Nhà thuốc Hưng Thịnh

Nhọt ống tai ngoài là một trong những bệnh lý tai mũi họng thường gặp do sự xâm nhập của tụ cầu khuẩn vào tuyến bã nhờn và nang lông ở ống tai ngoài. Nắm được phác đồ điều trị nhọt ống tai ngoài sẽ giúp người bệnh xử trí đúng cách, giảm nguy cơ biến chứng.

Mặc dù là bộ phận quan trọng đảm nhiệm khả năng nghe và truyền tải âm thanh nhưng tai thường không được quan tâm chăm sóc kỹ lưỡng. Hầu hết chúng ta đều chủ quan và mắc một số sai lầm dẫn đến các bệnh lý ở tai rất thường gặp như viêm ống tai ngoài, nhọt ống tai, viêm tai giữa, thủng màng nhĩ, viêm tai xương chũm…

Trong đó, nhọt ống tai là bệnh lý rất phổ biến, dù không ảnh hưởng tới tính mạng nhưng chúng ta cần biết cách xử lý và phác đồ điều trị nhọt ống tai ngoài chuẩn để không ảnh hưởng đến sức khỏe và ngăn bệnh tái phát.

Tìm hiểu chi tiết về bệnh lý nhọt ống tai

Nhọt ống tai hay còn được biết đến với tên viêm tai ngoài khu trú, đây là bệnh tích viêm nhiễm cấp tính điển hình của viêm tai ngoài. Bệnh hay xảy ra vào mùa hè do tụ cầu khuẩn phát triển mạnh mẽ, và thường gặp nhất ở trẻ em, trẻ sơ sinh, người suy giảm miễn dịch. Nhọt ống tai thường tiến triển theo 2 giai đoạn, do đó phác đồ điều trị nhọt ống tai ngoài cũng sẽ khác nhanh ở từng thời điểm và tình trạng bệnh.

Bật mí phác đồ điều trị nhọt ống tai ngoài hiệu quả và an toàn nhất Nhọt ống tai phổ biến ở trẻ em

Nguyên nhân gây bệnh nhọt ống tai

Theo cấu tạo tai, ống tai ngoài có dạng ống dài 2 – 3cm tính từ cửa tai đến màng nhĩ. Trong ống tai có một lớp da mỏng đặc biệt bao phủ ống tai gồm lông tai, nang lông, tuyến bã, tuyến ráy tai. Trong đó, ráy tai có nhiệm vụ bảo vệ da ống tai không bị bong tróc nhờ đặc tính không thấm nước. 

Bên cạnh đó, ráy tai còn là môi trường axit chứa các thành phần có khả năng ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn, vi nấm trong ống tai. Theo thời gian, ráy tai tiết ra sẽ được đẩy dần về phía cửa tai và thoát ra ngoài tự nhiên. Đây chính là cơ chế tự làm sạch của ống tai. Nhờ đó, ống tai luôn được bảo vệ chống lại sự xâm nhập và phát triển của vi khuẩn, vi nấm.

Bật mí phác đồ điều trị nhọt ống tai ngoài hiệu quả và an toàn nhất 5 Vi khuẩn tụ cầu vàng tấn công gây nhọt ống tai

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân tác động khiến cơ chế bảo vệ này bị phá vỡ, gây tổn thương đến ống tai ngoài hoặc môi trường ẩm ướt, tai tiếp xúc với nguồn nước bẩn khiến cho vi khuẩn, nấm dễ dàng tấn công gây ra nhọt ống tai ngoài. 

Để tìm ra phác đồ điều trị nhọt ống tai ngoài và hạn chế nguy cơ tái phát thì việc xác định nguyên nhân gây bệnh là rất cần thiết. Ngoài nguyên nhân do tụ cầu khuẩn nhóm Staphylocous, nhọt ống tai còn do các yếu tố thuận lợi gây ra như:

  • Bơi lội ở nơi nước bẩn: Đây là tình trạng thường gặp ở nông thôn bởi nguồn nước sông, hồ rất hay bị nhiễm bẩn nhưng lại là nơi bơi lội yêu thích của nhiều người. Đây cũng chính là nguyên nhân phổ biến nhất gây nhọt ống tai mùa hè. Do hầu hết mọi người không biết cách vệ sinh tai sau khi bơi đúng cách khiến nước còn đọng trong tai gây ra tình trạng ẩm ướt trong ống tai làm tăng nguy cơ vi khuẩn, nấm xâm nhập.

