Nhà thuốc Hưng Thịnh

Ung thư ở trẻ em tuy ít gặp nhưng vẫn có khả năng xảy ra. Vậy điều trị ung thư trẻ em như thế nào? Có những phương pháp gì? Cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé.

Để đạt được hiệu quả trong quá trình điều trị bệnh ung thư ở trẻ em, bệnh nhi cần được điều trị ở những cơ sở ý tế chuyên sâu.

Tổng quan về điều trị ung thư ở trẻ em

Bệnh ung thư ở trẻ em thường không phổ biến. Do đó, đội ngũ y bác sĩ thường gặp khó khăn khi đưa ra phương pháp điều trị thực sự hiệu quả nhất. Để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp, thường dựa trên các yếu tố là loại bệnh ung thư, giai đoạn của bệnh, các tác dụng phụ có thể xảy ra, thể trạng và ý kiến của bệnh nhân.

Các phương pháp điều trị ung thư trẻ em phổ biến hiện nay

Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp cắt bỏ khối u, đối với cả khối u lành tính hay ác tính và một phần xung quanh. Trong quá trình điều trị, có nhiều trường hợp khối u ở trẻ em sẽ cần được phẫu thuật.

Mục tiêu của phương pháp phẫu thuật là loại bỏ toàn bộ khối u và phần rìa (mô xung quanh khối u), để thu được kết quả không còn tế bào ung thư trong mô bình thường nữa. Đối với hầu hết các khối u ở trẻ em, thường sẽ có các tế bào khối u siêu nhỏ còn sót lại sau phẫu thuật. Sau đó, các bác sĩ có khả năng sẽ đề nghị hóa trị, xạ trị hoặc các phương pháp điều trị khác để diệt tận gốc tế bào ung thư.

Ung thư ở trẻ em: Có những phương pháp điều trị nào? 1 Phẫu thuật giúp loại bỏ khối u ung thư ra khỏi cơ thể bệnh nhi

Tác dụng phụ của phương pháp phẫu thuật phụ thuộc vào vị trí, loại khối u và liệu nó có di căn hay không. Trước khi phẫu thuật, phụ huynh hãy trao đổi với đội ngũ bác sĩ cũng như đội ngũ chăm sóc sức khỏe của trẻ về các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra trong và sau khi phẫu thuật. Tìm hiểu thêm về những vấn đề cơ bản trong phẫu thuật ung thư sẽ giúp ba mẹ yên tâm hơn khi con thực hiện quá trình điều trị.

Liệu pháp sử dụng thuốc

Liệu pháp này sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Các loại thuốc điều trị được đưa vào máu để đến các tế bào ung thư ở khắp cơ thể. Phương pháp này sẽ thường được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa ung thư nhi.

Các cách phổ biến để thực hiện điều trị ung thư bằng thuốc bao gồm truyền qua đường tĩnh mạch hoặc thuốc uống.

Các loại thuốc được sử dụng để điều trị ung thư liên tục được bác sĩ đánh giá hiệu quả và thay đổi để phù hợp với tình trạng bệnh. Hãy trao đổi với bác sĩ của trẻ để tìm hiểu về các loại thuốc được kê đơn, mục đích sử dụng và tác dụng không mong muốn hoặc tương tác với các loại thuốc khác.

Các loại pháp sử dụng thuốc được sử dụng cho ung thư trẻ em bao gồm:

Hóa trị

Hóa trị là một phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư, thường là bằng cách ngăn chặn khả năng phát triển cũng như phân chia của tế bào ung thư. Một liệu trình hóa trị thường bao gồm một số chu kỳ cụ thể được bác sĩ chuyên khoa đưa ra trong một khoảng thời gian nhất định.

Ung thư ở trẻ em: Có những phương pháp điều trị nào? Phương pháp hóa trị thường gây nhiều tác dụng phụ và đau đớn cho bệnh nhi

Các tác dụng phụ của hóa trị còn tùy thuộc vào từng cá nhân, loại thuốc và liều lượng sử dụng, thường sẽ bao gồm mệt mỏi, nguy cơ nhiễm trùng, buồn nôn và nôn, rụng tóc, chán ăn và tiêu chảy. Những tác dụng phụ này thường biến mất sau khi kết thúc điều trị. Hãy trao đổi với đội ngũ điều trị cho trẻ về những tác dụng phụ có thể xảy ra nếu thực hiện phương pháp hóa trị và cách phòng tránh hay giảm thiểu những tác dụng phụ đó. 

Miễn dịch trị liệu

Miễn dịch trị liệu còn được gọi là liệu pháp miễn dịch, được thiết kế để gia tăng khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể trong việc chống lại ung thư. Phương pháp này sử dụng các sản phẩm được tạo ra trong cơ thể con người hoặc phòng thí nghiệm để cải thiện hoặc khôi phục chức năng hệ thống miễn dịch. Một số liệu pháp miễn dịch phổ biến bao gồm vắc-xin ung thư, kháng thể đơn dòng và interferon.

Các loại miễn dịch trị liệu khác nhau có thể gây ra tác dụng phụ khác nhau. Hãy trao đổi với bác sĩ của con bạn về các tác dụng phụ có thể xảy ra đối với liệu pháp miễn dịch trị liệu được đề nghị. 

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các hạt khác như photon để tiêu diệt tế bào ung thư, thường được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa xạ trị ung thư. Do các cơ quan và mô khỏe mạnh trong trường bức xạ có thể bị tổn thương và có khả năng trở thành tế bào ung thư, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, các bác sĩ thường tránh sử dụng xạ trị nhiều nhất có thể đối với bệnh ung thư ở trẻ em.

