Nhà thuốc Hưng Thịnh

Nhịp thở của trẻ sơ sinh có xu hướng không đều, xen kẽ nhanh và chậm. Trong quá trình chăm sóc, trẻ có thể có nhiều dấu hiệu và biểu hiện bất thường về nhịp thở, nếu cha mẹ không để ý sẽ có thể dẫn đến các tình huống nguy hiểm và không thể lường trước. Vậy nhịp thở bình thường của trẻ sơ sinh là bao nhiêu? Nhịp thở của trẻ như nào là bất thường?

Theo dõi nhịp thở của trẻ sơ sinh giúp cha mẹ có thể nhận biết sớm các dấu hiệu sức khỏe bất thường và có phương pháp điều trị kịp thời nhất. Ở bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Hưng Thịnh sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi: Nhịp thở bình thường của trẻ sơ sinh là bao nhiêu?

Nhịp thở bình thường của trẻ sơ sinh là bao nhiêu?

Nhịp thở bình thường của trẻ được tính trong lúc trẻ đang ngủ hoặc nghỉ ngơi. Tùy từng độ tuổi mà trẻ sẽ có nhịp thở khác nhau. Thông thường, tần số thở của trẻ sẽ chậm lại khi trẻ lớn lên.

  • 0 tháng tuổi đến dưới 6 tháng tuổi: 30 – 60 nhịp/phút.

  • 6 tháng tuổi đến dưới 12 tháng tuổi: 24 – 30 nhịp/phút.

  • 1 tuổi đến dưới 6 tuổi: 20 – 30 nhịp/phút.

  • Từ 6 tuổi trở lên: 12 – 20 nhịp/phút.

Như vậy, ở trẻ sơ sinh 0 – 12 tháng tuổi, nhịp thở sẽ dao động từ 24 – 60 nhịp cho 1 phút. Để đo tốc độ thở của trẻ, cha mẹ cần đếm xem số lần ngực của trẻ nhấp lên và hạ xuống trong vòng 1 phút. Nếu nhịp thở quá cao hoặc quá thấp so với phạm vi bình thường cho từng độ tuổi của trẻ, rất có thể trẻ đang gặp các vấn đề về sức khỏe.

Nhịp thở bình thường của trẻ sơ sinh là bao nhiêu? Một số kiểu thở bất thường của trẻ 1 Nhịp thở bình thường của trẻ sơ sinh là bao nhiêu?

Một số kiểu thở bất thường của trẻ sơ sinh

Nhịp thở nhanh ở trẻ sơ sinh

Nếu khó thở chỉ thoáng qua ở trẻ sơ sinh, đây là điều hoàn toàn bình thường, trường hợp này không phải dấu hiệu của bệnh lý nặng và không cần phải điều trị, thường gặp ở những trẻ sinh mổ chủ động.

Nếu trẻ sơ sinh chưa đầy 1 tuổi thở hơn 60 nhịp trong 1 phút trong các triệu chứng dưới đây, bố mẹ hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất, bởi lúc này nhịp thở của trẻ cao hơn phạm vi bình thường. Đây có thể là triệu chứng của một số bệnh phổ biến, bao gồm:

  • Viêm phế quản: Loại nhiễm trùng phổi này thường xuất hiện vào mùa đông hoặc đầu mùa xuân, ảnh hưởng nhiều đến trẻ sơ sinh. Viêm phế quản khiến đường thở trong phổi trở nên hẹp hơn, dẫn đến khó thở, có thể kèm các triệu chứng như sổ mũi, ho, sốt nhẹ…

  • Hen suyễn: Bên cạnh thở nhanh, trẻ có thể mắc kèm các triệu chứng bao gồm thở khò khè hoặc ho.

  • Viêm phổi: Trẻ có thể mắc bệnh này sau khi bị cúm hoặc cảm lạnh, cũng có thể do virus và vi khuẩn, đi kèm với các triệu chứng ho, thở gắng sức, thở khò khè do hệ thống miễn dịch chưa phát triển đầy đủ.

  • Tăng áp phổi kéo dài ở trẻ sơ sinh: Trường hợp này diễn ra khi hệ tuần hoàn của trẻ hoạt động giống như khi ở trong bụng mẹ và đưa quá nhiều máu ra khỏi phổi. Điều này có thể dẫn tới nhịp thở nhanh, tăng nhịp tim và da tím tái.

Nhịp thở không đều ở trẻ sơ sinh

Bình thường, trẻ có thể ngừng thở trong khoảng 5 – 10 giây, sau đó trở lại trạng thái thở bình thường. Tuy nhiên, nếu trạng thái ngừng thở kéo dài hơn 10 giây và trẻ bị tím tái, đó là triệu chứng của khó thở, cha mẹ cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế gần nhất.

