Nhà thuốc Hưng Thịnh

Máu trắng là một dạng ung thư máu. Đây là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của những ai không may mắc phải. Nắm rõ các dấu hiệu bệnh máu trắng giúp bạn có thể phát hiện ra bệnh sớm để có các phương pháp điều trị kịp thời.

Bất kì ai cũng có nguy cơ mắc phải căn bệnh máu trắng, không phân biệt lứa tuổi, giới tính. Thông qua bài viết dưới đây, bạn có thể nhận biết được các dấu hiệu bệnh máu trắng cũng như các biểu hiện, triệu chứng và các cách điều trị bệnh hiệu quả.

Bệnh máu trắng là gì?

Bệnh máu trắng hay còn gọi là bệnh bạch cầu, ung thư bạch cầu là một dạng ung thư máu.

Bình thường, các tế bào bạch cầu chỉ chiếm một lượng nhỏ trong máu nhưng có vai trò vô cùng quan trọng. Khi cơ thể bị virus, vi khuẩn hay các yếu tố lạ xâm nhập, các tế bào bạch cầu sẽ tấn công các tác nhân đó, bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng, ngăn ngừa bệnh tật. Bạch cầu được tạo ra ở tủy xương và được coi là hàng rào miễn dịch tự nhiên của cơ thể.

Bệnh bạch cầu xảy ra khi tủy xương sản sinh ra quá nhiều bạch cầu. Lượng bạch cầu tăng cao một cách quá mức kiểm soát sẽ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng cho các tế bào bạch cầu, khiến các tế bào phát triển không hoàn chỉnh. Khi đó, bạch cầu sẽ ăn chính các tế bào hồng cầu trong máu, khiến cho hồng cầu bị phá hủy dẫn đến cơ thể thiếu máu và xuất hiện các triệu chứng của bệnh.

Dấu hiệu bệnh máu trắng là gì? Bệnh máu trắng có chữa được không? 1 Các tế bào bạch cầu tấn công tế bào hồng cầu trong máu

Nguyên nhân dẫn đến bệnh máu trắng

Hiện nay, các chuyên gia y tế vẫn chưa tìm ra các nguyên nhân chính gây ra bệnh bạch cầu. Tuy nhiên các bác sĩ cho rằng có một số yếu tố nguy cơ dưới đây làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại như fomandehit, benzen (có nhiều trong xăng và ngành công nghiệp hóa chất), các chất phóng xạ trong môi trường sống và làm việc.

  • Bệnh nhân ung thư đã điều trị bằng các loại hóa chất và dược phẩm: Những người đã từng điều trị bằng hóa trị, xạ trị có nguy cơ cao mắc bệnh máu trắng hơn người bình thường. Ngoài ra, một số loại thuốc độc diệt tế bào ung thư cũng được chứng minh là có khả năng gây bệnh.

  • Tiền sử gia đình: Nếu có người thân trong gia đình mắc bệnh bạch cầu, đặc biệt là bố, mẹ thì nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên.

  • Trẻ mắc hội chứng Down thì tỷ lệ mắc bệnh sẽ cao do rối loạn nhiễm sắc thể.

  • Người bị đột biến nhiễm sắc thể hay mắc các hội chứng rối loạn máu.

Dấu hiệu bệnh máu trắng và các triệu chứng thường gặp

Biểu hiện của bệnh máu trắng ban đầu khá khó nhận biết và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Vì vậy bạn cần lắng nghe cơ thể, theo dõi các triệu chứng bất thường nếu có. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ hạn chế các biến chứng và giảm thiểu nguy cơ tử vong.

Một số dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch cầu mà bạn cần chú ý:

Đau nhức xương, khớp: Đây là một trong những dấu hiệu dễ nhầm lẫn với các triệu chứng khác nhất. Khi tủy xương tạo ra quá nhiều bạch cầu có thể khiến bệnh nhân có cảm giác đau âm ỉ hoặc đau nhói. Các cơn đau thường hay xuất hiện ở cẳng chân, cánh tay hoặc vùng thắt lưng.

Đau đầu: Bệnh nhân có thể gặp phải những cơn đau đầu dữ dội. Do mạch máu bị teo lại, lượng máu cung cấp cho não không đủ gây ra những cơn đau nửa đầu. Tần suất và mức độ của những cơn đau có thể tăng lên theo từng giai đoạn của bệnh.

Mệt mỏi: Cảm giác mệt mỏi, thiếu sức sống gặp ở rất nhiều loại bệnh trong đó có bệnh máu trắng. Tình trạng thiếu máu làm bệnh nhân suy nhược, xanh xao, cơ thể ốm yếu, mệt mỏi. Hậu quả là người bệnh gầy sút cân, hay buồn ngủ, khó thực hiện các vận động, sinh hoạt bình thường.

Sốt và dễ nhiễm trùng: Số lượng bạch cầu tăng lên quá mức nhưng không hoàn thiện dẫn đến chức năng của hệ miễn dịch suy giảm. Khi đó các tác nhân lạ dễ tấn công mà cơ thể lại thiếu hàng rào bảo vệ dẫn đến sốt hay nhiễm khuẩn. Bệnh nhân có thể bị sốt cao và kéo dài liên tục, khó hạ sốt bằng các phương pháp điều trị thông thường.

