Nhà thuốc Hưng Thịnh

Áp xe não là tình trạng tích mủ trong nhu mô não xảy ra do nhiễm trùng, biến chứng chấn thương hoặc biến chứng sau phẫu thuật. Đây là căn bệnh khá nguy hiểm nên bất cứ ai cũng nên tìm hiểu chi tiết về nó.

Áp xe não là bệnh lý nhiễm trùng có tích mủ ở não. Bất cứ ai cũng có thể gặp phải căn bệnh nguy hiểm này. Vì vậy, chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan đến áp xe não như: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng bệnh tái phát… là việc làm cần thiết. 

Áp xe não là gì? Biểu hiện áp xe não

Như chúng ta đã biết, bộ não là cơ quan có nhiệm vụ điều khiển mọi hoạt động của cơ thể con người. Não bộ được bảo vệ bởi sọ não, mô xung quanh và hệ thống miễn dịch. Khi vi khuẩn và nấm, ký sinh vượt qua lớp hàng rào bảo vệ này để tấn công vào não sẽ gây ra nhiễm trùng não. 

Bộ não phản ứng lại bằng cách hình thành các khoang trống chứa mủ và tạo thành áp xe não. Vậy áp xe não là gì? Hiểu một cách đơn giản nhất, áp xe não chính là hiện tượng tích mủ trong nhu mô não. 

Tùy tình trạng bệnh, các biểu hiện của áp xe não ở mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau. Đây là 3 dấu hiệu đặc trưng giúp chúng ta sớm nhận biết căn bệnh nguy hiểm này:

Biểu hiện nhiễm trùng: Khi bị nhiễm trùng, cơ thể bệnh nhân tăng nhiệt và bắt đầu sốt cao từ 39 đến 41 độ C. Kèm theo đó là biểu hiện chán ăn, khô môi, mệt mỏi, lưỡi bẩn…

Tăng áp lực nội sọ: Tình trạng này kéo theo những cơn đau đầu âm ỉ, tập trung ở vùng áp xe. Khi thay đổi tư thế hoặc vào thời điểm đêm về, cảm giác đau đớn sẽ gia tăng. Một số bệnh nhân còn xuất hiện cảm giác buồn nôn, nôn ói nhiều thậm chí nôn vọt. Khi áp lực nội sọ tăng, bệnh nhân nôn không thể kiểm soát. Lúc này họ có thể bị lú lẫn, chậm chạp, giao tiếp khó khăn và hôn mê. 

Các vấn đề liên quan đến thần kinh khu trú như: Liệt nửa người (áp xe ở một bên bán cầu), liệt tứ chi (áp xe 2 bên bán cầu), xuất hiện cơn động kinh cục bộ, liệt dây thần kinh sọ não…

áp xe não 1 Ảnh chụp khối áp xe não ở một bệnh nhân

Nguyên nhân áp xe não

Áp xe não được gây ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như: 

  • Các viêm nhiễm từ các vùng lân cận như: Viêm tai xương chũm, tai giữa, xoang… khiến vi khuẩn tấn công lên não gây áp xe. 
  • Các nhiễm trùng từ ổ viêm qua xương sọ như: Viêm mủ dưới màng cứng, viêm da đầu, áp xe răng…
  • Các vết thương xuyên sọ sau phẫu thuật não hoặc chấn thương sọ não bị vi khuẩn tấn công.
  • Vi khuẩn lây lan qua đường máu lên não ở những bệnh nhân bị tim bẩm sinh có đường dò từ phải sang trái, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, tiêm chích qua đường tĩnh mạch…

“Thủ phạm” gây áp xe não có thể là: 

  • Các loại vi khuẩn ái khí, kỵ khí như trực khuẩn đường ruột, tụ cầu vàng, liên cầu,…
  • Các loại nấm như Aspergillus fumigatus hay Candida albicans.
  • Các loại ký sinh trùng như Entamoeba histolytica, Toxoplasma gondii, Echinococcus granulosus, Trypanosoma species, …

áp xe não 2 Theo thống kê, có đến hơn 10% các trường hợp bệnh nhân bị áp xe não không rõ nguyên nhân

