Nhà thuốc Hưng Thịnh

Hội chứng sợ côn trùng là một trong những chứng sợ hãi nhiều người mắc phải. Nếu bạn quan tâm đến nội dung này thì có thể tham khảo bài viết dưới đây.

Mỗi chúng ta đều có những nỗi sợ của riêng mình. Có người sợ độ cao, có người sợ không gian hẹp, nhưng cũng có rất nhiều người sợ côn trùng. Điều này đã gây nên hội chứng sợ côn trùng, hay còn gọi là entomophobia. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về hội chứng này.

Hội chứng sợ côn trùng là gì?

Hội chứng sợ côn trùng: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị 1 Hội chứng sợ côn trùng khá phổ biến

Nếu nhìn thấy côn trùng khiến bạn cảm thấy hồi hộp, lo lắng, thậm chí là kinh tởm dù chúng chẳng làm gì bạn thì có thể bạn đã mắc phải hội chứng sợ côn trùng (entomophobia). Người bị hội chứng entomophobia thường không thể tự mình vượt qua nỗi sợ hãi mà cần phải có sự giúp đỡ của người khác.

Côn trùng là loài vật có số lượng vô cùng lớn, nó có thể xuất hiện bất cứ đâu ngay cả trong ngôi nhà của bạn. Những loại côn trùng dễ gây ra hội chứng sợ hãi nhất có thể kể đến như: Nhện, ong bắp cày, bướm, chuồn chuồn hay sâu bướm, phổ biến nhất của entomophobia là ám ảnh của ong và nhện.

Một số người mắc hội chứng có những biểu hiện nhẹ. Một số khác lại vô cùng sợ hãi, ám ảnh với những con côn trùng. Mặc dù họ nhận thức được nỗi sợ đó là phi lý, quá mức, nhưng không thể nào khống chế được nỗi sợ của mình. Những biểu hiện thường gặp của hội chứng sợ côn trùng là: Buồn nôn, đánh trống ngực, đau ngực, đau đầu, chóng mặt, ra mồ hôi, khó thở, tê, yếu cơ…

Hội chứng sợ côn trùng tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và đời sống của người mắc. Nhiều người không dám đi du lịch, vào phòng ngủ, đi du lịch, dạo công viên hay đi ra ngoài chỉ vì sợ đối diện với các loại công trùng. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, công việc và những mối quan hệ xung quanh.

Nguyên nhân gây nên hội chứng sợ côn trùng

Hội chứng sợ côn trùng: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị 2 Những vấn đề của người bệnh trong quá khứ có thể là nguyên nhân làm họ sợ côn trùng

Cũng tương tự như nhiều hội chứng tâm lý khác, hội chứng sợ côn trùng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có thể kể đến một số nguyên nhân như:

  • Những nỗi ám ảnh từ quá khứ: Nếu khi còn nhỏ hoặc trong quá khứ người bệnh từng trải qua những tai nạn, nỗi đau liên quan đến côn trùng như bị ong đốt, kiến cắn thì có thể gây nên sự ám ảnh, sợ hãi về sau, gây nên hội chứng sợ côn trùng.

  • Trên thực tế, các loại côn trùng có hình thù, diện mạo rất đáng sợ. Chúng có thể có nhiều lông, nhiều chân, nhiều mắt, gây bức bí cho người nhìn. Hay một số loài khi di chuyển có thể gây tâm lí hoang mang cho người nhìn. Ví dụ như loài gián, chúng ta không thể xác định được vị trí di chuyển của nó, mặc dù vẫn cảm nhận được âm thanh. Đặc biệt là khi chúng bò trên cơ thể. Đây cũng có thể là nguyên nhân gây nên hội chứng này. 

  • Ảnh hưởng từ những người xung quanh: Trẻ em lớn lên cùng những người trong gia đình đều sợ côn trùng thì thường sẽ dễ bị ảnh hưởng về mặt tâm lý, gây ra hội chứng tương tự.

Điều trị hội chứng sợ côn trùng như thế nào?

Hội chứng sợ côn trùng: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị 3 Điều trị hội chứng sợ côn trùng bằng tâm lý là phương pháp an toàn và hiệu quả

Hiện nay, hai liệu pháp được sử dụng phổ biến trong điều trị hội chứng sợ côn trùng là liệu pháp hành vi nhận thức và liệu pháp tiếp xúc.

Liệu pháp hành vi nhận thức

Các chuyên gia sẽ hướng dẫn cho người mắc hội chứng cách để thư giãn, giúp thay đổi suy nghĩ về côn trùng. Về sau có thể giúp suy nghĩ của họ sẽ bị thay đổi đồng thời cũng loại bỏ đi tình trạng sợ hãi đối với côn trùng.

Người được điều trị sẽ quan sát các loài côn trùng trên tranh ảnh tạp chí thậm chí là các video về thế giới động vật. Việc tìm hiểu về chúng sẽ giúp người bệnh có cái nhìn trực quan và tích cực hơn về các loài côn trùng từ đó thay đổi cảm xúc và nỗi sợ hãi trong họ. Tuy phương pháp này đem lại hiệu quả điều trị cao, nhưng đối với nhiều người, họ không đủ can đảm đối diện với côn trùng nên thường dễ bỏ cuộc giữa chừng.

Liệu pháp tiếp xúc

Liệu pháp này có thể gọi theo cách của dân gian là “lấy độc trị độc”. Người bệnh sẽ dần được tiếp xúc một cách trực tiếp với các loại côn trùng. Bắt đầu với việc đến gần, cầm hộp đựng quan sát. Sau đó là ở cùng với các loài côn trùng này trong một thời gian ngắn. Mức độ tiếp xúc ngày càng tăng cao. Khi người bệnh đã có thể thoải mái với bước tiếp xúc trước. Để thực hiện phương pháp này, người ta thường sẽ loại bỏ đi những yếu tố gây nguy hiểm ở côn trùng như các nọc độc hoặc khả năng tấn công. 

Nếu bạn đang gặp phải hội chứng sợ côn trùng thì nên đến ngay các chuyên gia tư vấn để được điều trị kịp thời. Nếu để lâu dài, hội chứng này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Nhật Lệ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)