Nhà thuốc Hưng Thịnh

Bệnh dại ở người là một trong những căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong rất cao. Bệnh lây truyền qua các chất tiết nhiễm virus dại (thường là nước bọt qua vết cắn). Hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho người mắc căn bệnh này.

Theo thống kê, bệnh dại xuất hiện ở tất cả các châu lục và có đến 95% trường hợp tử vong do bệnh dại xảy ra ở khu vực châu Á và châu Phi. Vậy bệnh dại là gì? Triệu chứng của bệnh dại bao gồm những gì? Các biện pháp nào giúp phòng và điều trị bệnh dại? Hãy cùng Nhà Thuốc Hưng Thịnh tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Bệnh dại ở người là gì?

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại gây nên, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn hay liếm trên vùng da đang có tổn thương của động vật mang virus gây hại.

Tác nhân gây bệnh dại ở người

Virus dại thuộc họ Rhabdovirus, chủng Lyssa, có ARN hình viên đạn và có đường kính khoảng 75 – 80nm. Sức đề kháng của loại virus này yếu, dễ bị bất hoạt bởi ánh sáng mặt trời, sức nóng và nhạy cảm với xà phòng và formol.

Virus dại có nhiều trong nước bọt, nước tiểu hay dịch não tủy của súc vật bị bệnh và xâm nhập vào cơ thể con người qua vết cắn hoặc xây xước ngoài da.

Bệnh dại ở người là gì? Những điều cần biết về bệnh dại ở người 2 Virus dại là tác nhân gây bệnh dại ở người

Cơ chế bệnh sinh của bệnh dại ở người

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus nhân lên trong tế bào cơ vân rồi theo các sợi trục của hệ thần kinh ngoại vi di chuyển hướng tâm lên hệ thần kinh trung ương vào các hạch tủy sống và các neuron thần kinh. Sau khi xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương, virus khuếch tán ra các sợi trục của thần kinh ngoại biên đến các cơ quan và tổ chức khác trong cơ thể như tuyến nước bọt, tủy, tim, phổi…

Triệu chứng của bệnh dại ở người

Trên lâm sàng, bệnh dại tiến triển theo 3 thời kỳ bao gồm: Thời kỳ ủ bệnh, thời kỳ khởi phát và thời kỳ toàn phát.

Thời kỳ ủ bệnh

Thời kỳ ủ bệnh của bệnh dại dài hay ngắn phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, tình trạng vết cắn, sức đề kháng của vật chủ và khoảng cách từ vết cắn đến hệ thần kinh trung ương.

Trung bình thời gian ủ bệnh khoảng 40 ngày: Tối thiểu 7 ngày và tối đa có thể lên tới 1 năm hoặc hơn 1 năm. Trong giai đoạn này, người bệnh hoàn toàn không có bất kỳ triệu chứng nào.

Thời kỳ khởi phát của bệnh dại

Xảy ra 2 – 4 ngày trước khi cơn dại xuất hiện. Người bệnh có thể xuất hiện một số biểu hiện sau:

  • Thay đổi tính tình: Người bệnh thường xuyên mất ngủ, bồn chồn, có lúc hoảng thốt, lo âu, buồn bã hoặc nói nhiều, thậm chí có thể tìm cách xa lánh mọi người hoặc tự cách ly với những người xung quanh.

  • Có cảm giác tê bì, nhức hoặc co cứng cơ nơi bị cắn.

  • Ngoài ra, người bệnh còn có thể có một số biểu hiện khác như chán ăn, mệt mỏi, sốt, đau mỏi cơ bắp hay một số dấu hiệu ít gặp hơn như đau đầu, bí tiểu, đau bụng và buồn nôn.

Thời kỳ toàn phát 

Thời kỳ này thường xuất hiện dưới 2 thể lâm sàng đó là thể hung dữ và thể liệt.

Ở đối tượng người trưởng thành:

  • Thể hung dữ là thể hay gặp nhất, chiếm tỷ lệ 80%. Hầu hết các trường hợp đều có những biểu hiện của kích thích hành tủy như rối loạn hô hấp, sợ nước và sợ gió, dần dần xuất hiện các cơn co thắt họng và thanh quản, tăng kích thích các giác quan và rối loạn thần kinh thực vật. Cơn đau dương vật và xuất tinh tự nhiên là biểu hiện hay gặp nhất ở nam giới.

