Nhà thuốc Hưng Thịnh

Việc rối loạn sức khỏe tâm thần kéo dài khi bị trầm cảm hậu covid sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người bệnh. Vậy nguyên nhân là do đâu và cách chữa trị như thế nào? Cùng theo dõi bài viết nhé!

Trầm cảm là một căn bệnh ngày càng phổ biến trong xã hội hiện nay. Đặc biệt là đối với những người phải chịu áp lực tâm lý trong thời gian dài. Không chỉ tổn thương về thể chất, hậu Covid gây trầm cảm và một số vấn đề về tâm lý khác dẫn đến việc căng thẳng, mất ngủ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin cụ thể về chứng bệnh này.

Trầm cảm hậu Covid là gì?

Trầm cảm là một chứng bệnh về tâm lý thường gặp phải do tình trạng bi quan, mất hy vọng, buồn bã, suy nghĩ tiêu cực và không tìm được niềm vui vào cuộc sống kéo dài. Trầm cảm sẽ ngày càng nghiêm trọng khi người bệnh không còn muốn ăn uống, cơ thể cảm thấy mệt mỏi, giấc ngủ bị rối loạn và cân nặng cũng sụt giảm. Đôi khi người bệnh có cảm giác muốn tự làm hại chính bản thân mình, luôn suy nghĩ thụ động và thậm chí có ý định tự tử.

Nếu gặp những biểu hiện này trong vòng 3 tháng sau khi khỏi covid thì tình trạng này được gọi là chứng trầm cảm hậu covid.

Cảnh báo nguy cơ trầm cảm hậu covid và cách điều trị 1Trầm cảm là tình trạng dễ xuất hiện ở giai đoạn hậu covid

Vì sao hậu Covid gây trầm cảm?

Khi nhiễm virus covid-19, cơ thể người bệnh sẽ xảy ra phản ứng miễn dịch. Phản ứng miễn dịch của cơ thể với sự xâm nhập của virus sẽ làm sản sinh cytokines, chemokines, khi nồng độ 2 chất này tăng cao và cơ thể không còn khả năng kiểm soát có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh. Những chất này có khả năng phá vỡ hàng rào các mạch máu trực tiếp hoặc gián tiếp, tạo điều kiện cho tế bào viêm xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương. Điều này chính là nguyên nhân dẫn đến sự rối loạn tâm thần, rối loạn lo âu và trầm cảm hậu covid.

Ngoài ra, chứng trầm cảm còn bị ảnh hưởng bởi những yếu tố tâm lý xã hội như:

  • Phải cách ly xã hội trong thời gian dài, sợ hãi và lo lắng lây lan covid cho những người xung quanh.
  • Những người xung quanh xa lánh, giữ khoảng cách vì sợ bị lây nhiễm.
  • Không tương tác với những người xung quanh trong một thời gian dài.
  • Thời gian nhiễm bệnh bị mất ngủ, ăn không ngon.
  • Lo lắng cho người thân trong tình hình dịch bệnh phức tạp, công việc và học tập bị ảnh hưởng, thất nghiệp,…
  • Sợ hãi việc sức khỏe của mình bị giảm sút, khó hồi phục.

Những dấu hiệu của bệnh trầm cảm hậu covid-19 thường biểu hiện ra bên ngoài như:

  • Thường xuyên có cảm giác chán nản, không tìm được niềm vui trong cuộc sống.
  • Dần cảm thấy vô cảm với điều xảy ra xung quanh cuộc sống của chính mình.
  • Không tìm được hứng thú trong công việc yêu thích hàng ngày.
  • Có cảm giác xa cách với những người xung quanh, kể cả người thân trong gia đình.
  • Trí nhớ bị giảm sút, hãy quên.
  • Khả năng tập trung bị giảm đáng kể, thường xuyên sao nhãng.
  • Giấc ngủ rối loạn, hay lo âu.

Cảnh báo nguy cơ trầm cảm hậu covid và cách điều trị 2 Hậu covid gây trầm cảm và mất ngủ và thường xuyên khiến người bệnh luôn cảm thấy căng thẳng

Điều trị trầm cảm hậu covid

Tùy vào tình trạng của mỗi người, bác sĩ sẽ có những cách giải quyết khác nhau. Nếu những triệu chứng của bạn ở mức nhẹ sẽ được điều trị bằng những biện pháp đơn giản tại nhà. Ngược lại, nếu bạn có biểu hiện trầm cảm hậu covid nghiêm trọng sẽ được chỉ định dùng thuốc để điều trị. 

Phương pháp điều trị không dùng thuốc: Tìm ra những thói quen, thú vui mới trong cuộc sống, sắp xếp lịch trình sao cho mới lạ; Hạn chế sử dụng điện thoại quá nhiều, thay vào đó hãy thường xuyên giao tiếp với những người xung quanh; Tập thể dục hoặc yoga nhẹ nhàng mỗi ngày; Tập thói quen ngủ đủ giấc; Tiếp cận các phương pháp tâm lý trị liệu, chữa lành tổn thương.

Cảnh báo nguy cơ trầm cảm hậu covid và cách điều trị 3 Các bài tập yoga nhẹ nhàng sẽ giúp cơ thể thoái mái, hạn chế trầm cảm hậu covid

Phương pháp điều trị dùng thuốc: Những loại thuốc trị trầm cảm cần có sự kê đơn của bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Tuy nhiên nhóm thuốc trị trầm cảm lại có nguy cơ gây tác dụng phụ cao, đặc biệt là ở giai đoạn đầu sử dụng. Nhóm thuốc Amitriptyline thường gây táo bón, tăng cân, chóng mặt, giảm ham muốn tình dục,… Nhóm thuốc SSRIs và SNRIs dễ gây lo lắng, khó tiêu, vã mồ hôi,… Khi sử dụng thuốc thấy những biểu hiện nghiêm trọng như co giật, hôn mê,người bệnh nên ngừng sử dụng và đến cơ sở y tế kiểm tra kịp thời. 

Ngoài việc điều trị các vấn đề về hô hấp và tuần hoàn cho bệnh nhân, hiện nay các cơ sở y tế cũng đang đẩy mạnh và quan tâm hơn về vấn đề sức khỏe tâm thần do hội chứng hậu covid gây nên. Các khoa tâm thần ở các bệnh viện cũng tích cực nghiên cứu những phác đồ điều trị chứng trầm cảm sao cho phù hợp với nhiều mức độ và tình trạng khác nhau của người người bệnh.

Tình trạng trầm cảm hậu covid có thể kéo dài trong nhiều tháng và gây nên những hậu quả nghiêm trọng, vì vậy nên phát hiện và thăm khám sớm để quá trình điều trị nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Trầm cảm hậu covid là di chứng thường gặp khi người bệnh âm tính với Covid-19. Tuy nhiên biểu hiện ở mỗi người là khác nhau vì vậy hãy luôn giữ tinh thần lạc quan cũng như lối sống khoa học để có thể dễ dàng vượt qua những di chứng do covid gây ra.

Lan Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)