Nhà thuốc Hưng Thịnh

Viêm mũi dị ứng thời tiết là một dạng viêm mũi dị ứng thường gặp. Bệnh thường bùng phát vào một số thời điểm cụ thể trong năm, chẳng hạn vào mùa lạnh, hay khi thời tiết bước vào giai đoạn chuyển mùa gây ra không ít phiền toái đối với sinh hoạt, lao động cho người bệnh.

Cũng giống như viêm mũi dị ứng thông thường, viêm mũi dị ứng thời tiết xảy ra khi hệ miễn dịch “nhạy cảm” với các tác nhân dị ứng dẫn đến các triệu chứng như nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi,… Một số trường hợp, người bị viêm mũi dị ứng thời tiết còn thấy kèm theo mề đay, viêm kết mạc dị ứng…

Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng thời tiết

Như có đề cập ở trên, viêm mũi dị ứng thời tiết ở một số người sẽ bùng phát khi có các yếu tố dị ứng (dị nguyên) tác động. Theo nghiên cứu, viêm mũi dị ứng chỉ xảy ra khi có những yếu tố sau:

  • Cơ địa dị ứng: Đây là yếu tố chính trong cơ chế bệnh sinh của viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm da cơ địa, mề đay mẩn ngứa,… Thường những người có cơ địa dị ứng sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh lý dị ứng hơn so với bình thường. 

  • Di truyền: Viêm mũi dị ứng thời tiết có yếu tố di truyền, nên nếu bạn có người thân cận huyết (cha mẹ, chị em ruột, ông bà,…) mắc bệnh lý này hoặc các bệnh có cơ chế dị ứng khác như viêm kết mạc dị ứng, viêm da cơ địa, mề đay mãn tính thì bạn sẽ có nguy cơ mắc viêm mũi dị ứng thời tiết cao hơn.

  • Hệ miễn dịch suy giảm: Theo nghiên cứu, khi hệ miễn dịch ở một người bị suy giảm sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát các phản ứng dị ứng, trong đó bao gồm viêm mũi dị ứng thời tiết, nhất là với những đối tượng có chức năng đề kháng kém (trẻ nhỏ, người cao tuổi, người nhiễm HIV, tiểu đường).

  • Yếu tố thời tiết: Vào giai đoạn mùa lạnh hoặc giai đoạn chuyển mùa, viêm mũi dị ứng thời tiết thường sẽ bùng phát, sau đó giảm nhẹ hoặc thuyên giảm hết vào thời tiết ấm. Do các chất dị ứng trong không khí có xu hướng tăng lên đáng kể vào mùa lạnh/khi chuyển mùa, kích thích phản ứng dị ứng và gây ra phù nề, sưng viêm niêm mạc mũi.

Viêm mũi dị ứng thời tiết là gì Viêm mũi dị ứng thời tiết là một dạng viêm mũi dị ứng thường gặp.

Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng thời tiết không mấy khác biệt so với viêm mũi dị ứng thông thường, bao gồm:

  • Chảy nước mũi (thường là trong suốt, khi bội nhiễm sẽ chuyển sang màu vàng đục), nghẹt mũi, ngứa mũi…;

  • Hắt hơi liên tục khi tiếp xúc với không khí lạnh, nấm mốc, phấn hoa,…;

  • Ngứa cổ họng, ngứa mắt;

  • Niêm mạc mũi phù nề khiến dịch tiết hô hấp chảy xuống thành sau họng, kích thích phản ứng ho, tằng hắng (có khi kèm theo khàn tiếng và ngứa cổ họng);

  • Một số tổn thương da đi kèm do phát ban, nổi mề đay, viêm da cơ địa,…

Viêm mũi dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?

Viêm mũi dị ứng thời tiết có nguy hiểm không là thắc mắc của không ít người bệnh. Trên thực tế, bệnh lý này không quá nghiêm trọng (do không có sự tham gia của virus và vi khuẩn) nhưng bệnh chắc chắn gây ra cảm giác khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ cũng như chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân không thực hiện các biện pháp điều trị và chăm sóc đúng cách còn dẫn đến một số biến chứng thường gặp như ù tai, nhức đầu, tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp khác, hình thành polyp xoang, polyp mũi, bội nhiễm vi khuẩn… Nếu không điều trị sớm, tình trạng nhiễm trùng có nguy cơ lây lan sang các cơ quan kế cận hoặc thậm chí là những cơ quan xa như tim, khớp, thận,…

Cách điều trị viêm mũi dị ứng thời tiết

Viêm mũi dị ứng thời tiết hiện chưa có cách nào “cắt đứt” hoàn toàn mà chỉ có thể thuyên giảm dần sau khi thời tiết ổn định hoặc có thể biến mất hẳn mà không cần can thiệp. Nhưng phần lớn bệnh nhân đều gặp tình trạng bệnh tiến triển dai dẳng và tái phát vào thời điểm nào đó trong năm.

Bệnh nhân viêm mũi dị ứng thời tiết có thể làm giảm triệu chứng của bệnh bằng cách sử dụng thuốc cũng như áp dụng một số biện pháp hỗ trợ để tăng hiệu quả điều trị. 

