Nhà thuốc Hưng Thịnh

Ngay từ trong bụng mẹ trẻ cũng đã có thể bị suy dinh dưỡng nếu mẹ không chú ý quan tâm đến sức khỏe của mình. Có 5 yếu tố nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai mà mẹ nên lưu ý để bảo vệ bé ngay trong thai kỳ.

Suy dinh dưỡng bào thai

Suy dinh dưỡng bào thai là thể suy dinh dưỡng được thể hiện sớm nhất trong giai đoạn đầu đời của trẻ. Trẻ sinh ra bị nhẹ cân dưới 2.5kg mặc dù đủ tháng. Rất ít dấu hiệu nhận biết suy dinh dưỡng bào thai nên khó phát hiện được.

Suy dinh dưỡng thường xảy ra ở 3 tháng cuối của thai kỳ, làm cho bộ não của trẻ chậm phát triển. Trẻ sinh ra sẽ kém thông minh, dễ mắc các bệnh về tim mạch, bệnh máu và dị tật bẩm sinh.

yếu tố nguy cơ suy dinh dưỡng 01Suy dinh dưỡng thường xảy ra ở 3 tháng cuối của thai kỳ, làm cho bộ não của trẻ chậm phát triển

5 yếu tố dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai

Trong giai đoạn thai kỳ có 5 yếu tố nguy cơ suy dinh dưỡng mà nếu mẹ vô tình không để ý sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng bào thai, nhất là trong 3 tháng cuối thai kỳ.

Ăn quá nhiều

Mẹ ăn nhiều nhưng nếu không đầy đủ 4 nhóm chất trong thực phẩm thì cũng sẽ khiến thai nhi bị thiếu đa vi chất, dẫn đến chậm phát triển.

Ăn nhiều còn dễ dẫn tới béo phì, thừa cân sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi như sinh non, tiểu đường, sinh mổ, thậm chí là thai lưu.

Vì thế thay vì ăn nhiều hay ăn hoài một món mẹ thích, mẹ nên ăn mỗi loại thực phẩm một ít, đa dạng nhóm chất để tốt cho thai nhi.

Cơ thể mẹ thiếu sắt

Hoạt động enzyme của các mô sẽ ngay lập tức gặp trục trặc khi cơ thể mẹ thiếu sắt. Đây là yếu tố chính gây ra bệnh tật và tử vong cho thai phụ, đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Nhờ sự tăng bài xuất của protein vận chuyển sắt ở nhau thai, thai nhi được cung cấp sắt từ cơ thể mẹ. Khi cơ thể mẹ thiếu sắt sẽ khiến thai nhi bị kém phát triển dễ sinh non, sinh con nhẹ cân, có thể bong nhau thai và tăng mất máu trong lúc chuyển dạ rất nguy hiểm.

Mẹ hay ăn đêm

Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, mẹ hay ăn đêm không những không cung cấp được dinh dưỡng cho thai nhi mà còn là một trong những yếu tố nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai.

Từ sau 11 giờ đêm là thời điểm thư giãn cho cả mẹ và em bé trong bụng. Nhiều mẹ luôn cảm giác đói vào ban đêm. Tuy nhiên ăn đêm sẽ khiến cho dạ dày hoạt động một cách bất đắc dĩ, ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ của mẹ và sự phát triển của thai trong bụng.

Cách tốt nhất để không bị đói mà vẫn đảm bảo được sức khỏe là mẹ nên uống 1 cốc sữa trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng. Sữa sẽ giúp mẹ ngủ ngon hơn và có lợi cho sức khỏe cả mẹ và bé.

yếu tố nguy cơ suy dinh dưỡng 02Mẹ nên uống 1 cốc sữa trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng thay vì ăn đêm

Bổ sung canxi quá sớm

Sử dụng sớm hoặc quá nhiều canxi cũng là nguyên nhân khiến thai bị suy dinh dưỡng. Canxi sẽ đọng lại ở bánh nhau, làm giảm sự trao đổi dưỡng chất, khiến thai kém phát triển.

Ngoài ra việc bổ sung canxi không đúng cách còn dễ khiến mẹ bị các bệnh về sỏi đường tiết niệu, sỏi thận rất nguy hiểm trong thời kỳ mang thai.

Để biết khi nào nên bổ sung canxi và liều lượng như thế nào là thích hợp mẹ nên đi khám định kỳ thường xuyên và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống.

Môi trường ô nhiễm, áp lực công việc

Môi trường xã hội, môi trường sống, môi trường làm việc,… đều ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Khi mang thai, cơ thể mẹ chính là môi trường để con phát triển. Nếu cơ thể mẹ mệt mỏi, tinh thần căng thẳng, thiếu năng lượng, lao động nặng nhọc sẽ ảnh hưởng đến phát triển của thai nhi và có nguy cơ sảy thai cao.

Làm gì khi bào thai có dấu hiệu suy dinh dưỡng?

Theo TS dinh dưỡng Nguyễn Thị Lâm cho biết: “Trẻ bị suy dinh dưỡng trong bào thai vẫn có thể khắc phục được và phát triển như trẻ bình thường nếu được nuôi dưỡng tốt, đúng cách. Tuy nhiên, khi sinh ra hệ thống tiêu hóa của trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai sẽ kém hoàn thiện hơn, vì vậy việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ thời kỳ này cần được các bà mẹ lưu tâm hơn”.

yếu tố nguy cơ suy dinh dưỡng 03Suy dinh dưỡng trong bào thai vẫn có thể khắc phục được và phát triển như trẻ bình thường

Để có thể hạn chế và khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng bào thai mẹ nên thực hiện một chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, nhẹ nhàng.

  • Ăn đủ chất: ăn đa dạng các loại thực phẩm, ăn nhiều trái cây tươi, rau củ, hạt, thực phẩm giàu protein. Ăn các thức ăn có giàu đạm, canxi như tôm, cua, trứng, sữa.
  • Nghỉ ngơi, thư giãn: dành nhiều thời gian cho việc nghỉ ngơi để cơ thể hồi phục năng lượng, thư giãn đầu óc để tinh thần thoải mái, hạn chế stress.
  • Không uống rượu, bia, chất kích thích: tuyệt đối không dùng bia, rượu hay cà phê khi mang thai, đặc biệt mẹ nên tránh tiếp xúc với khói thuốc lá trong giai đoạn nhạy cảm này.
  • Uống sắt và vitamin: bổ sung thêm các loại vitamin như vitamin B1, B6, vitamin E, sắt, folate, canxi… theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Khám thai định kỳ: mẹ cần chú ý đi khám thai theo lịch định kỳ thường xuyên để kịp thời phát hiện các yếu tố nguy cơ suy dinh dưỡng ở bé.

Phan Ngọc Ánh

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)