Nhà thuốc Hưng Thịnh

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ là một bệnh lý khá phổ biến và gây ra nhiều phiền toái, khó chịu cho người bệnh. Tình trạng này xảy ra khi phần đĩa đệm bị tổn thương, thoát ra khỏi bao đĩa đệm do bị một lực đủ lớn tác động vào. Từ đó gây ra cảm giác đau nhức, tê bì và khó khăn trong vận động. Vậy cách chữa thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ là gì?

Tùy vào nguyên nhân, dấu hiệu và mức độ nặng của tổn thương mà sẽ có những cách chữa thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ khác nhau. Bên cạnh các phương pháp điều trị thì chúng ta cần lưu ý một số điều để hỗ trợ quá trình điều trị đạt hiệu quả hơn và tránh những tổn thương không mong muốn.

Thoát vị đĩa đệm là gì?

Đĩa đệm cột sống là phần nằm giữa các đốt sống, có cấu trúc gần giống như những miếng đệm, do đó có tác dụng làm giảm ma sát giữa các đốt sống, nâng đỡ những áp lực của phần đầu lên trên cổ. Phần nhân mềm, có tính đàn hồi và nằm ở phía trung tâm của đĩa đệm, giúp giảm thiểu các va chạm khi chúng ta vận động như đi, đứng, chạy bộ… Phần vỏ được cấu tạo bởi nhiều mô sợi đan xen với nhau, bao bọc phía bên ngoài đĩa đệm để bảo vệ phần nhân ở bên trong.

Thoát vị đĩa đệm cột sống là tình trạng bao đĩa đệm bị rách khi phải chịu một lực tác động đủ lớn, làm cho nhân ở phía bên trong thoát ra ngoài từ đó gây chèn ép vào rễ thần kinh của cột sống. Việc này gây ra cảm giác đau đớn, tê bì và khó khăn trong vận động cho người bệnh.

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ là tình trạng có xu hướng thường gây những biến chứng nặng hơn so với vị trí đốt sống lưng vì nó có nhiệm vụ di chuyển, nâng đỡ và phân bổ lực ở phần đầu. 

Cách chữa thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ? Những điều bạn cần chú ý khi điều trị 1Thoát vị đĩa đệm có thể gặp ở bất cứ ai

Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm

Trước khi tìm hiểu cách chữa thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ là gì để từ đó có biện pháp điều trị phù hợp. Nguyên nhân gây ra tình trạng thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ bao gồm cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan:

  • Do vấn đề về tuổi tác: Khi tuổi càng cao thì nguy cơ gặp phải tình trạng thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ càng lớn. Bởi lẽ xương của con người đã bắt đầu giai đoạn lão hoá khi bước vào độ tuổi từ 30 – 50. Bên cạnh đó, khi tuổi càng cao lượng nước trong cơ thể và khả năng đàn hồi ngày càng giảm nên rất dễ gặp phải những vấn đề về xương khớp, bao gồm cả thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ.

  • Do di truyền: Nếu trong gia đình có người đang mắc hoặc có tiền sử mắc phải thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ thì những thế hệ sau cũng sẽ có nguy cơ gặp phải tình trạng này.

  • Do gặp tai nạn hay chấn thương: Khi gặp phải tai nạn hoặc những chấn thương gây ra tác động đủ lớn lên cột sống, làm cho nhân ở phía trong thoát ra khỏi bao đĩa đệm bên ngoài và chèn ép lên các rễ thần kinh cột sống gây ra tình trạng thoát vị đĩa đệm.

  • Do những thói quen trong sinh hoạt và lao động: Trong quá trình sinh hoạt hoặc làm việc, mọi người thực hiện sai tư thế trong một thời gian dài sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn đến đốt sống cổ. Ngoài ra, trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như nằm xem tivi, ngồi bị vẹo sang một bên, ngủ gục trên bàn… cũng là một trong những yếu tố gây ra tình trạng thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ.

Cách chữa thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ? Những điều bạn cần chú ý khi điều trị 2Tuổi già là một trong những nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ gây triệu chứng gì?