Ngoài ra, nếu trẻ thở khò khè khi ngủ, tiếng thở nặng nề, khó khăn và nghe giống tiếng ngáy, có thể do nắp thanh quản của bé bị phù nề, dẫn đến ống khí quản bị co thắt nên trẻ thở không đều. Ngoài ra, cha mẹ cần để ý một số biểu hiện khác của bé như quấy khóc, chán, ăn, ho, sốt… để khẳng định liệu trẻ có đang gặp những khó chịu bên trong hay không.

Nhịp thở bình thường của trẻ sơ sinh là bao nhiêu? Một số kiểu thở bất thường của trẻ 2 Trẻ có thể có nhịp thở bất thường trong lúc ngủ

Tiếng thở bất thường ở trẻ sơ sinh

Những trẻ sơ sinh có sức khỏe bình thường thì cha mẹ chỉ cần dựa vào thông số nhịp thở mà không cần quan tâm đến vấn đề tiếng thở. Còn nếu trẻ mắc các bệnh lý đường hô hấp thì tiếng thở sẽ có sự bất thường. Chính vì thế, việc biết nhịp thở bình thường của trẻ sơ sinh là điều rất quan trọng. Dưới đây là những bất thường về tiếng thở của trẻ:

Thở rên: Tiếng thở ngắn và bật hơi, chỉ cần ghé sát tai vào miệng trẻ là cha mẹ có thể nghe thấy, thường gặp ở những trẻ bị viêm phổi nặng hoặc suy tim xung huyết. Do phổi có xu hướng xẹp lại khi mắc các bệnh lý này, vì vậy để chống lại tình trạng xẹp, phổi của trẻ cần phải đóng nắp thanh quản lại để cố gắng giữ lại thể tích cặn chức năng.

Thở rít: Tiếng thở này phát ra ở lúc thở vào, có thể dễ dàng nghe thấy khi đưa tai áp vào miệng trẻ. Âm thanh này thường xuất hiện trong các bệnh hẹp đường thở trên do: Dị vật mắc kẹt ở đường thở, mềm sụn thanh quản, viêm thanh quản…

Thở khò khè: Âm thanh này xuất hiện trong lúc thở ra, cha mẹ có thể dễ dàng nghe được khi ghé sát tai mình vào miệng trẻ. Nguyên nhân sinh ra tiếng thở này là do đường hô hấp dưới bị tắc nghẽn. Tiếng thở khò khè thường xuất hiện trong các bệnh lý như: hen, phế quản bị chèn ép do dị dạng mạch máu hoặc có khối u, viêm tiểu phế quản…

Cha mẹ không nên nhầm lẫn tiếng thở bất thường với tiếng thở khụt khịt khi trẻ bị tắc mũi bởi có đọng đờm dãi ứ ở mũi họng. Âm thanh của tiếng thở khụt khịt do đờm dãi ứ đọng thường xuất hiện ở cả khi hít vào và thở ra, khi hút sạch dịch mũi họng thì nó cũng sẽ biến mất.

Làm thế nào để giữ nhịp thở bình thường ở trẻ sơ sinh

Thông thường, cha mẹ sẽ cảm thấy yên tâm hơn nếu kiểm tra hơi thở của trẻ nhiều lần vào ban đêm. Rất nhiều người lo lắng trẻ có thể mắc phải chứng đột tử nếu nhịp thở trở nên bất thường. Tuy nhiên đây là điều rất hiếm khi xảy ra và nguy cơ để trẻ mắc phải cũng rất thấp. Tốt nhất, trẻ nên được nằm cùng với cha mẹ, nằm ở tư thế ngửa để tránh mắc phải các bệnh về đường hô hấp.

Trong một số trường hợp, trẻ thở nhanh do quá nóng hoặc quá bí, vì vậy cha mẹ cần chọn cho trẻ những bộ đồ thoáng khí và thoải mái khi ngủ, đồng thời nên để phòng ngủ luôn thoáng mát và sử dụng máy lọc không khí để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh viêm phổi, viêm phế quản ở trẻ.

Ngoài ra, việc loại bỏ chất nhờn và bụi bẩn giúp thông thoáng đường thở cho trẻ là vô cùng cần thiết, cha mẹ cần nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ khoảng 1 lần mỗi ngày giúp tránh các loại vi khuẩn xâm nhập vào đường thở của trẻ.

Nhịp thở bình thường của trẻ sơ sinh là bao nhiêu? Một số kiểu thở bất thường của trẻ 3 Sử dụng máy lọc không khí giúp giảm nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp

Như vậy, bài viết trên đã giúp bạn tìm hiểu nhịp thở bình thường của trẻ sơ sinh, cũng như đưa ra một số phương pháp để luôn giữ được nhịp thở bình thường ở trẻ. Việc theo dõi sát sao nhịp thở của trẻ giúp cha mẹ có thể phát hiện kịp thời các triệu chứng đã nêu trên để các chuyên gia y tế đưa ra hướng xử lý và điều trị phù hợp nhất.

Ánh Vũ 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)