Nhà thuốc Hưng Thịnh

Trật khớp thái dương hàm xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trật khớp thái dương hàm là gì và cách điều trị trật khớp thái dương hàm nhé!

Trật khớp thái dương hàm là tình trạng thường gặp phổ biến ở nhiều lứa tuổi. Trật khớp thái dương hàm xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.

Trật khớp thái dương hàm là gì

Khớp thái dương hàm là khớp động duy nhất của phần sọ mặt. Khớp bao gồm diện khớp của xương hàm dưới và diện khớp của xương thái dương và các thành phần trung gian khác như là bao khớp, đĩa khớp và dây chằng khớp. Khớp thái dương hàm có cấu trúc phức tạp và giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong các hoạt động ăn uống, nói chuyện của con người. 

Trật khớp thái dương hàm hay còn gọi là sái quai hàm là tình trạng mất cân bằng giữa khớp xương hàm dưới và khớp xương thái dương khiến hoạt động đóng mở miệng, nhai nuốt trở nên khó khăn và xuất hiện triệu chứng đau nhức, khó chịu.

Trật khớp thái dương hàm có nguy hiểm không?1 Trật khớp thái dương hàm khiến đóng, mở miệng khó khăn

Nguyên nhân xảy ra tình trạng trật khớp thái dương hàm

Trật khớp thái dương hàm thường xảy ra với những người có tiền sử trật khớp. Bên cạnh đó trật khớp thái dương hàm cũng có thể xảy ra do một số nguyên nhân sau:

  • Miệng mở rộng quá mức trong lúc cắn mạnh, ngáp rộng, nôn. Mở miệng lâu do quá trình can thiệp nha khoa.
  • Trật khớp do chấn thương, tai nạn, té ngã khiến phần khớp thái dương hàm bị va đập mạnh.
  • Nhiễm khuẩn, thoái hóa khớp, viêm khớp thái dương hàm cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng trật thái dương hàm.
  • Stress, áp lực lâu ngày dẫn đến căng thẳng dây thần kinh khiến trật khớp thái dương hàm.
  • Ngoài ra có các nguyên nhân khác như mòn răng, răng thưa, răng mọc lệch; các thói quen như nghiến răng lúc ngủ, nhai kẹo cao su thường xuyên,… khiến khớp thái dương hàm bị lệch.

Triệu chứng trật khớp thái dương hàm

Biểu hiện của trật khớp thái dương hàm là hàm dưới lệch sang một bên hoặc trề ra phía trước, người bệnh khó khăn trong việc đóng, mở miệng, thậm chí không thể khép miệng lại. Trật thái dương hàm có thể xảy ra đối với một bên mặt hoặc cả hai bên. Bên cạnh đó, người bị trật khớp thái dương hàm có thể xuất hiện các triệu chứng như:

  • Chảy nước bọt.
  • Đau nhức khớp hàm, đau đầu.
  • Người bệnh bị trật khớp thái dương hàm một bên sẽ có biểu hiện như hàm dưới bị lệch sang một bên, má bên lành bị hóp lại, má bên trật sẽ dẹt, miệng há nhỏ. 
  • Người bệnh bị trật khớp thái dương hàm cả hai bên sẽ có biểu hiện như cằm bị nhô ra phía trước, má bị hóp cả hai bên, miệng há to.

Trật khớp thái dương hàm có nguy hiểm không?2 Trật khớp thái dương hàm gây đau nhức

Cách điều trị trật khớp thái dương hàm

Trật khớp thái dương hàm có biểu hiện rất rõ ràng là hàm dưới bị lệch hoặc trề ra phía trước. Vì vậy người bệnh có thể tự phát hiện trật khớp thái dương hàm. Tuy nhiên, người bị trật khớp vẫn nên đến các cơ sở khám chữa bệnh để được các bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân, mức độ trật khớp và tình trạng viêm nhiễm để có cách điều trị trật khớp thái dương hàm phù hợp.

Nắn trật khớp thái dương hàm

Thông thường, các bác sĩ sẽ tiến hành nắn trật khớp thái dương hàm để xương hàm về đúng vị trí ban đầu. Trước khi nắn, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau hoặc massage nhẹ nhàng vùng cơ mặt để hạn chế tối đa các cơn đau cho người bệnh. 

Bệnh nhân ngồi thẳng, tựa lưng và đầu vào ghế, tư thế thoải mái để thuận lợi cho quá trình nắn chỉnh. Bác sĩ sẽ đặt 2 miếng gạc lên mặt nhai ở phía trong, dùng hai ngón tay đè lên gạc. Sau đó dùng lực ở 2 ngón tay cái ấn toàn bộ khối xương hàm theo hướng xuống dưới và ra sau nhiều lần. Nếu người bệnh cảm thấy xương hàm dưới đã lỏng ra và đóng mở miệng dễ dàng thì chứng tỏ xương hàm đã về đúng khớp. Sau khi đã nắn khớp thành công, cần băng bó cố định đầu nhằm hạn chế vận động quá mạnh ở vùng khớp thái dương hàm, giảm thiểu khả năng tái phát.

Sử dụng thuốc

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp gây tê tại chỗ bằng Lidocain 2% với liều từ 2 – 5ml tiêm vào bên khớp thái dương hàm bị trật và các vùng lân cận nơi cơ chân bướm ngoài bám vào để cho khớp xương tự về vị trí bình thường.

Trật khớp thái dương hàm có nguy hiểm không?3 Trật khớp thái dương hàm có nhiều cách điều trị

Phẫu thuật

Phẫu thuật chữa trật khớp thái dương hàm chỉ thực hiện đối với người có mức độ tổn thương nặng. Đây là trường hợp nắn khớp không thể mang lại hiệu quả chữa trị cho bệnh nhân. Bác sĩ buộc phải chỉ định phẫu thuật để chữa bệnh. Sau khi đã khỏi bệnh, trong thời gian đầu người bệnh cần tránh tác động mạnh lên vùng thái dương hàm, ăn thức ăn mềm, nhai nuốt nhẹ nhàng để vùng khớp thái dương hàm được phục hồi.

Tóm lại, trật khớp thái dương hàm là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi nếu không biết cách phòng tránh. Trật khớp thái dương hàm không nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn khiến cho người bệnh cảm thấy đau đớn và ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng như viêm khớp, xơ cứng khớp, dính khớp,…

Trên đây là toàn bộ những chia sẻ của chúng tôi về việc trật khớp thái dương hàm có nguy hiểm hay không. Hi vọng thông qua bài viết này các bạn đã hiểu hơn về trật khớp thái dương hàm và cách phòng tránh căn bệnh này, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Thu Hòa

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)