Nhà thuốc Hưng Thịnh

Bệnh lao đang có dấu hiệu bùng phát trở lại và có nguy cơ kháng thuốc nên việc điều trị gặp khó khăn và thách thức lớn. Ngoài ra, sự phối hợp đa hóa trị liệu trong các phác đồ điều trị lao đã làm tăng nguy cơ dị ứng thuốc lao.

Trong sử dụng thuốc kháng lao, vấn đề được quan tâm nhất vẫn là sử dụng thuốc sao cho thật hiệu quả, an toàn. Thời gian điều trị lao từ 6 tháng đến 1 năm, thậm chí lâu hơn nếu vi trùng lao thuộc loại kháng thuốc.

Chính vì thế một trong những nguyên tắc sống còn của điều trị là bệnh nhân không được tự ý ngưng thuốc giữa chừng vì điều này tạo điều kiện cho vi trùng lao hình thành khả năng kháng thuốc. Nhiều bệnh nhân từng mắc phải sai lầm này có thể dẫn đến nguy cơ dị ứng thuốc.

Tìm hiểu chung về thuốc điều trị lao

Thuốc chống lao là nhóm thuốc chuyên dùng trị vi khuẩn lao và có khá nhiều tác dụng phụ gây hại.

Thuốc chống lao được chia thành 2 nhóm dựa trên tác dụng và mức độ độc tính.

  • Những thuốc ban đầu (nhóm hạng 1), theo thứ tự thời gian cấp phép, gồm: Streptomycin (1944), isoniazid (INH, 1952), pyrazinamid (PZA, 1955), ethambutol (1967) và rifampicin (1971).
  • Các thuốc hàng thứ hai (hạng 2) được dùng trong trường hợp kháng thuốc hoặc bệnh nhân không dung nạp các thuốc hạng 1, bao gồm: Acid aminosalicylic (PSA, 1949), cycloserin (1956), kanamycin (1958), capreomycin (1971) và amikacin (1976).

Theo phác đồ điều trị lao cơ bản thì gồm năm loại thuốc cơ bản sau đây là Isoniazid (H), Rifampicin (R), Pyrazinamide (Z), Ethambutol (E) và Streptomycine (S). Trong trường hợp kháng thuốc thì các loại thuốc không điển hình mới được cầu cứu đến.

Cũng như mọi loại thuốc khác, tất cả các thuốc chống lao hiện nay đều có thể gây ra các phản ứng dị ứng, hay gặp nhất là do rifampicin (khoảng 6%), ethambutol và streptomycin, các thuốc còn lại như pyrazinamide, isoniazid, rifabutin ít gặp hơn.

van-de-di-ung-thuoc-lao-can-duoc-quan-tam-de-dung-thuoc-an-toan 1 Vấn đề dị ứng thuốc lao cần được quan tâm để dùng thuốc an toàn

Dấu hiệu và chẩn đoán khi bị dị ứng thuốc lao

Biểu hiện thường gặp khi dị ứng thuốc lao

Những biểu hiện dị ứng với thuốc chống lao có thể xuất hiện một cách cấp tính, sau dùng thuốc vài phút đến vài giờ, nhưng đa số trường hợp xuất hiện khá muộn, thường sau dùng thuốc từ vài ngày đến vài tuần, có trường hợp đến 2 tháng.

Do các phản ứng dị ứng với thuốc chống lao thường xuất hiện tương đối muộn và thường kết hợp với tình trạng nhiễm độc thuốc, cùng với việc phải dùng phối hợp đồng thời nhiều loại thuốc làm cho việc chẩn đoán chính xác loại thuốc gây dị ứng gặp khó khăn. Một số dấu hiệu thường gặp khi bị dị ứng thuốc lao:

  • Dị ứng da: Hồng ban, tróc vẩy, mụn nước, lichenoid, mụn trứng cá, họai tử biểu bì.
  • Biển hiện lâm sàng có thể nhẹ và thoáng qua với những triệu chứng như mày đay, ban đỏ, ngứa, sốt nhẹ sau dùng thuốc.
  • Biểu hiện nặng hơn như hồng ban đa dạng, đỏ da toàn thân, hội chứng Stevens Johnson, hội chứng Lyell.
  • Mất bạch cầu hạt, thiếu máu tan máu, xuất huyết giảm tiểu cầu do thuốc.
  • Sốc phản vệ và co thắt phế quản đôi khi có thể xảy ra, thường sau tiêm streptomycin.
  • Sạm da, thường là do thuốc pyrazinamid.
  • Tê rần, nóng rát ở tay chân do viêm thần kinh ngoại biên.
  • Độc ở gan làm tăng men gan, viêm gan, tổn thương gan. Đây là tác dụng phụ thường gặp nhất, các thuốc gây viêm gan thường gặp bao gồm: Pyrazinamid, isoniazid, rifampicin.
  • Độc ở thận và tai gây suy thận, tổn thương tiền đình: Đây là tác dụng phụ của streptomycin và các thuốc nhóm aminosid.
  • Tổn thương ở mắt như: Mù màu (thường không nhận biết được màu đỏ và màu xanh), nhìn mờ, viêm thần kinh thị giác (ethambutol).
  • Rối loạn về máu như mất bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, thiếu máu tán huyết (rifampicin, INH).
  • Tăng acid uric máu, có thể gây sưng đau khớp, đặc biệt ở những người đã có bệnh gút trước đây (Pyrazinamid, etambutol).

van-de-di-ung-thuoc-lao-can-duoc-quan-tam-de-dung-thuoc-an-toan 2 Biểu hiện thường gặp khi dị ứng thuốc lao

Chẩn đoán lâm sàng dị ứng thuốc lao

Bệnh nhân được chẩn đoán lao và được điều trị các thuốc lao hàng một như: S,R,H,Z,E và sau đó xuất hiện phản ứng da. Loại trừ các bệnh lý da khác: Ban xuất huyết, nhiễm nấm, viêm da tiếp xúc, ghẻ, các nguyên nhân khác của mề đay, nhiễm virus như thủy đậu, herpes zoster, sởi, rubella, giang mai. Khi ngừng các thuốc lao, phản ứng da giảm. Dùng lại thuốc lao, phản ứng da xảy ra. Kết luận thuốc gây phản ứng da.

Phân loại mức độ dị ứng thuốc lao như sau:

  • Mức độ 1 (nhẹ): Ngứa, đỏ da thoáng qua hoặc khó chịu nhẹ (< 48 giờ), không yêu cầu can thiệp y tế/liệu pháp điều trị. Mức độ tổn thương da nhẹ <10%.
  • Mức độ 2 (vừa): Đỏ da kéo dài có sốt hay không. Ảnh hưởng các hoạt động từ mức nhẹ đến mức trung bình, có thể cần hỗ trợ can thiệp y tế nhưng không nhiều. Mức độ tổn thương da vừa 10 đến 30%.
  • Mức độ 3 (nặng): Đỏ da, sốt kèm theo hạch, gan lách to, tổn thương niêm mạc, giảm tiều cầu, viêm gan, viêm thận, hội chứng Steven-Johnson. Ảnh hưởng các hoạt động một cách đáng kể, yêu cầu hỗ trợ điều trị tại chỗ hoặc nhập viện. Mức độ tổn thương da nặng > 30%.
  • Mức độ 4 (đe dọa tính mạng): Ảnh hưởng hoạt động rất nghiêm trọng, cần can thiệp điều trị tại bệnh viện.

Các xét nghiệm cận lâm sàng cần thực hiện để chẩn đoán dị ứng da: CTM, chức năng gan, chức năng thận, test dị ứng thuốc lao, Elisa HIV.

1673482019 199 Cach xu tri khi bi di ung thuoc lao Dị ứng thuốc lao thường kèm theo phản ứng ở da

Cách xử trí khi bị dị ứng thuốc lao

Điều trị những trường hợp dị ứng với thuốc chống lao bao gồm 2 vấn đề cơ bản là xử trí tình trạng dị ứng và tiếp tục điều trị bệnh lao như thế nào. Những trường hợp nhẹ chỉ có mày đay hoặc ban đỏ ngứa khu trú ở một số vị trí. Khi đó điều trị bằng các thuốc kháng histamin như: Cetirizin, chlorpheniramin…. thường là đủ để giải quyết các triệu chứng dị ứng. Trong những trường hợp này các thuốc chống lao vẫn có thể tiếp tục sử dụng cùng với thuốc chống dị ứng nhưng cần được theo dõi chặt chẽ.

