiết để biểu hiện những bất thường có bao gồm các khối u. Có thể sử dụng thuốc cản quang để tạo ra hình ảnh rõ nét hơn. Thuốc cản quang được tiêm vào đường tĩnh mạch của bệnh nhân.

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

MRI không sử dụng tia X mà sử dụng từ trường để tạo ra hình ảnh chi tiết của não. MRI còn có thể được sử dụng để đo kích thước khối u. 

Sau khi các xét nghiệm chẩn đoán đều đã hoàn thành, bác sĩ sẽ xem xét tất cả kết quả xét nghiệm. Thông tin này sẽ được sử dụng để đề xuất phương pháp điều trị thích hợp nhất. Mong rằng bài viết về dấu hiệu và phương pháp chẩn đoán u sọ hầu ở trẻ em đã mang đến cho bạn nhiều thông tin bổ ích.

Khánh Vy

Nguồn: Yhoccongdong.com

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)