Nhà thuốc Hưng Thịnh

Thở là hoạt động đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống. Đây là quá trình cung cấp oxy duy trì hoạt động của não bộ và các cơ quan khác trong cơ thể. Khi nhịp thở bị ảnh hưởng bởi một bệnh lý hay tác nhân nào đó sẽ có thể gây ra những bất lợi cho sức khỏe của chúng ta. Vậy nhịp thở bình thường là bao nhiêu?

Nhịp thở bình thường ở các đối tượng là khác nhau. Để trả lời cho thắc mắc trên, trước tiên hãy cùng Nhà Thuốc Hưng Thịnh tìm hiểu nhịp thở là gì? Các yếu tố ảnh hưởng đến nhịp thở các bạn nhé!

Nhịp thở bình thường là bao nhiêu? Những yếu tố nào ảnh hưởng đến nhịp thở? 1 Chỉ số nhịp thở bình thường là bao nhiêu?

Nhịp thở là gì?

Nhịp thở (hay còn có tên gọi khác là tần số thở) là giá trị đo lường về số lần thở (bao gồm hít vào và thở ra) trong một phút của người khỏe mạnh. Nhịp thở được điều hòa và kiểm soát bởi trung tâm hô hấp.

Nhịp thở được theo dõi dựa trên các nguyên tắc bao gồm:

  • Nên để đối tượng đo nhịp thở nghỉ ngơi trước khoảng 15 phút trước khi tiến hành đo. Đối với trẻ em chỉ cần đếm nhịp thở khi trẻ nằm yên, tốt nhất là khi trẻ ngủ.

  • Đảm bảo đối tượng đo nhịp thở không sử dụng các thuốc kích thích hô hấp hoặc thực hiện các hoạt động khác ảnh hưởng tới nhịp thở trước khi đo nhịp thở.

  • Cho người bệnh nằm ở tư thế thoải mái nhất. Tốt nhất không để người bệnh biết khi đếm nhịp thở.

  • Thực hiện đúng y lệnh theo dõi nhịp thở của bác sĩ và tiến hành đo nhịp thở theo đúng quy trình kỹ thuật: Đếm nhịp thở trong 1 phút, chú ý cường độ và nhịp điệu khi người bệnh có những rối loạn nhịp thở hay người bệnh đang mắc một số bệnh lý như: Bệnh tiểu đường, bệnh lý hô hấp…

  • Kết quả đo nhịp thở cần được ghi lại rõ ràng và chính xác.

Nhịp thở bình thường là bao nhiêu? Những yếu tố nào ảnh hưởng đến nhịp thở? 2 Để việc đếm nhịp thở chính xác cần nghỉ ngơi trước khoảng 15 – 20 phút

Nhịp thở bình thường là bao nhiêu?

Để đánh giá nhịp thở của một người là bình thường, bác sĩ sẽ căn cứ vào các biểu hiện như hô hấp êm dịu, nhịp thở đều đặn, không có tình trạng thở nhanh hay thở quá chậm…

Tần số thở bình thường ở người lớn là từ 16 – 20 lần trong 1 phút, nhịp thở đều, biên độ thở trung bình, ở thì hít vào cường độ hô hấp mạnh hơn do đó thời gian hít vào dài hơn thì thở ra.

Ở trẻ em, tần số thở thay đổi theo lứa tuổi, cụ thể:

  • Thời kỳ sơ sinh, nhịp thở của trẻ trung bình từ 40 – 60 lần/phút.

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi, nhịp thở trung bình từ 35 – 40 lần/phút.

  • Trẻ từ 7 – 12 tháng tuổi, nhịp thở bình thường của trẻ là 30 – 35 lần/phút.

  • Trẻ từ 2 – 3 tuổi, tần số thở của trẻ khoảng 20 – 30 lần/phút.

  • Trẻ 4 – 6 tuổi, nhịp thở bình thường của trẻ dao động trong khoảng 20 – 25 lần/phút.

  • Trẻ trong độ tuổi 7 – 15 tuổi, tần số thở bình thường là 18 – 20 lần/phút.

Ở đối tượng là người cao tuổi, nhịp thở từ 12 – 28 lần/phút là bình thường đối với người thuộc nhóm tuổi trên 65 tuổi, trong khi đó nhịp thở bình thường của nhóm đối tượng trên 80 tuổi lại dao động trong khoảng từ 10 – 30 lần/phút.

Nhịp thở bình thường là bao nhiêu? Những yếu tố nào ảnh hưởng đến nhịp thở? 3 Chỉ số nhịp thở có sự thay đổi theo độ tuổi

Các loại chỉ số trong đánh giá nhịp thở

Để đánh giá chính xác nhịp thở của bạn là bình thường hay bất thường, bạn cần theo dõi một số các yếu tố sau:

  • Tần số thở: Nhịp thở trong 1 phút. Dựa trên chỉ số nhịp thở bình thường giữa các nhóm đối tượng để đánh giá nhịp thở có trong ngưỡng an toàn không.

