Nhà thuốc Hưng Thịnh

Vùng mí mắt, chân mày là nơi chịu tác động trực tiếp bởi quá trình lão hóa. Độ tuổi sau 35, vùng mắt bắt đầu có nếp nhăn, chân mày chảy xệ, sụp hơn trông thấy. Phẫu thuật sụp mí mắt chính là cứu cánh giúp trẻ hóa và đẩy lùi tình trạng sụp mí mắt.

Phẫu thuật sụp mí mắt là một trong những lựa chọn hàng đầu cho những chị em muốn khắc phục tình trạng khuất tầm nhìn, lấy lại đôi mắt to đẹp và khỏe mạnh. Vậy phẫu thuật sụp mí mắt là gì? Hãy cùng Nhà Thuốc Hưng Thịnh tìm hiểu về chủ đề này trong bài viết dưới đây nhé!

Sụp mí là gì?

Sụp mí là tình trạng mí mắt trên rủ xuống mà biên độ của mi mắt giảm xuống dưới vị trí giải phẫu bình thường. Sụp mí là kết quả của rối loạn chức năng phức hợp nâng (cơ nâng mi trên, mạc nâng và cơ Mueller) và thường được bù lại bởi sự hoạt động của các cơ thứ phát như lực kéo của cơ trán.

Sụp mí có 3 mức độ chính:

  • Sụp mí mức độ nhẹ: Bờ mi nằm phía trên bờ đồng tử.

  • Sụp mí mức độ trung bình: Bờ mi nằm trên diện đồng tử (che 1 phần của đồng tử).

  • Sụp mí mức độ nặng: Bờ mi che toàn bộ diện đồng tử.

Các phương pháp phẫu thuật sụp mí mắt 1 Sụp mí mắt là gì?

Phẫu thuật sụp mí là gì?

Phẫu thuật sụp mí mắt là phương pháp nhằm cải thiện chức năng giải phóng diện đồng tử và hạn chế các biến chứng có thể xảy ra do sụp mí như: Giảm thị lực, nhược thị…đồng thời cải thiện thẩm mỹ.

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây sụp mí, mức độ sụp mí, kết quả đánh giá chức năng của cơ nâng mi cũng như các bệnh lý nền mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp với từng trường hợp.

Thời điểm phù hợp để phẫu thuật sụp mí của sụp mí bẩm sinh và sụp mí mắc phải là hoàn toàn khác nhau. Trường hợp sụp mí bẩm sinh nên thực hiện phẫu thuật sụp mí lúc trẻ đến độ tuổi 5 – 6 tuổi. Trong khi đó, ở những trường hợp sụp mí mắc phải, người bệnh cần được phẫu thuật khi giải quyết được nguyên nhân gây sụp mí đồng thời độ sụp mí phải ổn định.

Các phương pháp phẫu thuật sụp mí mắt 2 Phẫu thuật sụp mí mắt là giải pháp vàng giúp bạn sở hữu đôi mắt đẹp và tươi trẻ

Các phương pháp phẫu thuật sụp mí mắt

Phương pháp cắt cơ nâng mi

Đây là kỹ thuật ưa thích cho điều chỉnh hầu hết các loại sụp mí và cũng có thể áp dụng cho tất cả các trường hợp sụp mi từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng. Kỹ thuật này có thể thực hiện cùng với tạo hình mí mắt hoặc không.

Quy trình thực hiện:

  • Gây tê tại chỗ: Khi gây tê cần cẩn thận tránh làm sai lệch vị trí giải phẫu tự nhiên.

  • Rạch da, xác định sợi cơ vòng mi và cân cơ nâng mi.

  • Cắt cơ nâng mi: Mức độ cắt cơ phụ thuộc vào mức độ sụp mí và chức năng cơ nâng mi.

  • Treo tạm thời cân cơ nâng mí vào sụn mí bằng chỉ tự tiêu. Đánh giá vị trí của mi trên sau mũi khâu đầu tiên.

  • Khi mức độ cắt cơ nâng mi và vị trí mí trên được xác định, treo cân cơ nâng mi vào phía trên sụn mi bằng chỉ tự tiêu. Cắt bỏ phần cơ nâng mi thừa và có thể cắt bỏ da thừa (nếu cần) để tái tạo nếp mí. Khâu hồi phục lớp cơ vòng mi phía trên cơ nâng mi.

