Nhà thuốc Hưng Thịnh

Khàn tiếng ở trẻ nhỏ là tình trạng thường thấy, có thể do trẻ hay hò hét hoặc là biểu hiện của một bệnh lý nào đó. Nếu hiện tượng này kéo dài dễ dẫn đến mất giọng ở trẻ. Cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây với Nhà thuốc Hưng Thịnh nhé!

Hệ miễn dịch ở trẻ em còn yếu, vì thế dễ nhiễm bệnh. Thói quen nô đùa, la hét thường gây ra khàn tiếng ở trẻ nhỏ. Nếu không được điều trị đúng cách có thể ảnh hưởng tới dây thanh quản của bé. Vậy phải làm sao để chăm sóc trẻ? Làm thế nào để phòng tránh khàn tiếng cho trẻ hiệu quả?

Khàn tiếng ở trẻ nhỏ là gì?

Cơ quan thanh quản có cấu trúc phức tạp, nó đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng của cơ thể như bảo vệ, hô hấp, nuốt thức ăn và phát ra âm thanh. Khi dây thanh đới bị tổn thương sẽ dẫn đến thay đổi chất giọng, hay bị khàn tiếng. 

Khàn tiếng là tình trạng chất giọng bị biến đổi về cả âm vực lẫn âm sắc, biểu hiện bằng việc giọng nói trở nên rè hơn. Hiện tượng này thường thấy ở nhóm tuổi từ 5 đến 10. Bệnh có những biểu hiện đặc biệt, đặc trưng cho trẻ nhỏ còn được gọi là khàn tiếng tăng động trẻ nhỏ hay khàn tiếng ở trẻ em.

Khàn tiếng ở trẻ nhỏ phải làm sao? 1 Khàn tiếng là tình trạng chất giọng bị biến đổi

Nguyên nhân dẫn đến khàn tiếng ở trẻ nhỏ

Trẻ em thường hay bị khàn tiếng có thể do những nguyên nhân sau:

  • Hò hét nhiều: Việc nô đùa hay quấy khóc khiến trẻ la hét quá mức sẽ làm tổn thương đến thanh quản. Ngoài ra việc dùng giọng quá sức hoặc nói với cường độ lớn cũng khiến trẻ dễ bị khàn tiếng.

  • Bệnh lý: Viêm VA, các bệnh viêm thanh quản cấp và mạn tính, viêm xoang, hen suyễn mạn tính, viêm tiểu phế quản, cảm cúm, cảm lạnh, sởi… là những bệnh lý khiến trẻ nhỏ bị khàn tiếng.

  • Một số bệnh lý đặc biệt ảnh hưởng đến phát âm: Mềm sụn thanh quản, màng chân vị thanh quản, u nhú ở thanh quản, liệt dây thanh quản…

  • Nguyên nhân khác: Uống ít nước dẫn đến khô miệng, sử dụng quá nhiều viên ngậm ho, dị ứng, đặt ống thở, phù mạch, trớ hoặc trào ngược dạ dày nhiều. Cũng thấy nhiều trường hợp trẻ mắc khàn tiếng do bẩm sinh. Bên cạnh đó, căng thẳng quá mức cũng là một trong số những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Khàn tiếng ở trẻ nhỏ phải làm sao? 2 La hét nhiều dẫn đến tình trạng khàn tiếng ở trẻ nhỏ

Những giai đoạn thay đổi dây thanh quản ở trẻ nhỏ

Tình trạng khàn tiếng ở trẻ nhỏ thường kéo dài, nếu không điều trị tích cực có thể gây ảnh hưởng đến dây thanh quản và không hồi phục được. Những trẻ hay khàn tiếng có thể không biểu hiện bất thường ở bên ngoài. Tuy nhiên khi soi thanh quản sẽ thấy biến đổi theo từng giai đoạn khác nhau.

Giai đoạn đầu: Biểu hiện bởi những rối loạn cơ năng. Thanh quản của trẻ vẫn hoàn toàn bình thường, tuy nhiên khi phát ra âm thanh, các sụn phễu sẽ siết lại, phần thanh môn có thể co mạnh.

Giai đoạn sau: 1 năm sau đó có những thay đổi thực thể xuất hiện. Tình trạng dây thanh nề hình thoi sẽ thường xuất hiện. Khi phát ra âm thanh, chỉ có đoạn giữa dây thanh là đóng kín, phần sau bị hở, có thể hình thành nên những hạt xơ dây thanh (hay viêm thanh quản nốt). Trong giai đoạn này, giọng trẻ sẽ bị biến đổi trở nên khàn hơn, cần dùng nhiều sức hơn để phát âm.

