Nhà thuốc Hưng Thịnh

Ba mẹ luôn chờ đợi những sự thay đổi, phát triển của con yêu từng ngày trong những năm tháng đầu tiên của cuộc đời. Vậy ba mẹ đã biết trẻ 16 tháng phát triển như thế nào hay chưa? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!

Trong những năm tháng đầu đời, trẻ cần được ba mẹ theo sát để đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh. Bởi ở giai đoạn này, trẻ sẽ lớn lên trông thấy từng ngày. Vậy sự phát triển của trẻ 16 tháng tuổi như thế nào là bình thường? Trẻ 16 tháng biết làm gì và biết nói gì? Ba mẹ hãy cùng Nhà Thuốc Hưng Thịnh tìm hiểu kĩ hơn về vấn đề này trong bài viết dưới đây nhé!

Tìm hiểu trẻ 16 tháng tuổi đã biết làm gì và biết nói những gì 1 Trẻ 16 tháng tuổi phát triển như thế nào?

Sự phát triển thể chất của trẻ 16 tháng tuổi

Dựa vào bảng theo dõi chiều cao và cân nặng trung bình của trẻ nhỏ, ở tháng thứ 16:

  • Bé trai: Cân nặng từ 9,5 – 11,5kg (trung bình 10,5kg), chiều cao từ 77,6 – 82,8cm (trung bình 80,2cm).

  • Bé gái: Cân nặng từ 8,7 – 11,1kg (trung bình 9,8kg), chiều cao từ 75,8 – 81,4cm (trung bình 78,6cm).

Theo các số đo chiều cao và cân nặng trên, ba mẹ có thể đoán được con yêu có đang phát triển thể trạng bình thường hay có khả năng bị suy dinh dưỡng hoặc béo phì. Tuy nhiên, nếu các chỉ số của con không nằm trong khoảng trên, ba mẹ đừng quá lo lắng mà hãy đưa con đến khám bác sĩ để xác định chính xác tình trạng phát triển của con và đưa ra hướng xử trí phù hợp nhé!

Bên cạnh đó, giai đoạn 16 tháng tuổi cũng là khoảng thời gian trẻ mọc những chiếc răng nanh đầu tiên. Ba mẹ cần hết sức lưu ý bởi việc mọc răng có thể khiến trẻ xuất hiện một số hiện tượng như khóc, sốt…

Trẻ 16 tháng biết làm gì?

Dưới đây là một số thay đổi trong sự phát triển về mặt thể chất của trẻ ở tháng thứ 16:

  • Cầm nắm đồ vật thuần thục: Các kỹ năng cử động bàn tay của bé đã phát triển tương đối thành thục ở tháng thứ 16, đặc biệt là kỹ thuật cầm nắm đồ vật. Bé biết cách cầm đồ vật để di chuyển từ nơi này đến nơi kia mà không cần phải ném hay bắt đầu biết sử dụng thìa để ăn.

  • Bắt đầu biết chạy: Một số bé đã có thể chạy, tuy tốc độ chỉ nhanh hơn so với đi một chút.

  • Trẻ tự bò lên cầu thang hoặc bước lên cầu thang khi được giúp đỡ.

  • Có thể nhảy múa theo nhạc.

  • Có thể đá một quả bóng, tuy nhiên chưa có nhiều lực và độ chính xác chưa cao.

  • Tập nói, tập hát: Trẻ bắt đầu tập nói và thường thích trò chuyện cùng ba mẹ, trẻ có thể nói được khoảng 3 từ, thậm chí là 15 – 20 từ. Bên cạnh đó, trẻ rất thích nghe ba mẹ hát và bắt chước hát theo ở giai đoạn này.

  • Trẻ bắt đầu biết cách dùng ngôn ngữ cơ thể để bày tỏ mong muốn của mình với ba mẹ. Ví dụ như chỉ tay để đòi lấy món đồ chơi yêu thích…

Tìm hiểu trẻ 16 tháng tuổi đã biết làm gì và biết nói những gì 2 Trẻ 16 tháng có thể tự bò lên cầu thang

Trẻ 16 tháng phát triển cảm xúc như thế nào?

Ở thời điểm này, trẻ bắt đầu biết giữ đồ chơi của mình và không muốn chia sẻ với người khác, muốn được ba mẹ quan tâm và chú ý trên hết. Đây là sự phát triển cảm xúc rất bình thường của trẻ, nên ba mẹ đừng quá lo lắng nếu trẻ dù không chơi vẫn không nhường đồ chơi của mình cho người khác.

