Nhà thuốc Hưng Thịnh

Sinh non vàng da là hiện tượng xảy ra khá phổ biến ở các trường hợp trẻ sinh thiếu tháng. Nếu không được phát hiện và tiến hành điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại các biến chứng cực kỳ nguy hiểm. Hãy cùng Nhà thuốc Hưng Thịnh tìm hiểu những kiến thức xoay quanh vấn đề sinh non vàng da trong bài viết dưới đây.

Tình trạng sinh non vàng da không phải là hiếm gặp trong  sản khoa. Nhận thức được các dấu hiệu, biểu hiện và các biến chứng để lại của tình trạng này sẽ giúp chúng ta có thể phát hiện, có phương án điều trị kịp thời nhằm ngăn ngừa các hậu quả nguy hiểm. Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Hưng Thịnh sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản về tình trạng sinh non vàng da.

Sinh non vàng da là gì?

Bình thường, thai kỳ kéo dài khoảng 40 tuần. Sinh non là khi người mẹ chuyển dạ và trẻ được chào đời sớm hơn so với dự kiến. Cụ thể hơn, sinh non là khi bé được chào đời từ khoảng tuần thứ 22 tới trước tuần thứ 37 của thời kỳ mang thai.

Vàng da là tình trạng sắc tố mật xuất hiện nhiều trong máu và ngấm vào da, niêm mạc mắt. Tình trạng này thường gặp ở trẻ sinh không đủ ngày gây ra hiện tượng sinh non vàng da.

Tình trạng sinh non vàng da có nguy hiểm không? 1 Sinh non vàng da là tình trạng thường gặp

Nguyên nhân của sinh non vàng da

Bình thường, hồng cầu sau khi trải qua hết vòng đời sẽ được thoái hóa thành bilirubin tự do (là một chất gây độc). Chất này được chuyển hóa tại gan dưới tác dụng của dịch mật, xuống ruột rồi thải ra ngoài cơ thể qua phân. Tuy nhiên, đối với trẻ sinh non, chức năng của gan còn rất kém khiến việc đào thải bilirubin bị ảnh hưởng, do đó các chất này tích tụ lại tràn vào máu.

Trẻ sinh non có khả năng bị vàng da sớm, nhiều và thời gian bệnh kéo dài hơn trẻ sinh đủ tháng bởi:

  • Gan trẻ sinh non chưa thể thực hiện chức năng một cách đầy đủ như gan của em bé sinh đủ tháng.

  • Hệ tiêu hóa của trẻ sinh không đủ tháng chưa được trưởng thành nên lượng sữa ăn vào ít hơn, nhu động ruột còn kém dẫn đến quá trình đào thải bilirubin cũng không nhanh bằng.

Cách phát hiện trẻ sinh non vàng da

Để phát hiện em bé bị vàng da, cần quan sát da của trẻ thường xuyên, đặc biệt trong thời gian hai tuần đầu sau khi sinh. Lưu ý: Cần quan sát ở những nơi có ánh sáng tự nhiên bởi nếu dưới ánh đèn thì tình trạng vàng da có thể nặng hơn, hoặc những nơi thiếu ánh sáng không thể phát hiện được tình trạng vàng da.

Người theo dõi thực hiện động tác ấn nhẹ lên da từ 2 tới 5 giây tại các khu vực ngực, đùi, bụng, cẳng chân, bàn chân của em bé, khi thả tay mà vùng da đó có xuất hiện màu vàng thì trẻ có nguy cơ bị vàng da. Mức độ của vàng da có thể biểu hiện từ nhẹ, vừa tới đậm, rõ ràng.

Tình trạng sinh non vàng da có nguy hiểm không? 2 Quan sát màu da để phát hiện tình trạng sinh non vàng da

Em bé sinh non bị vàng da có nguy cơ bị bệnh gì?

Vàng da là một triệu chứng thường gặp ở các em bé sơ sinh nói chung chứ không chỉ riêng vàng da sinh non. Triệu chứng này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Vì vậy, cần theo dõi liệu đó là vàng da sinh lý (thể nhẹ, không cần điều trị) hay vàng da bệnh lý (thể nặng, cần điều trị sớm nhất có thể).

Đa số các trường hợp em bé vàng da sinh lý có lượng bilirubin trong máu không quá cao và giảm dần nên sẽ không gây nguy hại và không cần tiến hành điều trị. Ngược lại, các trường hợp vàng da bệnh lý có tiến triển xấu, bệnh ngày càng nặng thì cần theo dõi sát sao và điều trị liên tục để phòng tránh các nguy cơ biến chứng ảnh hưởng tới sự phát triển vận động, thần kinh của trẻ.

