Nhà thuốc Hưng Thịnh

Thoát vị đĩa đệm cột sống là một trong những bệnh lý có tỉ lệ mắc cao. Nhiều triệu chứng khó chịu và nguy hiểm mà bệnh gây ra như đau nhức, sưng tấy vùng lưng, nặng hơn là gây teo cơ, bại liệt…Với nền y học tiên tiến hiện nay thì phẫu thuật thoát vị đĩa đệm là một trong những phương pháp giúp kiểm soát hiệu quả căn bệnh này.

Cột sống có một vai trò rất quan trọng đối với cơ thể con người, có lẽ vì vậy mà rất nhiều người bệnh có tâm lý e ngại khi nhắc đến phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Vậy khi nào cần phải phẫu thuật thoát vị đĩa đệm? Phương pháp phẫu thuật này có nguy hiểm không? Cách chăm sóc sau phẫu thuật thế nào? Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Thoát vị đĩa đệm là gì?

Các phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm 1 Hình ảnh đĩa đệm bình thường và đĩa đệm bị thoát vị

Cột sống giữ vai trò quan trọng để nâng đỡ cơ thể. Đĩa đệm được nằm ở giữa các đốt sống, các đĩa đệm này có khả năng đàn hồi tốt và có nhiệm vụ hấp thụ xung động để từ đó bảo vệ cột sống.

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm bị rách nứt hoặc bao xơ, từ đó tạo ra các khe hở. Khi các khe hở xuất hiện, một chất nhầy của đĩa đệm cột sống sẽ bị thoát ra ngoài với tốc độ nhanh, từ đó hình thành khối thoát vị, chui vào ống sống gây chèn ép màng tủy và rễ thần kinh.

Có thể kể đến một số nguyên nhân, triệu chứng và hệ lụy của bệnh như:

  • Nguyên nhân: Một số nguyên nhân gây ra thoát vị đĩa đệm như làm việc sai tư thế, thường xuyên mang vác vật nặng, chấn thương cột sống do tai nạn, thoái hóa cột sống do tuổi tác…Ngoài ra còn một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như thừa cân, béo phì, thói quen đi giày cao gót thường xuyên, do mắc phải một số bệnh lý về cột sống như gù vẹo cột sống, gai đôi cột sống…

  • Triệu chứng: Một số triệu chứng có thể kể đến như đau thắt lưng dữ dội, có thể đau đột ngột từng cơn hoặc âm ỉ quanh vùng thắt lưng. Người bệnh có thể đau thắt lưng kèm theo đau thần kinh tọa, có cảm giác đau lan từ thắt lưng ra tới trước ngực, tê yếu 2 tay, đau nhiều hơn khi ngồi, ho, hắt hơi, đại tiện…

  • Hệ lụy: Nếu điều trị muộn hoặc sai phương pháp thì người bệnh có thể gặp phải một số hệ lụy như khó khăn khi vận động các chi, giảm hoặc mất khả năng lao động, bị tổn thương thần kinh tọa, không thể tự chủ khi đại hoặc tiểu tiện, rối loạn bàng quang, rối loạn chức năng ruột, nặng hơn có thể dẫn đến bại liệt, tàn phế…

Khi nào bạn nên phẫu thuật thoát vị đĩa đệm?

Đối với những bệnh nhân nhẹ, có thể can thiệp bằng thuốc thì các cơn đau có thể sẽ biến mất trong vài tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên với những trường hợp bệnh đã chuyển biến nặng, bệnh nhân bị đau kéo dài mà uống thuốc không thuyên giảm thì việc chỉ định phẫu thuật thoát vị đĩa đệm được coi là một lựa chọn hợp lý.

Phương pháp phẫu thuật này giúp loại bỏ đĩa đệm bị tổn thương và đồng thời đảm bảo rễ thần kinh hoặc tủy sống được giải nén. Ngoài ra, phương pháp này còn có thể giúp bệnh nhân giảm bớt các cơn đau và ngăn ngừa các biến chứng thần kinh như ngứa ran, tê mỏi hoặc yếu 2 tay.

Các phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm

Hiện nay, có 4 phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm phổ biến là phẫu thuật cắt khung sau cột sống, cắt bỏ vi mô, phẫu thuật đĩa đệm nhân tạo, hợp nhất cột sống. Sau khi bệnh nhân được tiến hành một vài xét nghiệm và chụp chiếu cần thiết, các bác sĩ sẽ chẩn đoán và đề nghị tiến hành một trong những loại phẫu thuật đĩa đệm kể trên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể được áp dụng một lúc nhiều phương pháp khác nhau trong cùng một ca mổ. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về từng phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm này nhé!

Phẫu thuật cắt khung sau cột sống

Đầu tiên, bạn sẽ được các bác sĩ tiến hành gây mê toàn thân. Sau đó các bác sĩ sẽ tạo một lỗ trong vòm đốt sống (lamina) bằng cách tiếp cận từ phía lưng, nơi đốt sống đang bị tổn thương. Điều này nhằm mục đích giảm áp lực lên các rễ thần kinh của bệnh nhân.

