Nhà thuốc Hưng Thịnh

Chủ đề về các chứng gãy xương chưa bao giờ khiến bạn đọc ngừng quan tâm. Hiểu được điều đó, mời bạn đến với bài viết sau đây về gãy xương ngón chân – hiện tượng thường gặp và khiến không ít người lo lắng.

Bàn chân và các ngón chân đóng vai trò rất quan trọng trong việc đi lại, di chuyển cũng như vận động bình thường, linh hoạt. Chính vì thế mà khi bị gãy xương ngón chân, rất nhiều người lo lắng không biết có ảnh hưởng đến chức năng đi lại sau này hay không. Để tìm hiểu sâu hơn về tình trạng này, mời bạn theo dõi những thông tin sau đây nhé. 

Gãy xương ngón chân là gì? 

Gãy xương ngón chân là tình trạng xương ở những đốt ngón chân bị tổn thương dẫn đến nứt gãy ở nhiều mức độ và vị trí khác nhau. Trong số các trường hợp bị gãy xương ngón chân thì gãy xương ngón chân út và gãy xương ngón chân cái được đánh giá là phổ biến nhất bởi cả 2 ngón này đều nằm ở vị trí ngoài cùng, dễ va đập với đồ vật xung quanh hơn. 

Gãy xương ngón chân Nguyên nhân và triệu chứng 1

Gãy xương ngón chân cần điều trị kịp thời, tránh để lại di chứng

Tình trạng gãy xương ngón chân được ghi nhận có nhiều mức độ khác nhau, từ nứt gãy nhẹ không di lệch đến gãy xương dập nát và di lệch nhiều. Tùy vào mỗi mức độ và tình trạng cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị thích hợp, đem lại hiệu quả tốt nhất cho bệnh nhân. 

Gãy xương ngón chân không ảnh hưởng đến sức khỏe hay tính mạng của người bệnh nên bạn không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, cần nhận biết gãy xương từ sớm để tiến hành điều trị cho kết quả cao nhất. 

Nguyên nhân bị gãy xương ngón chân 

Các ngón chân có vị trí tương đối đặc biệt, nằm ở phía trước của bàn chân nên việc bị chấn thương cũng rất thường xuyên xảy ra. Không chỉ vậy, xương ngón chân còn nhỏ và nhiều đốt, dễ dẫn đến gãy xương ngón chân trong một số trường hợp nhất định như: 

  • Tai nạn giao thông: Khi tai nạn xảy ra, ngón chân gặp va chạm mạnh, đột ngột với mặt đường cứng hoặc bị vật nặng như xe đè lên, làm tăng nguy cơ bị gãy xương ngón chân.
  • Vấp ngã: Thường xảy ra trong quá trình sinh hoạt, đi lại hàng ngày hoặc tham gia chơi các môn thể thao yêu cầu cường độ vận động mạnh.
  • Đầu ngón chân va chạm với vật cứng: Khi đi lại ở những nơi có đồ vật cồng kềnh khó tránh khỏi tình trạng các ngón chân bị va đập không mong muốn, đặc biệt phổ biến là gãy xương ngón chân cái và gãy xương ngón chân út – 2 vị trí dễ tiếp xúc, va đập nhiều nhất.
  • Những va đập thường ngày, đi lại nhiều: Điều này khiến xương ngón chân bị mỏi, dẫn đến nứt nhẹ, lâu dần không điều trị sẽ dẫn đến gãy xương ngón chân. 

Mọi đối tượng, không phân biệt giới tính, tuổi tác hay công việc đều có nguy cơ bị gãy xương ngón chân. Tuy nhiên, một vài trường hợp có khả năng gãy xương ngón chân cao hơn hẳn, điển hình như: 

  • Người thường xuyên chơi các môn thể thao vận động mạnh hoặc tập luyện thể dục cường độ cao.
  • Người có thói quen mang giày chật khiến các ngón chân bị chèn ép lâu ngày.
  • Cường độ luyện tập cao, đột ngột và kéo dài một thời gian làm tăng nguy cơ bị gãy xương ngón chân.
  • Làm việc, sinh hoạt trong môi trường bừa bộn khiến đi lại khó khăn, dễ va đập vào ngón chân.
  • Người mắc các bệnh về xương như loãng xương, ung thư xương,… từ trước đó cũng có nguy cơ bị gãy xương ngón chân cao hơn những người khỏe mạnh bình thường.
  • Trẻ em xương chưa phát triển chắc khỏe hoàn toàn hoặc người già xương khớp yếu, giòn, dễ gãy. 

