Nhà thuốc Hưng Thịnh

Viêm họng cấp là một trong những bệnh về đường hô hấp phổ biến, thường xuất hiện vào thời điểm chuyển mùa và không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, bạn không nên chủ quan vì nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Viêm họng cấp là một trong những bệnh tai mũi họng dễ mắc phải vào mùa đông hoặc khi thời tiết thay đổi. Bệnh có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn có hệ miễn dịch kém. Đây là bệnh phổ biến, ít để lại hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, đôi khi bệnh gây ra những biến chứng nặng nề như viêm phế quản, viêm cơ tim, viêm màng não, viêm phổi, viêm tai giữa,… đặc biệt là ở trẻ nhỏ. 

Viêm họng cấp là gì?

Bất kỳ ai cũng có thể mắc viêm họng cấp khi thời tiết lạnh hoặc thời điểm chuyển mùa và thường do virus, vi khuẩn gây ra. Đây không phải là bệnh nguy hiểm. Việc điều trị thích hợp, bệnh nhân có thể phục hồi nhanh chóng. Mặt khác, nếu chủ quan và không điều trị dứt điểm bệnh có nguy cơ bị biến chứng đường hô hấp dưới hoặc nhiễm trùng toàn thân. Bệnh được chia làm 2 loại là viêm họng đỏ và viêm họng trắng: 

  • Viêm họng đỏ: Đây là dạng viêm họng cấp thường gặp nhất. Khi mắc phải tình trạng này, niêm mạc bên trong cổ họng có màu đỏ, sưng tấy.
  • Viêm họng trắng: Viêm họng thường do liên cầu khuẩn nhóm A. Viêm họng trắng mặc dù ít phổ biến hơn nhưng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm thận, viêm khớp hoặc một số bệnh về tim.

Viêm họng cấp là gì? Có lây không và phương pháp điều trị? 1Viêm họng cấp là tình trạng viêm niêm mạc họng gây đau rát, ngứa, ho,…

Dấu hiệu nhận biết viêm họng cấp

Các triệu chứng của viêm họng cấp không quá khó để nhận biết, bao gồm:

  • Người bệnh sốt cao, nhất là trẻ nhỏ. Trẻ bị viêm họng cấp có thể sốt tới 40 độ C. 
  • Đau họng: Đây là một trong những dấu hiệu điển hình của viêm họng cấp, cổ họng đau rát và khó nuốt kể cả khi uống nước. Ngoài ra, cổ họng bệnh nhân luôn có cảm giác tắc nghẽn khi nuốt.
  • Người bệnh có thể ho có đờm hoặc ho khan. 
  • Nghẹt mũi và khàn giọng, có trường hợp bị mất tiếng. 
  • Amidan sưng đỏ. 
  • Nổi hạch bạch huyết ở vùng cổ.
  • Buồn nôn hoặc nôn.

Viêm họng cấp có lây không?

Viêm họng do virus và vi khuẩn đều có thể lây truyền từ người này sang người khác. Tác nhân gây bệnh viêm họng có xu hướng sống trong vùng mũi, họng. Khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi, trong nước bọt có chứa vi khuẩn hoặc virus, phát tán vào không khí. Người bình thường có thể bị nhiễm bệnh khi: 

  • Hít phải những giọt bắn này.
  • Chạm vào những đồ vật bị dính nước bọt như tay nắm cửa, bàn ghế sau đó chạm vào mặt hoặc môi. 
  • Bệnh cũng lây truyền qua thực phẩm sống hoặc rau bị ô nhiễm nhưng hiếm gặp.

