Nhà thuốc Hưng Thịnh

Đèn hồng ngoại trị liệu có lẽ không còn quá xa lạ với nhiều người, đặc biệt là những người có triệu chứng đau lưng, nhức mỏi, viêm khớp và chấn thương. Tuy nhiên bạn đã biết cách sử dụng đèn hồng ngoại trị liệu đúng cách chưa? Cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé.

Đèn hồng ngoại trị liệu có thể sử dụng tại nhà nhưng nếu dùng sai cách có thể dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường đối với sức khỏe và cả sự an toàn cho người bệnh, cần hết sức lưu ý khi dùng loại đèn này để trị liệu chấn thương, đặc biệt là chấn thương thể thao tại nhà. 

Đèn hồng ngoại trị liệu là gì? 

Tia hồng ngoại là tia bức xạ điện có bước sóng vào khoảng 700nm – 1400nm và dài hơn ánh sáng mắt thường có thể nhìn thấy thông thường. Chính vì thế mà chúng ta không thể nhìn thấy được tia hồng ngoại. Ngoài đèn hồng ngoại thì những vật phát sáng thông thường cũng có thể phát ra một lượng tia hồng ngoại tương đối mà bạn không nhìn thấy được. 

Đèn hồng ngoại trị liệu là loại đèn được thiết kế để phát ra những tia hồng ngoại có bước sóng từ 700nm – 1400nm, có kết hợp với ánh sáng đỏ nhằm mục đích giúp người dùng quan sát được phạm vi chiếu sáng của tia hồng ngoại dễ dàng hơn, từ đó điều chỉnh chiếu đến vùng cần trị liệu đơn giản, chính xác hơn. 

Sử dụng đèn hồng ngoại trị liệu tại nhà như thế nào cho đúng 1

Đèn hồng ngoại trị liệu dùng trong nhiều trường hợp chấn thương

Đèn hồng ngoại có nhiều loại với nhiều công suất, mục đích sử dụng khác nhau. Với loại đèn hồng ngoại trị liệu thường có công suất 250W, thích hợp với nhiều vùng trên cơ thể, an toàn hơn và vẫn đạt hiệu quả chữa trị tốt. 

Tác dụng lớn nhất mà đèn hồng ngoại trị liệu đem lại là tác dụng nhiệt nóng lên da và hệ cơ xương, giúp tăng cường lưu thông máu, giãn cơ, thư giãn và giảm đau nhức, nhức mỏi hiệu quả. 

Trường hợp nào được dùng đèn hồng ngoại trị liệu tại nhà? 

Chỉ định dùng đèn hồng ngoại 

Đèn hồng ngoại trị liệu có thể sử dụng tại nhà nhưng không phải với mọi trường hợp hoặc mọi tình trạng bệnh lý đều có thể dùng phương pháp này. Những người được chỉ định dùng đèn hồng ngoại trị liệu gồm có: 

  • Người muốn giảm đau nhức toàn thân, giảm đau giãn cơ.
  • Tăng cường lưu thông máu tốt hơn.
  • Chống tình trạng viêm mạn tính.
  • Sưởi ấm.

Chống chỉ định dùng đèn hồng ngoại 

Khi muốn sử dụng đèn hồng ngoại trị liệu tại nhà một cách an toàn và hiệu quả thì ngoài dùng đúng cách, bạn cũng cần tìm hiểu về chỉ định và chống chỉ định trường hợp dùng phương pháp này để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra nhé. Dưới đây là một số trường hợp chống chỉ định sử dụng đèn hồng ngoại trị liệu tại nhà: 

  • Không dùng đèn hồng ngoại ở vùng da vô mạch hoặc đang mất cảm giác vì có thể dẫn đến bỏng da, cháy da,… mà bạn không hề nhận biết được thông qua cảm giác nóng như thông thường.
  • Những người đang mắc một số bệnh lý ngoài da như viêm da cơ địa, viêm da nóng đỏ hay chảy máu, có vết thương hở thì tuyệt đối không nên sử dụng đèn hồng ngoại trị liệu tại nhà.
  • Đèn hồng ngoại trị liệu cũng chống chỉ định dùng trên những vùng da nhạy cảm nhất như bộ phận sinh dục hoặc mắt. Nếu cần chiếu đèn đến khu vực gần vùng da này cần hết sức cẩn thận, che chắn và theo dõi thường xuyên để tránh tác dụng không mong muốn.

