Nhà thuốc Hưng Thịnh

Các biến chứng thai sản như tiền sản giật, sản giật,… là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Bên cạnh đó, điều mà các thai phụ quan tâm là tiền sản giật có ảnh hưởng đến thai nhi không. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu vấn đề này nhé!

Theo thống kê, hàng năm trên thế giới có hơn 500.000 phụ nữ tử vong có liên quan tới quá trình thai nghén và sinh nở. Trong số các nguyên nhân gây nguy hiểm, tiền sản giật là biến chứng sản khoa xảy ra phổ biến trên khoảng 5% thai phụ, cũng chính là một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến khoảng 17% người mẹ tử vong.

Rất nhiều thai phụ không thấy có xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi tai biến xảy ra. Chính vì thế, nếu đang mang thai hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị mang thai, bạn cần trang bị cho mình kiến thức về các dấu hiệu và biến chứng tiền sản giật, sản giật để có biện pháp chăm sóc bản thân và thai nhi được khỏe mạnh.

Tiền sản giật là gì?

Tiền sản giật là một trong những biến chứng của thai kỳ, đặc trưng bởi huyết áp cao cũng như dễ gây tổn thương đến gan, thận… 

Đa phần triệu chứng tiền sản giật sẽ xuất hiện vào khoảng ba tháng cuối thai kỳ, có không ít trường hợp xuất hiện triệu chứng sau khi lâm bồn (phổ biến là trong vòng 48 giờ sau sinh), tuy nhiên thường là một thời gian sau đó sẽ biến mất.

Tiền sản giật là căn nguyên dẫn đến tai biến sản khoa nghiêm trọng gây nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và bé, đó chính là sản giật. 

Tiền sản giật có ảnh hưởng đến thai nhi không? 1
Điều mà các thai phụ quan tâm là tiền sản giật có ảnh hưởng đến thai nhi không.

Dấu hiệu tiền sản giật

Dấu hiệu tiền sản giật có thể xuất hiện và tiến triển âm thầm, đầu tiên đó là tăng huyết áp thai kỳ. Điều này buộc thai phụ phải chú ý theo dõi huyết áp ngay từ những ngày đầu mang thai và trong suốt thai kỳ. Khi phát hiện huyết áp vượt quá 140/90mmHg chính là dấu hiệu bất thường cần được theo dõi. 

Ngoài huyết áp cao, các biểu hiện khác cần chú ý theo dõi bao gồm:

  • Protein dư thừa trong nước tiểu (protein niệu);

  • Đau đầu dữ dội;

  • Gặp vấn đề về thị lực như mất thị lực tạm thời, mờ mắt hoặc nhạy cảm với ánh sáng;

  • Đau bụng, nhất là vùng bên phải dưới xương sườn; 

  • Buồn nôn và nôn;

  • Tiểu khó, lượng nước tiểu giảm;

  • Giảm tiểu cầu;

  • Chức năng gan suy giảm;

  • Khó thở (do chất lỏng tích tụ trong phổi);

  • Tăng cân đột ngột (hơn 2kg/tuần);

  • Sưng (phù), nhất là ở mặt và tay, chân.

Khi gặp bất kỳ triệu chứng nào kể trên, thai phụ cần gặp ngay bác sĩ để được theo dõi và có chỉ định kịp thời.

Tiền sản giật có ảnh hưởng đến thai nhi không? 2 Tiền sản giật là căn nguyên dẫn đến tai biến sản khoa nghiêm trọng. 

Nguyên nhân gây tiền sản giật

Theo các bác sĩ sản khoa, nguyên nhân xảy ra tiền sản giật khi mang thai là do giảm lưu lượng máu đến nhau thai. Giải đoạn đầu thai kỳ, các mạch máu sẽ phát triển để đưa máu đến nhau thai. Khi những mạch máu không phát triển hoặc vận hành không đúng chức năng sẽ khiến lượng máu chảy qua bị hạn chế. Nguyên nhân thường là do:

  • Lưu lượng máu đến tử cung không đủ;

  • Tổn thương mạch máu;

  • Hệ thống miễn dịch suy giảm hoặc có vấn đề;

  • Một số gen bất thường.

