Nhà thuốc Hưng Thịnh

Khi trẻ bước vào độ tuổi từ 5 – 7 tuổi, hiện tượng thay răng sữa sẽ diễn ra. Các răng sữa sẽ dần được thay thế bằng các răng vĩnh viễn. Đây là quá trình sinh lý diễn ra một cách tự nhiên. Tuy nhiên điều làm không ít các bậc cha mẹ băn khoăn là liệu rằng có nên nhổ răng sữa sớm? Nhổ răng sữa sớm có ảnh hưởng gì không?

Hàm răng sữa giữ một vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe chung của bé. Khi răng sữa có hiện tượng lung lay, có nên nhổ răng sữa sớm không hay để răng rụng tự nhiên? Nhổ răng sữa sớm có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé không? Mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của nhà thuốc Hưng Thịnh nhé.

Vai trò của răng sữa đối với trẻ nhỏ 

Răng sữa là những chiếc răng đầu tiên mọc lên khi trẻ còn nhỏ. Khi trẻ khoảng 6 tuổi, răng sữa sẽ lung lay và rụng để nhường chỗ cho những chiếc răng vĩnh viễn. Tuy chỉ là những chiếc răng tạm thời nhưng răng sữa vẫn có vai trò hết sức quan trọng không chỉ đối với sức khỏe hiện tại của bé mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng sau này, liên quan trực tiếp đến việc mọc răng vĩnh viễn.

Có nên nhổ răng sữa sớm ở trẻ? Những lưu ý khi nhổ răng sữa nên biết 1 Răng sữa có vai trò rất quan trọng đối với trẻ

Răng sữa giúp trẻ em nhai, nghiền thức ăn. Khi các bé bước vào giai đoạn ăn dặm, ăn thô thức ăn sẽ chuyển dần từ dạng mềm sang cứng. Khi đó răng sữa giúp bé xử lý , nghiền nhỏ thức ăn trước khi được đưa xuống dạ dày.

Không chỉ vậy, răng sữa còn thúc đẩy sự phát triển xương hàm ở trẻ. Mỗi khi trẻ thực hiện các cử động nhai, nghiền sẽ kéo theo cung hàm cũng vận động theo, từ đó xương hàm được kích thích phát triển.

Ngoài ra bên dưới mỗi chiếc răng sữa luôn có một chân răng để sau này mọc lên thay thế răng sữa trở thành răng vĩnh viễn. Vì thế răng sữa có vai trò định hình sự phát triển của răng vĩnh viễn.

Một vai trò nữa của răng sữa không thể không nhắc đến đó là giúp trẻ phát triển ngôn ngữ. Để phát âm tốt đòi hỏi phải có sự kết hợp đầy đủ của răng, môi và lưỡi. Khi bị mất một số chiếc răng sẽ khiến cho việc phát âm của bé khó khăn, không thể nói một cách tròn trịa, đôi khi có thể dẫn đến việc bé sẽ nói ngọng sau này. Việc thiếu một vài chiếc răng cũng sẽ khiến trẻ ngại ngùng, thiếu tự tin trong giao tiếp với mọi người xung quanh.

Có nên nhổ răng sữa sớm cho con?

Theo quá trình sinh lý bình thường thì khi trẻ khoảng 5 tuổi sẽ bắt đầu thay răng. Ban đầu là các răng cửa trước, răng cửa bên rồi đến răng hàm thứ nhất, răng nanh và các răng hàm thứ hai. 

Khi răng của bé lung lay và xuất hiện phần trắng ở dưới lợi cho thấy răng vĩnh viễn sắp trồi lên, cha mẹ cần theo dõi và có thể hướng dẫn bé cách tự lung lay răng để thúc đẩy nhanh quá trình thay răng. 

Có nên nhổ răng sữa sớm ở trẻ? Những lưu ý khi nhổ răng sữa nên biết 2 Có nên nhổ răng sữa sớm cho con là băn khoăn của nhiều bậc cha mẹ

Đến thời điểm răng sữa mới bắt đầu lung lay, bố mẹ không nên nóng lòng nhổ răng sữa quá sớm cho bé. Điều này có thể gây đau đớn cho bé thậm chí dẫn đến việc ám ảnh tâm lý, khiến trẻ sợ nhổ răng sau này. 

Khi răng sữa bị mất trước thời hạn hoặc can thiệp nhổ răng quá sớm có thể sẽ khiến răng vĩnh viễn bị mất phương hướng khi mọc lên. Răng có thể mọc lệch, xoay ngang gây mất thẩm mỹ và đau đớn. Một số trường hợp mất răng sữa sớm dẫn đến cung hàm kém phát triển. Khi răng vĩnh viễn mọc lên đầy đủ sẽ không đủ chỗ dẫn đến mọc chen chúc nhau.

Hơn nữa khi nhổ răng sữa quá sớm, răng vĩnh viễn sẽ chưa kịp mọc lên để thế vào ảnh hưởng đến thẩm mỹ và giảm khả năng ăn nhai cũng như khả năng phát âm, nói chuyện của bé.

