Nhà thuốc Hưng Thịnh

Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới nhất về chứng nhận tiêm chủng vắc xin Covid-19, với việc xác nhận tiêm chủng có thể lên đến 7 mũi.

Tại Quyết định 43/QĐ-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 7.1.2022, mẫu giấy xác nhận tiêm vắc xin Covid-19 được bổ sung các thông tin về tiêm liều cơ bản, liều bổ sung, liều nhắc lại. Tổng số mũi tiêm trên giấy xác nhận là 7 mũi, so với mẫu ban hành trước đây chỉ 2 mũi tiêm (liều cơ bản).

Vì sao có thể cần đến 7 mũi vắc xin Covid-19?1 Tổng số mũi tiêm trên giấy xác nhận là 7 mũi, so với mẫu ban hành trước đây chỉ 2 mũi tiêm (liều cơ bản)

Lưu ý về các mũi tiêm sau liều cơ bản

Về việc cần thiết tiêm liều bổ sung, nhắc lại, theo TS-BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc, với vắc xin Covid-19, để có miễn dịch bảo vệ, người đó cần được tiêm liều cơ bản. Sau khi tiêm vắc xin liều cơ bản, có thêm mũi tiêm bổ sung và mũi tiêm nhắc lại giúp tăng cường miễn dịch của cơ thể.

Liều cơ bản

  • AstraZeneca (2 mũi cách nhau từ 4 – 12 tuần)
  • Pfizer/BioNTech (2 mũi cách nhau 3 tuần)
  • Moderna (2 mũi cách nhau 4 tuần)
  • Vero Cell (2 mũi cách nhau từ 3 – 4 tuần)
  • Sputnik V (2 mũi cách nhau 3 tuần)
  • Abdala (3 mũi, mỗi mũi cách nhau 14 ngày)

(Nguồn: Bộ Y tế)

Liều cơ bản là liều được các nhà sản xuất vắc xin hướng dẫn và thực hành tiêm chủng trong thời gian qua. Sau khi hoàn thành liều cơ bản, cơ thể sẽ có miễn dịch chống lại vi rút mà họ mong muốn được bảo vệ. Tùy thuộc vào nhà sản xuất, liều vắc xin cơ bản có thể khác nhau. Ví dụ, các vắc xin: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Pfizer/BioNTech, Moderna có liều cơ bản là 2 mũi tiêm, nhưng vắc xin Abdala của Cuba liều cơ bản gồm 3 mũi tiêm, trong khi vắc xin Janssen thì 1 mũi tiêm.

Sau một thời gian, miễn dịch của cơ thể với liều cơ bản sẽ giảm dần. Khi đó, người dân sẽ cần tiêm tăng cường mũi bổ sung (cho các trường hợp đáp ứng miễn dịch yếu, người có bệnh nền…) hoặc tiêm mũi nhắc lại cho những người đã tiêm đủ liều cơ bản.

Vì sao có thể cần đến 7 mũi vắc xin Covid-19?2 Có thêm mũi tiêm bổ sung và mũi tiêm nhắc lại giúp tăng cường miễn dịch của cơ thể

Tiêm mũi nhắc lại cho người khỏi Covid-19

Hướng dẫn về tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại, Bộ Y tế lưu ý: Các tỉnh, thành thực hiện tiêm liều bổ sung vắc xin phòng Covid-19 cho tất cả những người từ 18 tuổi trở lên, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy loại vắc xin) bao gồm người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng…; người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin của hãng Sinopharm hoặc vắc xin Sputnik V.

Loại vắc xin tiêm liều bổ sung cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc xin công nghệ mRNA (Pfizer/BioNTech, Moderna). Tiêm 1 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng. Đối với những người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản.

Vì sao có thể cần đến 7 mũi vắc xin Covid-19?3 Đối với những người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản

Với liều nhắc lại, vắc xin Covid-19 được tiêm cho những người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền; người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế; người từ 50 tuổi trở lên; người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế.

7 mũi tiêm gồm 3 liều: liều cơ bản (2 – 3 mũi tiêm, tùy vắc xin); liều bổ sung (1 mũi); liều nhắc lại (2 – 3 mũi).

Bộ Y tế và các bộ, ngành thống nhất sử dụng, cập nhật thông tin về tiêm chủng trên cổng thông tin tiêm chủng tại địa chỉ: 

Người dân có thể truy cập hệ thống để lấy kết quả tiêm dưới dạng mã QR Code sử dụng khi cần. Kết quả này sẽ được chia sẻ với ứng dụng PC Covid hoặc Sổ sức khỏe điện tử để người dân có thể sử dụng trong việc đi lại, tham gia các hoạt động.

Sau tiêm vắc xin, dấu hiệu nào cần đến ngay bệnh viện?

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các trường hợp sau tiêm vắc xin cần tự theo dõi 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu.

Hãy liên hệ ngay với đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện khi thấy 1 trong 8 dấu hiệu:

1/ Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi.

2/ Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ, hoặc tím tái, đỏ da, hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da.

3/ Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó.

4/ Thần kinh: có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật.

5/ Tim mạch: có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất.

6/ Tiêu hóa: nôn, đau quặn bụng, tiêu chảy.

7/ Hô hấp: khó thở, thở rít, khò khè, tím tái.

8/ Toàn thân: chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.

Thủy Phan

Nguồn Tham Khảo: Báo Thanhnien

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)