Nhà thuốc Hưng Thịnh

Viêm màng não là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm thường xảy ra với trẻ em. Nếu nhận biết sớm dấu hiệu trẻ bị viêm màng não, nguy cơ biến chứng nặng sẽ giảm đi đáng kể.

Viêm màng não là tình trạng viêm ở lớp màng bao bọc bảo vệ não và tủy sống. Bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là trẻ em. Đây cũng là nhóm đối tượng có tỷ lệ người lành mang bệnh cao nhất. Nếu chỉ được điều trị sau 3 ngày bệnh khởi phát, tỷ lệ tử vong của căn bệnh có thể lên đến 28%. Vì vậy, nhận biết sớm dấu hiệu trẻ bị viêm màng não vô cùng quan trọng.

Sốt cao đột ngột từ 39 độ C đến 41 độ C

Triệu chứng đầu tiên của trẻ bị viêm màng não là thân nhiệt cao đột ngột. Hầu hết trẻ đều sốt trên 39 độ C. Có những trường hợp trẻ sốt đến 41 độ C. Cùng với sốt, trẻ sẽ có cảm giác lạnh, muốn đắp chăn hoặc được ủ ấm. Nhưng đây cũng là biểu hiện của nhiều bệnh dịch khác nên ít khi ba mẹ nghĩ đến bệnh viêm màng não.

dấu hiệu trẻ bị viêm màng não 1 Trẻ viêm màng não có thể sốt cao 39 đến 41 độ C

Trẻ đau đầu dữ dội

Theo ghi nhận là nhiều trẻ viêm màng não, bé có thể bị những cơn đau đầu dữ dội thậm chí không thể chịu được. Một số trẻ lớn miêu tả lại cảm giác đau cổ, khó cử động cổ như bình thường. Dấu hiệu viêm màng não ở trẻ sơ sinh khi các bé chưa thể nói được là thóp trẻ bị sưng phồng. Ba mẹ nên quan sát dấu hiệu quan trọng này khi con quấy khóc bất thường. 

dấu hiệu trẻ bị viêm màng não 2 Đau đầu do viêm màng não gây khó chịu hơn đau đầu thông thường rất nhiều

Chứng song thị hay nhìn đôi

Song thị hay nhìn đôi là tình trạng mắt nhìn một thành hai. Chứng song thị có thể xảy ra với một mắt hoặc cả 2 mắt. Những ảnh hưởng của màng não bị viêm đến đầu mút những dây thần kinh, hoặc biến chứng co giật, động kinh của viêm màng não cũng gây ra tình trạng này. 

dấu hiệu trẻ bị viêm màng não 3 Chứng song thị khiến trẻ nhìn 1 thành 2

Chứng sợ ánh sáng

Một dấu hiệu trẻ bị viêm màng não khác cũng thường gặp là chứng sợ ánh sáng chói. Ánh sáng mặt trời hay đèn điện khi quá sáng cũng có thể khiến mắt trẻ đau nhức, chảy nước mắt, khó chịu. Đây là lý do nhiều trẻ bị viêm màng não hay có biểu hiện nheo mắt, nhắm mắt, buồn nôn hay đau đầu.

Nôn ói kèm đau bụng

Với trẻ sơ sinh, khi bị viêm màng não trẻ sẽ bỏ ăn, chán chơi. Trẻ lớn hơn ăn không cảm thấy ngon miệng. Nhiều trẻ có cảm giác buồn nôn thường trực, nôn ói nhiều hay nôn vọt. Đi kèm với đó có thể triệu chứng đau bụng.

dấu hiệu trẻ bị viêm màng não 4 Trẻ bị viêm màng não cũng thường có biểu hiện nôn ói kèm đau bụng

Trẻ nằm ở tư thế cò súng 

Một dấu hiệu khá điển hình ở nhiều trẻ bị viêm màng não là nằm tư thế cò súng. Tư thế cò súng là tư thế trẻ nằm nghiêng, ngửa đầu ra sau, 2 tay và đầu gối co lại, lưng cong. Khi ba mẹ cố thay đổi tư thế nằm của bé, bé sẽ trở lại đúng tư thế này. 

