Nhà thuốc Hưng Thịnh

Bệnh cường giáp ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người bệnh do cơ quan này tăng cường sản xuất các hormone T3, T4 – hormone tham gia vào quá trình chuyển hóa của cơ thể. Vậy liệu bệnh cường giáp có chữa khỏi được không?

Bệnh cường giáp gây suy giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị. Khi bị bệnh cường giáp, người bệnh sẽ có các biểu hiện: Run tay, tăng nhịp tim, tăng huyết áp, đổ mồ hôi nhiều, sụt cân, mệt mỏi. Mong rằng qua bài viết sau, bạn sẽ giải đáp được thắc mắc rằng bệnh cường giáp có chữa khỏi được không.

Các triệu chứng của bệnh cường giáp

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết hình bướm nhỏ nằm phía trước cổ sản xuất các hormone T3 (triiodothyronine) và T4 (levothyroxine). Những hormone này đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, điều hòa nhiệt độ và kiểm soát nhịp tim.

Cường giáp xảy ra khi tuyến giáp sản xuất nhiều hormone tuyến giáp hơn mức cơ thể cần. Nguyên nhân của cường giáp: Bệnh Basedow (một bệnh rối loạn nội tiết phổ biến với bướu to ở cổ, thường lan tỏa và gây ra 70% các trường hợp cường giáp), nhân giáp hoạt động quá mức, viêm tuyến giáp, ăn quá nhiều thực phẩm có chứa i-ốt, dùng quá liều thuốc hormone tuyến giáp…

Bệnh cường giáp có chữa khỏi được không? Những lưu ý khi điều trị bệnh cường giáp 2 Mô tả tuyến giáp bị tổn thương do bệnh cường giáp gây ra

Bệnh cường giáp biểu hiện rõ nhất qua các triệu chứng sau:

  • Gầy sút cân: Chuyển hóa quá mức của một người bị cường giáp khiến ngay cả khi chế độ ăn uống của họ vẫn diễn ra bình thường hoặc tăng cường, họ vẫn sẽ không thể tăng cân, ngược lại còn bị sụt cân nhiều trong thời gian ngắn, cần phải điều trị để khắc phục tình trạng này.

  • Nhịp tim nhanh: Khi tiết ra quá nhiều hormone tuyến giáp, cơ quan đầu tiên bị ảnh hưởng là tim. Lúc này, người bệnh thấy tim đập nhanh, loạn nhịp tim hoặc cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực. Đo nhịp tim đạt hơn 100 nhịp mỗi phút. Tình trạng này khiến người bệnh cảm thấy bồn chồn, lo lắng và khó thở. 

  • Rối loạn tiêu hóa.

  • Phì đại tuyến giáp: Giống như bướu cổ, tuyến giáp tăng kích thước khiến cổ họng của bệnh nhân sưng to lên. Đôi khi có thể nghe thấy tiếng thổi trong tuyến giáp. 

  • Kém vận động: Chuyển hóa quá mức do tăng hormone tuyến giáp T3 và T4 cũng ảnh hưởng đến sức khỏe cơ bắp. Người bệnh thường cảm thấy yếu, mệt mỏi, giảm chất lượng cuộc sống và công việc. 

  • Stress, tinh thần căng thẳng: Bệnh nhân thường trải qua các cơn kích động và cáu kỉnh quá mức mà không rõ lý do. Bệnh nhân cũng dễ bị căng thẳng, trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ…

  • Rối loạn nội tiết: Tình trạng này phổ biến hơn ở phụ nữ và có thể gây ra chu kỳ kinh nguyệt không đều. 

  • Tăng thân nhiệt: Bệnh nhân cường giáp rất nhạy cảm với nhiệt độ và thân nhiệt luôn cao hơn bình thường do quá trình chuyển hóa sinh ra nhiệt. Kết hợp với nhiệt độ môi trường cao dễ bị sốt và mệt mỏi.

Bệnh cường giáp có chữa khỏi được không? Những lưu ý khi điều trị bệnh cường giáp 3 Bệnh Basedow gây ra 70% các trường hợp cường giáp

Bệnh cường giáp có chữa khỏi được không?

Bệnh cường giáp là một bệnh tự miễn. Vì vậy nếu bạn đang thắc mắc bệnh cường giáp có chữa khỏi được không thì câu trả lời là bệnh sẽ không tự khỏi nếu không điều trị. Cần phải điều trị duy trì trong khoảng thời gian dài để có thể đưa tuyến giáp về trạng thái hoạt động bình thường, ngoài ra còn cần dự phòng các biến chứng có thể xảy ra của bệnh.

Hiện nay, có 3 phương pháp điều trị bệnh cường giáp chính là điều trị nội khoa bằng thuốc, xạ trị và phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp. Điều trị nội khoa luôn được ưu tiên hàng đầu và nếu bệnh nhân không đáp ứng với điều trị hoặc nếu tình trạng nghiêm trọng hơn, hai phương pháp điều trị còn lại sẽ được xem xét.

