Nhà thuốc Hưng Thịnh

Panadol Extra là thuốc được sử dụng để giảm đau, hạ sốt và đặc biệt không gây buồn ngủ. Mặc dù được sử dụng rộng rãi nhưng vẫn có các trường hợp về dị ứng thuốc Panadol Extra. Vậy triệu chứng dị ứng và cách xử trí khi bị dị ứng thuốc Panadol Extra là gì, hãy cùng tìm hiểu bài viết sau đây.

Panadol Extra có thành phần chính là paracetamol có tác dụng giảm đau, hạ sốt và caffeine giúp tỉnh táo, không gây mệt mỏi, ngoài ra còn tăng cường tác dụng giảm đau của paracetamol. Hai thành phần này ít gây dị ứng, các triệu chứng dị ứng thường gặp là quá mẫn ngoài da, nổi mẩn đỏ, mày đay, bỏng rát da, rối loạn chức năng gan.

di-ung-thuoc-panadol-extra-va-cach-xu-tri-khi-bi-di-ung-thuoc-panadol-extra 1 Thuốc Panadol Extra

Thành phần chính của Panadol Extra

Thành phần paracetamol

Paracetamol là một chất hóa học có tác dụng giảm đau, hạ sốt. Cơ chế tác dụng của paracetamol được cho là ức chế tổng hợp prostaglandin tại thần kinh trung ương. Paracetamol ít có tác dụng phụ trên đường tiêu hóa nên thích hợp dùng cho những bệnh nhân có tiền sử bị bệnh, hoặc bệnh nhân đang dùng các thuốc khác có tác dụng phụ là ức chế tổng hợp prostaglandin ngoại biên (ví dụ, bệnh nhân có tiền sử chảy máu đường tiêu hóa hoặc người cao tuổi). 

Paracetamol được chuyển hóa chủ yếu ở gan theo hai cách chuyển hóa chính là liên hợp acid glucoronic và acid sulfuric. Ngoài ra, paracetamol chuyển hóa một lượng nhỏ qua hệ thống cytochrome P450, tạo ra chất trung gian là N-acetyl-p-benzoquinoneimine, đây là chất gây độc gan. 

Bình thường, glutathione có trong gan sẽ chuyển hóa N-acetyl-p-benzoquinoneimine và thải trừ qua nước tiểu. Đây chính là cơ chế giải độc của cơ thể, tuy nhiên khi quá liều paracetamol, lượng glutathione không đáp ứng đủ để giải độc thì dẫn đến suy gan cấp do dùng paracetamol quá liều. 

Thành phần caffeine

Caffeine là hoạt chất thuộc nhóm methylxanthine, có tác dụng kích thích thần kinh trung ương. Caffeine được biết đến là thành phần chính trong cà phê hoặc trà, giúp tỉnh táo, không gây buồn ngủ, mệt mỏi. 

Caffeine có tác dụng như một chất làm tăng tác dụng giảm đau của paracetamol. Nghiên cứu cho thấy sự kết hợp paracetamol và caffeine gây ra tác dụng giảm đau tốt hơn nhiều so với chỉ dùng paracetamol.

Caffeine có thể đi qua nhau thai vào hệ tuần hoàn của thai nhi. Ngoài ra, caffeine còn phân bố trong sữa mẹ. Vì vậy, cần thận trọng khi dùng ở phụ nữ có thai và cho con bú. 

Khi dùng nhiều caffeine có thể gây ra nhịp tim nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực, loạn nhịp tim. Tùy theo từng người mà tác dụng phụ này có xảy ra hay không.

di-ung-thuoc-panadol-extra-va-cach-xu-tri-khi-bi-di-ung-thuoc-panadol-extra 2 Thành phần caffeine thường có trong cà phê

Lưu ý khi sử dụng thuốc Panadol Extra

Trước khi sử dụng thuốc, cần báo với bác sĩ hoặc dược sĩ biết tiền sử bệnh, tiền sử dùng thuốc và thói quen sống:

  • Thói quen sử dụng thường xuyên hoặc nghiện rượu.

