Nhà thuốc Hưng Thịnh

Đo huyết áp tại nhà đã và đang trở nên phổ biến nhờ sự có mặt rộng rãi của những chiếc máy đo huyết áp gia đình. Tuy nhiên, đo huyết áp phải đúng cách, đúng thời điểm thì mới bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất. Bài viết sẽ mách bạn những điều lưu ý khi đo huyết áp tại nhà vô cùng quan trọng mà ai cũng cần phải biết.

Bệnh huyết áp (huyết áp cao/thấp) là nguyên nhân chính gây ra tử vong và tàn phế do những biến chứng cho tim, não, mạch máu… Việc thường xuyên đo huyết áp để theo dõi tình hình sức khỏe là điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, để có kết quả chính xác, bạn cần nắm rõ các lưu ý khi đo huyết áp tại nhà dưới đây.

Huyết áp là gì?

Trong cơ thể chúng ta, lực co bóp của tim và sức cản của mạch máu sẽ tạo ra huyết áp. Nói cách khác, huyết áp là thước đo lực của máu tác động lên thành động mạch khi máu chảy qua chúng. 

Vì sao phải thường xuyên đo huyết áp? Những lưu ý khi đo huyết áp tại nhà 1 Bệnh huyết áp (huyết áp cao/thấp) gây biến chứng cho tim, não, mạch máu…

Đơn vị dùng để đo huyết áp là milimet thủy ngân (mmHg). Khi đo huyết áp, nhất là với máy điện tử, chúng ta sẽ thấy kết quả thể hiện bằng hai con số, được gọi là huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) và huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu).

  • Huyết áp tâm thu: Là áp lực khi tim đập và ép máu vào động mạch (áp lực trong động mạch là cao nhất ở giai đoạn này);

  • Huyết áp tâm trương: Là áp lực khi tim nằm giữa những nhịp đập và máu chảy ngược về tim thông qua tĩnh mạch (áp lực trong động mạch ở mức thấp nhất ở giai đoạn này). 

Là chỉ số phản ánh trạng thái cân bằng động học của các quá trình sinh lý trong cơ thể nên huyết áp sẽ không phải lúc nào cũng ổn định giữ cùng một chỉ số mà nó sẽ có sự thay đổi phụ thuộc vào hoạt động, cảm xúc hoặc tình trạng sức khỏe tại thời điểm nào đó. 

Điều đó có nghĩa, ngay cả những việc chẳng hạn như thay đổi vị trí, tư thế, uống cà phê hay hút thuốc lá, bị xúc động… cũng có thể khiến huyết áp tăng lên bất thường.

Những lưu ý khi đo huyết áp tại nhà

Đo huyết áp là việc làm rất cần thiết để giữ cho cơ thể được khỏe mạnh, phòng tránh nguy cơ bệnh tật xảy ra do huyết áp gây ra. Tuy nhiên, đo huyết áp phải được thực hiện đúng cách, đúng thời điểm cũng như phải nắm được những lưu ý khi đo huyết áp thì mới đạt được hiệu quả bảo vệ tốt nhất. Vậy đo huyết áp nên thực hiện vào thời gian nào, sáng hay tối; trước ăn hay sau ăn để kết quả chính xác nhất?

Như chúng ta đã biết, chỉ số huyết áp không cố định mà sẽ có dao động trong ngày. Huyết áp thông thường sẽ cao hơn vào buổi sáng, thấp hơn vào buổi tối. Những lúc chúng ta ngủ sâu nhất chính là đỉnh thấp nhất (SBP/DBP mmHg < 120 và/hoặc < 70). 

Vì sao phải thường xuyên đo huyết áp? Những lưu ý khi đo huyết áp tại nhà 2 Nắm kỹ những lưu ý khi đo huyết áp tại nhà thì mới đạt hiệu quả bảo vệ sức khỏe.

Ngược lại, chỉ số cao nhất của huyết áp lại có nhiều đỉnh khác nhau, cụ thể như khi bạn có việc lo nghĩ, stress,… Tuy nhiên, sau đó cơ thể sẽ điều chỉnh về trạng thái cân bằng. Nếu cơ thể không có khả năng này, huyết áp luôn ở mức cao/thấp thì đây chính là tình trạng bệnh lý thực sự.

Do đó, chúng ta cần nắm rõ những lưu ý khi đo huyết áp sau đây:

  • Đo huyết áp vào một thời điểm cố định trong ngày, và nên chọn vào buổi sáng.

  • Không đo huyết áp sau khi vừa ăn quá no vì nó sẽ khiến kết quả đo không chính xác (chỉ số huyết áp sẽ hơi nhích cao). Vì thế, chỉ nên tiến hành đo huyết áp trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn vài giờ.

  • Trước khi đo, cần để cơ thể được nghỉ ngơi thoải mái trong khoảng thời gian từ 3 – 5 phút, tránh hoạt động quá sức cũng như không tập thể dục trước khi đo.

  • Tránh tiêu thụ những đồ uống có chất kích thích, chứa cồn, có ga như bia rượu, cà phê, trà, nước ngọt… trước khi đo huyết áp. Ngoài ra, không nên hút thuốc lá ít nhất 30 phút trước khi đo.