  • Khâu kín lại bằng chỉ nylon 6/0.

  • Băng kín vết mổ bằng urgo hoặc 3M strip.

Các phương pháp phẫu thuật sụp mí mắt 3 Phương pháp cắt cơ nâng mi áp dụng cho tất cả các trường hợp sụp mí

Phương pháp cắt cơ Muller và sụn kết mạc

Phương pháp này được chỉ định trong trường hợp sụp mí nhẹ và cơ nâng mi đàn hồi tốt. Ở phương pháp này, một phần của lớp phía sau bao gồm cả bờ trên của sụn mi, phần dưới của cơ Muller và kết mạc liên quan được cắt bỏ.

Quy trình thực hiện:

  • Gây tê tại chỗ và tiêm dưới da lidocain và epinephrine, tránh sự biến dạng của các lớp giải phẫu. Chờ tối thiểu 7 phút để tác dụng cầm máu của epinephrine có hiệu lực.

  • Mi trên được lộn ra, bộc lộ các bề mặt kết mạc và nằm dưới mặt đầu của sụn mi và cơ Muller. Một phần của lớp đằng sau bao gồm cả bờ trên của sụn mi và mở rộng về phía đầu sụn được cặp bằng hai kẹp mosquito giống hệt nhau, điều chỉnh vị trí của kẹp phù hợp sao cho song song với các đường cong tự nhiên của mí, để lại một dải 3 hoặc 4mm ở phía sau kẹp.

  • Khâu liên tục bằng chỉ không tiêu toàn bộ chiều dày mi trên từ da vào nằm ngang phía dưới kẹp và thoát ra qua da mí mắt ngoài. Dùng dao mổ cắt bỏ tổ chức phía trên các kẹp và tháo kẹp.

  • Băng lại vết mổ bằng ugo hoặc một miếng nhỏ 3M strip.

Phương pháp gấp cơ nâng mi

Đây là phương pháp được chỉ định cho những trường hợp bệnh nhân có mức độ sụp mí nhẹ và vừa, chức năng cơ nâng mi tốt và mong muốn can thiệp tối thiểu. Gấp cơ nâng mi có thể được thực hiện các phẫu thuật thẩm mỹ và các chức năng khác như tạo hình mí, nâng cung chân mày.

Quy trình thực hiện:

  • Gây tê.

  • Rạch da mí trên theo đường cong hoặc hình elip. Có thể cắt da và cơ vòng mi hoặc không. Sau khi xác định được cân cơ nâng mi, tiến hành bộc lộ cân cơ nâng mi.

  • Uốn nếp cân cơ nâng mi và gấp cơ nâng mi sao cho phù hợp với mức độ sụp mí.

  • Khâu gấp cơ nâng mi và khâu đóng vết mổ.

  • Băng kín vết mổ bằng urgo hoặc 3M strip.

Phương pháp treo mi vào cơ trán

Treo mi vào cơ trán là phương pháp được chỉ định trong trường hợp chức năng của cơ nâng mi kém hoặc không còn chức năng, bất kể mức độ sụp mi thường là sụp mí bẩm sinh.

Bản chất của phương pháp này là treo mí mắt trên vào cơ trán bằng các vật liệu alloplastic hoặc tự thân (cân đùi, gân gan tay dài) bằng các đường hầm dưới cơ vòng mi. Độ cao của mí đạt được bằng cách nâng chân mày. Điều kiện tiên quyết của phương pháp này là phức hợp cơ nâng mi còn đủ độ đàn hồi.

Quy trình thực hiện:

  • Đánh dấu 3 điểm phía trên cung mày và 4 điểm phía trên bờ mi.

  • Gây tê.

  • Rạch sâu vào sụn mi 4 điểm phía trên bờ mi cách bờ mi khoang 3mm. Sau đó rạch tới màng xương 3 điểm trên cung mày vừa đánh dấu.

  • Dùng dải cân hoặc gân hoặc vật liệu khác đã chuẩn bị trước đó luồn dưới cơ vòng mi qua trước sụn mi bằng kim Wright để treo mi. Cố định các vị trí treo mi bằng cách thắt chặt hoặc nới lỏng dây treo, cân được thắt nút và khâu bằng chỉ tự tiêu. Trong quá trình thực hiện cần thường xuyên kiểm tra và đánh giá vị trí của mi sao cho phù hợp.