Bên cạnh đó, trí tưởng tượng của trẻ 16 tháng bắt đầu phát triển. Do đó, trẻ có thể tưởng tượng được cảm xúc của người khác, từ đó bắt đầu biết đồng cảm dù chưa quá rõ ràng.

Trong giai đoạn này, ba mẹ nên dạy bé cách đặt tên cho cảm xúc của mình bằng những câu nói như: “Con đang khóc, con đang buồn đúng không?” hay “Con đang cười này, con đang vui nhỉ?”… Từ đó, bé bắt đầu xác định được cảm xúc của bản thân và đồng thời dần hiểu được cảm xúc của mọi người xung quanh.

Sự phát triển nhận thức của trẻ 16 tháng

16 tháng tuổi là giai đoạn bé bắt đầu biết chú ý trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, bé có thể thay đổi cảm xúc rất nhanh và nhanh chóng chuyển sự tập trung của mình sang việc khác. Do đó, ba mẹ không nên bắt bé tập trung trong một khoảng thời gian dài. Nếu ba mẹ muốn đọc sách cho bé, hãy đọc hàng ngày và mỗi ngày một ít thay vì đọc nhiều trong một ngày.

Tìm hiểu trẻ 16 tháng tuổi đã biết làm gì và biết nói những gì 3 Đọc sách giúp bé phát triển nhận thức

Bên cạnh đó, việc nhiều lần được ba mẹ khen ngợi khi làm đúng hoặc nhắc nhở lúc làm sai có thể giúp bé phân biệt được các hành động đúng, sai. Từ đó bé sẽ biết suy nghĩ hơn khi hành động.

Chế độ dinh dưỡng để trẻ 16 tháng tuổi phát triển toàn diện

Ở tháng tuổi thứ 16, bé có thể tập ăn:

  • Trái cây: Ba mẹ hãy cho bé thử một số loại trái cây giàu vitamin và chất xơ như xoài, chuối, dưa hấu, kiwi…

  • Ngũ cốc nguyên cám: Ba mẹ có thể chế biến gạo, yến mạch, lúa mạch đen… thành các món ăn như cháo, súp, cơm nát để cho bé thưởng thức hàng ngày.

  • Chất béo: Chất béo có tác dụng rất lớn trong quá trình phát triển của trẻ. Do vậy, việc bổ sung chất béo vào khẩu phần ăn của bé là vô cùng cần thiết. Ba mẹ có thể giúp bé bổ sung chất béo tốt bằng các loại thực phẩm như quả bơ, dầu dừa, dầu ô liu…

  • Rau củ quả: Ba mẹ nên tìm ra một số loại rau củ quả yêu thích của bé, có thể sử dụng kèm nước sốt để giúp bé cảm thấy ngon miệng hơn khi ăn.

  • Trứng và thịt: Đây là những loại thực phẩm giàu dưỡng chất không thể thiếu cho sự phát triển của trẻ.

  • Sắt: Ba mẹ có thể bổ sung sắt vào khẩu phần ăn của bé bằng các thực phẩm như gan, cà chua, thịt bò, đậu gà… Ngoài ra, ba mẹ cũng nên kết hợp với thực phẩm giàu vitamin C để hỗ trợ cơ thể hấp thu sắt dễ dàng hơn.

  • Sữa và các thực phẩm từ sữa: Bên cạnh sữa bột, ba mẹ nên bổ sung cho bé các loại thực phẩm khác có nguồn gốc từ sữa như sữa tươi, sữa chua, váng sữa…

  • Các loại đậu, các loại hạt: Đây cũng là nguồn thực phẩm chứa rất nhiều khoáng chất có lợi cho sự phát triển của trẻ nhỏ mà ba mẹ không nên bỏ qua. Các món ăn từ đậu Hà Lan, đậu xanh, hạt óc chó… có thể là món khoái khẩu của bé đấy!

Tìm hiểu trẻ 16 tháng tuổi đã biết làm gì và biết nói những gì 4 Sữa là thành phần không thể thiếu trong thực đơn cho trẻ 16 tháng tuổi

Những năm tháng đầu đời là khoảng thời gian trẻ rất cần được quan tâm và chăm sóc một cách cẩn thận để đảm bảo quá trình phát triển diễn ra khỏe mạnh. Hy vọng qua những thông tin trong bài viết, ba mẹ đã hiểu được sự phát triển của trẻ 16 tháng tuổi, từ đó nắm được tình trạng phát triển của con yêu. Nhà Thuốc Hưng Thịnh xin chúc bạn đọc và bé yêu thật nhiều sức khỏe và đừng quên tiếp tục theo dõi Nhà Thuốc để biết thêm nhiều thông tin sức khỏe hữu ích khác!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)