  • Đối với người lớn tuổi, tốt nhất đo huyết áp ở cả ba tư thế là nằm, ngồi và đứng nhằm phát hiện nguy cơ tụt huyết áp ở tuổi cao.

  • Bạn có thể nằm hoặc ngồi khi đo huyết áp. Nếu ngồi, lưu ý những điều sau:

    • Không nói chuyện khi đo, không cử động tay và vị trí bắp tay đo luôn đặt ở ngang tim.

    • Tư thế ngồi thoải mái, dựa lưng vào thành ghế, chân không bắt chéo.

    • Bao quấn tay quấn chặt nhưng không gây cảm giác khó chịu cho người đo.

Có cần phải đo huyết áp hàng ngày không?

Vì sao phải thường xuyên đo huyết áp? Những lưu ý khi đo huyết áp tại nhà 3 Thể dục thể thao là liều thuốc quý giá cho sức khỏe.

Tùy vào tình trạng huyết áp của mỗi người mà có tần suất đo huyết áp phù hợp. Người có chỉ số huyết áp ở ngưỡng an toàn thì chỉ cần 3-6 tháng đo lại một lần. Tuy nhiên, với người bị cao huyết áp thì việc đo huyết áp để kiểm tra chỉ số hàng ngày là rất cần thiết, nhất là với những trường hợp sau đây:

  • Khi mới phát hiện chỉ số huyết áp tăng cao;

  • Khi bắt đầu dùng thuốc điều trị cao huyết áp;

  • Khi thay đổi thuốc điều trị hoặc thay đổi chế độ ăn kiêng;

  • Khi thời tiết thay đổi;

  • Khi có những triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt.

Để lưu giữ kết quả mỗi lần đo, người bị cao huyết áp nên ghi lại ngày giờ và kết quả đo vào một cuốn sổ nhỏ để tiện theo dõi.

Cách giữ mức huyết áp luôn trong mức ổn định

Như vậy, nếu bạn đo huyết áp mà cho ra chỉ số 110/60 mmHg thì đây là chỉ số ở mức bình thường, không cao cũng không thấp. Tuy nhiên, như đã có đề cập ở trên, huyết áp của chúng ta có xu hướng tăng theo độ tuổi. Vì thế, bạn nên tham khảo một số biện pháp sau đây để giữ chỉ số huyết áp trong phạm vi tối ưu nhất:

Giảm lượng muối ăn

Theo nghiên cứu, nếu mỗi người chúng ta chỉ cần giảm 3g muối trong chế độ ăn hàng ngày thì mỗi năm sẽ giảm được 60.000 – 120.000 ca mắc mới về tim mạch và tăng huyết áp. Ngoài ra, tỷ lệ người bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim và tử vong cũng giảm theo.

WHO khuyến nghị lượng muối trong bữa ăn của từng lứa tuổi như sau:

  • Người lớn: Dưới 5g/ngày (chỉ dưới một thìa cà phê).

  • Trẻ em 2 – 15 tuổi: Điều chỉnh giảm xuống dưới mức tối đa được khuyến nghị cho người lớn, tùy theo nhu cầu năng lượng của từng trẻ.

Vì sao phải thường xuyên đo huyết áp? Những lưu ý khi đo huyết áp tại nhà 4 Giảm 3g muối trong chế độ ăn hàng ngày thì sẽ giảm mắc bệnh tim mạch và tăng huyết áp.

Thường xuyên tập thể dục 

Thể dục thể thao là liều thuốc quý giá cho sức khỏe, giúp phòng ngừa và điều trị các bệnh tim mạch. Tùy theo sức khỏe và điều kiện bản thân, bạn nên duy trì đều đặn các bài tập phù hợp. Chẳng hạn như có thể đi bộ nhanh trong vòng 30 – 45 phút, từ 5 – 7 ngày/tuần sẽ giúp bạn giữ được mức huyết áp tối ưu 110/60 cũng như đẩy lùi bệnh mỡ máu cao, ổn định đường huyết. 

Sử dụng các thảo dược hỗ trợ ổn định huyết áp

Một số loại thảo dược rất gần gũi với chúng ta nhưng chúng ta lại không biết được công dụng tuyệt vời của nó với sức khỏe ra sao. Chẳng hạn như cần tây có tác dụng ổn định huyết áp tốt, có thể hạ huyết áp tối đa/tối thiểu, giảm mỡ máu. 

Cụ thể, loại thực phẩm này có thể:

  • Điều hòa, làm chậm nhịp tim;

  • Giãn mạch, giúp máu lưu thông;

  • Lợi tiểu nhờ thành phần tinh dầu;

  • Hỗ trợ giảm mỡ máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch.

Đo huyết áp thường xuyên tại nhà

Tự đo huyết áp và biết cách đo huyết áp đúng chính là biện pháp hữu hiệu để bạn kịp thời điều chỉnh nếu nhịp tim có sự thay đổi. Đặc biệt là trong gia đình có người cao tuổi thì trang bị máy đo huyết áp tại nhà càng cần được ưu tiên.

Nắm rõ các lưu ý khi đo huyết áp tại nhà bên trên sẽ giúp bạn kiểm soát huyết áp một cách tốt nhất. 

Phúc Khang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)