Nhà thuốc Hưng Thịnh

Nếu hốc mũi bạn đang bị dị lệch kèm theo các triệu chứng khó thở, có thể bạn đang mắc phải tình trạng lệch vách ngăn mũi. Vậy lệch vách ngăn mũi là gì? Hãy cùng Nhà Thuốc Hưng Thịnh tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

Vách ngăn mũi là bộ phận nằm trong hốc mũi có chức năng chia mũi làm 2 bên, được cấu tạo chủ yếu từ xương và sụn, nếu bị lệch sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quá trình hô hấp. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu lệch vách ngăn mũi là gì, các trường hợp lệch vách ngăn mũi khác nhau và phương pháp phẫu thuật lệch vách ngăn mũi.

Lệch vách ngăn mũi là gì?

Lệch vách ngăn mũi là tình trạng vách ngăn mũi bị dịch chuyển sang một bên, vách ngăn không nằm ở chính giữa, có thể bị biến dạng thành nhiều hình thái khác nhau. Lệch vách ngăn mũi làm cho một bên mũi nhỏ hơn bên còn lại, dẫn đến các vấn đề trong quá trình hô hấp. Dựa vào mức độ lệch của vách ngăn, các bác sĩ đã phân loại như sau:

  • Lệch vách ngăn một bên mũi: Hay còn gọi là lệch hình chữ C, thường bị nghẹt mũi ở bên vẹo.

  • Lệch vách ngăn hai bên mũi: Hay còn gọi là lệch hình chữ S, vách ngăn mũi vừa bị lệch sang trái, vừa bị lệch sang phải, vì vậy mũi sẽ bị nghẹt ở cả 2 bên.

  • Gai hoặc mào vách ngăn mũi: Hay gặp ở nơi tiếp giáp giữa xương và sụn vách ngăn, có thể chạm đến niêm mạc mũi gây chảy máu và đau nhức dữ dội cho người bệnh.

  • Dày chân vách ngăn: Đây là tình trạng xương bị dày ở phần thấp của vách ngăn.

Lệch vách ngăn mũi là gì? Những điều bạn cần biết về lệch vách ngăn mũi 1 Lệch vách ngăn mũi được chia thành nhiều loại khác nhau

Lệch vách ngăn mũi thường không ảnh hưởng quá nhiều tới sức khỏe; tuy nhiên, vẫn có một số người khi bị lệch vách ngăn mà không được chữa trị kịp thời dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng bởi khi đó lỗ mũi bị biến dạng, vì vậy đường thở 1 bên hoặc 2 bên bị thu hẹp dẫn đến hệ hô hấp bị ảnh hưởng. Dưới đây là một số biến chứng của lệch vách ngăn mũi:

  • Dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp: Khi vách ngăn mũi bị lệch, mũi bị vẹo sang một bên, đường thở của một bên lỗ mũi bị thu hẹp hoặc bịt kín, vì vật người bệnh dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm xoang, viêm mũi dị ứng…

  • Viêm họng: Tình trạng nghẹt mũi kéo dài sẽ khiến người bệnh phải thở bằng miệng, gây khô miệng, cổ họng dễ bị nhiễm khuẩn và gây viêm họng.

  • Chảy máu mũi: Do nơi tiếp giáp giữa xương và sụn vách ngăn mũi bị lệch tác động lên vùng niêm mạc mũi dẫn đến tổn thương và chảy máu mũi.

  • Ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ: Do hệ hô hấp bị suy giảm chức năng.

Lệch vách ngăn mũi là gì? Những điều bạn cần biết về lệch vách ngăn mũi 2 Lệch vách ngăn mũi có thể gây chảy máu mũi

Nguyên nhân gây lệch vách ngăn mũi

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vẹo vách ngăn mũi, bao gồm:

  • Do bẩm sinh: Có những trường hợp vẹo vách ngăn mũi xuất hiện ngay trong quá trình hình thành và phát triển bào thai.

  • Vùng mũi bị tổn thương: Yếu tố này xảy ra do trong quá trình sinh hoạt hàng ngày như gặp phải tai nạn giao thông hoặc bạo lực… tác động vào vùng mũi gây lệch vách ngăn mũi.

  • Lão hóa: Sự lão hóa dẫn đến loãng xương, có thể gây nên sự thay đổi trong cấu trúc mũi và làm vách mũi bị lệch theo thời gian.

  • Mắc các bệnh về đường hô hấp: Viêm xoang, viêm mũi dị ứng… kết hợp với động tác quẹt mũi, xì mũi dẫn đến vách ngăn theo thời gian bị vẹo.

