Nhà thuốc Hưng Thịnh

Phụ nữ mang thai trên 13 tuần cần tiêm vắc xin Covid-19 để giảm nguy cơ lây nhiễm và các biến cố khi nhiễm bệnh. Tuy nhiên, thai phụ cần khám sản khoa trước khi tiêm và sắp xếp kế hoạch tiêm các loại vắc xin khác.

Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao nhiễm Covid-19. Khi bị nhiễm bệnh lại có nguy cơ tăng nặng, phải điều trị hồi sức tích cực (ICU), can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể). Nguy cơ tử vong ở phụ nữ mang thai do nhiễm Covid-19 cũng cao hơn phụ nữ không mang thai.

Bên cạnh đó, nhiễm Covid-19 khi mang thai còn tăng nguy cơ biến cố thai kỳ như tiền sản giật và ảnh hưởng đến bào thai, thai chậm phát triển, sinh non, mổ lấy thai khi sinh.

Vì thế, phụ nữ mang thai cần tiêm vắc xin để hạn chế nguy cơ lây nhiễm và các biến cố bất lợi kể trên.

Phụ nữ mang thai cần lưu ý gì khi tiêm vắc xin Covid-19? 1Bác sĩ sẽ tư vấn cho thai phụ khi tiêm vắc xin Covid-19.

Vắc xin Covid-19 có an toàn cho phụ nữ mang thai?

Hiện các dữ liệu về độ an toàn và hiệu quả của vắc xin Covid-19 trên phụ nữ mang thai vẫn còn hạn chế và đang tiếp tục được thu thập để đánh giá toàn diện hơn.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021 trên 3.958 phụ nữ mang thai trong độ tuổi từ 16 – 54 tuổi tại Mỹ đã tiêm vắc xin Covid-19 (Pfizer hoặc Moderna) cho thấy, không ghi nhận ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng lên mẹ sau khi tiêm.

Trong số 827 phụ nữ có thai kỳ đã hoàn tất, nghiên cứu cũng ghi nhận những tỷ lệ về biến cố bất lợi như: sảy thai tự nhiên (12,6% trong số phụ nữ mang thai tiêm vắc xin), sinh non (9,4%), thai nhỏ so với tuổi thai (3,2%), dị tật bẩm sinh (2,2%), thai chết lưu (0,1%). Không có trường hợp nào tử vong sơ sinh. Tỷ lệ những biến cố này tương đương với những biến cố cùng loại của phụ nữ mang thai trong dân số chung được nghiên cứu trước đại dịch.

Nghiên cứu ở Anh với số lượng mẫu ít hơn cũng cho nhận định tương tự: tỷ lệ sảy thai ở phụ nữ đã tiêm vắc xin không cao hơn so với phụ nữ mang thai không tiêm vắc xin. Tỷ lệ sảy thai không khác biệt khi tiêm vắc xin Pfizer, Moderna, AstraZeneca.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), Hiệp hội Sản Phụ khoa Mỹ (ACOG), Hiệp hội Sản phụ khoa Canada (SOGC) đều khuyến cáo: Vắc xin Covid-19 có thể tiêm cho phụ nữ mang thai nếu lợi ích mang lại cao hơn rủi ro, đặc biệt với người có nguy cơ cao phơi nhiễm với nCoV. 

Ngoài ra, phụ nữ đã tiêm vắc xin cũng không cần trì hoãn việc mang thai, cũng không khuyến cáo hủy thai nếu phát hiện có thai trong thời gian tiêm vắc xin Covid-19.

Phụ nữ mang thai cần lưu ý gì khi tiêm vắc xin Covid-19? 2Phụ nữ mang thai từ tuần 13 trở lên có thể tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Quy định tiêm vắc xin Covid-19 cho phụ nữ mang thai tại Việt Nam

Ngày 10/8, Bộ Y tế ban hành Quyết định 3802/QĐ-BYT về Hướng dẫn tạm thời Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin phòng Covid-19. Trong văn bản này có bổ sung về chỉ định vắc xin ở phụ nữ mang thai. Theo đó, phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên được tiêm vắc xin phòng Covid-19 và thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng.

Khi thai phụ đi tiêm chủng sẽ được bác sĩ giải thích nguy cơ và lợi ích, cân nhắc tiêm vắc xin Covid-19 cho phụ nữ mang thai ≥ 13 tuần khi lợi ích lớn hơn bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào đối với mẹ và thai nhi. Thai phụ đồng ý sẽ ký cam kết, được chuyển đến các cơ sở có cấp cứu sản khoa để tiêm và theo dõi.

Những điều phụ nữ mang thai cần lưu ý khi tiêm vắc xin Covid-19

Một số điều phụ nữ mang thai cần đặc biệt lưu ý khi tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Thăm khám trước khi tiêm chủng:

Khi thăm khám, bác sĩ sản khoa sẽ đánh giá sức khỏe thai kỳ như kiểm tra tuổi thai, tình trạng thai, đánh giá nguy cơ và lợi ích tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở phụ nữ mang thai.

Loại vắc xin được chỉ định:

Các loại vắc xin hiện có thể sử dụng cho phụ nữ mang thai là AstraZeneca, Pfizer, Moderna. Chống chỉ định với vắc xin Sputnik.

Lịch tiêm:

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 từ tuần 13 của thai kỳ, nên hoàn tất mũi hai của vắc xin trước 36 tuần 6 nCầngày. Nếu không kịp hoàn tất lịch tiêm, mũi hai sẽ được tiêm trong thời kỳ hậu sản.

  • AstraZeneca: Hai mũi cách nhau tối thiểu 4 tuần, tốt nhất là 8 – 12 tuần.
  • Moderna: Hai mũi cách nhau tối thiểu 4 tuần.
  • Pfizer: Hai mũi cách nhau tối thiểu 3 tuần.

Lưu ý, cần sắp xếp lịch tiêm chủng các loại vắc xin khác khi tiêm vắc xin Covid-19. Cụ thể, vắc xin uốn ván, bạch hầu – ho gà – uốn ván, cúm, viêm gan B cần tiêm cách ít nhất là 14 ngày trước khi tiêm vắc xin Covid-19 và cách 28 ngày sau khi tiêm vắc xin Covid-19.

Phụ nữ mang thai cần lưu ý gì khi tiêm vắc xin Covid-19? 3Cần sắp xếp thời gian tiêm vắc xin Covid-19 với các loại vắc xin khác trong thai kỳ.

Theo dõi sau tiêm:

Phụ nữ mang thai sau khi tiêm vắc xin Covid-19 cần tiếp tục theo dõi và chăm sóc thai kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ sản khoa.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 có thể gây một số phản ứng bất thường biểu hiện tại chỗ tiêm hoặc toàn thân, trong đó bao gồm phản ứng thông thường và tai biến nặng sau tiêm chủng. Vì thế, phụ nữ mang thai cần theo dõi những biến cố bất lợi sau tiêm chủng tương tự như những người được tiêm chủng khác. 

Thụy Anh

Nguồn tham khảo: vnexpress.net

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)