Nhà thuốc Hưng Thịnh

Tràn khí trung thất là tình trạng xuất hiện khí trong trung thất, thường hiếm gặp nhưng gây nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý này.

Tràn khí trung thất là bệnh lý trung thất hiếm gặp, thường do vỡ phế nang hoặc các va chạm gây tổn thương phế quản – phế nang, thanh quản gây nên. Mặc dù không quá nguy hiểm và có thể tự khỏi nhưng vẫn có số ít trường hợp tràn khí trung thất dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khác. Hiểu rõ về dấu hiệu, nguyên nhân sẽ giúp bạn có cách xử trí tràn khí trung thất kịp thời. 

Trung thất nằm ở đâu? 

Trung thất là khoang nằm ở giữa – vị trí trung tâm của lồng ngực, được bao quanh các khoang màng phổi. Trong trung thất gồm có các cơ quan như tim, các mạch máu lớn, thực quản, khí quản, thần kinh tim, thần kinh hoành, ống ngực, tuyến ức và hệ thống hạch bạch huyết trong lồng ngực.

Trung thất có thể được chia thành trung thất trên, nằm ở phần trên màng ngoài tim, giới hạn dưới là một đường nối từ góc xương ức với đốt sống ngực L4-L5. 

Phần trung thất dưới, tính từ phía trên của màng ngoài tim trở xuống, vùng này được chia làm 3 phần: 

  • Trung thất trước: Nằm trước màng ngoài tim.

  • Trung thất giữa: Phần chứa màng ngoài tim và các bộ phận của tim. 

  • Trung thất sau: Nằm phía sau màng ngoài tim. 

Các bệnh lý thường gặp ở trung thất là tình trạng phát triển khối u ở trung thất (chiếm 90%), viêm trung thất và tràn khí trung thất (hiếm gặp). 

tràn khí trung thất 1

Trung thất là khu vực trung tâm khoang ngực

Tràn khí trung thất là bệnh gì? 

Tràn khí trung thất là khi có sự xuất hiện của không khí hoặc bất kỳ loại khí nào ở khoang trung thất. Trong đó, khí có thể rò rỉ vào trung thất theo 3 cơ chế sau: 

  • Thông qua vị trí phá vỡ hàng rào dưới da tại phế quản hoặc thực quản. 

  • Vỡ phế nang do sự chênh lệch áp suất bên trong phế nang và các tổ chức kẽ phổi khác. 

  • Ổ nhiễm trùng ở trung thất và các vùng lân cận có chứa vi khuẩn sinh khí. 

Nguyên nhân gây tràn khí trung thất 

Dựa trên 3 cơ chế kể trên, có thể thấy có nhiều nguyên nhân khác nhau từ nhiễm trùng cho đến tổn thương thực thể ở phổi và đường dẫn khí đều có thể dẫn đến tràn khí trung thất. Một số nguyên nhân khiến khí tự do tràn vào trung thất (vị trí bình thường không có khí) điển hình phải kể đến: 

  • Tăng áp lực ổ bụng. 

  • Ho dữ dội, nôn ói hay hắt xì liên tục. 

  • Nhiễm trùng ở trung thất hoặc khu vực ngực và vùng lân cận.

  • Thực quản rách do thủ thuật đặt sonde dạ dày. 

  • Vỡ thực quản do nôn hoặc vỡ thực quản tự phát.

  • Rách phế quản. 

  • Người bệnh phải thở máy. 

  • Thay đổi cao độ một cách đột ngột. 

  • Biến chứng của tràn khí màng phổi.

  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). 

  • Hen suyễn.

  • Ung thư phổi. 

Một số trường hợp có sự xuất hiện của khí trong trung thất mà không rõ nguyên nhân còn được xem là tràn khí trung thất tự phát. 

tràn khí trung thất 2

Có rất nhiều nguyên nhân bệnh lý khiến khí tự do tràn vào khu vực trung thất

Triệu chứng và dấu hiệu tràn khí trung thất 

Tràn khí trung thất là bệnh cảnh hiếm gặp và lành tính, thường xảy ra ra ở người trẻ tuổi. Đôi lúc bệnh lý này diễn ra âm thầm, không có triệu chứng. Những trường hợp khác tràn khí trung thất biểu hiện qua những cơn đau ngực sau xương ức, có thể lan đến cổ và cánh tay.

Đặc biệt cơn đau này nặng nề hơn khi bạn nuốt nước bọt và ho. Một số ít trường hợp tràn khí trung thất có thể bao gồm những triệu chứng như: Ho, đau bụng và đau lưng,…

Cách chẩn đoán và điều trị tràn khí trung thất 

Mặc dù là một bệnh lý trung thất hiếm gặp nhưng khi có các dấu hiệu nghi ngờ tràn khí trung thất, bạn nên nhanh chóng đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và có cách xử trí phù hợp. 

Các phương pháp chẩn đoán tràn khí trung thất 

Đừng quá lo lắng khi bị nghi ngờ có khí tự do trong trung thất, hiện nay có nhiều biện pháp để quản lý hiệu quả tình trạng này. Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm gồm:

  • Chụp X quang phổi – giúp phát hiện 90% tình trạng tràn khí trung thất. 

  • Nội soi phế quản để kiểm tra xem có xuất hiện tổn thương đường hô hấp hay không. 

  • Siêu âm (thường được chỉ định trong trường hợp khẩn cấp). 

tràn khí trung thất 3

Bác sĩ thường chỉ định chụp X – quang phổi để đưa ra quyết định điều trị tràn khí trung thất

Điều trị tràn khí trung thất 

Sau khi được chẩn đoán tràn khí trung thất và xác định nguyên nhân gây bệnh, tùy vào nguyên nhân gây tràn khí trung thất mà bác sĩ sẽ có các biện pháp điều trị phù hợp: 

  • Cho bệnh nhân thở oxy với nồng độ cao giúp tăng thải khí nito ra ngoài. Đây là phương pháp điều trị tràn khí trung thất phổ biến nhất. Khi điều trị, cần theo dõi sát khí máu của bệnh nhân. 
  • Một số trường hợp cần tạo đường thông khí nhân tạo một phổi. 
  • Đặt ống dẫn lưu khí màng phổi nếu có tràn khí màng phổi. 
  • Phẫu thuật khâu vá lỗ thủng trên phế quản, khí quản hay thực quản (nếu có). 
  • Cấp cứu đặt ống vào khoang chứa khí ngay khi có dấu hiệu chèn ép trung thất. 
  • Dùng thuốc hỗ trợ điều trị các triệu chứng như ho, đau ngực, đau lưng,…

Biến chứng do tràn khí trung thất 

Tràn khí trung thất thường khỏi hẳn sau 1 – 2 tuần và ít khi tái phát. Số ít hiếm gặp trường hợp tràn khí trung thất kéo dài hơn 2 tuần và gây nên các biến chứng khác như: Xẹp phổi, tổn thương đường hô hấp hay tràn khí vào ống sống. 

Nhìn chung, tràn khí trung thất là một tình trạng hiếm gặp và khi được chăm sóc phù hợp sẽ tự khỏi sau 1 – 2 tuần. Tuy nhiên, tốt nhất là bạn nên theo dõi sát sức khỏe đường hô hấp đặc biệt là ở những người có tiền sử viêm trung thất. Nếu cảm thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy nhanh chóng đi khám bác sĩ. 

Quỳnh Vi 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)