Nhà thuốc Hưng Thịnh

Trật khớp khuỷu tay là một căn bệnh thường gặp. Trật khớp khuỷu tay nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng thần kinh, mạch máu ảnh hưởng đến khả năng vận động của tay, thậm chí gây tàn tật.

Khuỷu tay là là bộ phần nằm sau cánh tay. Cấu tạo của khuỷu tay giúp cho cánh tay có thể gập, duỗi, sấp, ngửa một cách linh hoạt. Khuỷu tay cũng là một trong các khớp trên cơ thể. Trật khớp khuỷu tay là một căn bệnh thường gặp, chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong các chấn thương về khớp. Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi tìm hiểu phải làm gì khi bị trật khớp khuỷu tay nhé!

Trật khớp khuỷu tay là gì?

Khuỷu tay là một trong các bộ phận quan trọng của cơ thể. Khuỷu tay là phần nằm giữa phần cánh tay và cẳng tay, nối liền 2 bộ phận này với nhau. Khuỷu tay như là một bản lề được tạo thành từ xương cánh tay, xương trụ và xương quay. Khuỷu tay cũng như các khớp khác trong cơ thể, hỗ trợ cho hoạt động của cẳng tay, giúp các xương trượt lên nhau một cách dễ dàng.

Trật khớp khuỷu tay là tình trạng khớp khuỷu tay bị di lệch hoàn toàn hoặc không hoàn toàn và trượt ra khỏi vị trí bình thường tại khớp. Các tổn thương kèm theo có thể bao gồm gãy xương, tổn thương dây thần kinh trụ hoặc dây thần kinh giữa. Ngoài ra trật khớp khuỷu tay còn có thể gây tổn thương động mạch cánh tay.

Phải làm gì khi bị trật khớp khuỷu tay?1 Trật khớp khuỷu tay do vận động sai cách

Nguyên nhân trật khớp khuỷu tay

Trật khớp khuỷu tay thường do tác động của ngoại lực. Có nhiều nguyên nhân khiến trật khớp khuỷu tay như: 

  • Trật khớp khuỷu tay có thể do khi té ngã hoặc tai nạn đã chống bàn tay xuống đất. Lực tác động mạnh làm đầu trên 2 xương cẳng tay bị tật khá sâu so với đầu dưới xương cánh tay gây ra tình trạng trật khớp khuỷu tay.
  • Các hoạt động sai trong khi chơi thể thao hoặc lao động không phù hợp cũng là những nguyên gây phổ biến gây ra các chấn thương khớp khuỷu tay.
  • Đối với trẻ em, các dây chằng bao quanh khớp khuỷu tay còn lỏng lẻo, các khớp xương chưa cứng cáp dễ dẫn đến tình trạng trật khớp khuỷu tay khi có lực mạnh đè lên cánh tay đang duỗi ra.

Triệu chứng khi bị trật khớp khuỷu tay

Tùy vào nguyên nhân chấn thương mà khuỷu tay có thể bị trật ra phía trước hoặc trật ra phía sau (tỷ lệ khoảng 90%). Khi bị trật khớp khuỷu tay sẽ có các triệu chứng như:

  • Người bệnh sẽ cảm thấy đau ở vùng khuỷu tay.
  • Khuỷu tay sưng to, phù nề do dây chằng bị rách gây tụ máu.
  • Khó khăn trong vận động, không thể gấp hoặc duỗi được cẳng tay. 
  • Khi bị trật khớp khuỷu tay, cẳng tay thường ở tư thế gấp khoảng chừng 45 – 50 độ. Cánh tay có thể trông ngắn lại hoặc dài hơn bình thường.
  • Khi gập nhẹ khuỷu tay sẽ có dấu hiệu lò xo, cẳng tay bật về vị trí ban đầu.
  • Dùng tay có thể sờ rõ được 3 đầu xương: Mỏm khuỷu nhô ra sau, đầu trên xương quay lồi ra, đầu dưới xương cánh tay nhô ra trước tại nếp gấp khuỷu.

Phải làm gì khi bị trật khớp khuỷu tay?2 Trật khớp khuỷu tay do kéo mạnh

Trật khớp khuỷu tay nên làm gì?

