Nhà thuốc Hưng Thịnh

Trẻ sơ sinh khi chào đời khóc rất to nhưng lại thường không có nước mắt. Điều này có thể là hiện tượng sinh lý bình thường nhưng cũng có thể xuất phát từ các tình trạng sức khỏe bất thường. Vậy khi nào trẻ sơ sinh khóc không có nước mắt là bình thường và khi nào là bất thường? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Trong vài tuần đầu tiên của cuộc đời, trẻ thường chưa có nước mắt. Mắt trẻ sẽ dần ẩm hơn và bắt đầu có nước mắt vào các tuần sau. Tuy nhiên, nếu quá 3 tháng tuổi mà bé vẫn không chảy nước mắt khi khóc thì bố mẹ nên lưu ý đến một số vấn đề sức khỏe ở trẻ. 

Trẻ sơ sinh khóc không có nước mắt có bình thường không?

Sau khi sinh, bé thường rất hay khóc: Trẻ sơ sinh khóc khi đói, khi gắt ngủ, khi khó chịu… Các cơn khóc của trẻ có thể kéo dài đến 15-20 phút, và nếu mẹ để ý cẩn thận, bé sẽ không có nước mắt chảy ra. Vậy đây có phải là hiện tượng bình thường hay không?

Trong 2 tuần tuổi đầu tiên, trẻ sơ sinh có thể sẽ khóc không có nước mắt vì tuyến lệ của trẻ chưa thực sự phát triển hoàn thiện. Tuyến nước mắt của trẻ mới chào đời chỉ sản xuất với lượng nhỏ, vừa đủ để bôi trơn và bảo vệ mắt bé. Bố mẹ đôi khi sẽ nhận thấy mắt bé ướt nhưng chỉ là rơm rớm chứ không đủ để xem là nước mắt khi khóc.

Ngoài biểu hiện khóc không có nước mắt, trong thời gian này, phụ huynh cũng có thể nhận thấy một số dấu hiệu khác của mắt trẻ như đỏ mắt, sưng mí mắt tạm thời… Bắt đầu từ 1 đến 3 tháng tuổi, tuyến lệ ở trẻ phát triển hơn, lượng nước mắt cũng sẽ gia tăng, bạn có thể nhìn thấy nước mắt tiết ra khi trẻ sơ sinh khóc.

Trẻ sơ sinh khóc không có nước mắt có bình thường không? 1

Trẻ sơ sinh khóc không có nước mắt có bình thường không?

Nguyên nhân bất thường khiến trẻ sơ sinh khóc không có nước mắt

Phần lớn các trường hợp trẻ sơ sinh khóc không có nước mắt đều là hiện tượng sinh lý bình thường, tuyến lệ của trẻ sẽ dần phát triển và nước mắt sau 1 tháng tuổi. Tuy nhiên bố mẹ cũng nên chú ý tới một số vấn đề sức khỏe dưới đây, chúng cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh khóc không có nước mắt.

Tắc tuyến lệ

Bé chảy nước mắt khi đang chơi bình thường, mắt có nhiều ghèn và chất nhầy… thì rất có thể bé đã bị tắc tuyến lệ. Đây là tình trạng thường xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi và hơn 90% trường hợp trẻ sẽ tự khỏi sau độ tuổi này. Tuyến lệ bị tắc nên nước mắt không dẫn xuống mũi được và trào ra ngoài không kiểm soát, dù cho bé không muốn khóc.

Nếu tuyến lệ bị tắc trong thời gian dài, nước mắt tồn đọng ở túi lệ có làm nhiễm trùng, khiến túi lệ bị viêm, xuất hiện nhầy mủ. 

Trẻ sơ sinh khóc không có nước mắt có bình thường không? 2

Tắc tuyến lệ thường xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi

Nhiễm trùng mắt

Có trường hợp bị tắc tuyến lệ sẽ dẫn đến nhiễm trùng ở mắt trẻ sơ sinh (hay còn được gọi là bệnh viêm túi lệ dacryocystitis). Đây là một bệnh lý nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến thị lực của trẻ sau này nên bố mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời khi mắt trẻ trở nên sưng đỏ, ửng mủ.

Virus, vi khuẩn

Trẻ sơ sinh khóc không ra nước mắt cũng có thể xuất phát từ việc trẻ bị nhiễm virus như cảm lạnh, đau mắt đỏ. Biểu hiện thường thấy chính là nước mắt có kèm theo mẩn đỏ và tiết dịch. Đau mắt đỏ hay viêm kết mạc là tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh nhưng nó vẫn có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy phụ huynh nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ nhi khoa khi có các dấu hiệu như mắt đau, ửng đỏ kèm với tình trạng tiết dịch.

Trẻ sơ sinh khóc không có nước mắt có bình thường không? 3

Trẻ bị sưng đỏ mắt, tiết dịch nhầy có thể do nhiễm virus, vi khuẩn

Mất nước

Nếu trước đây bé khóc vẫn có nước mắt bình thường nhưng đột nhiên lại khóc không ra nước mắt nữa thì đây có thể là dấu hiệu của tình trạng mất nước.  Hiện tượng mất nước ở trẻ sơ sinh có thể đi kèm với các triệu chứng khác, chẳng hạn như tiêu chảy, nôn ói, bú kém, trẻ lơ mơ, giảm số lần thay tã, cáu gắt hơn… Mẹ cần đảm bảo bé luôn được cung cấp đầy đủ chất lỏng mỗi ngày bằng cách cho trẻ uống sữa thường xuyên.

Khi nào nên đưa trẻ đi khám?

Trẻ sơ sinh khóc không có nước mắt có thể là hiện tượng sinh lý bình thường nhưng cũng có thể xuất phát từ các nguyên nhân bệnh lý. Nếu bé con của bạn có các dấu hiệu dưới đây, hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ nhi ngay.

  • Trẻ khóc không ra nước mắt dù đã được 2-3 tháng tuổi.

  • Nước mắt chỉ chảy ở một bên và có thể thấy rõ các biểu hiện nhiễm trùng như đỏ, mưng mủ, chảy dịch bất thường, sưng tấy.

  • Xuất hiện các hiện tượng bất thường ở mắt trẻ sơ sinh như đổi màu đồng tử, đục thủy tinh thể…

Các dấu hiệu kể trên có thể là cảnh báo sớm của các căn bệnh nguy hiểm liên quan đến mắt ở trẻ nên bố mẹ cần phải xử lý kịp thời để tránh nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trẻ sơ sinh khóc không có nước mắt có bình thường không? 4

Bố mẹ nên đưa trẻ đi khám khi có các dấu hiệu bất thường về mắt

Trẻ sơ sinh khóc không có nước mắt là hiện tượng phổ biến khi trẻ mới chào đời, thường có nguyên nhân là tuyến lệ ở trẻ chưa phát triển. Bố mẹ không cần quá lo lắng nhưng cũng nên chú ý theo dõi sự xuất hiện của các triệu chứng bất thường khác để bảo vệ bé một cách tốt nhất.

Hoàng Trang

Nguồn tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)