dấu hiệu trẻ bị viêm màng não 5 Trẻ nằm tư thế cò súng ở trẻ viêm màng não

Trẻ không thể duỗi thẳng chân

Nhiều trẻ bị viêm màng não sẽ không thể duỗi thẳng chân. Để kiểm tra, ba mẹ có thể đặt con nằm ngửa rồi gấp cẳng chân 1 bên lên để đùi gập vào bụng. Những trẻ bị viêm màng não chân còn lại cũng sẽ co lại theo. Hoặc ba mẹ có thể nâng đùi bé lên góc khoảng 90 độ so với thân mình. Sau đó từ từ nâng cẳng chân con lên vuông góc với đùi. Trẻ bị viêm màng não khó có thể nâng cẳng chân hoặc chỉ nâng được rất ít vì các cơ cẳng chân và cơ sau đùi bị co cứng. 

dấu hiệu trẻ bị viêm màng não 5 Trẻ bị viêm màng não bị co cứng các cơ đùi sau và cẳng chân

Xuất hiện nốt ban đỏ hoặc tử ban trên da

Các nốt ban đỏ hoặc tử ban trên da cũng là dấu hiệu trẻ bị viêm màng não rất điển hình. Các vết ban thường xuất hiện sau sốt từ 1 – 2 ngày. Ban đầu chúng có hình sao, đường kính 1 – 5mm. Sau đó có thể sẽ gộp lại thành đám, màu xanh tím hoặc đỏ thẫm. Đôi khi ở vết tử ban sẽ xuất hiện hoại tử vùng trung tâm. Những vết tử ban tập trung nhiều từ phần hông xuống 2 chi dưới.

Co giật ở một bộ phận trên cơ thể hoặc toàn thân

Theo thống kê, có khoảng 40% trẻ có biểu hiện co giật nếu bị viêm màng não cấp tính do vi khuẩn. Trẻ bị viêm màng não có thể bị co giật ở một trong các bộ phận mắt, miệng, chân, tay hoặc co giật toàn thân. Nguyên nhân có thể do trẻ sốt cao hoặc rối loạn điện giải. Tình trạng này thường gặp nhất ở trẻ từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi.

Biểu hiện rối loạn ý thức

Nhiều trẻ khi bị viêm màng não bị kích động thần kinh. Sau đó trẻ có thể rơi vào trạng thái lơ mơ, lờ đờ, ngủ li bì hoặc hôn mê. Có khoảng 12% trẻ bị viêm màng não cấp tính do vi khuẩn có biểu hiện hôn mê. Đây cũng là dấu hiệu trẻ bị viêm màng não khá điển hình cha mẹ cần lưu ý. 

dấu hiệu trẻ bị viêm màng não 6 Nhiều bé ngủ li bì hoặc hôn mê khi mắc viêm màng não

Dấu hiệu giảm vận động hoặc liệt

Trẻ bị viêm màng não có triệu chứng nặng có thể bị giảm vận động ở tay, chân, cổ hoặc nửa người. Nhiều trẻ bị liệt mặt, liệt chi dưới hoặc liệt nửa người. Đây là những triệu chứng xuất hiện muộn khi bệnh đã trở nặng nên gia đình cần đặc biệt lưu ý. Nếu phát hiện quá muộn, nguy cơ trẻ phải mang di chứng sau khi điều trị rất cao. 

Khi thấy bất kỳ dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm màng não trên đây, gia đình nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và làm các xét nghiệm chuyên biệt. Các bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời để hạn chế tối đa biến chứng viêm màng não có thể xảy ra với bé. 

Người Việt ta luôn có câu: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Viêm màng não là bệnh lý thần kinh nghiêm trọng có tỷ lệ tử vong và di chứng khá cao. Tốt nhất, các gia đình nên cho trẻ tiêm phòng viêm màng não mủ đầy đủ để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh. Các loại vắc xin viêm màng não được sử dụng ở Việt Nam hiện nay được chứng minh có thể mang lại hiệu quả phòng bệnh đến 90%. 

Cần lưu ý, các biểu hiện ban đầu của bệnh viêm màng não khá giống các bệnh chân tay miệng, cúm mùa, sốt virus… Chính điều này khiến các bậc phụ huynh nhầm lẫn, thậm chí có tâm lý chủ quan. Vì vậy, khi nhận thấy dấu hiệu trẻ bị viêm màng não như kể trên và khu vực trẻ sinh sống, học tập đang có dịch, gia đình nên đưa bé đến bệnh viện càng sớm càng tốt. 

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)