Các biến chứng nặng của vàng da sinh non

Bệnh não cấp tính do tình trạng tăng bilirubin. Bệnh trải qua 3 giai đoạn chính:

  • Giai đoạn sớm: Em bé đẻ non bị vàng da nhiều, có hiện tượng ngủ gà, giảm trương lực cơ, khả năng bú kém.

  • Giai đoạn trung gian: Em bé lờ đờ, dễ dàng bị kích thích gây tăng trương lực cơ. Có thể bị sốt, khóc the thé, lơ mơ. Tình trạng giảm và tăng trương lực cơ biểu hiện với hiện tượng ưỡn cổ và thân. Có thể phải thực hiện liệu pháp thay máu trong giai đoạn này đối với một số trường hợp cần thiết giúp cải thiện được các triệu chứng về thần kinh.

  • Giai đoạn nặng: Tổn thương hệ thống thần kinh mà không có khả năng hồi phục, biểu hiện với tư thế ưỡn cổ, ưỡn người, không bú được, khóc the thé. Đôi khi xuất hiện những cơn ngưng thở hoặc hôn mê, trong một vài trường hợp có thể có hiện tượng co giật và nguy hiểm hơn có thể dẫn tới tử vong.

Bệnh não mạn tính do tình trạng tăng bilirubin hay còn gọi là vàng da nhân. Lượng bilirubin vượt quá giới hạn mà gan không kịp đào thải sẽ có nguy cơ thấm vào trong não gây vàng da nhân não, ảnh hướng rất xấu tới hệ thống thần kinh (gây độc thần kinh).

Trẻ sinh non có triệu chứng của bệnh bại não thể múa vờn, xuất hiện tình trạng rối loạn thính lực, mắt nhìn trần, loạn sản răng, một số trường hợp hiếm gặp hơn là thiểu năng trí tuệ hoặc những tàn tật khác.

Cách chăm sóc trẻ sinh non vàng da

Đối với các trường hợp trẻ bị sinh non vàng da, các cha mẹ cần chú ý cách chăm sóc đặc biệt như sau:

  • Tăng cường cho bé bú sữa thường xuyên giúp tăng khả năng đào thải bilirubin từ ruột qua phân. Nếu trẻ được điều trị tại bệnh viện thì bác sĩ có thể sẽ tiến hành truyền thêm dịch, cho ăn qua đặt ống sonde dạ dày nhằm đảm bảo lượng ăn sao cho phù hợp với tình trạng bệnh.

  • Tiếp xúc ánh sáng tự nhiên: Việc cho em bé bị vàng da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể giúp các trường hợp vàng da nhẹ mau hết hơn. Tuy nhiên, việc này lại không thể giúp điều trị các ca vàng da nặng. Đối với các trẻ sinh non vàng da thể nhẹ có thể cho tắm nắng ấm mỗi sáng nhưng với những trẻ đã vàng da nhiều mà không thuyên giảm thì cần lập tức tới gặp các bác sĩ chuyên khoa để có phương án xử lí kịp thời nhằm ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Tình trạng sinh non vàng da có nguy hiểm không? 3 Tăng cường cho trẻ bú giúp cải thiện tình trạng vàng da

Phòng tránh tình trạng sinh non vàng da

Để phòng tránh tình trạng sinh non vàng da, bà bầu cần có phương pháp phòng tránh hiện tượng đẻ non:

  • Có một chế độ ăn uống thật lành mạnh ở giai đoạn trước và trong khi đang mang thai: Các chuyên gia khuyến cáo hãy ăn nhiều các loại ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc chứa nhiều đạm, rau và trái cây. Bổ sung axit folic và canxi cũng được các bác sĩ khuyến nghị.

  • Cố gắng uống nhiều nước mỗi ngày.
  • Dùng aspirin hàng ngày trong giai đoạn ba tháng đầu trong trường hợp bà bầu bị cao huyết áp hoặc có tiền sử sinh non. Tuy nhiên, việc dùng thuốc cần có khuyến nghị từ phía của các bác sĩ.

  • Bỏ hút thuốc, sử dụng các loại chất kích thích hoặc lạm dụng một số loại dược phẩm khác nhau.

  • Thường xuyên thăm khám và theo dõi tình trạng thai nhi trong quá trình mang thai.

Tình trạng sinh non vàng da có nguy hiểm không? 4 Bà bầu cần ăn uống khoa học để phòng tránh nguy cơ sinh non vàng da

Trong bài viết trên đây, Nhà Thuốc Hưng Thịnh đã phần nào giúp các bạn giải đáp các thắc mắc về vấn đề sinh non vàng da. Với những kiến thức trên, Nhà Thuốc Hưng Thịnh mong quý độc giả có được những nhận thức nhất định về hiện tượng này để có các biện pháp phòng tránh cũng như xử trí kịp thời sao cho phù hợp nhằm hướng tới một sức khỏe tốt nhất cho trẻ.

Ánh Vũ 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)