Nhà thuốc Hưng Thịnh

Lên máu hay còn được gọi là cao huyết áp, là một căn bệnh khá phổ biến, đặc biệt là ở người cao tuổi. Lên máu nếu không được sơ cứu kịp thời có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Hưng Thịnh sẽ cung cấp cho bạn đọc cách sơ cứu lên máu nhanh và chính xác nhất.

Lên máu là một tình trạng bệnh lý phổ biến, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu xảy ra quá đột ngột. Trước khi tìm hiểu cách sơ cứu lên máu chính xác, bạn đọc cần nắm được một số thông tin cơ bản về tình trạng này, bao gồm nguyên nhân và dấu hiệu của lên máu.

Lên máu là gì?

Bệnh lên máu hay còn được biết đến với tên gọi quen thuộc cao huyết áp (hay tình trạng tăng huyết áp đột ngột) là bệnh lý mãn tính, xảy ra khi áp lực của máu tác động lên thành mạch tăng cao bất thường. Lên máu làm tăng gánh nặng cho tim (do tim sẽ cần co bóp với lực lớn hơn bình thường để đẩy máu đi) và là nguyên nhân của nhiều bệnh lý tim mạch với những biến chứng nguy hiểm như: Nhồi máu cơ tim, suy tim, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não…

Một số loại lên máu thường gặp, bao gồm:

  • Lên máu vô căn (hay nguyên phát, bệnh cao huyết áp): Huyết áp tăng mà không do nguyên nhân cụ thể, chiếm đa số các trường hợp mắc lên máu với tỷ lệ lên đến 90%.

  • Lên máu thứ phát (lên máu có nguyên nhân do một số bệnh lý khác): Thường liên quan đến tình trạng bệnh lý tại thận, bệnh van tim, bệnh lý về động mạch hay một số bệnh do rối loạn nội tiết…

  • Tăng huyết áp kỳ tâm thu đơn độc: Lên máu chỉ trong kỳ tâm thu của tim trong khi huyết áp tâm trương ở mức bình thường. 

  • Lên máu ở phụ nữ mang thai (bao gồm lên máu thai kỳ và tiền sản giật): Lên máu khi mang thai là dấu hiệu cảnh báo những nguy cơ bệnh lý tim mạch trong giai đoạn thai kỳ mà người phụ nữ cần chú ý.

Khi mắc bệnh lên máu, áp lực máu lưu thông trong các mạch máu tăng cao, tạo nên sức ép lớn lên các mô và làm tổn thương dần các mạch máu trong thời gian dài.

Dấu hiệu nhận biết lên máu

Khi người bệnh bị cơn lên máu, chỉ số huyết áp sẽ tăng cao nhanh chóng và bất thường. Cùng với đó, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng kèm theo như:

  • Đau đầu, nhức đầu dữ dội.

  • Mệt mỏi.

  • Khó thở, đau tức ngực.

  • Tầm nhìn hạn chế, hoa mắt, chóng mặt.

  • Buồn nôn.

  • Nhịp tim nhanh bất thường.

  • Chảy máu mũi.

  • Có máu trong nước tiểu. 

  • Bất tỉnh nhân sự.

Các bước sơ cứu lên máu cần nắm rõ 1 Đau tức ngực là một trong những dấu hiệu lên máu

Các bước sơ cứu lên máu

Các bước sơ cứu lên máu đầu tiên

Sau khi nhận thấy bệnh nhân có những dấu hiệu của cơn lên máu, bạn nên thực hiện ngay những bước sau:

  • Gọi ngay số cấp cứu 115 hoặc bất kỳ sự trợ giúp nào bạn có thể tiếp cận để nhận được sự hướng dẫn và chuẩn bị đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

  • Thực hiện đo huyết áp để xác định rõ tình trạng lên máu và báo với nhân y tế trong trường hợp cần thiết.

  • Giữ bản thân bình tĩnh.

  • Loại bỏ những vật xung quanh có thể gây hại cho người bệnh như: Điện, nước, các vật sắc nhọn…

  • Loại bỏ những tác nhân khiến người bệnh lên máu như: Tức giận, kích động mạnh, rượu bia…

Các bước sơ cứu lên máu cần nắm rõ 2 Gọi 115 trước khi thực hiện sơ cứu lên máu

Trường hợp người bệnh lên máu còn tỉnh táo, có triệu chứng nhẹ 

Đối với những bệnh nhân bị lên máu mãn tính, trong nhiều trường hợp họ gặp phải tình trạng huyết áp tăng khẩn cấp, xảy ra khi huyết áp tăng lên mức 180/120mmHg nhưng không xuất hiện những dấu hiệu tổn thương cơ quan đích. Một số dấu hiệu người bệnh thường gặp khi huyết áp tăng cao đột ngột là cảm giác đau nhức vùng cổ vai gáy, cảm thấy chóng mặt, choáng váng và không thể đứng vững, khả năng nhận thức vẫn còn và người bệnh vẫn tỉnh táo, có thể nói chuyện được.

