Nhà thuốc Hưng Thịnh

Chúng ta luôn phải đón nhận những bất ngờ đến từ cuộc sống, sẽ có những lúc thăng trầm mà không ai đoán trước được. Vì thế, hãy học cách chấp nhận và chia sẻ tất cả những cảm xúc đó. Đè nén cảm xúc hay ngụy trang cảm xúc sẽ khiến tinh thần mất cân bằng dẫn tới nhiều bệnh lý, trong đó có chứng trầm cảm cười. Vậy dấu hiệu trầm cảm cười là gì?

Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Hưng Thịnh sẽ giải đáp thắc mắc trầm cảm cười là gì và chỉ ra những đối tượng dễ có dấu hiệu trầm cảm cười nhất, các bạn hãy cùng theo dõi ngay nhé!

Trầm cảm cười là gì?

Theo nhà tâm lý học lâm sàng Heidi McKenzie, trầm cảm cười là chứng trầm cảm chức năng cao hay còn gọi là rối loạn trầm cảm kéo dài. Hội chứng này biểu hiện mức độ buồn chán trong thời gian dài, làm người bệnh thay đổi các thói quen ăn, ngủ, nghỉ, thường xuyên mệt mỏi và hoảng loạn.

Người mắc chứng trầm cảm cười thường có xu hướng che dấu cảm xúc của bản thân. Họ luôn ở trong trạng thái mệt mỏi, không muốn làm gì, tâm trạng bên trong thực chất là cực kỳ tồi tệ nhưng vẻ ngoài lại tươi cười, hạnh phúc. Xã hội xung quanh sẽ cho rằng họ luôn có cuộc sống vui vẻ, hoàn hảo.

Hiện nay, trầm cảm cười không được công nhận là một trong những điều kiện của Cẩm nang chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5) nhưng đã có thể được chẩn đoán là rối loạn trầm cảm chủ yếu với những đặc điểm không điển hình.

Dấu hiệu trầm cảm cười là gì? Những đối tượng dễ mắc chứng trầm cảm cười 1 Người mắc chứng trầm cảm cười có xu hướng che dấu cảm xúc

Dấu hiệu trầm cảm cười là gì?

Một người mắc chứng trầm cảm cười sẽ luôn thể hiện ra bên ngoài sự vui vẻ và hài lòng với mọi thứ. Tuy nhiên, bên trong họ sẽ trải qua các triệu chứng đau khổ của bệnh trầm cảm.

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 265 triệu người trên thế giới bị trầm cảm. Bằng những quan sát bằng mắt thường, chúng ta cũng có thể phát hiện ra người bị trầm cảm cười. Tuy nhiên cũng có một vài trường hợp ngoại lệ vì họ quá giỏi trong việc che dấu bản thân mình. Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến của chứng trầm cảm cười:

  • Thay đổi khẩu vị: Khi bị trầm cảm, người bệnh có xu hướng thay đổi lượng thức ăn, có thể sẽ ăn ít hơn, thậm chí là chán ăn nhưng cũng có người bệnh sẽ ăn nhiều hơn so với bình thường. Ở một số người, ngoài những sự thay đổi về lượng thức ăn, họ còn có sự thay đổi về khẩu vị, thích ăn đồ ngọt nhiều hơn, ăn mặn hơn… Điều này dẫn đến nguy cơ thay đổi cân nặng thất thường.

  • Rối loạn giấc ngủ: Đây là một triệu chứng rất hay gặp ở người trầm cảm cười. Với một người bình thường, thời gian ngủ sẽ kéo dài từ 6 – 9 tiếng, giấc ngủ sẽ sâu và ngon nhưng người trầm cảm lại có thời gian ngủ dài ngắn thất thường, khó vào giấc, ngủ không sâu, bồn chồn, trăn trở và hay bị tỉnh giữa đêm. 

  • Cảm giác tuyệt vọng: Người trầm cảm cười luôn thấy tội lỗi, tự trách, thường hay suy nghĩ và dằn vặt những chuyện trong quá khứ. Thậm chí, họ có thể cảm thấy bản thân không có giá trị, tuyệt vọng và mất hết niềm tin vào cuộc sống.

  • Mất hứng thú với các hoạt động: Những hoạt động trước đây họ rất thích làm thì nay sẽ không làm nữa hoặc nhẹ hơn là họ vẫn tham gia hoạt động nhưng năng suất và hiệu quả giảm, suy nghĩ bất lực về những việc mà trước đây họ từng thích thú.

