Nhà thuốc Hưng Thịnh

Khó thở, trào ngược dạ dày thực quản, rụng tóc… là các triệu chứng của rối loạn thần kinh thực vật trên những người nhiễm Covid-19 và cả sau khi âm tính với virus.

Bác sĩ chuyên khoa I, Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, Bộ Quốc phòng, cho biết, trước khi Covid-19 xuất hiện, nhiều người đã mắc chứng rối loạn thần kinh thực vật, đặc biệt là nữ tuổi từ 35 đến 50, người già trên 65 tuổi, người thần kinh yếu, hay lo lắng. Tuy nhiên, khi đại dịch diễn ra, việc tiêm vaccine Covid-19 cũng như bị nhiễm virus này khiến cho các biểu hiện trở nên rõ ràng và nặng hơn.

“Các triệu chứng của rối loạn thần kinh thực vật xuất hiện ngay trong quá trình người bệnh đang điều trị Covid-19. Tình trạng này có thể kéo dài và diễn tiến phức tạp trong vài tuần, thậm chí cả tháng sau khi F0 âm tính với virus”, bác sĩ khẳng định.

Hệ thần kinh thực vật hoạt động tự động, không phụ thuộc vào việc con người muốn hay không như: không thể bắt tim ngừng đập, phổi ngừng thở, đường ruột dừng co bóp… Ngoài các bệnh như viêm dây thần kinh, ung thư… dẫn tới rối loạn thần kinh thực vật thì nguyên nhân chủ yếu là do thiếu máu não, ăn ngủ kém, lo lắng, căng thẳng… Các yếu tố khiến tình trạng nặng thêm là thoái hóa đốt sống cổ, đau cổ – vai – gáy. Ngoài ra, kể từ khi đại dịch xuất hiện, sau tiêm vaccine Covid-19, trong quá trình nhiễm virus và sau khi khỏi bệnh, nhiều người cũng gặp tình trạng này.

Rối loạn thần kinh thực vật ở người nhiễm Covid-19-1 Mỗi ngày, bác sĩ Huy Hoàng Tư vấn cho gần trăm ca F0 điều trị tại nhà. Ảnh: NVCC

Triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật ở người nhiễm Covid-19

Theo bác sĩ Huy Hoàng, triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật thể hiện trên rất nhiều cơ quan nên đôi khi người bệnh dễ bị nhầm với bệnh của các chuyên khoa khác.

  • Hệ tim mạch: Trên hệ tim mạch, người bệnh sẽ thấy nhịp tim nhanh, hồi hộp; huyết áp lúc cao, lúc thấp, tụt huyết áp ở tư thế đứng; hoa mắt, chóng mặt… Tuy nhiên, khi đi khám (siêu âm tim, điện tim) thì tim lại hoàn toàn không gặp vấn đề gì. Đó là những triệu chứng của rối loạn thần kinh thực vật thể hiện ở hệ tim mạch.
  • Hệ tiêu hóa: Các triệu chứng của rối loạn thần kinh thực vật trên hệ tiêu hóa thể hiện rất rõ ràng. Tình trạng phổ biến là bị khô miệng, một số ít người lại tiết ra nhiều nước bọt. Rối loạn co thắt thực quản và rối loạn tiết acid dạ dày gây ra tình trạng trào ngược dạ dày – thực quản, ợ hơi, ợ nóng, buồn nôn, cảm giác đau tức vùng thượng vị… Một số người lại có tình trạng rối loạn co thắt đại tràng: đi ngoài khi ăn đồ ăn lạ; hoặc đi ngoài xong, ăn sáng lại muốn đi ngoài tiếp.
  • Hệ hô hấp: Trên hệ hô hấp, có các triệu chứng như: khó thở, hụt hơi, thở không được sâu, đi ra chỗ đông người có cảm giác ngột ngạt… có thể bị nhầm lẫn sang bệnh về đường hô hấp. Nguyên nhân là do rối loạn co thắt khí, phế quản và rối loạn nhịp thở.
  • Thiếu máu não: Các triệu chứng của hệ thần kinh chủ yếu liên quan tới tình trạng thiếu máu não và thường xuất hiện sớm ở những người có thoái hóa cột sống cổ, đau cổ vai gáy. Sau khi tiêm vaccine Covid-19 hay nhiễm virus, tình trạng này càng nặng hơn khiến người bệnh cảm thấy nặng đầu, váng đầu, đau đầu, mắt mờ hoặc nhức 2 hốc mắt, ù 2 tai… Khi thiếu máu não, thường tay chân sẽ bị lạnh do cơ thể điều chỉnh để ưu tiên máu cung cấp cho não. Thiếu máu não kéo dài khiến người bệnh ăn ngủ kém, hay quên, giảm trí nhớ, khó tập trung, dễ xúc động, dễ cáu gắt… Hệ thần kinh thực vật còn điều chỉnh lượng đường và điện giải trong máu (ảnh hưởng tới sự co cơ, dẫn truyền thần kinh) nên khi rối loạn sẽ khiến bệnh nhân nhanh đói nhưng không ăn được nhiều, tay chân yếu, làm việc nhanh mệt, tê bì thậm chí bủn rủn tay chân.
  • Nội tiết: Nhiều phụ nữ sau khi tiêm vaccine hoặc khỏi Covid-19, có thể gặp các triệu chứng của tiền mãn kinh, chậm kinh hoặc mất kinh, da dẻ sần sùi, rụng tóc, giảm ham muốn…