Các yếu tố nguy cơ tiền sản giật

Có nhiều yếu tố khiến phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh tiền sản giật, bao gồm:

  • Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có thành viên, chẳng hạn như mẹ/chị/em gái từng bị tiền sản giật, nguy cơ cao bạn cũng sẽ mắc phải tai biến này;

  • Tiền sử tiền sản giật, cụ thể:

    • Nếu thai phụ bị tiền sản giật vào cuối thai kỳ trước, khả năng bệnh tái xảy ra là khá thấp (tỷ lệ 13%);
    • Nếu thai phụ bị tiền sản giật nặng trước 29 tuần mang thai, khả năng bị lại là khoảng từ 40%;
    • Nếu thai phụ bị ở hai lần mang thai trước, nguy cơ bị lại ở lần mang thai thứ ba là khoảng 30%.
  • Tăng huyết áp mãn tính;

  • Mang thai lần đầu;

  • Mang song thai hoặc đa thai;

  • Độ tuổi mang thai: Thai phụ dưới 20 tuổi hoặc trên 35 tuổi sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn;

  • Thừa cân – béo phì trong thai kỳ;

  • Khoảng cách giữa các lần mang thai quá ngắn hoặc quá dài;

  • Tiền sử đau nửa đầu, bệnh tiểu đường, bệnh thận, có xu hướng phát triển cục máu đông hoặc lupus ban đỏ…

Tiền sản giật có ảnh hưởng đến thai nhi không? 4 Đo huyết áp, kiểm soát cân nặng,… để sớm phát hiện nguy cơ tiền sản giật.

Phương pháp chẩn đoán tiền sản giật khi mang thai

Để chẩn đoán thai phụ có nguy cơ tiền sản giật hay không, bác sĩ sẽ chỉ định thai phụ thực hiện các xét nghiệm sau:

  • Đo huyết áp: Việc đo huyết áp nhiều lần trong ngày sẽ giúp bác sĩ theo dõi chính xác tình trạng sức khỏe thai phụ. Nếu kết quả 140/90 trở lên được xác định là huyết áp cao, cần hết sức chú ý, khi cần thiết bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc để kiểm soát huyết áp trong vùng an toàn.

  • Protein trong nước tiểu: Thai phụ sẽ được chỉ định làm xét nghiệm kiểm tra tỷ lệ protein-creatinine (creatinine là chất thải do thận lọc ra) trong nước tiểu.

  • Xét nghiệm máu: Thực hiện xét nghiệm máu thường xuyên, bao gồm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi (CBC) và xét nghiệm chức năng gan, thận sẽ giúp chẩn đoán nguy cơ bệnh cũng như giúp sàng lọc hội chứng HELLP.

  • Các xét nghiệm đánh giá sức khỏe của em bé: Thực hiện siêu âm để kiểm tra sự phát triển, tăng trưởng của thai nhi có tốt hay không.

Sau khi thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán có nguy cơ bị tiền sản giật hay không, bác sĩ sẽ có chỉ định theo dõi chặt chẽ thai phụ và thai nhi để hạn chế tối đa biến chứng.

Biến chứng tiền sản giật có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Như đã có đề cập ở trên, các tai biến sản khoa luôn là nỗi lo lớn nhất của hầu hết thai phụ. Tiền sản giật khi mang thai – tiền căn của sản giật – được xem là nguyên nhân gây tử vong cao cho mẹ bầu và trẻ sơ sinh.

Các biến chứng tiền sản giật có ảnh hưởng đến thai nhi không? Câu trả lời là: “Có”. Dưới đây là những ảnh hưởng do tác hại của biến chứng tiền sản giật :

Thai nhi tăng trưởng chậm

Khi các động mạch mang máu đến nhau thai bị ảnh hưởng, không cung cấp đủ lượng máu cần thiết cho nhau thai sẽ khiến thai nhi thiếu máu, thiếu oxy lẫn chất dinh dưỡng. Hậu quả là khi bé chào đời tăng trưởng chậm, nhẹ cân và suy dinh dưỡng.

