Nhà thuốc Hưng Thịnh

Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ thay đổi rất nhiều, gây ra các biến chứng thai kỳ. Táo bón là một trong những biến chứng hay gặp nhất ở phụ nữ mang bầu. Vậy táo bón có gây nguy hiểm gì cho mẹ bầu hay không? Làm thế nào để khắc phục tình trạng táo bón đi ngoài ra máu khi mang thai?

Táo bón là nỗi ám ảnh với nhiều phụ nữ khi mang thai, gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng sức khoẻ, tâm lý cho mẹ và bé. Tình trạng này có thể xuất hiện ở bất giải đoạn nào trong thai kỳ. Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Hưng Thịnh sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin xoay quanh vấn đề táo bón đi ngoài ra máu khi mang thai.

Nguyên nhân gây táo bón khi mang thai

Táo bón là tình trạng đi ngoài khó, phân khô và cứng, buồn đại tiện mà không đi được, phải rặn mạnh với tần suất từ 3 đến 5 lần/tuần. Điều này gây tổn thương đến trực tràng, làm xuất hiện tình trạng đi ngoài ra máu. Đối với mẹ bầu, táo bón còn có thể kèm theo các biểu hiện như buồn nôn, đau tức bụng, chướng bụng, đầy hơi hoặc chán ăn.

Vậy nguyên nhân nào gây ra hiện tượng táo bón ở phụ nữ khi mang thai? Dưới đây là các nguyên nhân gây táo bón ở mẹ bầu:

  • Thay đổi nội tiết trong cơ thể thai phụ: Sự tăng tiết hormone progesterone trong cơ thể thai phụ làm giãn cơ, giảm nhu động ruột và làm chậm quá trình tiêu hóa khiến phân đào thải chậm hơn. Càng ở lâu trong ruột, phân sẽ càng mất nước nhiều, trở nên khô và cứng, khó di chuyển ra ngoài hậu môn.

  • Ốm nghén: Xảy ra chủ yếu trong 3 tháng đầu của thai kỳ với các triệu chứng buồn nôn và nôn nhiều gây mất nước cho cơ thể. Khi đó, ruột sẽ tái hấp thu nước từ phân để bù đắp lượng mất cho lượng nước thiếu hụt khiến phân khô cứng.

Táo bón đi ngoài ra máu khi mang thai có nguy hiểm không? 1 Nôn nghén gây mất nước – một trong các nguyên nhân gây táo bón ở phụ nữ khi mang thai

  •  Thai nhi phát triển: Khi thai nhi lớn lên trong tử cũng sẽ gây chèn ép lên đường tiêu hoá, gây áp lực lên thành ruột, khiến quá trình tiêu hóa diễn ra khó khăn hơn, tăng nguy cơ mắc táo bón ở thai phụ, nhất là ở 3 tháng cuối của thai kỳ. Ngoài ra, thai nhi chèn ép xuống bàng quang sẽ gây ra hiện tượng đi tiểu nhiều lần, khiến mẹ bầu ngại uống nước để tránh đi tiểu nhiều, đặc biệt vào ban đêm. Đây cũng là yếu tố góp phần gây ra hiện tượng táo bón ở thai phụ.
  • Chế độ ăn uống không khoa học, uống ít nước: Với tâm lý ăn nhiều để cùng cấp đủ dinh dưỡng cho thai nhi. Nhiều thai phụ không kiểm soát được lượng thức ăn đưa vào gây ra tình trạng tải cho hệ tiêu hoá, cơ thể không kịp hấp thụ dẫn đến táo bón. Mặt khác, chế độ ăn thiếu chất xơ, ăn nhiều đồ cay nóng cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
  • Bổ sung canxi và sắt của các mẹ bầu: Việc bổ sung thêm canxi và sắt là điều cần thiết cho mẹ bầu. Tuy nhiên, nếu bổ sung quá nhiều, 2 loại vi lượng này gây nóng trong người cho mẹ bầu gây ra tình trạng táo bón.
  • Lười vận động: Khi mang bầu do ốm nghén hoặc khi thai quá lớn khiến mẹ bầu chỉ muốn nằm nghỉ, lười vận động. Tình trạng này khiến nhu động ruột hoạt động chậm gây táo bón.

Táo bón đi ngoài ra máu khi mang thai có nguy hiểm không?