Rối loạn thần kinh thực vật ở người nhiễm Covid-19-2 Triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật

Cách điều trị

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cho rằng tình trạng rối loạn hệ thần kinh thực vật khi đang là F0 hoặc hậu Covid-19 là do nhiễm virus, người bệnh thường lo lắng, ăn, ngủ kém hơn. Virus cũng có thể xâm nhập và gây tổn thương đến các tế bào thần kinh. Tình trạng rối loạn đông máu và rối loạn đáp ứng viêm toàn thân do hậu quả của Covid-19 cũng là yếu tố dẫn đến tình trạng rối loạn hệ thần kinh thực vật.

Để giải quyết vấn đề này, bác sĩ Hoàng đưa ra một số biện pháp cho người bệnh:

  • Thứ nhất là vận động: việc tập luyện thể dục, thể thao đều đặn sẽ giúp người bệnh ngủ ngon, bớt căng thẳng, mệt mỏi. Người bệnh cần tập luyện đều đặn, khoảng 15 – 30 phút mỗi ngày như: đi bộ, đạp xe, bơi lội, tập yoga…
  • Thứ hai là thực hiện chế độ ăn uống khoa học. Người bệnh cần giảm bớt thịt đỏ, ăn nhiều rau xanh, đặc biệt là các loại rau màu xanh, vàng, đỏ đậm; ăn cá (có các axit béo không no) giúp hệ thần kinh tốt hơn.
  • Thứ ba là sử dụng những loại thuốc hỗ trợ như vitamin tổng hợp; thực phẩm bổ sung chứa omega-3, kẽm, vitamin D; thuốc bổ não, tăng cường tuần hoàn não giúp não hoạt động tốt hơn.
  • Thứ tư là thở oxy cao áp. Bệnh nhân được đưa vào một buồng oxy tinh khiết với áp suất cao hơn khoảng 1,5 – 2 lần thông thường, giúp tăng lượng oxy và tối ưu khả năng phân phối oxy tới các mô, cơ quan, đặc biệt là giúp phục hồi các tế bào thần kinh bị tổn thương.

Nếu biết cách điều chỉnh sinh hoạt hàng ngày, nhiều người sẽ ổn định sau khoảng 3 – 4 tuần mà không cần phải điều trị. Tuy nhiên, với những người mắc các triệu chứng ở mức độ nặng, cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời để không làm tình hình tiến triển phức tạp hơn, vừa khó giải quyết, vừa ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể.

Rối loạn thần kinh thực vật ở người nhiễm Covid-19-3 Nếu biết cách điều chỉnh sinh hoạt hàng ngày, nhiều người sẽ ổn định sau khoảng 3 – 4 tuần mà không cần phải điều trị

“Với các trường hợp nặng, có thể người bệnh phải sử dụng các thuốc đặc trị như Sulpiride, Etifoxine, Tofisopam… kết hợp với tiêm truyền các loại thuốc tăng cường tuần hoàn não, bổ thần kinh… và thuốc an thần nhẹ”, bác sĩ Hoàng nói.

Thủy Phan

Nguồn Tham Khảo: Báo VnExpress

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)