  • Chấn thương ống tai do ngoáy tai không đúng cách: Hầu hết mọi người đều không hiểu rõ vai trò của ráy tai, và cho rằng cần lấy ráy tai mỗi ngày. Điều này dẫn đến hành động thường xuyên dùng tăm bông hoặc dụng cụ kim loại để tự lấy ráy tai tại nhà. Tuy nhiên, đây là hành động sai lầm và là nguyên nhân điển hình gây nhọt ống tai do trong quá trình thực hiện đầu tăm bông cọ sát nhiều lần sẽ gây tổn thương da ống tai, đồng thời vô tình đẩy ráy tai và chất bẩn vào sâu bên trong. Lâu dần, chất bẩn tích tụ trong ống tai chính là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công. Hơn nữa, việc lấy ráy tai tại các cửa hàng cắt tóc không đảm bảo vệ sinh và chuyên mông cũng có thể gây trầy xước ống tai, thậm chí thủng màng nhĩ rất nguy hiểm.

  • Dị ứng hóa chất làm tóc: Một số loại hóa chất làm đẹp như keo xịt tóc, thuốc uốn, nhuộm tóc… cũng có khả năng gây kích thích ống tai gây ra nhọt.

  • Người mắc một số bệnh lý mạn tính như viêm da tiết bã, vảy nến, đái tháo đường, chàm…

Bật mí phác đồ điều trị nhọt ống tai ngoài hiệu quả và an toàn nhất 7 Bơi lội ở vùng nước bẩn là một trong những nguyên nhân gây nhọt ống tai

Triệu chứng nhận biết nhọt ống tai ngoài

Bên cạnh phác đồ điều trị nhọt ống tai ngoài thì triệu chứng bệnh cũng là điều mọi người đều quan tâm. Triệu chứng nổi bật nhất khi bị nhọt ống tai ngoài là đau kèm theo sốt nhẹ, đặc biệt đau nhức trong tai, khi ấn hoặc kéo vành tai hoặc khi ngáp, khi nhai đau tăng lên dữ dội.

Vùng da ở ống tai dính chặt vào sụn và là vùng da rất nhạy cảm nên cơn đau nhọt ống tai khiến người bệnh khó chịu hơn rất nhiều so với các bệnh khác, thậm chí mất ăn mất ngủ. Vị trí nhọt càng sâu trong tai thì cơn đau càng tăng lên.

Khi còn nhỏ và non, nhọt chỉ là một nốt gờ lên to bằng hạt ổi màu đỏ hồng, khi chạm vào đau điếng. Tới khi lớn và chín, vùng da xung quanh bị phù nề, lòng ống tai thu hẹp, khó thấy màng nhĩ. Quan sát thấy đầu nhọt có điểm trắng chuẩn bị vỡ. Thông thường chỉ xuất hiện 1 nhọt nhưng cũng có trường hợp người bệnh bị nhiều nhọt cùng lúc. 

Phác đồ điều trị nhọt ống tai ngoài hiệu quả nhất

Nhìn chung, nhọt ống tai ngoài là bệnh lý ở tai thường gặp và việc điều trị cũng không khó. Với những trường hợp nhẹ, nhọt có thể tự vỡ sau vài ngày điều trị tại nhà. Còn với các trường hợp nặng hơn, hoặc đi kèm bội nhiễm thì cần điều trị theo phác đồ tại các cơ sở chuyên môn để đảm bảo an toàn, không tái phát.

Bật mí phác đồ điều trị nhọt ống tai ngoài hiệu quả và an toàn nhất 3 Phác đồ điều trị nhọt ống tai giai đoạn đầu có thể dùng thuốc nhỏ tai mỗi ngày

Phác đồ điều trị nhọt ống tai ngoài chuẩn nhất sẽ theo 2 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn 1 khi nhọt còn non, chưa vỡ, lúc này bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm, hạ sốt, giảm đau toàn thân nhằm cải thiện triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Đồng thời, có thể kết hợp vệ sinh, nhỏ thuốc tai tại chỗ và chườm nóng mỗi ngày giúp tăng tuần hoàn máu, giảm viêm sưng nhằm tăng hiệu quả điều trị.

  • Giai đoạn 2 khi nhọt đã chín bác sĩ sẽ chỉ định chích nhọt bằng cách gây tê tại chỗ, nặn sạch mủ và sát khuẩn tại vị trí có nhọt. Kết hợp sử dụng thuốc kháng sinh toàn thân, thuốc chống viêm và thuốc nhỏ tai. Sau khi chích nhọt ống tai người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi và tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ mà không cần nằm viện. Tuy nhiên, sau thời gian ngoại trú cần tái khám để bác sĩ kiểm tra. Đối với trường hợp nhọt tự vỡ, người bệnh chỉ cần sử dụng thuốc theo chỉ định.

Trên đây là thông tin chi tiết về phác đồ điều trị nhọt ống tai ngoài, hy vọng bạn đọc sẽ có thêm kiến thức bổ ích để xử trí đúng cách khi bản thân hoặc người xung quanh bị nhọt ống tai ngoài.

An An

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)