Những tác dụng phụ của phương pháp xạ trị thường bao gồm mệt mỏi, kích ứng da nhẹ, đau dạ dày và giảm nhu động ruột. Hầu hết các tác dụng phụ này sẽ không còn ngay sau khi kết thúc điều trị. 

Ung thư ở trẻ em: Có những phương pháp điều trị nào? 3 Tác dụng phụ của xạ trị sẽ biến mất sau khi kết thúc điều trị

Ghép tủy xương hay ghép tế bào gốc

Ghép tủy xương là một kỹ thuật thay thế tủy xương có chứa tế bào ung thư bằng những tế bào biệt hóa cao, được gọi là tế bào gốc tạo máu phát triển thành tủy xương khỏe mạnh. Tế bào gốc tạo máu sẽ là các tế bào tạo máu được tìm thấy cả trong máu và tủy xương. Ngày nay, kỹ thuật này thường được gọi là ghép tế bào gốc, bởi vì tế bào dùng để cấy ghép được lấy từ máu, không phải là mô tủy xương thực sự.

Trước khi thực hiện phương pháp này, các bác sĩ sẽ tiến hành trao đổi với bệnh nhân và gia đình về những rủi ro của phương pháp điều trị này. Họ cũng sẽ xem xét một số yếu tố khác, chẳng hạn như loại bệnh ung thư, kết quả của quá trình điều trị trước đó, tuổi và thể trạng chung của bệnh nhân.

Có 2 loại cấy ghép tế bào gốc, được phân loại tùy thuộc vào nguồn tế bào gốc: Đồng loại (ALLO) và tự thân (AUTO). ALLO sử dụng tế bào gốc được hiến tặng, trong khi AUTO sử dụng tế bào gốc của chính bệnh nhân ung thư. Trong cả hai loại cấy ghép tế bào gốc, mục tiêu đều là tiêu diệt tất cả các tế bào ung thư trong tủy xương, máu và các cơ quan khác của cơ thể bằng hóa trị hoặc xạ trị liều cao, sau đó thực hiện thay thế tế bào gốc tạo máu để tạo nên tủy xương khỏe mạnh.

Chăm sóc triệu chứng và tác dụng phụ

Quá trình điều trị ung thư thường gây ra nhiều tác dụng phụ. Ngoài các phương pháp điều trị ung thư kể trên, một phần quan trọng của chăm sóc bệnh nhân ung thư là làm giảm các triệu chứng và tác dụng phụ trong quá trình điều trị. Phương pháp này được gọi là chăm sóc giảm nhẹ hoặc chăm sóc hỗ trợ, bao gồm việc đáp ứng các nhu cầu về thể chất, tình cảm và xã hội của bệnh nhân và gia đình.

Ung thư ở trẻ em: Có những phương pháp điều trị nào? 4 Chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng giúp bệnh nhi nhanh chóng vượt qua nỗi đau bệnh tật

Chăm sóc giảm nhẹ là phương pháp điều trị tập trung vào việc giảm các triệu chứng, cải thiện chất lượng sống, hỗ trợ bệnh nhân và gia đình. Ở tất cả bệnh nhân ung thư, bất kể tuổi tác hay loại và giai đoạn ung thư, đều cần được chăm sóc giảm nhẹ và nên bắt đầu càng sớm càng tốt trong quá trình điều trị ung thư. Trên thực tế, những người được chăm sóc giảm nhẹ thường có các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn và hài lòng hơn với việc điều trị.

Phương pháp điều trị giảm nhẹ rất đa dạng, bao gồm thuốc, chế độ dinh dưỡng, kỹ thuật thư giãn, hỗ trợ cảm xúc và các liệu pháp khác. Trẻ cũng có thể được điều trị giảm nhẹ tương tự như điều trị ung thư, như hóa trị, phẫu thuật hoặc xạ trị. Nói chuyện với bác sĩ của con bạn về các mục tiêu của từng phương pháp điều trị trong kế hoạch điều trị.

Trước khi bắt đầu điều trị, trao đổi với đội ngũ chăm sóc sức khỏe của trẻ về các tác dụng phụ có thể có của liệu trình điều trị và các lựa chọn chăm sóc giảm nhẹ. Trong và sau khi điều trị, cần báo ngay cho bác sĩ điều trị hoặc các nhân viên y tế nếu trẻ đang gặp vấn đề để có phương án giải quyết nhanh nhất có thể.

Thuyên giảm và khả năng tái phát

Thuyên giảm hay lui bệnh là khi tế bào ung thư không còn được phát hiện trong cơ thể và không có triệu chứng. Thuyên giảm có thể trong thời gian tạm thời hoặc vĩnh viễn. Mặc dù phần lớn thuyên giảm là vĩnh viễn nhưng vẫn cần phải trao đổi với bác sĩ về khả năng tái phát ung thư. Hiểu về nguy cơ tái phát và các lựa chọn điều trị giúp bệnh nhân và gia đình họ chuẩn bị tâm thế nếu bệnh ung thư tái phát.

Nếu ung thư trở lại sau điều trị, nó có thể tái phát ở cùng một vị trí (được gọi là tái phát cục bộ), gần đó (tái phát khu vực) hoặc ở một nơi khác trong cơ thể (tái phát xa).

Nếu có tái phát, một chu trình kiểm tra mới sẽ bắt đầu lại để tìm hiểu kỹ càng về sự tái phát. Sau khi hoàn thành chu trình, bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân và gia đình về các lựa chọn điều trị.

Trên đây là một số thông tin về các phương pháp điều trị ung thư ở trẻ em. Phụ huynh nên vững lòng để cùng con vượt qua nỗi đau bệnh tật. Mong rằng bài viết đã mang đến cho mọi người nhiều thông tin bổ ích.

Khánh Vy

Nguồn: Yhoccongdong.com

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)