  • Biên độ thở: Thở nông hay thở sâu.

  • Nhịp độ thở đều hay không đều.

  • Âm sắc của tiếng thở: Tiếng ran ẩm, ran ngáy, khò khè, thở rít, tiếng vang phế quản và tiếng ngực thầm hay rì rào phế nang giảm.

  • Kiểu thở: Một số kiểu thở bệnh lý bạn cần để ý như kiểu thở cheyne – stokes, kiểu thở Biot và kiểu thở Kussmaul. Ngoài ra, thở chậm (dưới 12 lần/phút) và thở nhanh (trên 22 lần/phút) cũng là kiểu thở báo hiệu bạn đang mắc phải bệnh lý nào đó.

Nhịp thở bình thường là bao nhiêu? Những yếu tố nào ảnh hưởng đến nhịp thở? 4 Đếm nhịp thở trẻ em để đánh giá hô hấp của trẻ

Các yếu tố ảnh hưởng đến nhịp thở

Trung tâm hô hấp

Trung tâm hô hấp nằm ở cầu não và hành não, bao gồm nhiều nhân xám điều khiển hầu hết Đa số các hoạt động của hô hấp bao gồm nhịp thở được điều khiển bởi các nhân não trong trung tâm hô hấp nằm ở hành não và cầu não.

Trung tâm hô hấp điều hòa nhịp thở thông qua các dây thần kinh ly tâm tới cơ hô hấp như cơ hoành, cơ liên sườn… thực hiện hoạt động hít vào và thở ra.

Trong điều kiện bình thường, trung tâm hô hấp phát nhịp nhằm duy trì nhịp thở nhịp nhàng và đều đặn. Một số trường hợp rối loạn ở cầu não và hành não như nhồi máu cầu não sẽ ảnh hưởng tới trung tâm hô hấp và dẫn tới rối loạn nhịp thở.

Nồng độ CO2 và O2 trong máu

Nồng độ các khí trong máu cũng là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến nhịp thở, cụ thể là:

  • Nồng độ CO2 trong máu tăng sẽ kích thích trung tâm điều hòa hô hấp làm tăng nhịp thở.
  • Nồng độ O2 trong máu giảm xuống mức dưới 60 mmHg gây kích thích trung tâm hô hấp ban đầu gây thở sâu sau đó làm tăng nhịp thở kèm theo đó là tăng biên độ thở.

Dây thần kinh số X

Dây thần kinh số X đóng vai trò trung gian trong việc duy trì 2 hoạt động của hô hấp bao gồm hít vào và thở ra từ đó giúp duy trì và điều hòa nhịp thở đều đặn của hô hấp.

Khi một tác nhân nào đó kích thích dây thần kinh số X đột ngột có thể dẫn đến hiện tượng ngừng thở hay tên gọi khoa học là sốc Vagal.

Các trung khu thần kinh

Các trung khu thần kinh phải kể đến đó là trung khu nuốt và vùng dưới đồi. Các trung khu này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến nhịp thở.

Khi trung khu nuốt bị kích thích sẽ gây ức chế hoạt động hô hấp, do đó khi chúng ta nuốt thì hệ hô hấp của chúng ta tạm ngừng hoạt động.

Mặt khác, nhiệt độ môi trường ảnh hưởng ít nhiều đến vùng dưới đồi từ đó cũng sẽ gây ra những tác động đến hoạt động hô hấp giúp điều hòa nhiệt độ của cơ thể. Khi nhiệt độ cơ thể tăng đồng nghĩa với việc tăng thải nhiệt qua hô hấp và từ đó làm tăng tần số thở và ngược lại.

Vỏ não

Vỏ não có vai trò quan trọng trong hoạt động ý thức và cảm xúc tâm lý của chúng ta. Cảm xúc, tâm lý thay đổi có thể dẫn đến sự thay đổi của nhịp thở. Các nghiên cứu chỉ ra rằng: Cảm xúc vui vẻ, hồi hộp làm tăng nhịp thở và cảm xúc bực bội, chán nản và u ám có thể làm giảm nhịp thở.

Nhịp thở là một trong những chỉ số quan trọng giúp đánh giá tình trạng sức khỏe của cơ thể. Hy vọng những thông tin mà Nhà Thuốc Hưng Thịnh chia sẻ trong bài viết này có thể giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chỉ số nhịp thở bình thường cũng như các yếu tố tác động dẫn đến thay đổi nhịp thở. Đừng quên theo dõi góc sức khỏe của Nhà Thuốc để liên tục cập nhật những thông tin mới nhất nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)