Nhà thuốc Hưng Thịnh

Khối u ở não luôn là nỗi lo lắng của nhiều người vì nó có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vậy u màng não thất ở trẻ em là bệnh gì? Nó ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?

U màng não thất là một trong những bệnh u não thường xảy ra ở trẻ em. Cùng tìm hiểu thêm về căn bệnh này thông qua bài viết dưới đây.

Khái niệm u màng não thất ở trẻ em

U màng não thất ở trẻ em là một loại u não. Khối u bắt đầu hình thành khi các tế bào khỏe mạnh biến đổi và phát triển vượt khỏi tầm kiểm soát. Các tế bào này sẽ kết hợp với nhau tạo thành một khối u, có thể là ác tính hoặc lành tính. Khối u ác tính có thể phát triển và di căn sang những bộ phận khác của cơ thể, khối u lành tính thường phát triển chậm và không thể di căn xa. U màng não thất là một dạng u não ác tính hiếm gặp.

U màng não thất ở trẻ em là bệnh gì? 1 Cấu trúc màng não của cơ thể

U màng não thất xuất phát từ các tế bào thần kinh đệm, là một loại tế bào trong não bộ. Khối u có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong não bộ hay cột sống, nhưng vị trí thường gặp nhất là tiểu não. Tiểu não là một phần của não bộ, đảm nhận nhiệm vụ phối hợp các động tác của cơ thể. Bệnh u màng não thất có tỷ lệ cao gây nghẽn dòng chảy bình thường của dịch não tủy, gây ra tình trạng não úng thủy. Trẻ mắc chứng não úng thủy thường xuất hiện triệu chứng đau đầu, buồn nôn, nôn, mờ mắt và đi lại khó khăn.

Số liệu thống kê về u màng não thất ở trẻ em

U màng não thất thường gặp nhiều nhất ở trẻ nhỏ, chiếm khoảng 9% trong tất cả các trường hợp ung thư não ở trẻ em. Có khoảng 210 trẻ em dưới 15 tuổi ở Hoa Kỳ được chẩn đoán mắc u màng não thất trong năm 2019.

Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với trẻ em mắc bệnh u màng não thất từ khi sinh ra đến năm 19 tuổi là khoảng 77%. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm cho biết bao nhiêu phần trăm trẻ em sống ít nhất 5 năm kể từ khi được chẩn đoán mắc ung thư. 

Điều quan trọng cần chú ý là những số liệu thống kê chỉ là một ước tính. Những con số này xuất phát từ dữ liệu thống kê hằng năm về số trẻ em mắc u màng não thất ở Hoa Kỳ. Ngoài ra, cứ 5 năm một lần, các chuyên gia còn thực hiện thêm một số số thống kê về số bệnh nhân còn sống. Vì vậy, những ước tính này không thể hiện được hết kết quả của tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị trong khoảng thời gian ít hơn 5 năm.

Các số liệu thống kê trên được trích từ ấn phẩm của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), Báo cáo: U não nguyên phát và các ung thư thần kinh trung ương khác được chẩn đoán tại Hoa Kỳ từ 2011 – 2015 của Central Brain Tumor Registry of the United States và Viện Ung thư Quốc gia (tháng 1 năm 2019).

U màng não thất ở trẻ em là bệnh gì? 2 Nhiều thống kê cho thấy u màng não thất thường gặp ở trẻ em

Giai đoạn và phân độ của bệnh u màng não thất

Trong phần dưới đây, bài viết sẽ trình bày cách bác sĩ mô tả sự phát triển và lan rộng của u màng não thất. Điều này còn được gọi là giai đoạn và phân độ của bệnh lý này.

Giai đoạn khối u

Giai đoạn bệnh thường là một mô tả vị trí xuất hiện của khối u, vị trí khối u đã di căn và khả năng làm ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể. Bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm để xác định giai đoạn của khối u. Do đó, giai đoạn có thể chưa được chẩn đoán hoàn toàn cho đến khi tất cả các xét nghiệm được thực hiện đầy đủ. Nắm được giai đoạn bệnh sẽ giúp bác sĩ quyết định được phương pháp điều trị tốt nhất và có thể giúp cải thiện tiên lượng sống của bệnh nhân. Có nhiều mô tả giai đoạn khác nhau cho từng loại khối u khác nhau.

Hiện tại, vẫn chưa có hệ thống phân chia giai đoạn chính thức nào cho u màng não thất. Tuy nhiên, có thể phân chia giai đoạn dựa trên vị trí của khối u trong não và sự di căn. Bao gồm:

  • Trên lều: Khối u màng não thất nằm phía trên của màng bao phủ tiểu não, hay còn được gọi là lều tiểu não.

  • Dưới lều: Khối u đang phát triển dưới lều tiểu não.

  • Cột sống: Khối u đang phát triển ở ống trung tâm tủy sống hoặc phía dưới của ống tủy.

  • Tái phát: Một khối u tái phát là khối u xuất hiện trở lại sau điều trị. Nếu khối u đó tái phát, sẽ có những xét nghiệm được chỉ định thực hiện để kiểm tra mức độ tái phát của khối u. Lúc này, những xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh thường tương tự với những xét nghiệm đã làm tại thời điểm chẩn đoán ban đầu.

Phân độ khối u

Các bác sĩ thường mô tả u màng não thất theo phân độ của nó. Phân độ này sẽ mô tả mức độ giống của các tế bào khối u so với các tế bào bình thường khi quan sát dưới kính hiển vi. Bác sĩ tiến hành so sánh mô của khối u với mô lành. Mô lành thường bao gồm nhiều nhóm tế bào khác nhau. Nếu khối u màng não thất tương tự với mô lành và chứa nhiều nhóm tế bào thì được gọi là “biệt hóa” hoặc là “độ ác tính thấp”. Nếu mô của khối u rất khác biệt so với mô lành, được gọi là “kém biệt hóa” hoặc “độ ác tính cao”.

U màng não thất ở trẻ em là bệnh gì? 3 Bác sĩ thường mô tả u màng não thất theo phân độ của nó

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân chia u màng não thất thành ba mức độ:

  • Độ I (1): U dưới màng não thất.

  • Độ II (2): U màng não thất hoặc U màng nội tuỷ nhầy nhú.

  • Độ III (3): U màng não thất chưa biệt hóa.

Nhìn chung, khối u có phân độ càng thấp thì tiên lượng bệnh càng tốt. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến khác nhau giữa các bác sĩ về tầm quan trọng của phân chia mức độ trong việc xác định tiên lượng của trẻ em được chẩn đoán u màng não thất mức độ II hoặc u màng não chưa biệt hóa (mức độ III).

Những thông tin về giai đoạn và phân độ sẽ giúp ích cho các bác sĩ đưa ra một kế hoạch điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh u màng não thất ở trẻ em. Nhấn theo dõi Nhà thuốc Hưng Thịnh để đọc thêm nhiều thông tin bổ ích về sức khỏe bạn nhé!

Khánh Vy

Nguồn: Yhoccongdong.com

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)