Trật khớp khuỷu tay nên được điều trị ngay lập tức. Cần phải đưa khớp khuỷu về đúng vị trí ban đầu để tránh các biến chứng không đáng có. Để điều trị trật khớp khuỷu tay bác sĩ sẽ chụp X – quang kiểm tra xương ở khuỷu tay. Đồng thời xem xét các mạch máu và dây thần kinh có bị chèn ép hay không, kiểm tra mức độ tổn thương của các dây chằng. Sau khi kiểm tra và chẩn đoán bác sĩ có thể điều trị bằng các phương pháp như nắn lại khớp khuỷu tay, phẫu thuật,…

Nắn khớp khuỷu tay

Nắn khớp khủy tay cần được thực hiện ở các bệnh viện uy tín. Tuyệt đối không được tự ý nắn lại khớp khuỷu tay tại nhà. Việc nắn khớp khuỷu tay khi không có chuyên môn có thể gây ra những tổn thương nguy hiểm cho khớp khuỷu tay.

Trước khi nắn lại khớp, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc giảm đau và giúp cơ bắp thư giãn. Cần gây mê tĩnh mạch hoặc gây tê tại chỗ bị trật khớp cho bệnh nhân, sau đó đặt người bệnh nằm ngửa. Kỹ thuật viên sẽ giữ vững cánh tay đối lực với người nắn chính là bác sĩ. Bác sĩ nắm lấy cổ tay bệnh nhân kéo chậm, lực kéo tăng dần theo hướng cẳng tay trong khi khuỷu tay gấp và cẳng tay ngửa. Lực kéo duy trì cho đến khi khớp khuỷu tay trở về vị trí chính xác.

Phẫu thuật

Khi không thể nắn lại khớp, các bác sĩ buộc phải phẫu thuật để đưa khớp khuỷu tay trở về vị trí ban đầu. Phẫu thuật thường được thực hiện do kẹt khớp hoặc do trật khớp khuỷu tay làm chèn ép các mạch máu và dây thần kinh. 

Trật khớp khuỷu tay có cần bó bột không?

Sau khi các khớp xương đã trở về đúng vị trí của nó, bác sĩ có thể cần phải đeo nẹp hoặc bó bột cho bạn trong vài tuần để hạn chế vận động, giúp khuỷu tay được phục hồi một cách nhanh chóng. Thời gian bó bột khoảng 10 ngày đối với trường hợp trật khớp khuỷu tay ở mức độ nhẹ. Những người bệnh trật khớp với mức độ nặng hơn, chỗ nắn kém vững do rách phần mềm thì thời gian bó bột có thể phải kéo dài từ 3 – 4 tuần. Trong thời gian đó, người bệnh vẫn cần chụp X-quang bởi vì trật khớp khuỷu tay có thể tái phát ngay cả khi đã bó bột. Sau khi đã tháo bột, bệnh nhân cần chủ động tập gấp duỗi khuỷu, vận động nhẹ nhàng. Không được xoa nắn vùng khuỷu vì có thể khiến vôi hóa cạnh khớp.

Phải làm gì khi bị trật khớp khuỷu tay?3 Trật khớp khuỷu tay cần được nắn chỉnh

Cách phòng tránh trật khớp khuỷu tay

Khớp khuỷu tay là bộ phận đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể có thể vận động. Vì vậy, ngoài việc biết cách xử lý khi bị trật khớp khuỷu tay các bạn cũng nên trang bị cho bản thân những kiến thức để phòng tránh trật khớp khuỷu tay như: 

  • Dùng băng hoặc đai nẹp bảo vệ vùng khuỷu tay khi làm việc hoặc chơi thể thao.
  • Khởi động làm nóng cơ thể và nới lỏng các khớp đúng cách trước khi chơi thể thao để làm giảm chấn thương khớp khuỷu tay.
  • Tập luyện các bài tập tăng cường cơ bắp xung quanh phần khớp khuỷu tay.
  • Ăn uống bổ sung dinh dưỡng từ các loại thức ăn, thực phẩm chức năng giàu glucosamine hỗ trợ tăng cường sức khỏe xương khớp.

Thu Hòa

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)