Sử dụng đèn hồng ngoại trị liệu tại nhà như thế nào cho đúng 2

Không nên để đèn hồng ngoại chiếu vào mắt khi sử dụng

Cách dùng đèn hồng ngoại trị liệu tại nhà đúng nhất 

Việc sử dụng đèn hồng ngoại trị liệu đúng cách đem đến rất nhiều lợi ích cũng như là hiệu quả nhanh chóng, an toàn hơn rất nhiều so với việc dùng sai cách, sai vị trí. Bạn có thể tham khảo các bước sử dụng đèn hồng ngoại dưới đây để thực hiện cho đúng nhé:

  • Điều chỉnh hướng bóng đèn đến nơi cần điều trị chiếu sáng, tốt nhất nên để hướng đèn thẳng góc để tia hồng ngoại tập trung tốt nhất vào điểm trị liệu mà không làm ảnh hưởng đến những vùng da xung quanh.
  • Đảm bảo khoảng cách từ bóng đèn đến da rơi vào khoảng cm 50cm – 70cm là thích hợp. Nếu cảm thấy nóng hơn mức chịu đựng của mình, bạn có thể điều chỉnh đèn ra xa da hơn sao cho phù hợp với nhu cầu, mục đích là được.
  • Thời gian thích hợp với mỗi lần chiếu đèn hồng ngoại trị liệu là từ 20 – 30 phút, không nên để lâu hơn để tránh làm tổn thương da, gây bỏng rát, mẩn đỏ khó chịu. Bạn có thể thực hiện 1 – 2 lần chiếu đèn tùy theo nhu cầu sử dụng trị liệu.
  • Nên thường xuyên kiểm tra và đảm bảo rằng vùng da chiếu đèn được an toàn, không bị nóng quá, bỏng, đau, rát, khô,…
  • Cảm giác và phản ứng của cơ thể cũng rất quan trọng. Bạn cần chú ý đến những điểm này và lưu ý cho lần sau để có thời gian, cách thức dùng đèn hồng ngoại trị liệu tại nhà tốt hơn, hiệu quả và an toàn hơn. 

Lưu ý khi chiếu đèn hồng ngoại tại nhà 

Tia hồng ngoại có thể dùng để trị liệu hoặc giảm đau nhưng cần được dùng đúng cách, đúng tần số để không gây hại cho da hay cơ quan khác trong cơ thể. Nếu đang hoặc sẽ dùng đèn hồng ngoại trị liệu tại nhà, bạn không nên bỏ qua những lưu ý quan trọng sau đây: 

  • Kiểm tra chắc chắn độ an toàn của đèn trước khi sử dụng, đặc biệt là chân đèn có đứng vững không, dây điện có vấn đề không, có hở điện, chập điện không,…
  • Nên chọn mua và sử dụng loại đèn hồng ngoại trị liệu có lưới bảo vệ để an toàn hơn khi sử dụng hoặc nhà có em bé nhỏ cũng giúp phòng tránh tình huống không đáng có xảy ra.
  • Tuyệt đối không được để bắn nước vào đèn khi đang chiếu đèn hồng ngoại trị liệu.
  • Nếu da có dấu hiệu bỏng rát, đau nhức hoặc ửng đỏ sau khi chiếu đèn, nhất là trong những lần chiếu đèn đầu tiên, bạn nên xử lý theo hướng dẫn y tế, chườm mát và đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu kịp thời.
  • Sau khi chiếu đèn hồng ngoại nếu bạn có triệu chứng mệt mỏi, choáng váng đầu óc thì nên dành thời gian nghỉ ngơi và làm quen dần với đèn hồng ngoại trị liệu, không nên chiếu quá lâu hoặc chiếu quá nhiều lần ngay khi mới sử dụng. 

Sử dụng đèn hồng ngoại trị liệu tại nhà như thế nào cho đúng 3

Khi có dấu hiệu bỏng rát cần chườm mát và đến cơ sở y tế gần nhất

Hy vọng với những thông tin vừa được chia sẻ trên đây về đèn hồng ngoại trị liệu đã giúp bạn đọc có thêm hiểu biết về phương pháp trị liệu, giãn cơ, giảm đau nhức này, từ đó có cách sử dụng an toàn, đem lại hiệu quả cao. Ngoài ra, khi muốn dùng đèn hồng ngoại, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ có chuyên môn, không tự ý sử dụng khi chưa được tư vấn chuyên khoa, bạn nhé. 

Hồng Nhung 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp 

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)