Một số biện pháp điều trị viêm họng cấp

Để chẩn đoán viêm họng cấp, bác sĩ cần xem xét các triệu chứng lâm sàng và yêu cầu người bệnh làm một số xét nghiệm nếu cần thiết. Chỉ sau khi chẩn đoán chính xác bệnh, bác sĩ mới có thể đưa ra các phương pháp điều trị hiệu quả, phù hợp với từng bệnh nhân. Dưới đây là một số cách điều trị phổ biến:

Điều trị bằng thuốc

Đối với các bệnh do virus, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc để làm giảm các triệu chứng. Đối với bệnh do vi khuẩn gây ra, các bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn giúp điều trị dứt điểm bệnh. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc điều trị để tránh tình trạng lạm dụng thuốc dẫn đến những tác dụng phụ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Các loại thuốc điều trị viêm họng cấp thường được sử dụng bao gồm: 

  • Thuốc giảm đau, hạ sốt giúp người bệnh nhanh chóng hạ sốt và giảm các triệu chứng đau họng và mệt mỏi. 
  • Các loại dung dịch súc miệng: Có tác dụng sát trùng, diệt khuẩn, làm dịu niêm mạc họng và chống bội nhiễm. 
  • Thuốc xịt họng có chứa chất khử trùng và chất gây tê. 
  • Thuốc kháng sinh: Người bệnh chỉ được sử dụng nếu có chỉ định của bác sĩ. Đồng thời khi sử dụng thuốc cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Viêm họng cấp là gì? Có lây không và phương pháp điều trị? 2Tuỳ vào nguyên nhân gây viêm họng cấp bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị phù hợp

Điều trị viêm họng cấp tại nhà

Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc do bác sĩ chỉ định, bạn cũng nên đảm bảo sử dụng một số biện pháp khắc phục tại nhà để giúp bệnh nhanh hồi phục hơn.

  • Người bệnh nên nghỉ ngơi nhiều hơn, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày. Nên ăn những thức ăn lỏng như cháo hoặc súp, đồng thời chia nhỏ các bữa ăn. Lưu ý hạn chế những thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay, mặn,…
  • Uống nhiều nước ấm hoặc nước trái cây. 
  • Chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Bạn nên đánh răng ít nhất 2 lần/ngày và súc miệng thường xuyên bằng nước muối ấm. 
  • Người bệnh không nên tiếp xúc với các yếu tố kích ứng như khói thuốc lá, rượu bia, phấn hoa,…

Cách phòng ngừa viêm họng cấp

Viêm họng cấp có thể phòng ngừa bằng một số biện pháp sau: 

  • Luôn giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ để tránh nguy cơ vi khuẩn, virus gây bệnh. Nên kết hợp đánh răng ngày 2 lần với súc miệng bằng nước muối ấm để tăng cường hiệu quả sát khuẩn.
  • Khi ra ngoài trời lạnh, bạn cần đeo khẩu trang, giữ ấm cơ thể đặc biệt là vùng miệng, cổ, mũi. 
  • Không đến gần người bệnh để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. 
  • Không hút thuốc, không uống rượu bia, ăn thực phẩm lên men, thực phẩm sống.
  • Thường xuyên vệ sinh, khử trùng nhà cửa, môi trường xung quanh, đồng thời cần tránh tiếp xúc với không khí ô nhiễm.
  • Các bệnh mãn tính như viêm mũi, viêm xoang, viêm amidan,… cần điều trị dứt điểm.
  • Cần đặc biệt lưu ý với trẻ nhỏ khi thời tiết chuyển mùa hoặc trời lạnh. Chú ý giữ ấm cho trẻ, dạy trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và một số quy tắc vệ sinh khi ăn uống. 
  • Để bảo vệ sức khỏe tốt hơn, bạn nên tiêm vắc xin phòng bệnh cúm đầy đủ.

Viêm họng cấp là gì? Có lây không và phương pháp điều trị? 3Uống nước ấm pha mật ong là một trong những cách làm dịu cổ họng hiệu quả, dễ thực hiện

Tóm lại, viêm họng cấp nếu không được nhận biết và điều trị sớm rất dễ tiến triển thành viêm họng mãn tính hoặc tái phát nhiều lần gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Điều trị viêm họng cấp bằng thuốc tây giúp giảm nhanh các triệu chứng viêm nhiễm nhưng không ngăn được bệnh tái phát. Tốt nhất bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để hạn chế mắc bệnh.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: medlatec.vn

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)