Dưới đây là các biện pháp phổ biến bạn có thể tham khảo áp dụng:

Sử dụng thuốc Tây y 

Đây là phương pháp chính trong điều trị viêm mũi dị ứng nói chung và viêm mũi dị ứng thời tiết nói riêng để cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa – điều trị bội nhiễm (nếu có). Các loại thuốc trị bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết thường được sử dụng như: Thuốc kháng histamin H1 (Cinarizin, Chlorpheniramin, Promethazin, Loratadin,…), thuốc xịt mũi co mạch (Naphazolin, Xylometazolin,…) dùng trong trường hợp thuốc kháng histamin H1 không mang lại hiệu quả tối ưu, thuốc xịt mũi chứa corticoid, kháng sinh… 

Ngoài ra, bác sĩ chuyên khoa còn có thể chỉ định bệnh nhân dùng kèm thêm các viên uống hỗ trợ để nâng cao sức khỏe và tăng khả năng miễn dịch.

Cách điều trị viêm mũi dị ứng thời tiết Uống thuốc Tây là phương pháp chính trong điều trị viêm mũi dị ứng nói chung

Các biện pháp hỗ trợ

Bệnh nhân cần biết là việc sử dụng thuốc chỉ có thể giúp bạn kiểm soát triệu chứng của bệnh. Song song đó, bạn nên thực hiện kết hợp cùng các biện pháp hỗ trợ, tránh tình trạng lạm dụng và phụ thuộc thuốc quá mức.

  • Rửa mũi bằng nước muối sinh lý: Tác dụng của việc này là làm dịu niêm mạc hô hấp và hỗ trợ tăng cường dẫn lưu dịch; đồng thời cải thiện đáng kể các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa mũi. Mặt khác, rửa mũi thường xuyên còn giúp loại bỏ dịch tiết hô hấp, tránh tình trạng dịch tiết ứ đọng trong các hốc xoang, mũi và dẫn đến bội nhiễm. Bệnh nhân nên thực hiện rửa mũi bằng nước muối sinh lý từ 2 – 3 lần/ngày.

  • Sử dụng máy tạo độ ẩm: Khi thời tiết chuyển lạnh, khô hanh sẽ càng làm viêm mũi dị ứng thời tiết chuyển biến nặng hơn. Do đó, bên cạnh việc rửa mũi bằng nước muối sinh lý, bạn hãy dùng máy tạo độ ẩm để cải thiện triệu chứng.

  • Xông mũi với thảo dược: Bệnh nhân viêm mũi dị ứng thời tiết có thể dùng các loại thảo dược tự nhiên như tinh dầu tràm trà, gừng tươi, vỏ chanh, sả,… để xông mũi, giúp làm sạch dịch tiết hô hấp, giảm ngứa ngáy cũng như giúp cải thiện tình nghẹt mũi rõ rệt. 

Điều trị viêm mũi dị ứng thời tiết Rửa mũi bằng nước muối sinh lý.

Vật lý trị liệu

Viêm mũi dị ứng thời tiết còn có thể áp dụng biện pháp vật lý trị liệu để cải thiện triệu chứng. 

Những phương pháp chữa viêm mũi dị ứng bằng vật lý trị liệu bạn có thể tham khảo áp dụng như:

  • Bấm huyệt;

  • Châm cứu;

  • Cấy chỉ;

  • Thủy châm;

  • Cứu ngải…

Dùng Đông y

Theo ghi chép của tài liệu y học cổ, viêm mũi dị ứng có bản chất là ban hư tiêu thực ảnh hưởng bởi ba tạng chính là Phế, Tỳ, Thận. Trong Đông y, nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng được chia thành các thể như Phế hư cảm hàn, thận dương hư nhược, tỵ tắc uất nhiệt, Tỳ khí hư nhược, phế thất thanh túc,…

Do vậy, Đông y sẽ tập trung vào bổ thận, đẩy lùi tà khí, tăng cường chính khí, kiện tỳ, phục hồi chức năng Phế, Tỳ, Thận để điều trị căn bệnh này. Song song đó là tăng sức đề kháng cho người bệnh.

Chăm sóc và phòng ngừa viêm mũi dị ứng thời tiết

Chỉ một số thời điểm cụ thể trong năm (mùa lạnh, giai đoạn chuyển mùa) bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết mới tái phát. Do đó, sau khi điều trị, việc phòng ngừa bệnh là rất quan trọng.

Chăm sóc và phòng ngừa viêm mũi dị ứng thời tiết Ăn uống, nghỉ ngơi khoa học, thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức khỏe.

Bệnh nhân cần lưu ý thực hiện một số biện pháp phòng ngừa viêm mũi dị ứng thời tiết đơn giản sau:

  • Luôn sử dụng khẩu trang khi di chuyển và hoạt động ngoài trời để hạn chế hít phải các dị nguyên có trong không khí, đặc biệt là giai đoạn chuyển mùa;

  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, kết hợp dùng thiết bị lọc không khí để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn, phấn hoa, nấm mốc,…;

  • Súc miệng bằng nước muối, chải răng 2 – 3 lần/ngày để loại bỏ virus, vi khuẩn và các tác nhân dị ứng;

  • Tốt nhất là nên tắm nước ấm và giữ ấm cơ thể khi chuyển mùa;

  • Rửa mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý; 

  • Tránh/hạn chế tối đa việc tiếp xúc với những dị nguyên khác như lông chó mèo, thực phẩm dị ứng, hóa chất, khói thuốc, thuốc Aspirin,… 

  • Có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học, thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức khỏe.

Ngoài việc có chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh thì được chuẩn đoán bệnh và được giải quyết kịp thời bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết là điều cần thiết, đặc biệt là ở trẻ em. Tốt nhất người bệnh nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Tai Mũi Họng để thăm khám và điều trị.

Nam Anh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)