  • Bị bệnh gan hoặc thận, kể cả bệnh gan do rượu.

  • Nhẹ cân (<50kg) hoặc suy dinh dưỡng.

  • Bị mất nước nghiêm trọng.

  • Đang dùng các loại thuốc ảnh hưởng đến gan.

  • Bị nhiễm trùng nặng vì điều này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm toan chuyển hóa. Dấu hiệu nhiễm toan bao gồm: Thở sâu, nhanh, khó, cảm thấy buồn nôn, nôn.

  • Đang dùng thuốc lithium.

Giống như tất cả các loại thuốc, Panadol Extra có thể gây ra tác dụng phụ như phản ứng dị ứng như phát ban hoặc ngứa da, đôi khi có vấn đề về hô hấp hoặc sưng môi, lưỡi, cổ họng hoặc mặt, bong tróc da, hoặc loét miệng, bầm tím hoặc chảy máu bất ngờ, thay đổi trong các xét nghiệm máu để đo chức năng của gan.

Các tác dụng phụ khác bao gồm: Mất ngủ, bồn chồn, lo lắng, khó chịu, đau đầu, đau bụng, đánh trống ngực, hồi hộp và chóng mặt.

Panadol Extra chứa caffein, do đó tránh quá nhiều caffein trong đồ uống như cà phê và trà. Lượng caffeine cao có thể gây khó ngủ, run rẩy và cảm giác khó chịu ở ngực.

Paracetamol có thể phân bố trong sữa mẹ, vì vậy cần lưu ý khi dùng thuốc ở bà mẹ đang cho con bú.

Nếu dùng quá liều thuốc thì các triệu chứng quá liều có thể bao gồm buồn nôn, nôn, chán ăn, đổ mồ hôi, đau dạ dày hoặc đau bụng, mệt mỏi, vàng mắt hoặc da, nước tiểu sẫm màu.

di-ung-thuoc-panadol-extra-va-cach-xu-tri-khi-bi-di-ung-thuoc-panadol-extra  1 Dùng Paracetamol quá liều có thể dẫn đến suy gan cấp

Dị ứng thuốc Panadol Extra

Triệu chứng và dấu hiệu bệnh nhân dị ứng thuốc Panadol Extra

Paracetamol và caffeine được sử dụng khá an toàn và ít khi bị dị ứng. Tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ các dị ứng thuốc Panadol Extra được báo cáo. Một số phản ứng dị ứng nghiêm trọng bao gồm:

  • Các phản ứng phản vệ.
  • Phát ban.
  • Ngứa.
  • Sưng, phù mặt, lưỡi, cổ họng.
  • Chóng mặt nghiêm trọng.
  • Khó thở.

Ngoài ra còn xuất hiện các phản ứng trên da nghiêm trọng như:

Hội chứng Stevens – Johnson (SJS):

Đặc trưng của hội chứng này là loét các hốc tự nhiên (thường trên 2 hốc, hay gặp ở mắt và miệng) và bọng nước, diện tích da tổn thương < 10 phần trăm diện tích da cơ thể.

Sau khi dùng thuốc vài giờ đến hàng tuần, người bệnh thấy mệt mỏi, ngứa toàn thân, có cảm giác nóng, sốt cao, nổi ban đỏ, bọng nước trên da, các hốc tự nhiên (mắt, miệng, họng, bộ phận sinh dục) dẫn tới viêm loét, hoại tử niêm mạc, tổn thương gan thận, thể nặng có thể gây tử vong.

Hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN):

Hội chứng Lyell – Hội chứng hoại tử tiêu thượng bì nhiễm độc: Là tình trạng nhiễm độc hoại tử da nghiêm trọng nhất, đặc trưng bởi dấu hiệu Nikolski dương tính (dễ tuột da), tỷ lệ tử vong cao.

Bệnh diễn biến vài giờ đến vài tuần sau khi dùng thuốc, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, bàng hoàng, mất ngủ, sốt cao, trên da xuất hiện các mảng đỏ, đôi khi có các chấm xuất huyết, vài ngày sau, có khi sớm hơn, lớp thượng bì tách khỏi da, trợt ra từng mảng (dấu hiệu Nikolski dương tính).