Trong tình huống này, các bác sĩ tim mạch khuyên rằng bạn không nên chủ quan và hãy thực hiện những điều sau:

  • Cho người bệnh nằm lên giường và nghỉ ngơi, hạn chế di chuyển, tránh bị kích động bởi âm thanh, ánh sáng. 

  • Tiến hành đo huyết áp sau mỗi 15 phút và liên hệ ngay với nhân viên y tế để nhận được những hướng dẫn dùng thuốc phù hợp. 

  • Trường hợp lên máu do quên uống thuốc hạ huyết áp trong ngày thì cần cho người bệnh uống thuốc, huyết áp sẽ mau chóng trở về mức bình thường. Những trường hợp này người bệnh rất ít khi gặp nguy hiểm hay phải nhập viện điều trị.

Các bước sơ cứu lên máu cần nắm rõ 3 Đo huyết áp khi thực hiện sơ cứu lên máu

Trường hợp người bệnh lên máu bị bất tỉnh hoặc đột quỵ

Một số bệnh nhân lên máu đột ngột có thể gặp các triệu chứng tổn thương các cơ quan đích, thường là não. Những triệu chứng này bao gồm: Xây xẩm, chóng mặt, thậm chí bất tỉnh. Để cấp cứu lên máu tại nhà lúc này, bạn hãy thực hiện theo các bước sau: 

  • Để người bệnh nằm yên tại chỗ, cơ thể người bệnh nghiêng qua một bên và nâng đầu người bệnh lên cao tạo 1 góc khoảng 30 độ để giảm nguy cơ nôn mửa và trào ngược hay hít sặc vào phổi. 

  • Tránh lay gọi quá mạnh hay di chuyển người bệnh, bởi sẽ khiến huyết áp tăng cao hơn và làm nguy cơ xuất hiện cơn đột quỵ cũng cao hơn.

  • Gọi xe cấp cứu hoặc người hỗ trợ gần nhất để đưa người bệnh đến cơ sở y tế một cách an toàn.

Cấp cứu lên máu tại nhà khi người bệnh đau tức ngực và khó thở

Lên máu đột ngột còn có thể gây tổn thương cơ quan đích là tim, dẫn tới tình trạng suy tim cấp, nhồi máu cơ tim với các biểu hiện như khó thở, đau tức ngực, tay chân lạnh, vã mồ hôi tay… Để sơ cứu bệnh nhân trong trường hợp này, bạn cần thực hiện theo các bước sau: 

  • Để người bệnh nằm yên tại chỗ, tránh ánh sáng và tiếng ồn. Người thực hiện sơ cứu lúc này không nên xoa bóp ngực, lưng hay nắn bóp chân tay. 

  • Mở rộng cửa sổ để bệnh nhân có không gian thoáng khí hít thở, tránh tụ tập đông người gây ồn ào, chật chội không gian cấp cứu bệnh nhân.

  • Nới lỏng quần áo giúp bệnh nhân và gọi cấp cứu để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất kịp thời.

Các bước sơ cứu lên máu nên nắm rõ 4 Lên máu có thể gây tổn thương tim

Một số lưu ý khi sơ cứu lên máu

Trong quá trình sơ cứu bệnh nhân lên máu, bạn cần chú ý một số điều sau: 

  • Tránh để người bệnh nói chuyện quá nhiều vì có thể gây kích thích làm huyết áp tăng cao hơn.

  • Trường hợp người bệnh có những dấu hiệu của đột quỵ, tuyệt đối không cho ăn hay uống bất kỳ loại thực phẩm nào, đặc biệt là đồ uống có cồn hay cà phê.

  • Không tự ý cho bệnh nhân sử dụng thuốc mà không có sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Trường hợp sử dụng phải loại thuốc hạ huyết áp mạnh có thể dẫn đến tổn thương các cơ quan do máu tới các cơ quan giảm đột ngột.

  • Sau khi thực hiện các bước sơ cứu lên máu, bạn hãy bình tĩnh đợi xe cấp cứu, không tác động mạnh vào người bệnh, có thể khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Tuyệt đối không sử dụng những phương pháp thiếu cơ sở khoa học như vắt chanh vào miệng, nặn máu đầu ngón tay, châm kim… khi bệnh nhân trong tình trạng yếu liệt. Sử dụng những phương pháp này gây đau đớn cho bệnh nhân, khiến huyết áp tăng cao hơn.

Trên đây là những bước sơ cứu lên máu cơ bản cũng như những thông tin khái quát xoay quanh tình trạng này. Đây là những kiến thức vô cùng hữu ích, đặc biệt là đối với bạn đọc bị lên máu hoặc có người thân gặp phải tình trạng này. Hy vọng Nhà Thuốc Hưng Thịnh sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của bạn trong tương lai. Xin kính chúc bạn đọc thật nhiều sức khỏe và bình an!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)