Thiếu máu: Một dấu hiệu quan trọng để nhận biết bệnh máu trắng là xuất hiện tình trạng thiếu máu. Khi các tế bào hồng cầu bị lấn át bởi các tế bào bạch cầu ác tính sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu. Biểu hiện của triệu chứng này là da nhợt nhạt, xanh xao, chóng mặt, mệt mỏi. Trẻ em thường có dấu hiệu gầy sút, chậm lớn, thiếu máu lên não dẫn đến trí tuệ trẻ chậm phát triển. Khi có dấu hiệu thiếu máu kết hợp với sốt và các triệu chứng chảy máu thì có khả năng cao là bệnh máu trắng.

Quá trình đông máu kém, dễ bị chảy máu: Các tế bào bạch cầu chưa trưởng thành không chỉ lấn át hồng cầu mà còn cả các tế bào tiểu cầu, dẫn đến quá trình đông máu xảy ra chậm. Bệnh nhân dễ bị bầm tím, chảy máu dễ dàng nhất là chảy máu chân răng hay chảy máu cam, khó lành và có thể xuất hiện các đốm xuất huyết nhỏ trên da.

Ngoài ra, một số bệnh nhân có các biểu hiện khác khi mắc bệnh như thường xuyên đổ mồ hôi nhất là vào ban đêm, đau tay chân, đau bụng, đầy bụng, thường xuyên buồn nôn và các dấu hiệu giống cảm cúm.

Dấu hiệu bệnh máu trắng là gì? Bệnh máu trắng có chữa được không? 2 Các dấu hiệu bệnh máu trắng đáng chú ý

Khi có các dấu hiệu kể trên mà bạn không biết rõ nguyên nhân, các triệu chứng diễn ra trong một thời gian mà không thể điều trị khỏi thì bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán kịp thời và chính xác.

Các phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh máu trắng

Kỹ thuật chẩn đoán bệnh máu trắng

Khi xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng liên quan đến bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm để có kết quả chẩn đoán chính xác:

  • Khám sức khỏe: Nhằm kiểm tra các dấu hiệu lâm sàng như tình trạng da xanh xao, tím tái, đau xương khớp, sưng bạch huyết…

  • Xét nghiệm công thức máu: Kiểm tra số lượng và hình thái các tế bào máu gồm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Xác định mức độ bất thường từ đó chẩn đoán bệnh máu trắng.

  • Xét nghiệm tủy xương: Một mẫu tủy xương được đưa đi xét nghiệm để xác định có hay không các tế bào ung thư máu.

Dấu hiệu bệnh máu trắng là gì? Bệnh máu trắng có chữa được không? 3 Sinh thiết tủy xương giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh máu trắng

Các phương pháp điều trị bệnh máu trắng hiện nay

Việc điều trị bệnh máu trắng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, giới tính, thể trạng của bệnh nhân và mức độ nặng của bệnh. Bác sĩ sẽ căn cứ vào các yếu tố đó để chỉ định phác đồ điều trị phù hợp.

Hiện nay có một số phương pháp điều trị phổ biến để điều trị bệnh bạch cầu bao gồm:

  • Hóa trị: Đặc trưng của phương pháp này là sử dụng thuốc để điều trị ung thư. Đây là các thuốc khi đưa vào cơ thể sẽ tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ức chế sự phát triển của chúng.

  • Xạ trị: Sử dụng các bức xạ ion hóa như tia X, tia gamma, chùm tia điện tử… để gây ra sự tổn thương không hồi phục ADN của tế bào ung thư nhờ chiếu trực tiếp các bức xạ có năng lượng lớn vào các tế bào cần loại bỏ.

  • Liệu pháp sinh học (liệu pháp miễn dịch): Là liệu pháp giúp hệ miễn dịch của cơ thể khôi phục lại chức năng từ đó chống lại các tế bào ác tính.

  • Liệu pháp nhắm trúng đích: Đây là phương pháp hiện đại, sử dụng các loại thuốc tấn công chuyên biệt vào tế bào ung thư nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và hạn chế tối thiểu các tác dụng phụ.

  • Ghép tế bào gốc: Mục đích của kỹ thuật này là thay thế tủy xương của người bệnh bằng tủy xương của người khỏe mạnh. Các tế bào gốc có thể do người thân hiến tặng hoặc lấy từ chính cơ thể người bệnh.

Dấu hiệu bệnh máu trắng là gì? Bệnh máu trắng có chữa được không? 4 Sử dụng phương pháp hóa trị để điều trị bệnh bạch cầu

Hi vọng qua bài viết trên bạn đã hiểu được rõ hơn các dấu hiệu bệnh máu trắng, cách nhận biết và biểu hiện của bệnh. Cảm ơn bạn đã theo dõi các bài viết của nhà thuốc Hưng Thịnh. Chúc bạn luôn có một sức khỏe thật tốt.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)