Nhà thuốc Hưng Thịnh

Thay khớp háng là phẫu thuật trong chỉnh hình khá thường gặp, giúp cho bệnh nhân có thể vận động khớp háng trở lại được gần như bình thường. Cùng tìm hiểu về thay khớp háng trong bài viết dưới đây nhé.

Hiện nay, phẫu thuật thay khớp háng là phương pháp ngoại khoa được sử dụng ngày càng rộng rãi. Bằng việc thay khớp háng nhân tạo, chức năng vận động của bệnh nhân đã được cải thiện rất nhiều. Việc này giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người bị bệnh lý liên quan đến khớp háng mà những phương pháp điều trị khác không có hiệu quả.

Thay khớp háng là gì?

Thay khớp háng là quá trình phẫu thuật trong đó khớp háng tổn thương bệnh lý gây đau, mất vận động được cắt bỏ và thay thế một khớp háng nhân tạo khác vào. Nhờ sự tiến bộ trong nghiên cứu cơ chế vận động, chất liệu khớp háng cũng như các kỹ thuật mổ, tuổi thọ của khớp háng nhân tạo đang ngày càng được kéo dài. Đây là kỹ thuật khó, do vậy chỉ nên được thực hiện ở các bệnh viện lớn, có đội ngũ bác sĩ tay nghề cao cùng các thiết bị chuyên nghiệp.

Thay khớp háng là gì? Những thông tin cần biết về thay khớp háng 1 Thay khớp háng là phẫu thuật ngoại khoa khá phổ biến

Khi nào chỉ định thay khớp háng?

Đây là một trong những lựa chọn cuối cùng được chỉ định đối với bệnh thoái hóa khớp háng hay một số bệnh lý khác xảy ra tại khớp háng. Thay khớp háng là cuộc phẫu thuật có độ phức tạp cao và có thể xảy ra nhiều biến chứng nên thường chỉ được chỉ định ở những bệnh nhân sụn khớp bị hủy hoại nghiêm trọng, đau đớn kéo dài do không đáp ứng với điều trị nội khoa hoặc có nguy cơ bị tàn phế.

Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo không phải được áp dụng cho tất cả các trường hợp đau khớp háng. Chỉ định thay khớp háng áp dụng cho những trường hợp sau đây:

  • Bệnh nhân thoái hóa khớp háng độ IV gây cử động khớp háng khó khăn.

  • Bệnh lý hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi.

  • Lao khớp háng giai đoạn ổn định.

  • Viêm mủ khớp háng, viêm cốt tủy đã điều trị hết vi khuẩn.

  • Khớp giả vùng cổ xương đùi.

  • U xương.

  • Gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi.

Thay khớp háng là gì? Những thông tin cần biết về thay khớp háng 2 Thoái hóa khớp mức độ nặng là một trong các chỉ định của thay khớp háng

Chống chỉ định thay khớp háng với những bệnh nhân đang có ổ nhiễm trùng bùng phát ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, liệt nửa người, liệt chi dưới, thể trạng bệnh nhân già yếu không đáp ứng được cuộc phẫu thuật.

Các phương pháp thay khớp háng

Hiện nay, thay khớp háng có 2 loại gồm thay khớp háng toàn phần và bán phần. Thay khớp toàn phần là thay toàn bộ mặt khớp của cổ chỏm xương đùi và ổ cối khung chậu. Thay khớp bán phần giữ nguyên ổ cối mà chỉ thay chỏm xương đùi bằng vật liệu nhân tạo.

Ngoài ra giữa các phương pháp còn có sự khác nhau về đường mổ, loại vật liệu thay khớp, thiết kế hình dạng khớp, xuất xứ sản xuất của khớp, có xi măng hay không có xi măng. Phẫu thuật viên sẽ là người hỗ trợ bệnh nhân và gia đình đưa ra quyết định chọn phương pháp cũng như kỹ thuật nào tùy vào tình trạng bệnh lý, thể trạng bệnh nhân, mong muốn cũng như chi phí cuộc phẫu thuật. Không hẳn cứ khớp chi phí cao là tốt nhất vì mỗi khớp được thiết kế tùy đặc điểm bệnh lý và tình trạng bệnh nhân khác nhau.

Ưu điểm của phương pháp thay khớp háng nhân tạo:

  • Thời gian mổ ngắn.

  • Độ bền khớp háng từ 15 – 20 năm, có khi tới 20 – 30 năm tùy từng chất liệu cũng như chế độ điều trị.

  • Giảm đau tốt, khớp vững, có thể tập phục hồi chức năng sớm.

  • Bộc lộ chính xác khớp phải thay thế.

