Nhà thuốc Hưng Thịnh

Hiện nay, sỏi tụy mật nói chung và các bệnh lý túi mật nói riêng là một trong những bệnh lý đường mật khá phổ biến, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời kịp thời sẽ gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm. Hội chứng Mirizzi là một trong những biến chứng thường gặp của sỏi túi mật, được đặc trưng bởi tình trạng sỏi mật gây chèn ép vào ống mật hoặc ống cổ túi mật gây tắc ống gan chung đường mật.

Nắm bắt được những băn khoăn cũng như những thắc mắc của quý độc giả về hội chứng Mirizzi nói trên, nhà thuốc Hưng Thịnh hy vọng sẽ cung cấp những thông tin cần thiết và hữu ích nhất cho quý độc giả ngay dưới đây. Cùng khám phá xem đây là hội chứng như thế nào, các biểu hiện và cách phòng tránh nhé!

Hội chứng Mirizzi là gì?

Hội chứng Mirizzi xảy ra do tình trạng sỏi lớn hoặc sỏi nhỏ nằm chắn trong ống túi hoặc ống cổ túi mật gây chèn ép các ống mật lân cận. Từ đó, có thể gây ra tắc hoàn toàn hoặc một phần của ống gan chung, đây là một trong các biến chứng của sỏi túi mật gây nên.

Năm 1905, Kehr – người đầu tiên báo cáo về tình trạng sỏi kẹt ở ống túi mật gây chèn ép vào đường mật. Tuy nhiên, tên hội chứng này được đặt theo tên nhà phẫu thuật viên người Argentina, Pablo Mirizzi. Ông có vai trò mô tả về sự tắc nghẽn của ống gan chung gây ra do sỏi túi mật và viêm túi mật năm 1948.

Biểu hiện của hội chứng Mirizzi

Hội chứng Mirizzi gây các biểu hiện trên cả lâm sàng và cận lâm sàng. Nhận biết và phát hiện sớm giúp ngăn chặn các biến chứng nặng nề khác xảy ra, giúp cải thiện tiên lượng bệnh.

Về lâm sàng, hội chứng Mirizzi cũng có các triệu chứng điển hình của một bệnh lý đường mật nói chung là:

  • Biểu hiện vàng da tắc mật là triệu chứng đặc trưng của hội chứng này, thường đi kèm theo sốt và đau bụng (người bệnh thường đau vùng mạn sườn phải hoặc đau vùng thượng vị). Tuy nhiên, một số bệnh nhân không có biểu hiện vàng da rõ.

  • Bệnh thường kèm theo viêm đường mật cấp. Ngoài ra, người bệnh có thể kèm theo viêm túi mật và viêm tụy, biểu hiện là những cơn đau quặn với cường độ mạnh.

  • Cơ thể mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng, khó tiêu, phân có thể có tình trạng bạc màu.

Hội chứng Mirizzi là gì? Cách nhận biết và điều trị như thế nào? 1Hội chứng Mirizzi trong bệnh sỏi túi mật

Về cận lâm sàng, có sự thay đổi trên xét nghiệm máu, siêu âm, hình ảnh chụp các lớp vi tính và MRI như sau:

  • Tăng bilirubin máu.

  • Tăng phosphatase kiềm, tăng men gan AST, ALT.

  • Tăng bạch cầu thường gặp khi có kèm viêm túi mật cấp, viêm tụy hoặc viêm đường mật.

  • Trên siêu âm, có hình ảnh sỏi kẹt ở ống túi mật hoặc nằm trong túi mật.

  • Chụp MRI đường mật cho biết đặc điểm cấu trúc đường mật, đặc điểm của sỏi.

  • Nội soi mật tụy ngược dòng hoặc chụp đường mật qua da có thể đánh giá chi tiết về sỏi và tình trạng đường mật. Hơn nữa, phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng ngoài tác dụng để chẩn đoán còn có vai trò trong điều trị.

Phân loại hội chứng Mirizzi

Hội chứng Mirizzi có thể chia thành 4 type sau đây, dựa vào mức độ lỗ rò của túi mật và ống mật:

  • Loại 1: Liên quan đến các viên sỏi kẹt ở cổ túi mật hoặc tai các nang ống gây chèn ép bên ngoài ống gan chung.

  • Loại 2: Sỏi kẹt gây tình trạng hoại tử tạo lỗ rò có đường kính nhỏ hơn ⅓ so với chu vi ống mật chủ.

  • Loại 3: Sỏi kẹt gây tình trạng hoại tử tạo lỗ rò có đường kính từ ⅓ đến ⅔ so với chu vi ống mật chủ.

  • Loại 4: Trường hợp này là hoại tử hết toàn bộ thành ống mật chủ.

Hội chứng Mirizzi là gì? Cách nhận biết và điều trị như thế nào? 2Hội chứng Mirizzi được chia thành 4 type

Điều trị hội chứng Mirizzi như thế nào?