Người mắc chứng trầm cảm cười có thể xuất hiện thêm một số dấu hiệu khác, ví dụ như thường xuyên cảm thấy kiệt sức vào cuối ngày, mất tập trung trong công việc, thiếu năng lượng, không quan tâm chăm chút cho vẻ bề ngoài so với trước đó, dễ cáu gắt và lo lắng. Ngoài ra, khi đã đến mức độ nhất định nào đó, họ sẽ có suy nghĩ tự sát và cuối cùng dẫn đến những hành vi nguy hiểm tới tính mạng.

Dấu hiệu trầm cảm cười là gì? Những đối tượng dễ mắc chứng trầm cảm cười 2 Rối loạn giấc ngủ là một dấu hiệu trầm cảm cười

Những đối tượng có nguy cơ bị trầm cảm cười

Tính đến nay, nguyên nhân gây chứng trầm cảm cười vẫn còn nhiều tranh cãi và đa số đều là các giả thuyết. Trong đó, nguyên nhân chính được nhiều người tiếp nhận nhất là sự thiếu hụt các chất dẫn truyền trên não bộ, chủ yếu là serotonin.

Ngoài ra, còn một số các nguyên nhân khác như gene, tâm lý xã hội, môi trường sống… Dưới đây là những đối tượng có nguy cơ bị trầm cảm cười khi xem xét các nguyên nhân trên:

  • Xuất hiện một sự kiện lớn hoặc mất mát nào đó: Tương tự như nhiều loại trầm cảm khác, trầm cảm cười có thể xuất hiện khi người bệnh chịu một đả kích nào đó như mất người thương, mất một mối quan hệ quan trọng hay mới mất một công việc yêu thích… Bất kỳ một sự kiện lớn nào cũng có thể là điều kiện để bệnh trầm cảm cười xuất hiện.

  • Sự phán xét: Sức khỏe tinh thần là yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, suy nghĩ của con người. Đặc biệt, xong xã hội hiện nay, sự phán xét, chê trách xuất hiện ngày càng nhiều khiến người ta dễ có những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực về bản thân như “mình thật kém cỏi”, “mình làm không tốt”… Khi những suy nghĩ này xuất hiện quá nhiều trong thời gian dài sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cười.

Ngoài ra, trầm cảm cười là là một yếu tố gợi ý cần phải tầm soát rối loạn lưỡng cực, đây có thể là một giai đoạn rối loạn mà cả bác sĩ và bệnh nhân đều không chú ý tới.

Dấu hiệu trầm cảm cười là gì? Những đối tượng dễ mắc chứng trầm cảm cười 3 Người chịu sự phán xét, chê trách của xã hội dễ có những cảm xúc tiêu cực

Phương pháp điều trị trầm cảm cười

Cũng như nhiều loại trầm cảm khác, trầm cảm cười có thể điều trị được bằng thuốc, tâm lý trị liệu và thay đổi lối sống. Việc chẩn đoán trầm cảm cười rất khó khăn bởi rất ít trong số họ biết mình bị bệnh, từ đó không không tìm kiếm sự giúp đỡ kịp thời khiến bệnh dễ bị nặng lên.

  • Tâm lý trị liệu: Nếu nghi ngờ chính mình hoặc người thân có dấu hiệu tâm lý bất thường, hãy tìm cho mình một cơ sở tâm lý uy tín để thăm khám và tư vấn kế hoạch điều trị. Khi bệnh còn ở mức nhẹ, người bệnh có thể chỉ cần điều trị bằng liệu pháp tâm lý để giúp giải tỏa cũng như kiểm soát sức khỏe tâm lý của chính mình.

  • Thuốc: Khi bệnh đã đến giai đoạn giữa hoặc nặng, điều trị bằng thuốc sẽ là phương pháp ưu tiên trong các phác đồ điều trị. Tuy nhiên, vấn đề sử dụng thuốc gì, liều lượng như thế nào còn phụ thuộc vào tình trạng khác nhau ở mỗi người. Vì vậy, người bệnh không được tự ý mua thuốc mà hãy đến khám và nghe theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

  • Thay đổi lối sống: Thực hiện lối sống lành mạnh là biện pháp điều trị cần thiết dù bạn đang ở bất kỳ giai đoạn nào. Hãy ăn uống sạch sẽ, đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế đồ uống có cồn, ngủ đủ giấc, tập thể dục đều đặn…để góp phần đẩy lùi bệnh nhanh chóng.

Cũng tương tự như khi gãy tay, bạn không thể nói với cánh tay “hãy lành đi” là chúng sẽ tự động lành lại. Do đó, bạn cũng không thể bắt bản thân không có những cảm xúc tiêu cực nữa. Hãy chia sẻ đi, chia sẻ tất cả những cảm xúc đó với người thân của bạn. Đây không chỉ là cách tốt nhất giúp bạn vượt qua cảm xúc tiêu cực đó mà còn là biện pháp giúp bạn phòng tránh các dấu hiệu trầm cảm cười.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)