Tuy táo bón đi ngoài khi mang thai không nguy hiểm tính mạng nhưng gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của thai phụ và không tốt đối với sự phát triển của thai nhi. Cùng với việc mẹ bầu luôn cảm thấy áp lực và mệt mỏi với vấn đề đại tiện, táo bón lâu ngày nếu không được chữa trị kịp thời có thể gây ra một số hậu quả nghiêm trọng sau:

  • Nguy cơ bị sảy thai cao: Bị táo bón khi mang thai, thai phụ sẽ phải cố gắng dùng sức rặn để tống phân ra ngoài. Điều này làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non.

  • Gây mất máu: Nếu tình trạng táo bón kéo dài kèm theo phân có máu sẽ gây mất máu cho thai phụ.

  • Thai nhi bị suy dinh dưỡng: Táo bón khi mang thai khiến bà mẹ thấy buồn nôn, chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu và chán ăn do phân không được tống ra ngoài. Dẫn đến tình trạng mẹ bầu không muốn ăn và ăn không ngon làm cho mẹ bầu thiếu dinh dưỡng. Điều này cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng suy dinh dưỡng của thai nhi.

  • Gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé: Phân tồn đọng quá lâu trong đường ruột cùng với các chất độc hại như amoniac, phenol, indol… sẽ bị tái hấp thu vào lại vào máu, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.

  • Gây ra nhiều bệnh khác: Táo bón lâu ngày cũng là nguyên nhân gây ra bệnh trĩ, viêm đại tràng, ung thư đại tràng…

Táo bón đi ngoài ra máu khi mang thai có nguy hiểm không? 3 Táo bón đi ngoài ra máu khi mang thai có nguy hiểm không?

Làm gì để hết táo bón đi ngoài ra máu khi mang thai? 

Táo bón khi mang thai không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu mà còn ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thai nhi. Chính vì vậy việc phòng tránh và điều trị táo bón ở mẹ bầu là điều cần thiết. Dưới đây là một số phương pháp phòng tránh và chữa trị táo bón dành cho mẹ bầu:

  • Bổ sung đủ nước mỗi ngày: Nước có tác dụng nhuận tràng, làm phân mềm ra và dễ đào thải ra ngoài. Vì vậy mẹ bầu hãy tích cực uống nước, khoảng 2,5 lít – 3 lít nước mỗi ngày dưới nhiều dạng khác nhau như nước lọc, nước ép hoa quả, nước canh…

  • Chế độ ăn tăng thêm chất xơ: Bổ sung chất xơ bằng cách ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi… giúp cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh và làm việc hiệu quả hơn. Do chất xơ trong phân hút nước giúp phân tạo khối, mềm hơn và dễ đào thải ra ngoài cùng với các chất độc hại trong cơ thể một cách dễ dàng.

  • Tăng cường vận động: Việc tập thể dục thường xuyên và đều đặn với những bài tập đơn giản, nhẹ nhàng như đi bộ, yoga… tăng co bóp nhu động ruột, giảm táo bón.

  • Tuyệt đối không nhịn đi vệ sinh: Nhịn đi vệ sinh làm tăng nguy cơ táo bón và bệnh trĩ. Hãy tập thói quen đi vệ sinh hàng ngày vào một khung giờ thích hợp.

  • Bổ sung sắt và canxi đúng liều lượng: Cần thực hiện bổ sung sắt và canxi hay thuốc bổ khác theo đúng liều lượng bác sĩ đã kê. Nếu quá liều, cơ thể không hấp thụ kịp làm gánh nặng cho ruột. Hoặc có thể thay đổi cách bổ sung sắt bằng những loại thuốc có nguồn gốc hữu cơ như fumarate. Bổ sung canxi qua thực phẩm như cá, tôm… giúp ruột hấp thu và đào thải dễ dàng hơn.

  • Lựa chọn thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa như cà rốt, táo, chuối, đu đủ, bí đỏ, khoai lang… Ngưng sử dụng các chất gây kích thích như rượu bia, cà phê… hay đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ gây khó tiêu hoá.

  • Khi tình trạng táo bón kéo dài, đau bụng dữ dội kèm theo phân cứng có lẫn máu, mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và xử trí kịp thời.

Táo bón đi ngoài ra máu khi mang thai có nguy hiểm không? 4 Mẹ bầu nên uống đủ nước, khoảng 8 – 10 ly nước mỗi ngày 

Tóm lại, táo bón đi ngoài ra máu khi mang thai có gây nguy hiểm cho mẹ bầu và cần được khắc phục kịp thời. Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn đọc về vấn đề táo bón khi mang thai. Chúc mẹ bầu có một thai kì an toàn và khỏe mạnh!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)