Diện tích da tổn thương > 30 phần trăm diện tích da cơ thể. Bên cạnh các tổn thương về da , bệnh nhân có thể mắc viêm gan, viêm thận, diễn tiến bệnh trầm trọng hơn và dễ dẫn tới tử vong.

Hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP):

AGEP là thể dị ứng hiếm gặp. Biểu hiệu lâm sàng đặc trưng là mụn mủ xuất hiện nhanh chóng rải rác trên da sau khi dùng thuốc 3 – 5 ngày. Triệu chứng đi kèm thường là sốt, tăng bạch cầu máu, có thể tăng bạch cầu ái toan, nhưng niêm mạc không bị tổn thương.

Dùng quá liều paracetamol có thể gây suy gan cấp, hoại tử tế bào gan và tử vong nhanh chóng. Với bệnh nhân đang bị các bệnh về gan, việc dùng paracetamol có thể tăng nguy cơ độc gan. 

Bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, biếng ăn, suy mòn, chỉ số khối cơ thể thấp, nghiện rượu mạn tính hoặc nhiễm trùng máu dễ bị thiếu hụt glutathione nên dễ bị rối loạn chức năng gan. Những bệnh nhân này, việc sử dụng paracetamol có thể làm tăng nguy cơ chuyển hóa acid trong máu.

di-ung-thuoc-panadol-extra-va-cach-xu-tri-khi-bi-di-ung-thuoc-panadol-extra 4 Hội chứng Lyell

Cách xử trí khi bị dị ứng thuốc Panadol Extra

Khi có dấu hiệu dị ứng Panadol Extra, cần phải ngưng dùng thuốc ngay. Tùy vào triệu chứng cụ thể mà có hướng xử trí và điều trị phù hợp.

Đối với các phản ứng phản vệ nói chung, thường có 4 cấp độ:

  • Cấp độ I (nhẹ): Thường chỉ có triệu chứng ở da và tổ chức dưới da, niêm mạc như mày đay, ngứa, phù mạch. Thuốc xử trí thường là methylprednisolon hoặc diphenhydramin. Cần theo dõi tiếp tục ít nhất 24 giờ.

  • Cấp độ II (nặng): Có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan: mày đay, phù mạch (xuất hiện nhanh); khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi, đau bụng, nôn, tiêu chảy, tăng hoặc giảm huyết áp, tim nhanh, loạn nhịp.

  • Cấp độ III (nguy kịch): Biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn: đường thở (tiếng rít thanh quản, phù thanh quản), thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở, rối loạn ý thức như vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn, tuần hoàn có sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp.

Đối với cấp độ II và III, cần xử trí bằng cách ngừng ngay tiếp xúc với thuốc hoặc dị nguyên (nếu có) và khẩn cấp đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.

Panadol Extra còn có các phản ứng trên da nghiêm trọng như hội chứng Stevens-Johnson (SJS), hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN) hay hội chứng Lyell, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP). Đây là những phản ứng hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm, khi có dấu hiệu thì cần phải liên hệ cơ sở y tế ngay lập tức để được xử trí.

Panadol Extra là một thuốc không kê đơn được dùng phổ biến trên lâm sàng để điều trị giảm đau, hạ sốt và không gây buồn ngủ. Panadol Extra được biết là ít có tác dụng phụ, an toàn cho người bệnh. Tuy nhiên, bất kỳ thuốc nào cũng có thể gây dị ứng và tùy thuộc vào cơ thể người bệnh mà mức độ dị ứng khác nhau. Dị ứng thuốc Panadol Extra có thể nhẹ như nổi mẩn ngứa, mày đay đến nặng hơn như suy gan cấp, các phản ứng trên da nghiêm trọng. Cần ngưng thuốc và liên hệ với các cơ sở y tế để được chăm sóc kịp thời.

Thục Hiền

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)