Nhà thuốc Hưng Thịnh

Bệnh lõm ngực là một dị tật bẩm sinh, thường phát triển từ giai đoạn bào thai. Triệu chứng duy nhất trẻ sơ sinh gặp phải đó là ngực xuất hiện hố lõm nhẹ, gây mất thẩm mỹ. Vậy khi trẻ trưởng thành, bệnh lõm ngực có thể gây những biến chứng gì về sức khỏe? Có những phương pháp nào giúp điều trị lõm ngực bẩm sinh ở trẻ?

Hiện nay, số trẻ em bị bệnh lõm ngực tại Việt Nam ngày càng tăng cao với tỷ lệ mắc giữa nam và nữ là 4 : 1. Triệu chứng ban đầu ở trẻ mới sinh thường không thể hiện rõ ràng. Tuy nhiên, khi trẻ trưởng thành, hố lõm sẽ sâu hơn khiến không chỉ gây mất thẩm mỹ mà hố lõm còn đè đẩy các cơ quan như tim và phổi gây biến chứng, ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của trẻ. Phương pháp điều trị hiệu quả nhất đó là phương pháp phẫu thuật Nuss, với độ tuổi phẫu thuật phù hợp từ 8 tới 12 tuổi.

Bệnh lõm ngực là gì?

Bệnh lõm ngực bẩm sinh với tên khoa học là Pectus Excavatum, gọi tắt là PE, là một dị tật bẩm sinh của lồng ngực. Do sự tăng trưởng không bình thường của các sụn sườn và xương ức tạo hố lõm ở lồng ngực.

Tuy đây là bệnh lý bẩm sinh, bệnh thường biểu hiện rõ hơn sau 1 tới 2 năm đầu đời. Khi bé phát triển, các triệu chứng sẽ tiến triển và gây biến chứng, đặc biệt thời kỳ dậy thì khi tâm sinh lý có nhiều biến chuyển. 

Bệnh lõm ngực được phân loại theo hai cách: Theo mức độ lõm và theo vị trí hố lõm. Để phân loại theo mức độ hố lõm, dùng một thước kẻ đặt ngang qua hố lõm. Sau đó đo khoảng cách giữa điểm sâu nhất của hố lõm tới thước kẻ gọi là khoảng cách A. Nếu A bé hơn hoặc bằng 1cm thì phân loại lõm ngực nhẹ, A có độ dài từ 1.5 tới 2.5 cm là lõm ngực trung bình, nặng nhất khi độ dài A lớn hơn 3cm.

Nếu phân loại theo vị trí hố lõm, thể bệnh có ba loại sau:

  • Lõm ngực đồng tâm: Vị trí hố lõm ở chính giữa so với xương ức. Loại lõm ngực này có tiên lượng phẫu thuật tốt.

  • Lõm ngực lệch tâm: Vị trí lõm lệch sang bên so với xương ức.

  • Lồng ngực phẳng: Hố lõm lớn làm ngực có dạng bị hẹp. Loại này khi mổ sẽ phức tạp hơn.

Bệnh lõm ngực: Nguyên nhân, biến chứng và điều trị 1 Lõm ngực bẩm sinh dễ thấy hơn ở bé trai

Nguyên nhân gây lõm ngực

Bệnh lõm ngực là một dị tật bẩm sinh, tức đa số bệnh đã hình thành khi trẻ vẫn còn là bảo thai. Vậy nên yếu tố di truyền chiếm phần quan trọng quyết định bệnh lõm ngực. Trong quá trình phát triển ở trong bụng mẹ, bé có thể bị rối loạn hướng phát triển sụn sườn hoặc xương ức khiến chúng dính lấy cơ hoành và phát triển lệch hướng vào trong. Các rối loạn bẩm sinh khác như loạn sản sụn sườn hay những rối loạn cấu tạo khác của bào thai cũng có thể xảy ra.

Yếu tố giới tính cũng góp phần gây ra bệnh lõm ngực. Mặc dù chưa giải thích được cơ chế cụ thể, tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ là 4 : 1, tức là cứ 4 bé trai bị lõm ngực mới có 1 bé gái bị lõm ngực. 

Bệnh lõm ngực: Nguyên nhân, biến chứng và điều trị 2 Lõm ngực có sự tham gia của yếu tố di truyền

Biến chứng bệnh lõm ngực

Ở trẻ mới sinh, bệnh lõm ngực thường chỉ có triệu chứng duy nhất là lồng ngực bị thụt nhẹ vào trong, khó phát hiện. Các triệu chứng xuất hiện khi trẻ bắt đầu trưởng thành, hố lõm cũng sâu hơn. Điều này không chỉ gây mất thẩm mỹ mà hố lõm còn chèn ép vào các cơ quan quan trọng như tim, phổi gây các biến chứng nặng.

Biến chứng đáng chú ý nhất đó là vấn đề thẩm mỹ. Khi trẻ càng lớn, lồng ngực sẽ càng biến dạng, tư thế của trẻ có thể trở nên gù vẹo, kém phát triển cơ ngực. Từ đó, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ.

