Nhà thuốc Hưng Thịnh

Bệnh ung thư không chỉ thường gặp ở người già mà còn có thể xảy ra ở trẻ em. Vậy phương pháp chẩn đoán và chăm sóc theo dõi ung thư ở trẻ em như thế nào?

Cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm ra câu trả lời nhé!

Chẩn đoán ung thư ở trẻ em

Có nhiều xét nghiệm được bác sĩ sử dụng để chẩn đoán và tìm ra bệnh ung thư, cũng như đánh giá sự lây lan của tế bào ung thư sang các cơ quan khác từ khối u nguyên phát (di căn). Ví dụ, có thể nhìn thấy hình ảnh di căn bằng phương pháp xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh. Ngoài việc tìm ra bệnh, các xét nghiệm này còn giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân.

Đối với đa số các bệnh ung thư, sinh thiết là phương pháp để kết luận chắc chắn có ung thư hay không. Trong quá trình thực hiện sinh thiết, bác sĩ sẽ lấy mẫu một mô nhỏ của vùng nghi ngờ ung thư để xét nghiệm giải phẫu bệnh. Đối với trường hợp bệnh nhân không thể thực hiện sinh thiết, những xét nghiệm khác sẽ được thực hiện để phục vụ cho quá trình chẩn đoán bệnh.

Những phương pháp chẩn đoán bệnh ung thư ở trẻ em 1 Nhiều xét nghiệm được thực hiện để chẩn đoán chính xác bệnh ung thư ở trẻ em.

Tiêu chí lựa chọn phương pháp để chẩn đoán ung thư

Việc lựa chọn phương pháp xét nghiệm nào để chẩn đoán ung thư thường dựa trên những tiêu chí sau:

  • Loại bệnh ung thư nghi ngờ.

  • Dấu hiệu và triệu chứng của trẻ.

  • Tuổi và tình trạng sức khỏe của trẻ.

  • Kết quả của các xét nghiệm trước đó.

Những phương pháp để chẩn đoán ung thư

Xét nghiệm máu

Phương pháp xét nghiệm máu cho biết số lượng các loại tế bào khác nhau có trong máu. Số lượng của một số tế bào quá thấp hoặc quá cao có thể là dấu hiệu ung thư.

Sinh thiết 

Sinh thiết là phương pháp lấy một lượng nhỏ mô để kiểm tra dưới kính hiển vi. Các xét nghiệm khác có thể gợi ý về sự tồn tại của ung thư, tuy nhiên chỉ có sinh thiết mới có thể chẩn đoán chính xác, ngoại trừ một số loại u não. Sinh thiết có thể được thực hiện đồng thời phương pháp chẩn đoán hình ảnh như CT hoặc MRI để đảm bảo sự chính xác. 

Sinh thiết được thực hiện phụ thuộc vào vị trí nghi ngờ ung thư. Mẫu mô sau khi được lấy ra khỏi cơ thể sẽ được phân tích bởi các bác chuyên thực hiện các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và đánh giá các tế bào, mô và cơ quan để chẩn đoán bệnh.

Chọc hút và sinh thiết tủy xương

Chọc hút và sinh thiết tủy xương là hai xét nghiệm tương tự nhau, thường được thực hiện cùng một lúc để kiểm tra tủy xương, mô mỡ, mô xốp bên trong những xương lớn. Hai kỹ thuật này đều sử dụng kim, trong đó chọc hút tủy xương là phương pháp lấy một mẫu chất lỏng của tủy xương, còn sinh thiết tủy xương và lấy một mẫu mô rắn. Dịch lỏng và mô rắn này đều là cấu trúc của tủy xương. Kết quả của phương pháp chọc hút và sinh thiết tủy xương sẽ được đọc bởi bác sĩ giải phẫu bệnh.

Vị trí tiến hành chọc hút và sinh thiết tủy xương là vùng xương chậu, nằm ở dưới của lưng gần khớp hông. Trước khi chọc, bác sĩ sẽ cho gây tê vùng da vị phương pháp này gây đau đớn cho trẻ.

Những phương pháp chẩn đoán bệnh ung thư ở trẻ em 2 Hình ảnh mô tả quá trình chọc hút tủy xương.