Các thao tác này sẽ được thực hiện qua một vết rạch rất nhỏ, đôi khi có thể cần sự hỗ trợ của kính hiển vi. Nếu cần thiết, các bác sĩ có thể loại bỏ lớp lamina. Đây còn được gọi là phương pháp cắt bỏ laminectomy.

Phẫu thuật cắt bỏ vi mô

Đây là phương pháp phẫu thuật phổ biến cho những bất thường ở đốt sống lưng. Phần đĩa đệm gây áp lực lên rễ thần kinh sẽ được loại bỏ hoặc toàn bộ đĩa sẽ được lấy ra nhờ phương pháp này.

Các bác sĩ sẽ tiếp cận đĩa đệm thông qua vết rạch ở lưng hoặc cổ của bệnh nhân. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ đặc biệt để tạo một vết rạch nhỏ hơn mà vẫn có thể đạt kết quả tương tự. Đây là thủ thuật mới và ít xâm lấn hơn.

Các phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm 2 Hình ảnh phẫu thuật thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp nội soi

Phẫu thuật đĩa đệm nhân tạo

Phương pháp phẫu thuật này được sử dụng cho những người bệnh gặp vấn đề về đĩa đệm ở lưng dưới. Tuy nhiên, đây không phải phương pháp tối ưu cho những bệnh nhân bị viêm khớp, loãng xương hay có nhiều đĩa đệm bị thoái hóa.

Khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân cũng sẽ được gây mê toàn thân. Sau đó bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ y tế để đi vào cột sống thông qua vết rạch ở bụng của bệnh nhân. Khi tìm ra những đĩa đệm bị hư hỏng, bác sĩ sẽ thay thế bằng đĩa nhân tạo được làm từ nhựa và kim loại.

Phẫu thuật hợp nhất cột sống

Trước tiên, bệnh nhân cũng sẽ được gây mê toàn thân. Với phương pháp này, hai hoặc nhiều đốt sống sẽ được hợp nhất vĩnh viễn với nhau. Bác sĩ sẽ thực hiện điều này bằng cách ghép xương từ bộ phận khác trong cơ thể của chính người bệnh hoặc của người hiến tặng.

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ sử dụng vít, thanh kim loại, nhựa được thiết kế phù hợp để hỗ trợ thêm nếu cần thiết. Điều này giúp phần cột sống bị tổn thương bất động vĩnh viễn.

Chăm sóc sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm

Các phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm thường có xu hướng phục hồi nhanh chóng, ít đau đớn. Vì vậy, bệnh nhân có thể chỉ cần ở lại bệnh viện và theo dõi trong một vài ngày, sau đó có thể về nhà.

Thông thường, các triệu chứng đau nhức sẽ biến mất khá nhanh sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, những khu vực vừa phẫu thuật gần cổ thì tình trạng đau cổ có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn. Biểu hiện tê hoặc yếu cánh tay có thể biến mất sau vài tuần nhưng cũng có thể là vài tháng hoặc lâu hơn. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng mà các tổn thương rễ thần kinh do đĩa đệm gây ra mà một số cơn đau, biểu hiện yếu hoặc tê ở cánh tay có thể tồn tại vĩnh viễn sau khi phẫu thuật.

Ở giai đoạn hậu phẫu, các bệnh nhân thường sẽ được nẹp cổ với độ dài khác nhau. Tùy vào thể trạng của từng người, các bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên như hạn chế các hoạt động, tránh thay đổi tư thế đột ngột hoặc thêm một vài yêu cầu riêng khác.

Hỗ trợ phục hồi và phòng tránh tái phát sau phẫu thuật

Để cột sống được phục hồi nhanh chóng, bạn nên thay băng hàng ngày, sử dụng đai lưng để cố định, không nên mang vác vật nặng, tránh đi thang bộ… Ngoài ra bạn nên tập một số động tác nhẹ nhàng như cúi, ưỡn hoặc nghiêng người để giãn cơ và tránh xơ dính. Bổ xung  các thực phẩm nhiều đạm và rau xanh để cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể.

Để phòng tránh các nguy cơ tái phát, bạn nên cố gắng duy trì cân nặng hợp lý để không gây ra những áp lực lên cột sống. Nếu có thể, hãy sử dụng các công cụ hỗ trợ vận động phù hợp. Ngoài ra, bạn cũng nên tăng cường tập các bài tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ giúp tăng cường sức khỏe cơ bụng và cơ lưng.

Các phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm 3 Tập các bài tập vật lý trị liệu giúp cột sống phục hồi nhanh sau phẫu thuật

Bài viết này Nhà thuốc Hưng Thịnh mong rằng đã giải đáp được một số thắc mắc của bạn về các phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống. Với nền y học hiện đại thì đây được coi là những phương pháp đơn giản nên bạn không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, để phòng ngừa các biến chứng không mong muốn, bạn hãy tìm đến những bệnh viện uy tín, nơi có những bác sĩ giỏi và tay nghề cao cũng như hệ thống máy móc hiện đại để tiến hành phẫu thuật nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)