Khi nhân đĩa đệm thoát ra ngoài và chèn ép vào rễ thần kinh của cột sống gây ra cảm giác đau đớn và khó khăn trong vận động. Một số triệu chứng như:

  • Đau nhức vùng cổ diện rộng: Từ những cơn đau khởi phát ở một đến hai đốt sống cổ, sau đó lan rộng ra vùng bả vai hoặc lan lên phía trên vùng sau đầu và hốc mắt.

  • Tê bì vùng tay và chân: Tình trạng thoát vị đĩa đệm sẽ gây chèn ép đến tủy sống gây tê bì từ vùng cổ ra toàn thân và sau đó là vùng chân tay.

  • Hạn chế vận động: Thoát vị đĩa đệm gây hạn chế vận động ở vùng cổ và cánh tay như không thể đưa cánh tay ra phía sau lưng hoặc lên trên cao, khó khăn khi cúi xuống hoặc ngửa ra đằng sau. Ngoài ra người bệnh còn gặp khó khăn khi đi bộ vì cảm giác căng cứng ở vùng bắp chân khi di chuyển.

  • Yếu cơ: Khi khối đĩa đệm chèn ép lên trên tủy sống gây ra tình trạng yếu cơ vùng chân sau đó đến yếu cơ tay. Từ đó khiến người bệnh đi lại không vững và run lên khi vận động quá mức.

  • Một số triệu chứng khác như đau vùng ngực, khó tiêu, táo bón…

Cách chữa thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ? Những điều bạn cần chú ý khi điều trị 3Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ khiến đau nhức vùng cổ diện rộng

Cách chữa thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ

Tùy vào mức độ tổn thương khác nhau mà sẽ có các cách chữa thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ khác nhau. Hiện nay, có hai phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ phổ biến là điều trị nội khoa bằng cách sử dụng thuốc hoặc điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật.

Điều trị nội khoa

  • Bao gồm sử dụng thuốc giảm đau, làm mềm cơ, chống viêm và giảm đau dây thần kinh. 

  • Trong những trường hợp nặng có thể chỉ định thuốc corticoid kết hợp với phương pháp vật lý trị liệu. Quá trình vật lý trị liệu bao gồm phương pháp sóng ngắn, sóng dài, xoa bóp, siêu âm và kéo giãn đốt sống cổ.

Điều trị ngoại khoa: Sau 6 – 8 tuần điều trị mà không thuyên giảm, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định điều trị ngoại khoa như:

  • Lấy đĩa đệm lối trước.

  • Tiếp cận lối sau.

  • Tiến hành phẫu thuật cắt phần đĩa đệm, cố định và hàn xương liên thân vùng đốt lối trước.

  • Giải ép vùng cột sống cổ lối sau.

  • Mở lỗ liên hợp ở lối sau.

Cách chữa thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ? Những điều bạn cần chú ý khi điều trị 4Cách chữa thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ bằng phương phương ngoại khoa

Ngoài các phương pháp điều trị, mọi người nên chú ý một số điều sau để đảm bảo quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất:

  • Nằm gối đầu cao vừa phải.

  • Tăng cường giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là vùng cổ khi trời trở lạnh.

  • Hạn chế uống đồ lạnh.

  • Bổ sung thêm canxi để cải thiện tình trạng thoái hóa của hệ xương khớp. Bên cạnh đó nên bổ sung thêm vitamin K2 và D3 để tăng khả năng hấp thụ cũng như lắng đọng canxi.

  • Không nên mang vác vật nặng, vận động quá sức.

  • Uống đủ nước mỗi ngày để đảm bảo chức năng chuyển hóa và thải trừ các chất của cơ thể.

  • Sau khi điều trị, tránh ngồi quá lâu ở một chỗ, vận động sai tư thế. Nên vận động cổ, cánh tay, vai bằng cách tự xoa bóp.

Trên đây là những cách chữa thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ cũng như nguyên nhân, dấu hiệu của tình trạng này. Mọi người cần chú ý để có thể phát hiện ra những tổn thương sớm nhằm tiến hành điều trị kịp thời và đạt hiệu quả cao hơn. Hãy theo dõi trang Nhà thuốc Hưng Thịnh để có thể nhận những thông báo về những bài viết tiếp theo nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: medlatec.vn

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)