Những trường hợp dị ứng nặng như ban đỏ da toàn thân, hội chứng Stevens – Johnson, hội chứng Lyell, mất bạch cầu hạt, thiếu máu tan máu, nếu không xác định được chính xác loại thuốc gây dị ứng, tất cả các thuốc chống lao cần được ngưng sử dụng ngay lập tức.Nếu tình trạng bệnh lao vẫn đang tiến triển, bệnh nhân nên được chuyển sang dùng các thuốc chống lao mới như levofloxacin, moxifloxacin, gatifloxacin phối hợp amikacin hoặc kanammycin.

Nếu các triệu chứng không thuyên giảm khi ngưng dùng các thuốc chống lao gây dị ứng và sử dụng thuốc kháng histamin, bệnh nhân có thể được điều trị một đợt corticosteroid liều thấp ngắn ngày. Sau khi các triệu chứng dị ứng thuyên giảm, có thể thử dùng lại các thuốc chống lao đã gây dị ứng, nên dùng thử lần lượt từng loại, cách nhau 2 đến 3 ngày.

Rifampicin nên được thử đầu tiên vì đây là thuốc quan trọng nhất trong phác đồ điều trị lao, sau đó đến isoniazid, streptomycin, ethambutol và pyranamide. Nếu triệu chứng dị ứng tái xuất hiện, thuốc cuối cùng thêm vào nên được ngưng sử dụng trước tiên. Nếu sau khi dùng thử đến 3 thuốc mà không tái lại các triệu chứng dị ứng thì thuốc thứ 4 không nên được thêm vào trừ khi triệu chứng dị ứng không nghiêm trọng và thuốc thứ 4 là cần thiết đối với tính trạng lao của người bệnh.

Phương pháp giải mẫn cảm thường chỉ định trong trường hợp: Thuốc gây dị ứng là thuốc không thể thay thế, thuốc gây dị ứng là thuốc có hiệu quả tốt nhất cho lựa chọn liệu pháp điều trị (first-line). Tuy nhiên phương pháp giải mẫn cảm chống chỉ định trong trường hợp: Hội chứng Stevens – Johnson), hội chứng Lyell, Dress, Hen phế quản (FEV1 < 70%), đang điều trị bằng thuốc chẹn beta, tiền sử sốc phản vệ nặng và bệnh gan thận nặng.

1673482022 396 Cach xu tri khi bi di ung thuoc lao Cần hiểu rõ một số biện pháp phòng ngừa dị ứng thuốc lao

Phòng ngừa dị ứng thuốc lao

Một số biện pháp phòng ngừa dị ứng khi dùng thuốc điều trị lao:

  • Thuốc phải dùng đúng các tên thuốc đã được chỉ định trong toa theo phác đồ. Không được bỏ bớt thuốc, thêm thuốc hoặc thay đổi thuốc một cách tùy tiện.
  • Thuốc phải dùng đủ liều và đủ thời gian: Vì thuốc kháng lao đều độc nên phải dùng đủ liều hàng ngày. Nếu quá liều sẽ bị độc tính của thuốc, còn bớt liều thì thuốc không có hiệu quả và làm cho vi khuẩn kháng thuốc. Phải dùng thuốc đủ thời gian quy định và không được ngưng sớm vì bệnh sẽ không lành, dễ tái phát mà khi tái phát sẽ nặng hơn.
  • Thuốc phải dùng đều đặn: Thuốc kháng lao thường dùng một lần duy nhất trong ngày, các thuốc sẽ uống cùng lúc trong thời gian dài, ngày nào cũng thế. Người bệnh cần cố gắng tuân theo, không nên tự ý chia thuốc ra nhiều lần để uống, cũng không được quên uống thuốc để rồi khi nhớ lại uống bù.
  • Lưu ý bệnh nhân những tác dụng phụ có thể xảy ra và yêu cầu báo ngay cho bác sĩ khi có triệu chứng bất thường xuất hiện.
  • Làm xét nghiệm định kỳ, đặc biệt là men gan để xem có rối loạn về gan.
  • Trong thời gian dùng thuốc điều trị lao, người bệnh không được uống rượu, bia và hạn chế hoặc tránh sử dụng thêm các thuốc có hại cho gan và thận, vì hầu hết các thuốc trị lao đều độc cho gan và được thải qua thận.

Ds Hải Vân

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)