Tiền sản giật có ảnh hưởng đến thai nhi không? 5 Trường hợp mức độ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định kết thúc sớm thai kỳ.

Sinh non

Trường hợp bệnh ở mức độ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định thai phụ kết thúc sớm thai kỳ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. Tuy nhiên, bé sinh non sẽ dễ bị suy giảm hệ miễn dịch, hệ hô hấp, đồng thời các cơ quan khác cũng sẽ bị tổn thương. 

Vì vậy, nếu thai phụ bị hội chứng trong khi mang bầu cần được bác sĩ thăm khám kỹ để xác định đúng thời điểm kết thúc thai kỳ một cách an toàn. 

Nhau bong non

Tiền sản giật có khả năng làm tăng nguy cơ vỡ nhau thai, gây chảy máu nặng, nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và bé.

Hội chứng HELLP

HELLP là biến chứng tiền sản giật nặng (khoảng 4 – 12% mẹ bầu gặp phải), đe dọa tính mạng cả hai mẹ con.

Hiện tượng các tế bào hồng cầu bị phá hủy, men gan cao và số lượng tiểu cầu thấp gọi là hội chứng HELLP. Bệnh nhân sẽ gặp phải các triệu chứng như buồn nôn và nôn, đau đầu, đau bụng trên bên phải…, một số hệ thống cơ quan khác cũng bị tổn thương nghiêm trọng.

Sản giật

Sản giật là biến chứng của tiền sản giật và là một trong những tai biến sản khoa gây tử vong hàng đầu cho mẹ và bé. Gặp phải các dấu hiệu sản giật, bao gồm động kinh, đau bụng, bất tỉnh,… thai phụ cần được bác sĩ can thiệp ngay để tránh biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng.

Tổn thương các cơ quan khác

Thai phụ trong giai đoạn thai kỳ bị tiền sản giật sẽ khiến các cơ quan thận, gan, phổi, tim, mắt bị tổn thương. Ngoài ra, bệnh còn dễ đưa đến khả năng đột quỵ hoặc chấn thương não. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh ra sao mà mức độ gây tổn thương cho các cơ quan sẽ tương ứng theo.

Tiền sản giật có ảnh hưởng đến thai nhi không? 6 Thường xuyên tập thể dục là một trong những cách phòng ngừa tiền sản giật.

Bệnh tim mạch

Tiền sản giật khi mắc phải sẽ khiến thai phụ tăng nguy cơ bệnh tim và mạch máu về sau. Do đó, sau khi sinh, bạn cần chú ý duy trì cân nặng, ăn nhiều trái cây và rau quả, tập thể dục thường xuyên và không hút thuốc lá để giảm thiểu rủi ro.

Cách phòng ngừa tiền sản giật trước và sau khi sinh

Nếu bạn thuộc đối tượng có nguy cơ cao bị tiền sản giật, trước khi mang thai cần thay đổi lối sống để phòng ngừa và hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ. Cụ thể:

  • Có kế hoạch giảm cân nếu có chỉ số BMI ở mức thừa cân – béo phì (≥ 25);

  • Kiêng thuốc lá, rượu bia;

  • Thường xuyên tập thể dục;

  • Kiểm soát huyết áp cũng như lượng đường trong máu;

  • Bổ sung canxi: Theo nghiên cứu, thai phụ nếu được bổ sung đủ canxi trước và trong thai kỳ sẽ giúp thai phụ giảm nguy cơ mắc bệnh. Lượng canxi cần thiết cho cơ thể mẹ bầu là vào khoảng từ 1.200 – 1.500mg/ngày thông qua chế độ ăn uống và thực phẩm chức năng bổ sung. 

Tuy nhiên, việc dùng thuốc, uống vitamin hoặc thực phẩm bổ sung thai phụ cần tuân theo tư vấn và chỉ định của bác sĩ.

Như Quỳnh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)