  • Do phẫu thuật chỉnh hình mũi thất bại: Một vài phẫu thuật làm đẹp như thu hẹp cánh mũi, nâng mũi thất bại có thể dẫn đến lệch vách ngăn mũi

Điều trị và phẫu thuật lệch vách ngăn mũi

Thông thường, nếu bị vẹo vách ngăn, có mào và gai vách ngăn, dày vách ngăn mà không có triệu chứng chức năng như nghẹt mũi hay nhức đầu thì không cần phải điều trị. Tuy nhiên nếu có các triệu chứng nghẹt mũi hay nhức đầu thì cần phải điều trị để lấy lại cảm giác dễ chịu cho bệnh nhân. Lệch vách ngăn mũi được điều trị bằng các phương pháp dưới đây:

Điều trị nội khoa

Vẹo vách ngăn mũi gây tắc nghẽn cơ học, vì vậy điều trị nội khoa chỉ là điều trị triệu chứng tạm thời và ngắn ngày bằng các loại thuốc như thuốc co mạch tại chỗ, thuốc chống dị ứng và chống viêm nếu có dị ứng và viêm nhiễm kèm theo. Điều trị nội khoa không thể điều chỉnh lại được vách ngăn vẹo, ngoài ra việc dùng thuốc co mạch tại chỗ thường xuyên và kéo dài để giảm nghẹt mũi còn có thể gây viêm mũi do thuốc.

Điều trị ngoại khoa

Bệnh nhân sẽ lệch vách ngăn mũi khi vào viện sẽ được phẫu thuật ngay nếu có đầy đủ xét nghiệm tiền phẫu thuật ở mức bình thường và có tình trạng sức khỏe ổn định.

Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý phải nhịn ăn uống hoàn toàn trước khi mổ ít nhất 6 giờ để tránh các biến chứng trào ngược, có thể ảnh hưởng đến tính mạng trong quá trình phẫu thuật. Hiện nay, có 2 phương pháp phẫu thuật chỉnh vách ngăn mũi:

Phẫu thuật chỉnh vách ngăn bằng tiền mê – tê tại chỗ: Ở phương pháp phẫu thuật này, bệnh nhân mổ xong không cần phải nằm theo dõi tại phòng hồi sức sau khi mổ mà được chuyển về khoa ngay, đồng thời chi phí phẫu thuật ít tốn kém. Tuy nhiên, phương pháp này lại có 2 nhược điểm, một là bệnh nhân sẽ có cảm hơi khó chịu ở mũi và họng trong khi phẫu thuật, hai là bệnh nhân sẽ cảm thấy đau khi tiêm thuốc tê và xịt tê ở hốc mũi.

Phẫu thuật chỉnh vách ngăn bằng gây mê nội khí quản: Ngược lại với phương pháp trên, bệnh nhân sẽ không có cảm giác đau và khó chịu khi mổ. Tuy nhiên sau khi mổ bệnh nhân phải được theo dõi tại phòng hậu phẫu cho đến khi tỉnh táo hoàn toàn, và sau khi mổ bệnh nhân sẽ có cảm giác mệt mỏi do ảnh hưởng của một số tác dụng phụ của thuốc gây mê. Đồng thời, chi phí của loại hình phẫu thuật này tốn kém hơn so với phẫu thuật chỉnh vách ngăn bằng tiền mê – tê tại chỗ.

Lệch vách ngăn mũi là gì? Những điều bạn cần biết về lệch vách ngăn mũi 3 Phẫu thuật lệch vách ngăn mũi là phương pháp điều trị phổ biến

Cả 2 phương pháp phẫu thuật này đều mất một khoảng thời gian là 30 – 60 phút và sau khi mổ, bệnh nhân cần được theo dõi biến chứng và điều trị thêm 3 ngày trước khi có thể ra viện.

Sau khi phẫu thuật, các triệu chứng như đau tức vùng mũi; nghẹt mũi; đau đầu chóng mặt; chảy máu, chảy nước mắt với số lượng ít là những biểu hiện bình thường sau khi mổ. Bạn cần liên hệ và báo cáo với nhân viên y tế nếu gặp các biến chứng sau:

  • Đau quá sức chịu đựng ở vết mổ.

  • Chóng mặt nhiều, buồn nôn và nôn liên tục.

  • Chảy máu ồ ạt thấm toàn bộ băng trước mũi.

Sau khi ra viện, bạn cần uống thuốc theo đúng hướng dẫn của toa ra viện, đồng thời bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các loại rau, củ quả; tránh xa đồ ăn quá cay nóng và rượu bia, thuốc lá. Đồng thời bạn cần kết hợp vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, tránh môi trường khói bụi và đeo khẩu trang khi đi ra đường bởi lúc này mũi dễ bị tổn thương.

Lệch vách ngăn mũi là gì? Những điều bạn cần biết về lệch vách ngăn mũi 4 Cần tránh xa các chất kích thích sau khi phẫu thuật lệch vách ngăn mũi

Như vậy, bài viết trên đã giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về chứng lệch vách ngăn mũi và một số phương pháp phẫu thuật lệch vách ngăn mũi. Chúc bạn đọc sức khỏe và đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo trên trang web của Nhà Thuốc Hưng Thịnh nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)