Nhà thuốc Hưng Thịnh

U sọ hầu ở trẻ em là một dạng u hệ thần kinh trung ương. Sau khi được điều trị, trẻ cần được chăm sóc theo dõi. Vậy có những phương pháp chăm sóc theo dõi nào?

Việc chăm sóc trẻ bị bệnh u sọ hầu không dừng lại khi quá trình điều trị đã kết thúc. Nhân viên y tế sẽ tiếp tục thực hiện nhiều kiểm tra để đảm bảo khối u không tái phát, điều trị mọi tác dụng phụ trẻ gặp phải và theo dõi sức khỏe tổng thể của trẻ. Quá trình này được gọi là chăm sóc theo dõi. Tất cả trẻ em đã được điều trị bệnh u sọ hầu cần phải được chăm sóc theo dõi suốt đời để phòng ngừa bệnh tái phát.

Chăm sóc theo dõi thường sẽ bao gồm kiểm tra thể chất thường xuyên, chụp MRI hoặc cả hai. Các bác sĩ cần theo dõi sự phục hồi của trẻ trong những tháng năm tới. Chăm sóc theo dõi là quá trình rất quan trọng để tìm hiểu xem khối u có bắt đầu phát triển trở lại hay không.

Chăm sóc theo dõi sau khi điều trị u sọ hầu ở trẻ em 1 Chăm sóc theo dõi sau khi điều trị nhằm phát hiện kịp thời khi u sọ hầu tái phát

Theo dõi tái phát

Một trong số những mục tiêu của chăm sóc theo dõi là kiểm tra tái phát. Một khối u tái phát thường do nguyên nhân có những vùng nhỏ của tế bào khối u trong cơ thể vẫn chưa bị phát hiện và tiêu diệt. Theo thời gian, các tế bào này gia tăng số lượng cho đến khi biểu hiện trên kết quả xét nghiệm hoặc gây ra các triệu chứng lâm sàng.

Trong quá trình chăm sóc theo dõi, bác sĩ điều trị nắm rõ bệnh sử của đứa trẻ sẽ cung cấp thông tin về nguy cơ tái phát. Bác sĩ thường đặt những câu hỏi cụ thể về sức khỏe của trẻ. Một số đứa trẻ có thể được xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm hình ảnh như một phần của quá trình chăm sóc theo dõi thường xuyên. Việc lựa chọn xét nghiệm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả loại khối u được chẩn đoán ban đầu và phương pháp điều trị được đưa ra.

Trẻ đã được điều trị u sọ hầu phải được chụp MRI thường xuyên để kiểm tra sự phát triển hoặc khả năng tái phát của khối u. Bởi vì u sọ hầu thường phát triển chậm, nên chỉ cần chụp MRI một đến hai lần trong một năm. Nếu trẻ được xạ trị trước đó, một loại khối u não khác có thể phát triển trong nhiều năm sau đó.

Kiểm soát tác dụng phụ dài hạn và tác dụng phụ muộn sau khi điều trị

Đôi khi, tác dụng phụ có thể kéo dài sau khi trẻ được điều trị tích cực, điều này được gọi là tác dụng phụ dài hạn. Ngoài ra, những tác dụng phụ khác được gọi là tác dụng phụ muộn có thể phát triển sau nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Những tác dụng phụ muộn có thể xảy ra ở mọi nơi trong cơ thể, sẽ bao gồm các vấn đề về thể chất, như những vấn đề về tim phổi và ung thư thứ phát; những vấn đề về cảm xúc và nhận thức (trí nhớ, suy nghĩ và chú ý), như lo lắng, trầm cảm và gặp khó khăn trong học tập.

Dựa vào phương pháp điều trị trước đó, bác sĩ sẽ đề nghị làm những xét nghiệm cần thiết để kiểm tra các tác dụng phụ muộn. Đối với trẻ bị u sọ hầu, điều quan trọng là phải theo dõi các chức năng thị giác, nội tiết và chuyển hóa. Liệu pháp thay thế hormone hầu như luôn luôn cần thiết.

Chăm sóc theo dõi sau khi điều trị u sọ hầu ở trẻ em 2 Đội ngũ bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về việc điều trị tác dụng phụ cho trẻ

Béo phì

Trẻ em đã điều trị u sọ hầu thường gặp các vấn đề về trao đổi chất, tăng cân và béo phì. Tập thể dục, thể thao thường xuyên và thay đổi chế độ ăn uống thường được khuyến cáo. Ba mẹ có thể tham khảo chuyên gia dinh dưỡng có kinh nghiệm trong việc giúp đỡ những người sống sót sau ung thư để giảm thiểu tác dụng phụ này.

Liệu pháp thay thế hormone

Liệu pháp thay thế hormone là liệu pháp sử dụng thuốc để thay thế những hormone mà cơ thể không thể tự sản xuất đủ. Điều này cần thiết cho trẻ em bị u sọ hầu vì bản thân khối u hay quá trình điều trị khối u có thể làm ảnh hưởng đến các cơ quan tạo ra hormone, bao gồm cả tuyến yên và vùng dưới đồi.

Lưu giữ hồ sơ sức khỏe cá nhân của trẻ

Ba mẹ nên quản lý và lưu giữ hồ sơ y tế cá nhân của trẻ sau khi điều trị. Bằng cách này, khi đứa trẻ bước vào tuổi trưởng thành, trẻ có một bệnh sử rõ ràng về chẩn đoán, phương pháp điều trị và các khuyến nghị của bác sĩ về quá trình chăm sóc theo dõi.

Trong quá trình điều trị và chăm sóc theo dõi, một số trẻ tiếp tục điều trị ở bệnh viện cũ, hoặc chuyển sang bệnh viện và trung tâm chăm sóc sức khỏe khác. Quyết định này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại khối u, tác dụng phụ gặp phải, quy tắc bảo hiểm y tế và yêu cầu của gia đình. Nếu một bác sĩ không trực tiếp điều trị đứa trẻ bị u sọ hầu chịu trách nhiệm chăm sóc theo dõi sau điều trị, bản tóm tắt hồ sơ y tế cá nhân của trẻ sẽ giúp ích. Chi tiết về phương pháp điều trị cụ thể được đưa ra trước đó rất có giá trị đối với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe sau này.

Chăm sóc theo dõi sau khi điều trị u sọ hầu ở trẻ em 3 Lưu giữ hồ sơ cá nhân của trẻ giúp ích khi chuyển bệnh viện

Làm gì khi quá trình điều trị không đem lại hiệu quả?

Mặc dù tỷ lệ điều trị thành công bệnh u sọ hầu ở trẻ khá cao, song vẫn có những trường hợp thất bại. Trường hợp khối u của bệnh nhân không thể được chữa khỏi hay không thể kiểm soát được gọi là khối u tiến triển hoặc khối u giai đoạn cuối. Lúc này, chăm sóc an dưỡng cuối đời được thiết lập nhằm mang lại chất lượng sống tốt nhất cho những bệnh nhân có tiên lượng chỉ sống dưới 6 tháng. Ba mẹ và người giám hộ cần trao đổi với bác sĩ để biết về các lựa chọn an dưỡng cuối đời, bao gồm chăm sóc tại nhà, tại trung tâm an dưỡng cuối đời hoặc các trung tâm chăm sóc sức khỏe khác.

Trên đây là một số thông tin về chăm sóc theo dõi sau khi điều trị u sọ hầu ở trẻ em. Mong rằng bài viết đã mang đến cho bạn đọc thông tin bổ ích.

Khánh Vy

Nguồn: Yhoccongdong.com

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)