Gãy xương ngón chân Nguyên nhân và triệu chứng 2

Mọi đối tượng đều có thể bị gãy xương ngón chân

Triệu chứng nhận biết gãy xương ngón chân 

Để nhận biết được tình trạng gãy xương ngón chân không quá khó. Tuy nhiên, với trường hợp bị gãy xương nhẹ, sẽ rất dễ bị nhầm lẫn với sưng đau thông thường, dẫn đến điều trị không kịp thời, để lại di chứng về sau. 

Sau khi xảy ra tai nạn hoặc có va đập đến ngón chân, bạn cần chú ý quan sát, để ý những triệu chứng bất thường như đau nhức, sưng tấy, khó đi lại, bầm tím hoặc chảy máu,… để đến bệnh viện điều trị sớm, kịp thời. 

Bên cạnh đó, ngón chân bị biến dạng cũng là một trong những triệu chứng phổ biến khi bị gãy xương ngón chân. Thông thường, biến dạng sẽ xuất hiện ngay sau chấn thương hoặc tối đa vài giờ sau đó. Khi bị biến dạng, bạn thử sờ, nắn thấy đau, nhức, nghe được tiếng kêu lạo xạo của xương gãy thì nên đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất nhé. 

Gãy xương ngón chân bao lâu thì lành? 

Ngoài thắc mắc về gãy xương ngón chân là gì, nguyên nhân, triệu chứng cụ thể thì gãy xương ngón chân bao lâu thì lành cũng là câu hỏi mà các bác sĩ nhận được rất nhiều trong quá trình điều trị, phục hồi cho bệnh nhân. 

Nói về việc gãy xương ngón chân bao lâu thì lành, nhiều chuyên gia khẳng định rằng rất khó để dự đoán chính xác thời gian xương lành hoặc thời điểm người bệnh có thể đi lại, di chuyển được. Bởi điều này cơ bản không chỉ phụ thuộc vào phương pháp điều trị mà còn rất nhiều yếu tố khác như cách chăm sóc tại nhà, chế độ ăn uống, dinh dưỡng hàng ngày, vận động, luyện tập khi bị gãy xương ngón chân,… 

Gãy xương ngón chân Nguyên nhân và triệu chứng 3

Phô mai có chứa nhiều canxi, rất tốt cho quá trình liền xương

Các bác sĩ chỉ có thể đưa ra một số lời khuyên giúp bệnh nhân bị gãy xương ngón chân nhanh chóng hồi phục, xương liền nhanh và hạn chế tối đa di chứng để lại đối với sức khỏe. Cụ thể như: 

  • Chế độ ăn uống bổ sung nhiều canxi, kẽm và magie để kích thích xương tái tạo nhanh hơn, chắc khỏe hơn. Những thực phẩm mà người bị gãy xương ngón chân không nên bỏ qua gồm có hải sản, sữa tươi tách béo, sữa chua, phô mai, trứng gà, bông cải xanh, chuối, khoai lang,…
  • Không nên cố gắng vận động ngay sau khi bó bột hoặc phẫu thuật vì có thể khiến xương bị di lệch khỏi vị trí ban đầu, để lại di chứng, biến dạng ngón chân.
  • Sau quá trình phục hồi, người bệnh nên tập vật lý trị liệu để các cơ, xương phục hồi cả về mặt chức năng vận động linh hoạt; 
  • Người bệnh gãy xương ngón chân cần tuân thủ uống thuốc đúng giờ, sinh hoạt nhẹ nhàng, tránh vận động mạnh.
  • Nghỉ ngơi nhiều hơn, hạn chế căng thẳng, mệt mỏi, stress,…

Gãy xương ngón chân tuy không gây nguy hiểm nhưng để hạn chế di chứng, người bệnh cần thực hiện điều trị đúng cách, tái khám thường xuyên giúp kịp thời phát hiện vấn đề, theo dõi tốc độ xương hồi phục tốt nhất. Chúc bạn đọc mau lành bệnh và luôn có một sức khỏe thật tốt. 

Hồng Nhung

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)