Tiếp theo, hố lõm ngực có thể ảnh hưởng tới tim. Tùy vào vị trí lõm ngực đồng tâm, lệch tâm trái hay phải mà mức độ ảnh hưởng tới tim sẽ khác nhau. Thường tim sẽ bị đẩy ra khỏi vị trí bình thường, kéo theo sự co kéo của các bó thần kinh, bó mạch lớn. Điều này có thể gây rối loạn dòng tuần hoàn máu, gây giảm lượng tuần hoàn toàn cơ thể. Từ đó, bệnh nhân xuất hiện những triệu chứng:

  • Tim đập nhanh, đánh trống ngực, cảm giác tức ngực.

  • Cảm giác yếu, chóng mặt, chân tay rã rời.

  • Xanh xao, nhợt nhạt.

  • Chân tay dễ lạnh, đặc biệt vào mùa đông.

Ngoài ra, lõm ngực có thể tác động tới cấu tạo giải phẫu và chức năng của hai lá phổi. Dễ thấy nhất là thể tích lồng ngực bị giảm do hố lõm, khiến chức năng trao đổi của oxy bị giảm hiệu quả. Từ đó, biểu hiện các triệu chứng như:

  • Khó thở, đặc biệt khi hoạt động gắng sức hoặc chơi thể thao, tham gia giờ thể dục của trường. 

  • Ho khan, có thể xảy ra ban đêm hoặc khi gắng sức.

  • Nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi…

Phương pháp điều trị lõm ngực bẩm sinh

Phương pháp hiệu quả nhất để điều trị bệnh lõm ngực là thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên, cần lưu ý trẻ em trên 4 tuổi và có sức khỏe đảm bảo mới có thể thực hiện phẫu thuật. Độ tuổi phù hợp nhất để điều trị lõm ngực là từ 8 tới 12 tuổi. 

Trẻ cần được phẫu thuật lõm ngực trước thời kỳ dậy thì. Vì sau quá trình dậy thì, xương của trẻ sẽ phát triển toàn diện và cứng cáp hơn khiến việc phẫu thuật khó khăn hơn và khả năng lõm lại cao hơn.

Phương pháp phẫu thuật Nuss là kỹ thuật mổ hiện đại để điều trị bệnh nhân lõm ngực bẩm sinh. Kỹ thuật Nuss được thực hiện bằng cách:

  • Rạch hai đường rạch ngắn dài 2 tới 3cm ở hai bên lồng ngực ngang vị trí hố lõm, dưới sự hướng dẫn của nội soi lồng ngực.

  • Sử dụng một thanh kim loại luồn qua giữa xương ức và hố lõm.

  • Làm nền để nâng vị trí hố lõm ngực lên. 

Đây là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, hiệu quả cao và khả năng hồi phục hậu phẫu tốt. Phẫu thuật Nuss đã được tiến hành hơn 20 năm và giúp nhiều bệnh nhân quay trở lại với cuộc sống bình thường.

Bệnh lõm ngực: Nguyên nhân, biến chứng và điều trị 3 Phương pháp Nuss là phẫu thuật tối ưu điều trị lõm ngực bẩm sinh

Biến chứng sau mổ lõm ngực

Phương pháp phẫu thuật Nuss tương đối an toàn, ít xâm lấn, mất ít máu và thời gian phục hồi ngắn. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng cũng như gặp các nguy cơ biến chứng hậu phẫu như:

  • Đau nhất trong ba ngày sau mổ. Cơn đau thường giảm dần và hết đau hẳn sau 2 tháng.

  • Nhiễm trùng vết mổ: Biểu hiện sưng đỏ, đau nóng tại vị trí vết mổ, có thể xuất hiện sốt. Biến chứng này ít xảy ra, đặc biệt khi bệnh nhân được theo dõi và chăm sóc hậu phẫu tại bệnh viện.

  • Dị ứng thanh đỡ ngực: Tỷ lệ gặp phải là 2 – 3%. Do cơ thể bệnh nhân không thích nghi khi có “vật lạ” là thanh đỡ ở trong người. Triệu chứng gặp phải là vết mổ lồi lên, vỡ rỉ dịch ra bên ngoài hay vết mổ khó liền. Xử trí bằng phẫu thuật lấy thanh đỡ ra.

Trên đây là bài viết của nhà thuốc Hưng Thịnh về bệnh lõm ngực. Hy vọng với bài viết, bạn có thể biết được những thông tin cơ bản về chủ đề này. Lõm ngực ở trẻ sẽ không gây nguy hiểm nếu trẻ được phát hiện và điều trị kịp thời. Kỹ thuật điều trị tốt nhất là phương pháp phẫu thuật Nuss với độ tuổi phù hợp để thực hiện phẫu thuật là từ 8 tới 12 tuổi. Trẻ nên được phẫu thuật trước tuổi dậy thì để tránh những biến chứng do hố lõm ngực gây ra cũng như tránh khả năng tái phát sau phẫu thuật.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)