Các nguy cơ cuộc mổ thay khớp háng

Có một số rủi ro cũng như biến chứng có thể xảy ra đối với thay khớp háng nhân tạo:

  • Nhiễm trùng: Là biến chứng ngoại khoa thường gặp. Có thể nhiễm trùng ở vết mổ hoặc nhiễm trùng ở bộ phận cấy ghép. Nhiễm trùng xảy ra ngay sau cuộc mổ hoặc xảy ra biến chứng trong nhiều năm sau đó.

  • Huyết khối tĩnh mạch chân, xương chậu có thể gây thuyên tắc phổi đe dọa đến tính mạng. Phòng ngừa bằng thuốc chống đông, bơm hơi áp lực chân, bài tập cổ chân, vận động sớm.

  • Vật liệu bị bào mòn, hỏng hóc.

  • Chảy máu sau mổ.

  • Trật khớp háng nhân tạo.

Cần báo cho bác sĩ nếu có các biểu hiện sau:

  • Sốt trên 38°C; vết mổ sưng tấy, nóng đỏ; sưng đau bắp chân. Có thể nhiễm trùng cấp tính hoặc nhiễm trùng mãn tính vết mổ. Giai đoạn muộn thấy lỗ rò, chảy dịch vết mổ.

  • Đau khớp háng tăng dần.

  • Chảy máu sau mổ.

  • Cứng khớp.

  • Tập vận động khớp háng rất đau bất thường.

  • Chiều dài chi dưới bên mổ ngắn dần, đau tăng có thể do lỏng khớp.

  • Nghe thấy tiếng kêu cót két, lục khục khớp.

Thay khớp háng là gì? Những thông tin cần biết về thay khớp háng Cần báo cho bác sĩ nếu tình trạng đau khớp háng tăng dần

Thời gian phục hồi sau thay khớp háng nhân tạo

Sau cuộc phẫu thuật, bệnh nhân có thể phải nằm trên giường có tấm đệm kẹp giữa hai chân để cố định khớp háng đúng vị trí, tránh di lệch đáng tiếc. Vật lý trị liệu có thể được bắt đầu ngay từ ngày đầu sau mổ và kéo dài khác nhau tùy tình trạng phục hồi của bệnh nhân.

Sau mổ từ 3 đến 7 ngày, người bệnh nên tập đứng và đi lại bằng khung hỗ trợ. Việc này giúp giảm nguy cơ huyết khối tĩnh mạch và rút ngắn quá trình phục hồi sau này. Bệnh nhân đi lại bằng khung hỗ trợ và có thể thực hiện một số hoạt động cơ bản như ăn uống, thay quần áo, đi vệ sinh.

Sau mổ 4 đến 6 tuần, bệnh nhân dần phục hồi các cấu trúc phần mềm quanh khớp háng, có thể chuyển sang đi nạng hoặc với gậy, có thể tự chủ trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.

Từ 6 tuần sau mổ, bệnh nhân phục hồi và thực hiện các hoạt động bình thường với cường độ tăng dần. Bệnh nhân có thể chơi các thể thao nhẹ nhàng từ tháng thứ 6.

Bệnh nhân nên tái khám 1 lần/tháng để có những tư vấn về dinh dưỡng, luyện tập phù hợp. Thời gian phục hồi khác nhau tùy từng bệnh nhân.

Vào những ngày đầu sau cuộc mổ, bệnh nhân được dùng thuốc giảm đau và hướng dẫn các bài tập phục hồi chức năng phù hợp. Khi xuất viện, bệnh nhân được kê thuốc giảm đau cũng như thuốc ngừa thuyên tắc tĩnh mạch máu. Các kỹ thuật viên vật lý trị liệu có thể hướng dẫn tập luyện tại nhà bằng các bài tập phù hợp và an toàn.

Để đẩy nhanh quá trình phục hồi, người bệnh nên chú ý đến dinh dưỡng như:

  • Bổ sung nhóm thực phẩm giàu canxi, vitamin D, protein và các chất dinh dưỡng khác. Bổ sung thêm rau xanh.

  • Không dùng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.

  • Hạn chế dùng đồ cay nóng.

Phẫu thuật thay khớp háng là phẫu thuật phổ biến đặc biệt đối với những trường hợp bệnh nhân cao tuổi, thoái hóa khớp háng nặng không đáp ứng điều trị nội khoa. Cần tuân thủ thuốc cũng như tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng theo yêu cầu bác sĩ nhằm đạt được kết quả tốt nhất sau cuộc mổ.

Mong rằng qua bài viết này bạn nắm được những thông tin cơ bản về thay khớp háng. Nhà Thuốc Hưng Thịnh rất hân hạnh đồng hành cùng bạn để đưa đến những thông tin sức khỏe bổ ích và cần thiết.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)