Hầu hết các trường hợp cường giáp có bướu giáp lan tỏa độ 1 hoặc cường giáp với kích thước tuyến giáp bình thường đều được điều trị nội khoa bằng thuốc liên tục từ 18 đến 24 tháng là khỏi bệnh. Thuốc kháng giáp đóng một vai trò quan trọng trong quá trình điều trị này, cùng với thuốc tim mạch và thuốc chẹn beta để điều trị các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. 

Bệnh nhân cường giáp với tuyến giáp phì đại hoặc bướu giáp độ 2 – 3 thường phải kết hợp phẫu thuật, xạ trị, điều trị bằng thuốc để làm giảm các triệu chứng (tim đập bình thường, không còn run tay, tăng huyết áp cân bằng, mạch bình thường).

Ngoài ra, một số đối tượng khác cũng được chỉ định phẫu thuật: 

  • Bệnh Basedow tái phát nhiều lần sau điều trị nội khoa.

  • Bướu giáp to, bướu đa nhân hoặc bướu chìm trong lồng ngực.

  • Bệnh nhân muốn có thai sớm.

Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ phẫu thuật có thể cắt bỏ tuyến giáp gần như hoàn toàn, chỉ để lại 2 – 3 gam mỗi thùy hoặc cắt tuyến giáp toàn bộ. Đối với trẻ nhỏ có thể để lại mô giáp ít hơn vì lứa tuổi này thường dễ tái phát hơn.

Như vậy, bệnh cường giáp hoàn toàn có thể chữa khỏi. Khi bệnh được chữa khỏi, tuyến giáp ngừng tăng kích thước, sản xuất hormone tuyến giáp trở lại bình thường, các triệu chứng của bệnh giảm dần và biến mất.

Bệnh cường giáp có chữa khỏi được không? Những lưu ý khi điều trị bệnh cường giáp 4 Bệnh cường giáp có chữa khỏi được không? Câu trả lời là có

Tuy nhiên, ngay cả khi đã điều trị khỏi bệnh, bệnh nhân vẫn cần đi khám bệnh 3 tháng/1 lần trong năm đầu và 1 năm lần trong những năm tiếp theo để phòng bệnh tái phát. Nếu bệnh tái phát, có thể điều trị lại bằng thuốc kháng giáp hoặc xạ trị.

Những lưu ý khi điều trị bệnh cường giáp

Cường giáp là bệnh rối loạn nội tiết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Nếu không điều trị đúng cách và kịp thời, người bệnh rất dễ bị rung nhĩ, đột quỵ, loãng xương, khó mang thai (ở phụ nữ)…

Ngoài ra, bệnh nhân có thể xuất hiện cơn bão giáp đe dọa tính mạng (cơn nhiễm độc giáp). Cơn bão giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất và giải phóng một lượng lớn hormone tuyến giáp trong một khoảng thời gian ngắn. 

Các triệu chứng của cơn bão giáp:

  • Sốt cao, nhiệt độ có thể lên 40 đến 42 độ C. 

  • Nhịp tim nhanh, trên 140 nhịp/phút. 

  • Bệnh nhân trở nên kích động, lo lắng, lơ mơ. 

  • Trong một thời gian ngắn, bệnh nhân bị suy tim sung huyết, tim giảm khả năng bơm máu, không đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể và sẽ gây ra tình trạng tắc nghẽn máu ở tim, phổi và các mô, cơ quan. 

Điều trị cường giáp giúp bệnh nhân chấm dứt tình trạng bệnh, tránh tăng thời gian bệnh, gây hại cho sức khỏe, công việc và tốn kém tài chính. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần tuân theo chỉ định của bác sĩ và dùng thuốc với liều lượng phù hợp. Nếu thấy bất thường, hãy hỏi ý kiến ​​bác sĩ để có những điều chỉnh phù hợp. 

Những người bị cường giáp (ngay cả khi đã điều trị) tránh ăn quá nhiều thực phẩm giàu i-ốt, chẳng hạn như rau cần tây, bắp cải, cải xoong, hải sản, rong biển, lòng đỏ trứng… Lượng i-ốt được khuyến nghị sử dụng là 150 microgam (mcg)/ngày.

Bệnh cường giáp có chữa khỏi được không? Những lưu ý khi điều trị bệnh cường giáp 6 Người bị cường giáp tránh ăn quá nhiều thực phẩm giàu i-ốt

Căng thẳng là một trong những yếu tố dẫn đến sự phát triển của cường giáp ở bệnh nhân mắc bệnh Basedow. Vì vậy, ngoài chế độ ăn ít i-ốt, người bệnh nên tránh căng thẳng mà thay vào đó là tập yoga hoặc tập thể dục để thư giãn.

Ngoài ra, bệnh nhân bị cường giáp không được chọc kim vào khối u, dùng dao lam cắt khối u… khiến khối u bị nhiễm trùng, gây áp xe, khiến việc điều trị càng trở nên khó khăn hơn.

Bệnh cường giáp có chữa khỏi được không còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tuy nhiên, vì là bệnh rối loạn tự miễn nên cần phải tiếp tục điều trị và đến bệnh viện thăm khám thường xuyên sau khi điều trị để ngăn ngừa bệnh tái phát. Để được chẩn đoán và điều trị chính xác, hãy tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)