Viêm thanh quản teo: Đây là tình trạng một hoặc cả hai dây thanh quản đều bị teo nhỏ lại, chỉ có thể quan sát được băng thanh thất. Thường thấy sau bệnh viêm thanh quản loét trong những trường hợp nhiễm khuẩn nặng ở trẻ như mắc cúm, sởi…

Khàn tiếng ở trẻ nhỏ phải làm sao?

Điều trị bệnh

Để điều trị bệnh hiệu quả nhất, phụ huynh cần đưa trẻ tới bác sĩ chuyên môn để được thăm khám và tư vấn cụ thể. Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh và biểu hiện để đưa ra những phương pháp chữa trị phù hợp. Trường hợp trẻ bệnh nặng có thể được phát hiện kịp thời và tránh để lại những di chứng không mong muốn.

Nếu trẻ có tình trạng nhiễm khuẩn, được sử dụng kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc chống phù nề. Bên cạnh đó có thể sử dụng các thuốc để điều trị triệu chứng cho trẻ như paracetamol, thuốc trị ho, siro ho…

Với những trường hợp có polyp, hạt xơ, u nang dây thanh thì cần phẫu thuật can thiệp để được loại bỏ sớm. Tuy vậy, nhiều nghiên cứu cho thấy sau 15 tuổi, những hormon nội tiết của cơ thể có thể làm tiêu đi những hạt xơ này.

Điều trị chức năng giọng

Với đa số trường hợp, phương pháp điều trị giọng nói nhằm giúp trẻ phục hồi giọng bằng cách uốn nắn, sửa cách phát âm, giải thích tình trạng cho trẻ để trẻ hạn chế sử dụng quá sức giọng nói của mình. Đối với phương pháp này, yêu cầu sự kiên trì thực hiện mới đem lại hiệu quả rõ rệt. 

Phòng tránh khàn tiếng ở trẻ nhỏ

Để phòng tránh tình trạng khàn tiếng ở các bé, phụ huynh cần để ý và thực hiện những điều sau:

  • Chú ý tình trạng sức khỏe của trẻ, điều trị ngay khi có xuất hiện các viêm nhiễm ở tai mũi họng.

  • Uốn nắn hành vi của trẻ, không để trẻ la hét, nói quá to ở những nơi có nhiều tiếng ồn, nơi đông người. Hạn chế để trẻ dùng quá sức nhằm biểu hiện giọng.

  • Những bệnh viêm đường hô hấp trên hay trào ngược dạ dày, thực quản cần được chú ý điều trị sớm, tránh tạo điều kiện thuận lợi gây ra những rối loạn cho giọng nói.

  • Những trẻ có thể trạng dị ứng cần dự phòng mắc bệnh.

  • Để trẻ uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày.

  • Hạn chế tối đa những yếu tố nguy cơ như khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường, khói bụi làm ảnh hưởng đến trẻ.

  • Chuẩn bị chế độ dinh dưỡng phù hợp, bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cần thiết giúp tăng cường hệ miễn dịch và đề kháng của trẻ với bệnh tật.

  • Tránh việc mở điều hòa ở nhiệt độ quá thấp, vì chênh lệch nhiệt độ trong nhà và ngoài trời sẽ khiến trẻ dễ mắc bệnh cảm cúm, ho dẫn tới khàn tiếng.

  • Vệ sinh môi trường xung quanh, vệ sinh thân thể và đặc biệt là răng miệng thật sạch sẽ.

Khàn tiếng ở trẻ nhỏ phải làm sao? 3 Bổ sung vitamin và khoáng chất giúp trẻ tăng cường sức đề kháng

Khàn tiếng ở trẻ nhỏ là tình trạng bệnh lý phổ biến thường gặp. Ba mẹ cần chú ý và chữa trị kịp thời kết hợp với thay đổi lối sống cho bé để nhanh chóng khỏi bệnh. Hy vọng thông qua bài viết trên đây phần nào có thể giúp các bậc phụ huynh tìm ra phương pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe của con em mình. Đừng quên theo dõi trang web của Nhà thuốc Hưng Thịnh để cập nhật những tin tức mới nhất về sức khỏe nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)