  • Da được đóng trong da và khâu cò mi.

  • Băng vết thương bằng urgo hoặc 3M strip.

Chăm sóc sau phẫu thuật sụp mí mắt

  • Ngày đầu tiên: Uống thuốc theo đơn, chườm lạnh và vệ sinh mắt theo hướng dẫn.

  • Ngày thứ 2: Bóc bỏ băng (không cần băng lại nếu vết mổ khô), chườm lạnh và vệ sinh mắt theo hướng dẫn.

  • Ngày thứ 3: Chườm lạnh và vệ sinh mắt theo hướng dẫn.

  • Ngày thứ 5 – ngày thứ 7: Khám lại và cắt chỉ theo lịch hẹn.

Trường hợp đau nhiều, vùng mắt sưng nề, chảy máu hoặc dịch qua vết mổ, giảm thị lực cần liên hệ với bác sĩ để khám, theo dõi và xử lý kịp thời (nếu cần).

Một số lưu ý sau phẫu thuật sụp mí mắt

  • Chườm lạnh: Sử dụng túi gel hoặc đá lạnh chườm hai bên mắt, chườm ngay sau khi kết thúc phẫu thuật và tích cực chường trong 3 – 5 ngày đầu, chườm luân phiên 30 phút nghỉ 30 phút chườm hoặc 60 phút nghỉ 60 phút chườm.

  • Vệ sinh mắt: Bạn có thể vệ sinh bằng nước muối và betadine. Sử dụng tăm bông thấm nước muối sinh lý và lau nhẹ vết mổ (không ngoáy mạnh vào vết mổ). Nhỏ nước muối sinh lý để làm sạch mắt ngày 2 – 3 lần.

  • Khi ngủ, tránh tỳ đè vào vùng mổ. Bạn có thể ngủ ở tư thế nghiêng. Đảm bảo ngủ đủ giấc.

  • Về nguyên tắc, bạn chỉ cần kiêng các chất kích thích như bia, rượu…

  • Vận động nhẹ nhàng, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử trong vòng 3 – 5 ngày.

  • Rửa mặt và mát xa mặt: Trong 2 tuần đầu chỉ cần rửa mặt nhẹ nhàng với khăn. Từ tuần thứ 3 có thể dùng máy rửa mặt và từ tuần thứ 5 có thể mát xa mặt.

Các phương pháp phẫu thuật sụp mí mắt 4 Sử dụng túi gel hoặc đá lạnh chườm hai bên mắt sau phẫu thuật sụp mí mắt

Các biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật sụp mí

  • Sụp mí tái phát: Thông thường do điều chỉnh quá ít mức độ sụp mí bởi các nguyên nhân như: Chỉ định sai phương pháp phẫu thuật hoặc phương pháp phẫu thuật không hợp lý, cắt cơ nâng mi quá ít, không xác định được chính xác mức độ sụp mí… Tốt nhất đợi 6 tháng sau phẫu thuật lại.

  • Co mi trên: Do điều chỉnh quá mức. Nếu co mi ở mức độ nhẹ có thể khắc phục bằng việc massage mí mắt. Trong trường hợp co mi quá mức không hồi phục thì tốt nhất nên tiến hành phẫu thuật lại.

  • Các hình thái bất thường của nếp mí so với bên mắt lành: Mất nếp mí, nếp mí quá ngắn, có hai hay nhiều nếp mí…

  • Nhiễm trùng: Trường hợp này rất hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra nhất là trong các trường hợp khi có ghép các vật liệu tự thân hoặc vật liệu giả. Tất cả các khối máu tụ cần đáng kể cần được xử lý khẩn trương.

  • Nguy cơ thủng nhãn cầu: Đây là biến chứng đáng sợ nhất của bất kỳ phẫu thuật vùng mắt.

Ngoài ra còn một vài biến chứng khác có thể kể đến như: Mi trên bị lộn ra ngoài, bờ mi trên không cân đối, sẹo, sa kết mạc…

Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến phẫu thuật sụp mí mắt mà Nhà Thuốc Hưng Thịnh muốn chia sẻ với bạn đọc. Hy vọng những thông tin này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về phẫu thuật sụp mí, các phương pháp phẫu thuật sụp mí và cách chăm sóc sau phẫu thuật sụp mí. Đừng quên theo dõi trang web của Nhà Thuốc đề cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích khác nữa các bạn nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)