Chọc dò tủy sống 

Chọc dò tủy sống là phương pháp sử dụng kim lấy mẫu dịch não tủy (CSF) để tìm tế bào ung thư, máu hoặc các dấu ấn của ung thư. Dấu ấn ung thư thường là những thành phần được tìm thấy với số lượng cao hơn bình thường trong máu, nước tiểu hoặc các mô cơ thể của những người bị ung thư. Dịch não tủy là chất lỏng chảy quanh não và tủy sống. Trước khi tiến hành chọc dò, bệnh nhi thường được gây tê vùng lưng dưới.

Siêu âm

Đây là phương pháp quen thuộc, sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của các cơ quan nội tạng. Tuy nhiên, phương pháp này thường ít đem lại hiệu quả trong chẩn đoán ung thư.

Chụp cắt lớp vi tính

Chụp cắt lớp vi tính thường được gọi tắt là CT hoặc CAT. Phương pháp này sử dụng tia X chụp từ các góc khác nhau để tạo nên những hình ảnh của các bộ phận bên trong cơ thể. Sau đó, máy tính sẽ kết hợp những hình ảnh đã chụp thành một hình ảnh 3 chiều chi tiết. Từ đó, có thể thấy được những khối u hay bất kì sự bất thường nào bên trong cơ thể. 

Phương pháp này cũng có thể sử dụng để đo kích thước của các khối u. Đôi khi, bác sĩ sẽ sử dụng một loại thuốc đặc biệt, thường gọi là thuốc cản quang trước khi chụp để có được chi tiết tốt hơn trên hình ảnh. Thuốc cản quang được tiêm vào tĩnh mạch của bệnh nhân hoặc dùng dưới dạng thuốc viên hoặc chất lỏng để uống.

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Phương pháp chụp MRI sử dụng từ trường, không phải tia X, để tạo ra các hình ảnh chi tiết của cơ thể. MRI cũng thường được dùng để đo kích thước của khối u. Một loại thuốc đặc biệt gọi là thuốc cản quang được sử dụng trước khi chụp MRI để tạo ra hình ảnh rõ ràng hơn.

Những phương pháp chẩn đoán bệnh ung thư ở trẻ em Chụp cộng hưởng từ giúp xác định được kích thước của khối u.

Chụp Positron cắt lớp (PET) hoặc chụp PET-CT

Phương pháp chụp PET thường được kết hợp với chụp CT, được gọi là chụp PET-CT. Tuy nhiên, các bác sĩ thường sẽ chỉ gọi đơn giản là chụp PET. Đây cũng là một cách để tạo ra hình ảnh của các cơ quan và mô bên trong cơ thể. Sau khi bệnh nhân được tiêm một lượng nhỏ hợp chất giống như đường được đánh dấu bằng phóng xạ vào cơ thể, chất này được hấp thụ bởi các tế bào sử dụng nhiều năng lượng nhất. Bởi vì tế bào ung thư có xu hướng sử dụng năng lượng tích cực, nó hấp thụ chất phóng xạ này nhiều hơn. Sau đó, máy quét sẽ phát hiện chất này để tạo ra những hình ảnh bên trong cơ thể.

Chụp hoặc nghiên cứu đồng vị phóng xạ

Trong phương pháp này chẩn đoán ung thư này, một chất có chứa một lượng nhỏ chất phóng xạ (thường được gọi là chất đánh dấu phóng xạ) được tiêm vào cơ thể bệnh nhân. Sau đó tiến hành theo dõi bằng một camera đặc biệt hoặc chụp X-quang để xem chất đánh dấu này đi đâu. Phương pháp này có thể tìm thấy những bất thường ở gan, não, xương, thận và các cơ quan khác.

Làm gì khi trẻ được chẩn đoán ung thư?

Nếu kết quả chẩn đoán không may cho thấy con mình bị ung thư, ba mẹ không nên quá suy sụp mà hãy vững lòng để đồng hành cùng con trong chặng đường phía trước.

Những phương pháp chẩn đoán bệnh ung thư ở trẻ em 4 Hãy vững lòng để cùng trẻ vượt qua bệnh tật!

Ba mẹ nên trao đổi kỹ càng với bác sĩ để hiểu rõ về tình trạng bệnh của con cũng như tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất. Luôn đồng hành cùng con trong quá trình kiểm tra, chữa trị để con không cảm thấy cô đơn. Giữ gìn sức khỏe để chuẩn bị cho một trận chiến có thể kéo dài.

Trên đây là một số phương pháp chẩn đoán bệnh ung thư ở trẻ em. Mong rằng bài viết đã mang đến cho bạn nhiều thông tin bổ ích.

Khánh Vy

Nguồn: Yhoccongdong.com

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)