Có nên nhổ răng sữa sớm ở trẻ? Những lưu ý khi nhổ răng sữa nên biết 3 Mất răng sữa sớm ảnh hướng đến thẩm mỹ răng miệng của bé

Các trường hợp nên can thiệp nhổ răng sữa

Mặc dù theo cơ chế tự nhiên là răng sữa sẽ tự rụng để răng vĩnh viễn mọc lên thay thế. Tuy nhiên trong một vài trường hợp cần can thiệp nhổ răng sữa trước khi răng tự rụng:

  • Răng vĩnh viễn đã mọc lên trong khi răng sữa vẫn chưa có dấu hiệu lung lay: Khi trẻ đến tuổi thay răng mà răng sữa vẫn chưa lung lay, khi đó cần đưa trẻ đến nha khoa để được tư vấn nhổ răng. Nếu không, các răng vĩnh viễn sẽ không có chỗ mọc lên dẫn đến tình trạng mọc lẫy, mọc chen chúc, chìa trong, chìa ngoài. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến yếu tố thẩm mỹ cũng như sức khỏe răng miệng của trẻ sau này.

  • Răng sữa của trẻ bị sâu: Đối với tình trạng sâu răng quá nặng hoặc sâu răng sữa tuy đã điều trị nhưng không có kết quả tích cực thì cũng được bác sĩ chỉ định nên nhổ.

  • Trẻ gặp chấn thương hay vì một lý do nào đó khiến răng bị sứt, mẻ không thể hồi phục hay phải điều trị tủy.

  • Răng bị viêm nặng, có nguy cơ tấn công sang các răng bên cạnh hay lan xuống mầm răng vĩnh viễn bên dưới. Các trường hợp này cũng thường được các nha sĩ chỉ định nhổ bỏ.

Nên làm gì sau khi nhổ răng sữa?

Tuy nhổ răng sữa khá an toàn và đơn giản nhưng để đảm bảo thì cha mẹ nên đưa con đến các phòng khám nha khoa, bệnh viện uy tín. Cần hạn chế việc tự nhổ răng sữa tại nhà vì trong điều kiện thiếu các dụng cụ chuyên dụng và thao tác kỹ thuật không chính xác sẽ dễ dẫn đến nhiễm trùng, rách nướu.

Ngay sau khi nhổ răng nên tiến hành cầm máu giúp bé bằng cách cho bé cắn chặt miếng bông gạc vào vùng răng vừa nhổ và giữ trong khoảng 30 phút. Điều này sẽ giúp thúc đẩy quá trình hình thành cục máu đông, ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập.

Bên cạnh đó, để giảm bớt tình trạng sưng, đau, bố mẹ có thể sử dụng túi chườm nóng hoặc lạnh áp nhẹ lên vị trí răng mới nhổ. Nếu trẻ xuất hiện tình trạng sốt, có thể cho dán miếng dán hạ sốt hoặc sử dụng thuốc hạ sốt thích hợp.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên lưu ý về chế độ dinh dưỡng của trẻ sau khi mới nhổ răng. Cụ thể:

  • Vài ngày đầu khi mới nhổ răng, bố mẹ nên cho con ăn những thức ăn mềm, lỏng, không cho trẻ ăn đồ ăn quá cứng dẫn đến khó khăn trong việc nghiền nát thức ăn và tiêu hóa.

  • Nên cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày để tạo môi trường cho các enzym hoạt động, bảo vệ khoang miệng. Cần tránh cho bé uống nước quá nóng hoặc quá lạnh.

  • Cho trẻ ăn đầy đủ các chất, đặc biệt là rau xanh để bổ sung chất xơ, uống nước ép hoa quả để bổ sung các vitamin cần thiết.

  • Không cho bé ăn đồ cay nóng, hạn chế đồ ngọt và các đồ chiên rán nhiều dầu mỡ để vết thương mau lành.

Không chỉ thế mà cha mẹ cũng cần hướng dẫn bé vệ sinh răng miệng đúng cách. Đây là việc làm vô cùng quan trọng, giúp bảo vệ răng miệng của trẻ sau này.

Các bậc phụ huynh cần lưu ý nhắc nhở con vệ sinh răng miệng ít nhất 2 lần/ngày. Sử dụng bàn chải có lông chải mềm mượt, khi đánh răng không chà sát quá mạnh có thể dẫn đến tổn thương nướu. Đồng thời cần lựa chọn loại kem đánh răng phù hợp với bé và hướng dẫn bé súc miệng, cách vệ sinh lưỡi và cách sử dụng chỉ nha khoa sao cho đúng nhất. 

Có nên nhổ răng sữa sớm ở trẻ? Những lưu ý khi nhổ răng sữa nên biết 4 Cha mẹ nên hướng dẫn bé vệ sinh răng miệng đúng cách

Cuối cùng, ba mẹ nên đưa bé đi khám nha khoa định kỳ để được các bác sĩ thăm khám, theo dõi sức khỏe răng miệng và kịp thời phát hiện ra các nguy cơ để có hướng điều trị phù hợp.

Tóm lại, có nên nhổ răng sữa sớm hay không phụ thuộc vào tình trạng răng miệng của trẻ. Nếu không có những chỉ định đặc biệt thì việc nhổ răng sữa sớm sẽ không đem lại hiệu quả tốt. Ba mẹ nên chú ý theo dõi quá trình thay răng của trẻ để có những quyết định phù hợp nhất.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy để lại lời nhắn trên trang web của nhà thuốc Hưng Thịnh để được giải đáp sớm nhất.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)