  • Thể liệt là thể dễ bỏ qua và hay chẩn đoán nhầm, chiếm 20%. Thể liệt là liệt kiểu hướng dương, liệt từ chân lan dần lên trên cuối cùng gây liệt hành tủy và tử vong. Thể liệt bao gồm một số biểu hiện như: Bí đại tiểu tiện, bụng chướng dần, liệt các cơ hô hấp, liệt tay, nuốt sặc… 

Ở đối tượng trẻ em:

  • Thể hung dữ diễn biến thầm lặng hơn người lớn, ít đạp phá và kích động, dấu hiệu sợ nước, sợ gió không rõ rệt, trẻ khó chịu và bồn chồn, chướng bụng, trụy tim mạch và tử vong.

  • Thể liệt cũng là liệt hướng thượng dương, rối loạn hành tủy và tử vong. Tuy nhiên cần phân biệt với bại liệt.

Bệnh dại ở người là gì? Những điều cần biết về bệnh dại ở người 3 Sốt, mệt mỏi, đau đầu kéo dài là những triệu chứng có thể có ở người mắc bệnh dại

Các biện pháp phòng và điều trị bệnh dại ở người

Các biện pháp điều trị bệnh dại

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho người mắc bệnh dại khi đã lên cơn. Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Cụ thể:

Giảm kích thích, kích động cho người bệnh:

  • Bố trí cho người bệnh nằm tại phòng cách ly riêng biệt và hạn chế ánh sáng cũng như tiếng động.

  • Sử dụng một số thuốc an thần như seduxen hoặc hỗn hợp cocktail lytic (gồm Aminazin, Dolargan và Dimedrol) theo y lệch của bác sĩ.

  • Theo dõi tình trạng kích thích của người bệnh (thể hung dữ) hoặc tình trạng liệt hướng thượng (thể liệt). Trường hợp bệnh nhân kích thích quá mức cần sử dụng các biện pháp cưỡng chế.

Đảm bảo thông khí cho bệnh nhân:

  • Để người bệnh nằm tư thế đầu cao, dễ thở thậm chí có thể cho người bệnh thở oxy hỗ trợ.

  • Hút đờm dãi cho người bệnh.

  • Nếu có biểu hiện liệt hô hấp có thể bóp bóng, đặt nội khí quản hoặc sử dụng máy thở.

  • Theo dõi nhịp thở, kiểu thở, tình trạng tăng tiết đờm và co kéo cơ hô hấp của người bệnh để có hướng xử lý kịp thời.

Bệnh dại ở người là gì? Những điều cần biết về bệnh dại ở người 4 Tuân thủ y lệnh của bác sĩ giúp việc điều trị bệnh hiệu quả và an toàn

Các biện pháp phòng bệnh dại ở người

Khi chưa có dịch:

  • Chó mèo nuôi phải được tiêm chích vaccine đầy đủ, khi ra đường phải có rọ mõm.

  • Tích cực tuyên truyền giáo dục sức khỏe phòng chống bệnh dại.

  • Đối với những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh dại cao cần được tiêm phòng dại.

Khi có dịch:

  • Khi phát hiện chó dại phải diệt ngay. Nghiêm cấm các trường hợp bán chạy ở nơi đang có dịch sang nơi khác nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch sang những vùng lân cận.

  • Những người bị chó dại cắn cần phải đi tiêm phòng ngay, càng sớm càng tốt.

  • Đối với những trường hợp bị súc vật nghi dại cắn cần chú ý: Tất cả các súc vật nghi dại cần được nhốt và theo dõi trong vòng 10 ngày, rửa vết cắn bằng nước xà phòng đặc 20% kết hợp dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn, tiêm phòng uốn ván.

Bệnh dại ở người là gì? Những điều cần biết về bệnh dại ở người 5 Tiêm phòng dại là một trong những biện pháp giảm nguy cơ mắc bệnh dại

Bệnh dại ở người là một trong những bệnh nhiễm trùng hiếm gặp tuy nhiên, căn bệnh này lại gây ra hậu quả rất nghiêm trọng tại não và dây thần kinh. Hy vọng những thông tin về bệnh dại Nhà Thuốc chia sẻ trên đây có thể giúp bạn phần nào đó hiểu rõ hơn về căn bệnh này. Chúc bạn đọc thật nhiều sức khỏe! Đừng quên theo dõi các bài viết trên web của Nhà Thuốc Hưng Thịnh để cập nhật cho mình nhiều thông tin hữu ích khác nữa bạn nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)