Đối tượng có nguy cơ cao bị áp xe não

Dù là bệnh hiếm gặp, tỷ lệ mắc bệnh không cao nhưng bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của áp xe não. Những người trưởng thành trong độ tuổi từ 30 đến 45 là đối tượng mắc bệnh này nhiều nhất. Những đối tượng sau sẽ có nguy cơ bị áp xe não cao hơn những người khác: 

  • Người bị chấn thương vùng đầu và sọ não.
  • Người bị nhiễm trùng ở vùng đầu như răng, mũi, mặt, tai…
  • Người bị các bệnh mãn tính, đặc biệt là tiểu đường.
  • Người mắc bệnh tim bẩm sinh.
  • Người bị viêm màng não.
  • Người có thói quen lạm dụng thuốc chữa bệnh.
  • Người bị suy giảm miễn dịch như bị bệnh nặng, bị ung thư, nhiễm HIV…

Điều trị áp xe não

Tùy nguyên nhân gây bệnh, tình trạng bệnh và sức khỏe của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp điều trị phù hợp. 

  • Trong trường hợp bệnh nhẹ, bệnh nhân sẽ được điều trị nội khoa bằng các loại thuốc kháng sinh liều cao dưới dạng tiêm và uống. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân sẽ được theo dõi liên tục cho đến khi các triệu chứng lâm sàng của bệnh giảm hẳn và hết hoàn toàn. 
  • Nếu áp xe ở não là biến chứng viêm tai giữa, áp xe răng, viêm xoang,… các căn bệnh này cần được điều trị triệt để. 
  • Nếu điều trị bằng kháng sinh không đạt hiệu quả như mong đợi, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật ngoại khoa (với ổ áp xe nông) hoặc chọc hút ổ áp xe (với ổ ở vị trí sâu). 

áp xe não 3 Bệnh nhân phẫu thuật ổ áp xe não nằm ở vị trí sâu

Áp xe não có tái phát không?

Theo các bác sĩ, những người từng bị áp xe não cần được theo dõi suốt đời. Ngay cả khi đã được chữa khỏi hoàn toàn, bệnh vẫn có thể tái phát. Một số trường hợp bệnh áp xe não tái phát ngay khi bệnh nhân chưa xuất viện hoặc sau xuất viện chỉ vài tuần. Một số khác bệnh tái phát lại sau vài năm hoặc hơn 10 năm.

Dù căn bệnh nguy hiểm này có nguy cơ tái phát, nhưng thật may là có những cách phòng bệnh tái phát hiệu quả. Trong suốt quá trình tự chăm sóc bản thân sau điều trị, người từng bị áp xe não cần chú ý điều trị triệt để căn nguyên gây bệnh. Đây chính là cách phòng bệnh hiệu quả và lâu dài nhất. Cụ thể là:

  • Vệ sinh răng miệng đúng cách hàng ngày để phòng các bệnh liên quan đến răng miệng dẫn đến áp xe não. Chăm sóc tai – mũi – họng đúng cách để hạn chế viêm tai – mũi – họng.
  • Điều trị viêm xoang dứt điểm để phòng áp xe não do viêm xoang.
  • Bệnh nhân bị HIV/AIDS nên được điều trị bằng thuốc chống virus (AntiRetroviral) theo chỉ định của bác sĩ. 
  • Bệnh nhân bị mắc bệnh nặng, ung thư cần chữa trị kịp thời. 
  • Người bị suy giảm miễn dịch cần tăng cường miễn dịch cơ thể bằng chế độ ăn uống khoa học và các loại thuốc bổ…

Áp xe não là bệnh lý khá nguy hiểm, tuy không nhiều người mắc phải nhưng tỷ lệ tử vong có thể lên đến 80%. Nắm bắt các triệu chứng áp xe ở não giúp phát hiện sớm và trị lành bệnh nhanh chóng. Và bạn cũng đừng quên, căn bệnh này có thể tái phát vào bất cứ lúc nào. Chủ động áp dụng các biện pháp chủ động phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cho chính mình bạn nhé! 

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)