Có nhiều phương pháp điều trị hội chứng Mirizzi. Tùy vào từng trường hợp bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp nhất. Dưới đây là một số phương pháp chữa bệnh phổ biến nhất: 

  • Phẫu thuật: Đây là phương pháp điều trị chính của hội chứng Mirizzi giúp loại bỏ sỏi, khắc phục tình trạng sỏi chèn vào túi mật gây viêm túi mật. Trường hợp ống mật chủ còn nguyên vẹn và không có tình trạng viêm nhiễm xung quanh thì nên ưu tiên chọn phẫu thuật cắt túi mật. Trường hợp nghi ngờ các vấn đề quanh ống mật chủ hoặc hội chứng Mirizzi ở giai đoạn muộn thì có thể tiến hành đặt dẫn lưu Kehr, mở thông ống mật chủ – tá tràng, nối mật ruột.

  • Nội soi mật tụy ngược dòng: Đây vừa có tác dụng trong điều trị bệnh, vừa có vai trò trong chẩn đoán bệnh. Thường áp dụng với những người bệnh cần khắc phục tình trạng chèn ép ống mật chủ để trì hoãn cuộc phẫu thuật. Áp dụng với trường hợp nguy cơ cao hoặc đã được chẩn đoán bệnh trước đó.

  • Mổ mở qua đường bụng: Người bệnh cần được chụp X – quang để chẩn đoán và nhằm xác định rõ đặc điểm cấu trúc đường mật trước khi phẫu thuật.

Hội chứng Mirizzi là gì? Cách nhận biết và điều trị như thế nào? 3Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính của bệnh

Biến chứng phẫu thuật thường gặp là cắt nhầm ống gan chung do ống túi mật chạy song song với ống gan và thường phình to giống như ống gan nên dễ nhận định nhầm. Biến chứng này gia tăng đáng kể khi nội soi phẫu thuật để điều trị hội chứng Mirizzi. Các biến chứng hậu phẫu khác gồm: Rò mật, viêm phúc mạc mật, áp xe dưới cơ hoành.

Phòng ngừa bệnh tái phát bằng cách nào?

Để phòng tránh bệnh tái phát, người bệnh nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về chế độ ăn cũng như chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt sau điều trị như sau:

  • Chế độ ăn uống khoa học: Không bỏ bữa, nên ăn đúng giờ, chia nhỏ các bữa trong ngày, không ăn các thực phẩm chứa nhiều chất béo no bão hòa. Bổ sung thêm rau xanh, tăng cường chất xơ giúp tiêu hóa tốt, đặc biệt các loại thực phẩm chứa vitamin C nhằm ngăn hình thành sỏi. Uống nhiều nước nhằm loại bỏ độc tố và giảm nguy cơ tái phát bệnh.

  • Tránh để táo bón hay tiêu chảy diễn ra trong thời gian dài vì nó làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường mật.

  • Chế độ ăn chín uống sôi, không nên ăn đồ tái sống, tẩy giun định kỳ 6 tháng/ lần nhằm tránh tình trạng giun chui ống mật.

  • Tăng cường vận động: Tập thể dụng thể thao đều đặn góp phần tăng sức đề kháng, duy trì vóc dáng và cân nặng hợp lý, giảm nguy cơ mắc sỏi mật.

  • Không nên giảm cân quá nhanh bằng cách ăn ít đột xuất vì làm tăng nguy cơ tạo sỏi, chỉ nên giảm 2,5 đến 3 kg/tuần.

  • Nên tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, cần lưu ý các vấn đề về tác dụng phụ và cách dùng của thuốc hợp lý nhất. Ví dụ, một số thuốc điều trị rối loạn lipid máu có tác dụng tăng nguy cơ tạo sỏi mật do đó cần phối hợp với chế độ ăn và tăng cường vận động thể chất.

Hội chứng Mirizzi là gì? Cách nhận biết và điều trị như thế nào? 4Người bệnh nên đến gặp bác sĩ để theo dõi và quản lý bệnh tránh tái phát

Sau quá trình điều trị bệnh, người bị bệnh vẫn cần phải tái khám thường xuyên nhằm theo dõi cũng như xử trí kịp thời các bất thường có thể xảy ra. Đặc biệt đối với người bị mắc bệnh sỏi mật, cần điều trị tích cực nhằm hạn chế biến chứng này xảy ra. Vậy nên, mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần để được kiểm tra sức khỏe một cách toàn diện nhất.

Trên đây, nhà thuốc Hưng Thịnh đã cung cấp những thông tin khá đầy đủ về hội chứng Mirizzi. Hy vọng rằng bài viết sẽ góp phần giúp quý vị có thể nhận biết các dấu hiệu cũng như cách phòng tránh hiệu quả nhất. Chúc quý độc giả thật nhiều sức khỏe và đừng quên đồng hành cùng nhà thuốc Hưng Thịnh trong những bài viết hữu ích khác nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Medlatec.vn

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)